Hôm nay khám bệnh cho một bệnh nhân mà Ngọc Hằng vừa thương vừa tội. Cô bệnh nhân này bệnh thân không nhiều nhưng tâm bệnh lại quá nặng và trên người cô không chỗ nào là không giải phẫu thẩm mỹ còn phấn son nữ trang đầy người. Theo lời cô kể ngày xưa cô rất đẹp được chồng cưng chìu rồi chồng cô ngoại tình. Cho rằng vì cô không còn đẹp như xưa nên cô ra sức đi thẩm mỹ viện và hậu quả là càng sửa càng xấu, vợ chồng lại cãi nhau thường xuyên hơn. Chuyện gì đến phải đến, hai vợ chồng ra tòa ly dị trong sự khổ đau tột cùng của cô vì cho rằng mình đã thất bại.
Nhìn cô Ngọc Hằng nhớ đến công việc mà ngày đầu khi đặt chân đến Mỹ, Ngọc Hằng từng làm việc cho thẩm mỹ viện của bà Ngọc Hằng ở California nên chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện buồn cười. Không chỉ có các bà các cô vung tiền đi thẩm mỹ viện mà kể cả các đấng mày râu đủ lứa tuổi cũng đến đây chỉnh sửa, giải phẫu nhưng không bao giờ hài lòng ở bản thân mình. Các loại mỹ phẩm, phấn son nào đắt tiền nhất họ đều chi tiền mua dùng không biết tiếc, chỉ cần quảng cáo một chút mà thôi. Họ đâu có biết dù có là mỹ phẩm gì cũng đều là có hóa chất cả nên một khi đã dùng, đã quen trang điểm là phải dùng mãi nếu tẩy trang da nhìn rất nhợt nhạt, không có sức sống.Tâm của họ không bao giờ yên, lúc nào cũng lo lắng người khác nhận xét về mình nên lại đổ bao nhiêu tiền chăm lo cho nhan sắc, cho cái vẻ bề ngoài của mình bất chấp tất cả. Có người làm việc rất cực khổ, tiền không bao nhiêu nhưng sẵn sàng chi rất nhiều tiền, kể cả vay mượn để giải phẫu thẩm mỹ hay mua mỹ phẩm. Tuy vẻ bề ngoài đôi khi có thể đẹp hơn một chút nhưng nhiều cô nhà cửa vẫn tan nát, người thân yêu vẫn không thương nên sự oán hờn càng tăng lên với những ý định trả thù đến lạnh người.
Ngọc Hằng dù từng làm ở thẩm mỹ viện và đến cả bây giờ chưa bao giờ dùng mỹ phẩm vì thấy đó không khác nào một sự nô lệ ở bề ngoài. Nhìn những hình ảnh ở thẩm mỹ viện và từ khi hiểu thêm về Phật giáo, Ngọc Hằng càng thấy quyết định của mình là đúng. Con người đẹp nhất ở tâm chứ không phải ở bề ngoài và "tướng tự tâm sanh, tướng tùng tâm diệt." Vẻ bề ngoài dù có chăm chút đến đâu, có tốn tiền bạc cung phụng đến đâu rồi cũng phải già nua, chết đi còn thua cả một khúc củi bên đường vì không ai muốn nhặt nhìn. Vả lại, người dù có đẹp thế nào mà tâm bất thiện đều làm mọi người lánh sợ. Vì vậy, Phật dạy không sai hãy lo chăm bón cho vườn tâm của mình vì đó là nhân quả nghiệp báo sẽ mãi theo mình suốt mọi duyên kiếp còn thân xác chỉ là vô thường không mãi theo mình tại sao lại phải khổ đau, làm nô lệ cung phụng. Nhân đây Ngọc Hằng xin kể cho các bạn nghe câu chuyện "Bạn Yêu Ai Trong Bốn Bà Vợ Của Mình" để biết mình nên sống và hành xử thế nào để có lợi nhất trong hiện kiếp và ở tương lai.
"Một ông trưởng giả có bốn bà vợ. Bà vợ thứ nhất, ông yêu thương rất mực. Đi đâu ông cũng dẫn bà đi theo. Ăn uống cũng có nhau, chi ngọt xẻ bùi cùng nhau. Các cuộc vui chơi, ông đều đem bà theo. Ông không rời bà nửa bước.
Bà vợ thứ hai, ông cũng quý trọng nhưng không bằng bà thứ nhất. Ông rất khổ công tìm kiếm để cưới bà. Có bà thì ông vui, không có bà thì ông buồn. Muốn làm việc gì, có bà thì thành công, không có bà thì thất bại. Ông quý mến bà thì bà đem lại thành công và hạnh phúc cho ông.
Bà vợ thứ ba, ông cũng quý mến vì có lúc cùng chia ngọt xẻ bùi, đồng lao cộng khổ. Giúp đỡ nhau lúc ngặt nghèo, chia vui lúc thành đạt. Nhưng ông thương yêu không bằng bà thứ hai.
Bà vợ thứ tư thì hình như ông quên lãng. Sự có mặt của bà, ông không bao giờ quan tâm đến. Ông bỏ mặc bà, không cần chăm sóc. Nhưng ngược lại, bà hết sức thương ông, không bao giờ rời ông. Việc làm của ông, bà đều biết, mặc dù ông không để ý bà.
Đến khi ông trưởng giả sắp chết, ông nói với bà thứ nhất, “Một mai tôi chết, bà chết theo tôi cho trọn niềm chung thủy.”
Bà thứ nhất đáp, “Mặc dù ông quý mến thương yêu tôi rất mực, nhưng việc chết sống không thể theo nhau được.”
Ông trưởng giả bất mãn, rất buồn, đến nói với bà thứ hai cũng tương tợ.
Bà thứ hai trả lời, “Tuy ông quý trọng tôi, giữ gìn chăm sóc tôi, bảo vệ tôi, nhưng việc chết sống thì đường ai nấy đi. Tôi không thể theo ông được. Tôi cho ông biết, ông chết rồi tôi sẽ có chồng khác.”
Ông trưởng giả nghe bà nói quá bạc tình, ông buồn bã, chán nản. Ông đi tìm bà thứ ba nói tương tự.
Bà thứ ba nói, “Tuy ông thương tôi, tôi cũng thương ông, nhưng việc chết sống không thể theo nhau được. Bất quá, tôi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng rồi sau quên mất.”
Ông trưởng giả nghe bà này nói cũng không chung thủy chút nào. Ông đâm ra buồn vô hạn. Ông đi đến bà thứ tư và nói như trước.
Bà thứ tư nói, “Tuy ông không để ý quan tâm đến tôi, nhưng lúc nào tôi cũng quan tâm để ý đến ông. Ông làm việc gì tôi đều biết cả. Khi ông chết, tôi sẽ chết theo ông.” Ông trưởng giả không ngờ bà này lại chung thủy, tận tình đến thế.
Đức Phật dạy: Bà thứ nhứt là tượng trưng cho thân ta. Thân ta thì ai cũng quý trọng, nuôi dưỡng tử tế, cho thân ăn ngon, mặc đẹp, ở sang. Lâu lâu dẫn đi du lịch chỗ này chỗ kia, yêu thương tấm thân rất mực, nhưng đến khi chết thì đành bỏ lại, thành tro, thành đất. Thân này rất là bạc bẽo với chúng ta, không một chút biết ơn. Có khi vì nói mà ta tạo tội để bị đọa đày, khổ đau.
Bà thứ hai là thí dụ cho tiền bạc, của cải. Tiền bạc, của cải thì ai cũng khổ tâm tìm cầu, tích lũy. Ăn cũng không dám ăn, mặc cũng không dám mặc, cho ai chừng một chục, một trăm đều tiếc. Nhưng khi nhắm mắt xuôi tay thì đành để lại cho người khác, đúng là “ông chết, tôi liền có chồng khác.” Bạc là vàng bạc, tiền bạc, mà bạc cũng có nghĩa là bạc bẽo. Có biết bao nhiêu người chỉ vì tiền bạc mà bị khổ đau.
Bà thứ ba là dụ cho quyến thuộc, bà con. Quyến thuộc, bà con thì cũng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Khi người thân qua đời thì họ cũng bùi ngùi, xúc động, đau lòng. Nhưng sau khi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng, về nhà năm ba ngày sau thì họ quên mất. Đúng là:
Bà con cũng ví chim chung ngủ
Đến sáng ra rồi mỗi tự bay.
Chí thân như cha con, vợ chồng cũng không ai thế được ai khi vô thường xảy đến.
Bà thứ tư là dụ cho hành nghiệp thiện ác. Hành nghiệp là việc làm của mình nhưng không bao giờ để ý. Chúng không bao giờ mất mà theo mình như bóng theo hình. Hễ tạo nhân thì phải chịu quả báo. Làm việc có quả báo lành. Làm ác phải chịu quả dữ. Không sai một mảy may.
Thế mà chúng ta lại quên hành thiện nghiệp, hàng ngày, vô tình hay cố ý làm ác để rồi phải chịu quả khổ đắng cay.
Cha mẹ ơn sâu còn vĩnh biệt
Vợ chồng nghĩa nặng cũng chia ly.
Số trời dù hết, tình nào hết
Sông nước dù vơi, lệ chẳng rơi."
Ngọc Hằng