Oai nghi là cung cách hành xử của Sa Di.

1. Kính Tam Bảo: Kính Phật, kính Pháp và kính Tăng:

Kính Phật là tỏ lòng tôn kính Thế Tôn qua các cử chỉ hằng ngày trước ảnh, tượng Thế Tôn; và tỏ lòng tôn kính trí tuệ giải thoát của tự thân.

Kính Pháp là tôn kính các lời dạy của Thế Tôn (tôn kính kinh điển), và tôn kính tâm thanh tịnh cũng như đời sống phạm hạnh của tự thân, biểu hiện qua các hành động cử chỉ hằng ngày.

Kính Tăng là tôn kính chư đại đệ tử của Thế Tôn thời Thế Tôn tại thế, tôn kính đoàn thể Tăng già hiện tại, và kính trọng sự hòa ái trong đời sống xuất gia.

Oai nghi này nhằm nuôi dưỡng lòng tôn kính của người tu.

2. Kính đại Sa môn:

Bao gồm các cử chỉ cụ thể như:

- Tránh việc gọi thẳng tên của đại Tăng.

- Không nghe lén giới Bồ tát và Tỷ kheo.

- Nhường lối đi và tỏ vẻ cung kính trước đại Tăng, trừ các lúc đọc kinh, lúc ăn, lúc bệnh và lúc làm việc của Tăng chúng.

- Không được nói lỗi của chư Tăng.

- Không làm các việc gây phiền muộn cho chư Tăng.

Oai nghi nầy nhằm nuôi dưỡng tâm kính trọng người trên.

3. Thờ thầy:

Việc phục vụ bậc thầy hướng dẫn xuất gia bao gồm các việc cụ thể có quy định, như:

- Hết lòng thương kính thầy.

- Vâng lời thầy dạy.

- Gần gũi thầy để nhận sự chỉ dạy đúng luật, pháp.

- Ngủ sau thầy và thức dậy trước thầy để giúp thầy các việc cần thiết.

- Ðằng hắng hay búng tay (hoặc gõ cửa nhẹ) trước khi muốn vào phòng thầy. Nếu thầy cho phép và mở cửa, mới vào.

- Lúc đứng hầu cạnh thầy, chỉ thưa chuyện khi thầy hỏi. Ðứng yên lặng mà không dựa hay ngồi.

- Lúc thầy hành thiền, thọ thực, vệ sinh, ngủ nghỉ, tắm rửa, kinh hành, thì không được thi lễ.

Oai nghi này dạy cung cách hầu thầy rất tế nhị.

4. Theo thầy đi ra ngoài:

Thực hiện các điều:

- Không ghé qua nhà khác ở dọc đường.

- Không dừng nói chuyện dọc đường.

- Ði không quay nhìn hai bên đường.

- Ðến nhà đàn việt, chỉ ngồi khi thầy bảo; nếu không thì chỉ đứng sau lưng thầy.

- Ðến chùa khác, không được tự tiện sử dụng các pháp khí, nếu không được chùa yêu cầu.

- Dọc đường thường nghĩ tưởng các pháp là vô ngã, vô thường và không thật để khỏi bị các sắc trần quyến rũ.

Oai nghi này dạy tác phong nghiêm chỉnh, lịch sự và tâm giác tỉnh giữa quần chúng.

5. Vào chúng:

Giữa chúng Tăng Sa Di thực hiện các điều:

- Không tranh chỗ ngồi,

- Không gọi với, không nói hay la lớn tiếng;

- Không nói điều xấu của người khác; chỉ nói các điều tốt.

- Không đánh giá người khác qua hình tướng bên ngoài.

- Vấn đề tiểu, dãi cần tế nhị, kín đáo.

- Không nói nhiều, không cười nhiều.

- Ðứng ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh.

- Khi ngáp thì che miệng. Khi ho cũng thế.

Oai nghi này dạy cung cách lịch sự.

6. Dùng cơm trong chúng:

- Nghĩ đến ' năm điều quán niệm'.

- Không nói chuyện tạp khi ăn; không cười đùa.

- Không lấy đồ ăn cho riêng.

- Không gọi đem thêm thức ăn.

- Ðồ ăn đem thêm, nếu không bảo thì không dùng.

- Không vừa nhai vừa nói.

- Khi no thì chỉ ra dấu từ khước lời mời dùng thêm.

- Lấy tay che miệng lúc xỉa răng.

- Không gây khua muỗng, bát khi ăn.

- Trong thức ăn nếu có 'vật lạ' thì lặng lẽ dấu bỏ.

- Rời bàn ăn xong không trở lại ăn thêm.

- Không tự động rời bàn ăn trước.

Ðó là các cử chỉ lịch nhã, tế nhị.

7. Lễ bái:

- Không tranh chỗ giữa điện khi thi lễ,

- Tay chắp nghiêm chỉnh,

- Lễ bái đúng lúc,

- Tay cầm kinh,tượng thì không thi lễ.

8. Học tập kinh điển:

- Học giới luật trước khi học kinh.

- Không cười đùa đối với kinh, luật.

- Không để thức ăn xen lẫn vào kinh sách.

- Tôn kính kinh điển, không dùng miệng thổi bụi trên kinh.

Oai nghi này dạy tôn kính giới và kinh là hình thức dạy tôn trọng giải thoát.

9. Nghe thuyết giảng Phật pháp:

- Y phục chỉnh tề.

- Ngồi ngay ngắn.

- Không chuyện trò, ho hen hay qua lại trong phòng giảng.

- Nghe là cốt hiểu lý, sự mà không vụ lời lẽ văn hoa.

- Rời phòng giảng sau Pháp sư.

Oai nghi nầy bày vẽ cung cách của một người nghe pháp lịch sự, vừa cung kính pháp, vừa tôn kính Pháp sư.

10. Vào tự viện:

- Không đi vào bằng lối giữa của cửa chính; đi vào lối hai bên.

- Nhiễu tháp thì nhiễu bên phải.

- Không để nón, gậy, dép dựa vào tường của chánh điện.

- Không ngồi duỗi chân trong chánh điện.

- Không thô động.

11. Theo chúng vào thiền đường:

- Không nói lớn tiếng.

- Ði, đứng, cử động nhẹ nhàng.

- Không lấy dùng riêng các vật để trên điện, bàn thờ.

12. Làm việc:

- Giữ gìn của chung của Tăng Chúng.

- Múc nước phải sạch tay và nhẹ nhàng.

- Rửa rau sạch sẽ; thay nước ba lượt.

- Ðun bếp, không dùng củi hư thối.

- Giữ tay sạch khi làm bếp.

- Không vứt các rác bẩn giữa lối đi.

- Không quét rác ở đầu gió.

- Không đổ nước sôi, nước nóng trên đất làm chết trùng.

13. Vào nhà tắm:

Tế nhị giữ ý tứ trong các việc:

- Tắm một mình.

- Nhẹ nhàng không ồn ào.

- Giữ vệ sinh phòng tắm.

- Giữ tâm niệm không buông lung.

14. Vào nhà xí:

- Sử dụng dép riêng vào nhà xí.

- Vào nhà xí một mình.

- Ðánh tiếng trước khi vào phòng xí.

- Nếu có người, thì lặng lẽ ở ngoài chờ; không được thôi thúc.

- Xong việc, cần rửa tay sạch với xà phòng.

15. Nằm ngủ:

- Ngủ một mình (không ngủ chung chăn, chung giường)

- Nằm nghiêng về bên hông phải.

- Không ngủ trong điện tháp.

- Không nói chuyện khi nằm.

- Niệm Phật, Pháp, Tăng, Tín, Thí, Giới, Thiên và vô thường trước khi ngủ.

Oai nghi này dạy cung cách của người tu lúc ngủ và giữ niệm giác tỉnh trước khi ngủ.

16. Vây quanh lò bếp:

- Không châu đầu nói chuyện.

- Không hơ, sấy giày, vớ.....

- Không choáng chỗ ngồi của người khác.

- Giữ gọn gàng sạch sẽ.

17. Trong phòng ở:

- Chào hỏi khiêm hòa.

- Tận tình coi sóc bệnh nhân (tu sĩ).

- Không tự tiện vào phòng riêng của người khác.

- Không ho, khạc nhổ không đúng chỗ làm mất vệ sinh.

- Không hý luận.

18. Ðến nhà Phật tử:

- Chỉ ngồi chỗ dành riêng cho mình.

- Không nhìn trái, phải.

- Không nói chuyện riêng với tớ gái.

- Nếu Phật tử hỏi kinh cần thận trọng nói đúng lúc.

- Thái độ tự nhiên mà nghiêm chỉnh; không làm ra dáng vẻ thiền gia (trá hiện oai nghi).

- Không thọ trai trong bếp, phòng vắng, chỗ bị ngăn che.

- Không trao thư từ qua lại.

- Không kết nghĩa cha mẹ, chị em, anh em với người đời.

- Không quản lý giúp việc nhà của Phật tử.

- Giữ gìn tín tâm cho người đời, không nói lỗi của nhà chùa và của người khác.

Oai nghi này hướng dẫn cung cách mô phạm, tế nhị biểu hiện minh bạch thái độ sống phạm hạnh.

19. Khất thực:

- Ði khất thực chung với bậc lão thành lớn tuổi

- Giữ oai nghi.

- Tránh ngồi các chỗ có binh khí , bảo vật.

- Không thuyết phục người cho mình thức ăn.

- Ði đứng đoan nghiêm.

20. Vào làng xóm, phố thị:

- Có duyên sự mới vào.

- Giữ oai nghi đi đứng.

- Không cùng đi với các phụ nữ.

- Không nhìn liếc các phụ nữ.

- Không đi gần các người say rượu.

- Không dừng lại xem các trò ảo thuật, du hí.

- Không cỡi ngựa, nếu không vì công việc quá khẩn thiết.

- Gặp bậc tôn túc thì cung kính nhường lối.

- Tránh gặp các quan quyền lớn nhỏ.

- Về chùa không kể chuyện hoa mỹ của làng xóm, phố thị.

Oai nghi này, tương tự oai nghi 18, 19, hướng dẫn cung cách nghiêm chỉnh, mô phạm và tế nhị của người xuất gia.

21. Mua hàng:

- Không trả giá, không tranh đắc, rẻ.

- Hứa mua hàng của ai thì phải mua, không vì hàng của người khác rẻ hơn mà mua.

- Không mua chịu; không bảo lãnh người khác mua chịu.

Cách mua hàng ấy biểu hiện tư cách đứng đắn, lịch sự của một xã hội có tổ chức, văn minh. Ngày nay, để tiện việc mua bán, các hàng đã được ấn định giá cả.

Người tu hành trọng chữ tín mà không vì lợi; kính trọng con người hơn là giá cả hàng hóa.

22. Làm việc không được tự tiện:

- Các việc đi ra ngoài, giao tiếp bên ngoài, cần được thỉnh ý thầy và nếu được thầy đồng ý.

- Nhận quà tặng cần được thông qua thầy và nếu thầy hoan hỷ đồng ý.

- Cho người khác mượn các vật dụng của nhà chùa cần qua quyết định của thầy.

Oai nghi này hướng dẫn khuôn phép cho một Sa Di trong một số tương hệ với bên ngoài.

Hai mươi oai nghi trên chỉ là những oai nghi tiêu biểu. Nội dung chỉ xây dựng người Sa Di có cung cách của một người xuất gia thể hiện các điểm chính:

- Thể hiện lòng cung kính; tôn sùng giải thoát

- Phạm hạnh và tế nhị trong các việc nói năng, đi, đứng, nằm, ngồi.

- Chân thật, tế nhị và lịch sự đối với người đời.

- Tránh tranh cãi phải trái; tránh các ngộ nhận và phiền phức có thể xẩy đến cho người tu.

Thầy pháp huynh từng cắt nghĩa rõ ràng từng oai nghi cho các Chú. Thầy kết luận đó là cách sống tế hạnh. Nhờ tế hạnh mà các vọng tâm dễ chìm lắng. Các Chú đã được phép mổ xẻ các oai nghi, nêu ra các vướng mắc.

Chú Tâm Tín bạch, "Bạch thầy, chư Tổ dạy người Sa Di biểu lộ sự tôn kính kinh điển như tôn kính Phật, đến nỗi không nên dùng miệng thổi bụi trên kinh. Tại sao lại có thiền sư nói 'kinh điển như giẻ rách', con không hiểu?"

-- "Ðó là việc của thiền sư. Sa Di tôn kính Pháp là tôn kính giải thoát. Vị thiền sư dù nói thế, vẫn biểu lộ lòng tôn sùng giải thoát; nhưng cách biểu lộ khác đi. Như một bà mẹ nựng con mà bảo:"Má ghét con quá đi!", nhưng đó là sự biểu lộ tình thương con đậm đà của bà.

Không phải lúc nào vị thiền sư ấy cũng nói bạo thế. Người chỉ nói vào một lúc nào đó với một vị thiền sinh quá chấp chặt chữ nghĩa nào đó, cốt để phá tâm chấp thủ của vị thiền sinh. Thế thôi.

Nếu nói nhẹ hơn thì nói "kinh điển như ngón tay chỉ mặt trăng". Nếu chấp chặt ngón tay là mặt trăng thì thà chặt phức ngón tay đi. Thay vì nói thà chặt phứt ngón tay đi, thì nói "kinh điển như giẻ rách".

Ðừng đi xa khỏi phạm vi hạnh Sa Di. Hãy chờ cho đến khi công hạnh thuần thục sẽ hiểu các vấn đề tương tự cũng chẳng muộn. Hòa thượng há không dạy chư Tăng hành sự thuần thục trước khi đi vào kinh,luận đó sao?"


Văn Cảnh Sách

Văn Cảnh Sách là phần sách tấn tu tập. Ðó là tiếng nói trí tuệ của một tu sĩ từng trải qua lộ trình giải thoát để lại kinh nghiệm cho thế hệ sau: một sự chọn lựa độc nhất đi thẳng đến giải thoát, như con suối chảy thẳng về phía trước. Nội dung của bản văn bao gồm năm điều cảnh giác:

1. Ðiều cảnh giác thứ nhất:

Cần thấy rõ thân năm uẩn này là vô thường để lìa xa tham ái. Không nỗ lực tu tập mà khăng khăng giữ nó, thì rồi nó cũng từ bỏ mình, để mình lại đằng sau sinh tử , khổ lụy.

2. Ðiều cảnh giác thứ hai:

Ðã vì mong cầu giải thoát mà từ giã thân thuộc, những tình cảm thân thương nhất, thì không vì lý do gì mà lại không tinh cần tu tập ?

3. Ðiều cảnh giác thứ ba:

Ðã là người xuất gia, thì cần biểu hiện xứng đáng nghĩa xuất thế về hai mặt thân và tâm. Cần biết hổ thẹn về việc không làm những gì cần phải làm.

4. Ðiều cảnh giác thứ tư:

Nếu biếng tu, vụng tu thì sẽ nhận lấy hậu quả đau khổ trong hiện tại và đau khổ trầm luân.

5. Ðiều cảnh giác thứ năm:

Làm các việc xuất thế:

- Tự phá tan si ám của mình; tinh cần thực hiện giải thoát tự thân qua thiền định.

- Nhận lãnh sứ mệnh hoằng dương chánh pháp

Bài văn Cảnh Sách không dài, nhưng chứa đựng nhiều kinh nghiệm tu tập. Ngôn ngữ đầy văn chương mà thiết tha... không có vị Sa Di nào không học thuộc nằm lòng.

HT Thích Chơn Thiện



Có phản hồi đến “Oai Nghi Chính Của Sa Di”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com