VẤN: Hàng năm cứ đến Tết, đúng giao thừa là con bắt đầu xuất hành đi chùa. Dù con không mê tín nhưng gia đình cứ dặn khi xuất hành phải xem hướng, rồi tìm người xông tuổi cho hợp thì làm ăn mới phát tài. Mẹ con dạy có thờ có thiêng có kiêng có lành. Để làm hài lòng mọi người nên gia đình cứ xem bói, lên mạng xem báo bói toán xem hướng xem giờ xuất hành đôi khi loạn cả lên làm con rất mệt. Xin Sư cho con biết việc xem hướng, chọn người xông đất là có ảnh hưởng đến may mắn đầu năm không? Tại sao lại ảnh hưởng? Đầu năm con nên làm gì để có được hạnh phúc may mắn cho năm mới sắp về. Con xin cảm ơn.

ĐÁP: Theo phong tục cổ truyền tết Nguyên Đán bắt đầu từ giao thừa. Nên ông bà thường khuyên con cháu kể từ giờ phút này nên vui vẻ với nhau, không nên cãi cọ, không làm vỡ chén bát. Còn ông bà, cha mẹ lo lễ cúng giao thừa, là lễ cúng đưa tiễn các vị hành khiến năm cũ và đón rước các vị hành khiến năm mới ở ngoài sân, và trong nhà thì cúng ông bà tổ tiên…

Mùa xuân đến với mọi nhà, mọi người không phân biệt có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Đón xuân có nhiều tập tục xưa, mà nay vẫn còn thực hiện, không thể một sớm một chiều mà dứt bỏ được, như: xem hướng xuất hành, xông đất, hái lộc…Theo Phật giáo thì không có các việc làm như trên, đức Phật không cho phép đệ tử của Ngài làm các việc mê tín dị đoan. Tuy nhiên làm con Phật, chúng ta không thể không hiểu biết về những tập tục phong hóa nhân văn dân tộc.

Xuất hành: Trong năm mới, ngoài việc chọn người hợp tuổi xông nhà, chọn ngày đẹp khai trương, người Việt Nam còn có thói quen chọn hướng xuất hành để cầu may mắn trong cả năm. Hướng xuất hành là hướng đầu tiên khi bước chân ra khỏi nhà vào đầu năm mới. Cùng với việc chọn ngày giờ xuất hành, chọn được hướng xuất hành tốt có thể giúp gia chủ gặp thêm nhiều may mắn.
Để chọn hướng xuất hành, cần tìm hướng có Hỷ Thần hoặc Tài Thần, tránh Hạc Thần. Ba loại thần sát chỉ phương hướng đó thay đổi hướng theo ngày can chi cả năm.

Nếu xuất hành vào ngày mùng 1 Tết, nên xuất hành theo hướng Đông (Tài Thần) hoặc hướng Nam (Hỷ Thần). Vào ngày này Hạc Thần ở trên trời nên không cần quan tâm.

Nếu xuất hành vào ngày mùng 2 Tết, nên xuất hành theo hướng Bắc (Tài Thần) hoặc hướng Đông Nam (Hỷ Thần). Vào ngày này Hạc Thần ở trên trời nên không cần quan tâm.

Nếu xuất hành vào ngày mùng 3 Tết, nên xuất hành theo hướng Nam (Tài Thần). Hướng Đông Bắc được Hỷ Thần đóng là tốt nhưng cũng là hướng có Hạc Thần (xấu), nên tốt xấu trung hòa chỉ là bình thường.

Nếu xuất hành vào ngày mùng 4 Tết, nên xuất hành theo hướng Tây Nam (Tài Thần) hoặc hướng Tây Bắc (Hỷ Thần). Tránh hướng Đông Bắc (Hạc Thần) là hướng xấu.

Nếu xuất hành vào ngày mùng 5 Tết, nên xuất hành theo hướng Tây Nam (Tài Thần) hoặc hướng Tây Nam (Hỷ Thần). Tránh hướng Đông Bắc (Hạc Thần) là hướng xấu.

Xông đất: Tục lệ xông đất đã có lâu đời ở nước ta. Người dân Việt Nam quan niệm ngày mồng một là ngày đầu của một năm. Họ cho rằng vào ngày mồng Một, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, mau mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối một năm, mọi người có ý tìm xem những người nào vui vẻ, linh hoạt, đạo đức, và thành công trong bà con hay láng giềng để nhờ sang thăm. Tục này gọi là tục xông đất. Người khách đến xông đất phải đến thăm sáng sớm ngày mùng Một (vì muốn là người khách đầu tiên), mang theo quà biếu như trái cây, bánh mứt, và tiền lì xì cho trẻ con trong nhà. Chủ nhà, do đã sắp đặt trước, sẽ tiếp đón niềm nở và nhận những lời chúc tốt lành. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.

Hái Lộc: Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Ở vào thời khắc giao thừa và ngày Tết, dân chúng có tục lệ đi hái lộc đầu xuân và đến đình chùa xin lộc, xin được ban ơn và cầu phúc cầu tài.

"Lộc" có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ 2 là bổng lộc. Trong "hái lộc đầu xuân", lộc là 1 mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá. Theo tục người xưa, đầu năm, dân chúng thường ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái 1 nhánh non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ để hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình.

 Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân có thể gây ra sự phá hoại môi sinh.

Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, tương lai xán lạn và lâu dài đang chờ ở phía trước. Trong đêm sương lạnh, bạn ngồi cạnh chậu hoa và lắng nghe, bạn sẽ nghe và thấy tiếng chồi non cựa mình vươn ra, góp phần xuân sắc với đời. Cái mong manh của chồi non cần được ấp yêu chăm sóc, cái tương lai của mầm non mang đầy sức sống ấy làm chúng ta nghĩ đến những điều tốt đẹp và muốn hoàn thiện mình.

Lộc chỉ đẹp và mang đến cho ta niềm hy vọng, sự yêu đời khi ta biết nâng niu. Vào sân chùa bẻ cả 1 cành mai không phải là hái lộc (thậm chí có người còn quan niệm cành càng to, lộc càng nhiều). Rước 3 thẻ nhang về nhà cũng không phải là hái lộc mà có khi còn gây tai nạn cho người chạy xe phía sau. Lộc không phải là những vật thể rõ ràng và dễ chiếm hữu như thế.

Đại Việt sử ký toàn thư, trang 225 có viết: Năm 1126, vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây. Từ thực tế hái lộc đầu xuân đang diễn ra, chúng ta thấy luật này của vua Lý đã đạt đến độ chân - thiện - mỹ. Rõ ràng luật của cây cối là xuân sanh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn. Chặt cây cối trong mùa xuân là tử hình sự sống, tử hình mùa xuân. Nhìn cây cối có chồi non, lộc biếc, ra hoa, nở nụ, chúng ta nên nghĩ luật này tượng trưng cho quyền thiêng liêng nhất của con người: quyền của sự sống trên sự chết, sự sống của mình nơi sự sống của người khác, nơi sự sống của mọi vật xung quanh.

Và, trong sương đêm se lạnh, trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, trong sự tịnh tâm nhìn lại mình, sân chùa và vườn cây cho ta nguồn hy vọng bất tận về tương lai, đó là Lộc.

Hái lộc, xuất hành, xông đất là nét văn hóa, phong tục tập quán dân tộc Việt Nam, làm người Việt Nam dù là Phật tử hay không, chúng ta không nên không hiểu biết.

Kính chúc quý Phật tử và gia đình một năm mới Quý Tỵ vui vẻ an khang thịnh vượng.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Xông Đất, Hái Lộc, Xem Bói, Chọn Ngày Giờ Xuất Hành Có Ảnh Hưởng Đến May Mắn Đầu Năm Không? ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com