18. "Biến cố" Tình cảm.
Không phải các câu chuyện tình cảm thơ mộng không có xẩy ra trong thế giới giải thoát của nhà chùa. Trên đường ứng phó, chú Tâm Tín đã khó quên được hình dáng của một thiếu nữ đẹp. Có lúc chú thơ thẩn ở góc vườn chùa. Thầy pháp huynh tinh ý nhận ra, bảo chú Tâm Thành, Tâm Ngộ tế nhị giám sát và tác động vào tâm lý giác tỉnh.
Chú Tâm Thành đã phải than," Trời đã sinh ra mình, còn bày chi các thiếu nữ xinh đẹp!"
- " Chú than giống Châu Du bên Tàu quá. Lẽ đáng phải nói trời đã sinh ra các thiếu nữ, còn sinh chi các tu sĩ. Mình phải là Lượng Cơ!", chú Tâm Ngộ tiếp.
Hai chú cùng cười rồi đi vào công tác tâm lý. Sau vài cuộc họp mặt ở gốc nhãn vườn sau, chú Tâm Tín đã tự thú tình trạng ám ảnh về tình nhớ ấy. Chú hỏi, "Làm sao để chóng quên nhỉ?"
- "Anh em tui chưa có kinh nghiệm "nhớ" thì làm răng có kinh nghiệm "quên". Có điều tui tin rằng cứ trở về với nếp sống của mình thì sẽ loại bỏ được các phiền não, gồm cả "tình nhớ", bởi tự thân của nếp sống là loại bỏ chúng", chú Tâm Thành đáp.
Sau sự vụ tình nhớ, thầy pháp huynh đã mời nhà giáo Bình nói chuyện về xã hội và các tâm lý tình cảm xã hội cho các chú. Thầy quan niệm người tu cũng cần hiểu đời để tự chủ và để hoằng đạo khế cơ.
19. Các căn bệnh:
Người đời không mắc thân bệnh, thì mắc tâm bệnh. Bệnh là một trong tám thứ khổ. Nếp sống nhà chùa là phương cách trị liệu nguyên nhân của các bệnh: trị liệu tham, sân, si. Tuy thế, trên đường đi người tu vẫn vướng bệnh:
- Thầy pháp huynh thì vướng trà, thuốc lá;
- Chú Tâm Tín thì ngắm mây trời lãng đãng;
- Chú Tâm Thành thì so đo thiệt, hơn;
- Chú Tâm Ngộ thì nặng tư lự và ngại đám đông;
Sống vui vẻ, hòa ái và giữ quân bình tâm lý qua các sinh hoạt "tạp tác", "tạp thoại" là cách tốt để thắng vượt nhiều căn bệnh. Nghệ thuật của sự thắng vượt là sự thể hiện hòa điệu.
20. Lợi tha:
Thầy pháp huynh thường ca ngợi phẩm kinh Phổ Môn (Universal Gate), tự thể hiện và khích lệ các chú thể hiện theo khả năng có thể của mình. Bên cạnh công phu thiền quán, nhà chùa cần quan tâm cụ thể đến an lạc của quần chúng chung quanh. Thầy làm việc lợi tha một cách lặng lẽ. Thầy được nhiều Phật tử hộ trì, nhưng vật chất không được thầy giữ lại gì, tất cả "hồi hướng" cho những người nghèo khổ chung quanh. Thầy hướng dẫn một số các trẻ em nghèo học tập và hướng dẫn các Phật tử vào nếp sống đạo hạnh dưới hình thức "hướng dẫn tâm lý". Với thầy, giáo dục là chỉ đường; và giải thoát là đi ra khỏi các phiền não tức thời.
Giới trí thức và sinh viên có nhiều dịp trao đổi nhận thức với thầy. Nhiều vấn đề liên hệ đến Phật giáo đã được đặt ra như là:
- Phật giáo là một tôn giáo? một hệ thống triết học?
- Quan niệm về khổ đau và hạnh phúc của đạo Phật?
- Tinh thần cách mệnh trong Phật giáo?
- Phật giáo là bi quan,yếm thế?
- Phật giáo thiếu tính thiết thực?
- Phật giáo là duy tâm? là vô thần?
- Phật giáo ít quan tâm đến đời sống hiện tại?
- Phật giáo không phải là một hệ thống giáo dục?
- Các vấn đề văn học, nghệ thuật của Phật giáo?
Và đã được thầy giải đáp rằng:
* Phật giáo không phải chỉ là một tôn giáo hay một hệ thống triết học. Các danh từ cần được định nghĩa lại trước khi đề cập đến Phật giáo.
* Nếu tôn giáo được hiểu như là một tín ngưỡng tôn thờ một đấng sáng thế, thì Phật giáo không phải là một tôn giáo. Nếu tôn giáo hiểu như là hình thức tín ngưỡng giải thoát, thì Phật giáo là một tôn giáo.
* Nếu một hệ thống triết học là một hệ thống tư tưởng bàn về con người và vũ trụ, bao gồm nhận thức luận, giá trị luận và bản thể luận, thì Phật giáo cũng là một hệ thống triết học; nhưng nhiều hơn thế, Phật giáo còn có nghĩa đạo học, không phải chỉ bàn về giải thoát mà còn thực hiện giải thoát.
* Nếu khoa học là biểu hiện tinh thần thực nghiệm, hợp lý và hệ thống, thì Phật giáo có đủ các tinh thần ấy. Phật giáo còn vượt xa hơn khoa học ở mặt thực hiện chân lý, đi vào thực tướng.
* Về hạnh phúc và khổ đau, Phật giáo trình bày đủ hai mặt tương đối và tuyệt đối.
Về mặt tương đối, thì có hạnh phúc của buông xả và nắm giữ, của các cảm thọ hỷ, lạc, và có khổ đau qua các cảm thọ.
Về mặt tuyệt đối, thì tất cả các pháp do nhân duyên sinh (các pháp hữu vi) đều vô thường và đem lại khổ đau. Hạnh phúc chân thật thì đồng nghĩa với Niết bàn, hay ái diệt, khổ diệt.
* Do vì nhận thức tất cả đời là bể khổ, mà có ngộ nhận cho rằng Phật giáo là bi quan yếm thế.
Bi quan, yếm thế là thuộc thái độ sống, mà không phải là nhận thức. Tuyên bố đời là khổ của Phật giáo là thuộc nhận thức. Nhận thức thì là đúng hay sai, như đáp số của một bài toán. Không thể nói đáp số ấy là bi quan hay lạc quan.
Phật giáo vừa nói lên thực trạng khổ đau của vô thường, đồng thời chỉ rõ con đường đi ra khỏi khổ đau ngay trong hiện tại, tại đây, thì làm sao có thể kết luận Phật giáo là bi quan, yếm thế?
* Nhận thức và thái độ sống của Phật giáo, hơn thế, còn nhuốm tinh thần cách mệnh nữa. Giữa khi các học phái đương thời của Ấn Ðộ tôn thờ đấng Phạm thiên sáng tạo ra vũ trụ, thì Phật giáo phủ nhận Phạm thiên ấy; giữa khi các học phái chủ trương phân biệt và kỳ thị giai cấp, thì Phật giáo chủ trương bình đẳng giai cấp.
* Nói rằng giáo lý Phật giáo thiếu tính chất thiết thực, thì hoàn toàn trái ngược với hệ thống giáo lý ấy. Một trong các tính chất nổi bật nhất của Phật giáo là tính thiết thực hiện tại. Ðức Thế tôn dạy con người sống vào hiện tại, không tiếc muối quá khứ và không mơ ước tương lai; chỉ sống với hiện tại của ly tham. Ngài dạy đến hạnh phúc của đời sống gia đình, kinh tế gia đình, tổ chức một xã hội thịnh vượng; làm sao có thể hiểu đó là một hệ thống giáo lý thiếu thiết thực?
* Về duy tâm, duy vật,, v.v..., Phật giáo thì không chủ trương "duy" nào cả. Cái gọi là duy tâm, duy thức của Phật giáo chỉ là duy vô ngã, hay duy Duyên khởi. Phật giáo quan niệm hết thảy các pháp đều duyên sinh, vô ngã nên tự thân không phải là duy tâm, duy vật, hữu thần hay vô thần... Có thể tạm thời gọi Phật giáo là Phiếm thần (Pantheism) hay vô duy (Non-ism).
* Ðức Phật giảng dạy con đường giải thoát khế cơ rất thiết thực, nên hệ thống giáo lý của Ngài vừa có đủ các tính chất của một hệ thống giáo dục rất nhân bản và toàn diện, có đủ các tinh thần tự tri, tự trách nhiệm, tự tín, tự chủ, phê phán, sáng tạo, thiết thực, chỉ đường, v.v....
* Với các tinh thần giảng dạy trên, không thể kết luận Phật giáo ít quan tâm đến đời sống hiện thực. Các vấn đề trên, vừa được khái lược đề cập, đều là đề tài của các thiên khảo luận dài.
* Về vấn đề văn học, nghệ thuật, Phật giáo là một con đường sống của mọi căn cơ nên là một nền văn hóa giải thoát có đủ các mặt biểu hiện về mỹ thuật, văn học, âm nhạc, hội họa và kiến trúc phản ảnh nền văn hóa ấy kết hợp với văn hóa địa phương.
Ngôi chùa Việt Nam thì biểu hiện kiến trúc của thời đại Việt Nam kết hợp với phần thể hiện các đường nét từ hòa, khiêm cung và an tịnh.
Tượng ảnh Phật giáo Việt Nam cũng thế. Nhà điêu khắc ảnh, tượng Phật giáo Việt Nam thể hiện nét từ bi, hỷ xả và trí tuệ qua hình dáng người Việt, khác với tượng ảnh Trung Hoa, Ấn Ðộ, Nhật Bản. Tương tự đối với các tháp tự và âm nhạc, hội họa.
Phật giáo thì chỉ có một, nhưng ở Ấn thì thiên về tịnh cư (trí), ở Tàu thì nặng về lễ, ở Nhật thì nghiêng về mỹ thuật, tại Việt Nam thì có khuynh hướng dung hòa để thích ứng với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam.
Dù thích ứng với văn hóa xứ sở, Phật giáo Việt Nam vẫn duy trì tính cách độc lập của Phật giáo, vì thế đồng là chuông mà âm hưởng tiếng chuông chùa thì khác hẳn âm hưởng tiếng chuông nhà thờ.
HT Thích Chơn Thiện