23. Thảo luận về kiến trúc và âm nhạc Phật giáo:

Về kiến trúc, sắc thái Phật giáo Việt Nam biểu hiện qua chùa chiền, tháp mộ. Ngôi chùa thấp ẩn mình dưới những tàng cây, với mái cong nhẹ có đôi rồng chầu nguyệt, (mặt trăng) vừa nói lên nét yên tĩnh, khiêm tốn hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống (mỗi đầu làng Việt Nam lại có một ngôi chùa), vừa có mặt hình ảnh rồng tiên của dân tộc. Các ngôi chùa Việt Nam điển hình nhất thường được xây dựng thành chữ khẩu ( ): Chánh điện, nhà hậu, nhà đông và nhà tây, tạo nên một sân trong tĩnh mịch mà ấm cúng, mang hình ảnh một vòng tròn kín như sợi dây xích của các pháp.

Tháp mộ thì thay đổi qua các triều đại. Nét chính là hình từng tầng (bảy tầng là cao nhất); đỉnh tháp là tòa sen nhỏ, biểu tượng của "hoa khai kiến Phật" (hoa nở thấy Phật), nói lên sự quyết tâm của các vị xuất gia phải kiến tánh ngay trên đời này, và sau khi chết thì sanh về xứ Phật từ hạ phẩm hạ sanh đến hạ phẩm thượng sanh (của 9 bậc giác ngộ - cửu phẩm liên hoa). Ðây là nét kiến trúc riêng của Phật giáo Việt Nam trong mấy thế kỷ sau này. Lối kiến trúc tháp như thế này chịu ảnh hưởng của quan điểm tông phái Tịnh Ðộ.

Thầy pháp huynh góp ý rằng, theo thầy, nếu đủ nhân duyên dựng nên một ngôi tháp lớn thờ chư Tổ (lịch đại tổ sư truyền giáo ở Việt Nam), thì thầy sẽ xây dựng theo hình dạng biểu mẫu mà Thế tôn đã dạy (có ba phần: y, bát và tích trượng) với các đường nét mỹ thuật Việt Nam. Thế là ngôi tháp thể hiện sắc thái vừa Phật giáo vừa Việt Nam.

Về âm nhạc, âm nhạc nhà chùa, theo nhận xét của nhà giáo Bình, là âm nhạc dân tộc. Nhạc khí thì đặc biệt đơn giản,gồm tang,mõ, chuông, khánh, trống cơm và trống lớn. Có ý kiến sành nhạc lý cho rằng nhạc nhà chùa vừa thoát (không gợi dục) vừa có âm hưởng văn minh.

Thầy pháp huynh bảo, dựa vào kinh tạng, âm nhạc là một thứ lễ vật cao quý để cúng dường đức Phật, giá trị như các vũ khúc và các lễ vật khác. Nhạc nhà chùa nghe lắng đọng ưu phiền, tâm hồn bay nhẹ đi lên. Âm thanh cũng có thể chuyên chở một phần giáo lý giải thoát của Phật giáo. Nhạc có thể làm tan ưu phiền; và lời có thể nói lên Tứ Ðế, Duyên khởi, từ bi, vô ngã, vị tha, v.v.... Một bản nhạc là một bài pháp nhỏ có thể biểu diễn theo các thể điệu mới bằng các nhạc cụ dân tộc, hoặc các nhạc cụ khác, như là các điệu tán Phật, tán Pháp và tán hương đương thời. Hẳn là cần có các nhạc sĩ nhà chùa để phát huy âm nhạc Phật giáo.

Về hội họa và thi ca Phật giáo cũng thế. Chúng thuộc về văn hóa Phật giáo (văn hóa giải thoát, hay gọi là văn hóa ly dục) cần được phát huy.

24. Uống trà:

Hầu như chư Tăng Huế đều thích dùng trà. Ở vùng núi lạnh, trà làm ấm người, và làm tan đi các hàn khí, lãnh khí. Trà còn giúp cho tuần hoàn thông máu, giúp trí não tỉnh táo.

Chú Tâm Ngộ bảo uống trà là một nghệ thuật, nếu không muốn nói là trà đạo như người Nhật.

Chú hầu trà cho Hòa thượng mỗi sáng, sau thời công phu sáng. Công việc Chú lo là:

- Gánh nước giếng ở chùa Từ Quang (cách chùa Tường Vân chừng hơn 200 mét);

- Kiếm bổi hóp (ít khi dùng các thứ bổi khác)

- Ðun nước từ ấm đất cho đến lúc sôi lên 3 lượt;

- Ngâm nóng bình trà, tách trà và chén tống để chiết trà;

- Rửa trà bằng nước sôi;

- Chế và lọc trà từ chén tống;

- Dâng trà lên Hòa thượng đang ngồi cạnh án thư, sau khi dâng chiếc khăn ấm lau mặt và nước nóng để háp đôi mắt.

Chú đứng xa xa nhìn dáng vẻ Hòa thượng lặng lẽ, ung dung nhắp từng tuần trà mà cũng cảm thấy tâm hồn mình lắng chìm vào hân hoan.

Chú bảo rằng, giác tỉnh trong từng cử động khi dùng trà, chế trà cũng là hành thiền vậy. Phương chi người Nhật gọi là trà đạo.

Uống trà không thể với cung cách nóng nảy, vội vàng, ồn ào, hay với lòng đầy dục vọng. Sẽ hỏng mất thiền vị!

Người xưa thì truyền lại, "Bán dạ tam bôi tửu, bình minh sổ trản trà, mỗi nhật cứ như thử, lương y bất đáo gia". Như vậy, uống trà có thể giúp tránh được nhiều bệnh lặt vặt.

25. Giáo dục nhà chùa:

Nhà chùa là một trung tâm giáo dục con người toàn diện. Nổi bật nhất là về phương diện giáo dục tâm lý. Có hai hình thức giáo dục được truyền đạt rõ ràng là thân giáo và khẩu giáo.

Nói đến giáo dục là nói đến mục tiêu của nó. Mục tiêu của giáo dục nhà chùa là huấn luyện và dạy dỗ chư Tăng sống an lạc ngay trong hiện tại và tại đây, đi ra khỏi các âu lo sầu muộn để dần dần đi ra khỏi mọi nỗi khổ đau trong hiện tại và trong các đời sau. Ðích điểm sau cùng là đoạn hết khổ đau của tự thân và giúp tha nhân đoạn khổ.

Ðối tượng của giáo dục là từng cá nhân, giúp mỗi người đi tới mục tiêu với những gì người ấy đang có và đang là. Ðây là nền giáo dục có gốc người: khởi hành từ con người; đi những bước đi rất là người; và trở về chính con người. Nhưng, con người bấy giờ là con người đang ở trên con đường loại bỏ dần các sai lầm khổ đau cho đến cùng.

Tinh thần giáo dục căn bản của nhà chùa là tự giác và giúp người khác tự giác. Có thể gọi nền giáo dục này là nền giáo dục đánh thức, mà thuật ngữ giáo dục phương Tây gọi là "Awaken- ing Education".

Môi trường giáo dục là toàn bộ sinh hoạt nhà chùa từ lúc thức dậy sáng sớm cho đến lúc ngủ, gồm sinh hoạt trong chùa và ngoài phạm vi nhà chùa.

Ðức Phật, bậc thầy hiện tại, các pháp huynh , và kinh, luật chỉ giữ vai trò hướng dẫn, chỉ đường. Các Ngài chỉ trao truyền kiến thức và kinh nghiệm sống giải thoát; còn tiếp thu và thực hiện là trách nhiệm của mỗi người xuất gia.

Kỷ luật tu tập là giới bổn Ba La Ðề Mộc-Xoa (Patimokkha). Nguyên tắc sống tập thể là Lục hòa dựa vào căn bản giới bổn.

Kỹ thuật giáo dục để giúp đỡ các bạn đồng phạm hạnh và người đời tu tập là Bốn nhiếp pháp ( Tứ nhiếp: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự nhiếp)

Phần giới để dập tắt mọi cuộc tranh chấp trong nội bộ Tăng già, vì các lý do tác động bên trong và bên ngoài, là pháp "Thất diệt tránh".

Nội dung của giáo dục là: Bốn cuốn luật của Sa Di và Tam tạng giáo điển (tùy theo khả năng tiếp thu mà truyền đạt)

Nội dung của hành trì (hay thực hiện) là Thiền định được thực hiện dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau trên căn bản của Giới Bổn. Cơ bản của sự thành tựu an lạc, giải thoát là nỗ lực thực hiện con đường thiền định đó.

Cụ thể của chương trình học tập và tu hành bao gồm các pháp:

- Về mặt trí tuệ: Hiểu rõ giáo lý Tứ đế, Duyên khởi, Nhân quả, Thập bát giới (lục xứ)

- Về mặt thiền định (sức mạnh của tâm lý):

Hiểu và hành Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Giác chi, và Bát Thánh đạo (có thể chỉ hành một trong bảy pháp đó).

- Về mặt giới học: Hiểu và hành giới bổn Ba La Ðề Mộc-Xoa, bao gồm các pháp kiết ma (karma).

Riêng đối với những tu sĩ có khả năng trí tuệ và ý chí cao, thì được học thêm nhiều kiến thức xã hội (ngoại điển), hoàn bị ngũ minh, hay một phần của ngũ minh- (thông giáo lý, thông ngoại điển, thông ngôn ngữ và giảng nói, thông y lý và thông công nghệ) để vừa tự độ vừa độ tha đem lại nhiều lợi ích giải thoát.

Về mặt kinh tế, thì tự túc trong các điều kiện xã hội thiếu nhân duyên hộ trì của hàng Phật tử tại gia. Trong điều kiện xã hội và tổ chức thuận lợi, thì nhà chùa nhận của cúng dường của đàn-na tín thí (vật thực, thuốc men, y áo, chỗ ở) và đáp lại là giảng dạy giáo lý và pháp tu cho đời, cả kiến thức văn học, khoa học, giáo dục, nếu có thể.

Ðể thể hiện nếp sống an lạc và giải thoát khổ đau đó, nền giáo dục nhà chùa truyền đạt tinh thần sống "trung đạo", thể hiện sự hòa điệu nội thân, giữa nội thân và ngoại giới; trung đạo nhận thức và trung đạo tu tập.

Qua đó, một ngôi chùa học hỏi và tu tập tốt sẽ là một trung tâm của một nền văn hóa, giáo dục nhân bản và khai phóng.

Nghe thầy pháp huynh giới thiệu về biển tu học mông mênh như thế, cả ba chú đều buông lời than: "Ôi! Biển tu học mông mênh như thế, biết đâu là bờ! Tụi con như chiếc thuyền nan bé bỏng đi đến đời nào mới qua sinh tử?!".Nét mặt các Chú ngã màu tư lự.

- Thầy pháp huynh lại bật cười, "Lời than sao mà đầy bóng tối thế? Biển cả lớn mà còn có bờ đến, chứ biển tu thì không có bờ đến, còn mênh mông hơn nữa cơ. Nhưng vì không có bờ, nên không có chỗ đến; vì không có chỗ đến, nên không thật có chỗ đi. Tu là tu cái không đi không đến. Nói khác đi, tu là đến trong từng bước đi, cập bến trong từng bước đi. Ðã cập bến trong từng bước đi, thì biển ấy có còn mênh mông nữa không nhỉ?"

- Sao, khi thì con nghe thầy bảo "bước đi không phải là nơi đến", khi thì thầy nói "đi có nghĩa là đến". Ðiều đó khiến con mù mịt tâm trí , chú Tâm Thành bạch.

- Thì cả hai câu nói ở hai trường hợp khác nhau ấy đều đúng cả, Hãy tiếp tục suy nghĩ cho tròn! "

26. Học vấn - Nghiên cứu:

Thỉnh thoảng thầy pháp huynh lại tập họp các Chú để hướng dẫn con đường học và tu.

Các chú cảm nhận qua lời lẽ của thầy, nghe ngõ đường nào cũng mênh mông. Mục tiêu như hiện thấp thoáng trước mắt nhưng thật sự lúc nào cũng ở ngoài tầm tay.

Có lần chú Tâm Tín bảo, "Thế này thì đi mãi đến già cũng hệt như là chưa đi!".

Thầy pháp huynh cười, "Lo lắng chi chuyện đó. Thì mình cũng đã đi vô lượng kiếp rồi. Hữu chí cánh thành, như nhà nho đã nói. Cần lập tâm, lập nguyện ngay từ đây. Áp dụng thiền pháp vào thì sẽ thấy nhẹ nhàng mọi chuyện. Như kinh nghiệm đi đường, cứ theo dõi hơi thở và để cho chân tự bước, thì đường xa sẽ hóa gần. Ði sẽ lâu biết mệt. Chuyện học, tu cũng vậy. Hãy để cho buớc thứ nhất nâng bước thứ hai. Luôn luôn tập trung vào bước đi hiện tại." Thầy pháp huynh thường nhắc nhở khích lệ các Chú trên đường đạo.

"Việc học trước hết là để nuôi dưỡng và phát triển chánh kiến của mình. Bước tiếp theo là để phục vụ đời và đạo. Hiện tại Việt Nam chưa có ba tạng kinh, luật, luận bằng Việt ngữ. Công việc này còn lâu dài lắm mới thực hiện được. Việc thực hiện cần có nhiều tu sĩ thông lý, thông sự và thông thạo sinh ngữ, cổ ngữ. Sự nghiệp đó đang mở rộng cửa chờ đón các thế hệ trẻ", thầy tiếp.

Chú Tâm Thành bạch, "gần thầy, con học được nhiều kiến thức, tầm nhìn được mở rộng; đồng thời thao thức càng ngày càng kéo tới như mây mùa thu, khiến tâm lý con cũng u ám, bàng bạc, dao động. Một sự dao động tâm lý cần thiết để mở đường đi tới".

Chú Tâm Tín, Tâm Ngộ thì cười bạch, "chờ đón thế hệ trẻ, mà không phải tụi con".

Bấy giờ pháp huynh mới cười, "Biết đâu?".

27. Nhìn lại:

Hai mươi năm sau, ngày gặp lại nhau vào mùa Phật Ðản, chú Tâm Tín, Tâm Thành, Tâm Ngộ và nhà giáo Bình - bây giờ tóc đã hoa râm sớm hơn lứa tuổi một chút - lại quây quần bên tách trà nhìn về quá khứ, nhìn hiện tại và nhìn về tương lai của "con đường". Tất cả ngậm ngùi nhắc đến thầy trưởng, thầy pháp huynh. Quý thầy đã viên tịch, nhưng tiếng nói và dáng dấp như còn thấp thoáng quanh chùa.

Thầy Tâm Tín đề nghị thầy Tâm Ngộ, bấy giờ thầy Tâm Ngộ là huynh trưởng trong ba thầy, chế một tách trà nóng đặt lên án thư để tưởng niệm thầy pháp huynh, người đã gần gũi nhất ba thầy để chia xẻ và khích lệ, trước khi đi vào tiết mục "tạp thoại" của nhóm.

Bắt đầu câu chuyện, thầy Tâm Ngộ nhìn qua nhà giáo Bình hoan hỷ nói, "Tính theo tuổi đời, có lẽ chúng tôi là những người còn ở lại để cúng cơm cho cư sĩ, người đã hộ trì chúng tôi trong nhiều giai đoạn đầu tu tập mà chúng tôi cần ổn định chí hướng".

- "Ấy! thầy đừng khách sáo quá đáng. Niềm sung sướng bây giờ là thuộc về tôi. Cho phép tôi ca ngợi công hạnh của ba thầy trước đã. Quý thầy đã bước được một bước giải thoát khá dài, trong khi cư sĩ này vẫn tiếp tục ngậm ngùi đi vào gió bụi. Qúy thầy đã cho tôi nhiều hơn là nhận"

Tất cả lại trở về lại với niềm vui "tạp thoại" năm xưa.

Nhà giáo Bình tiếp, "Tôi nghĩ, đến đầu thế kỷ 21, con người sẽ có cái nhìn mới mẻ về cách tư duy và cách sống, về thiên nhiên và con người. Không biết quý thầy nghĩ gì về một nếp sống nhà chùa trong tương lai?"

- "Thì cũng như hiện tại. Tương lai chỉ là sự kéo dài của hiện tại", thầy Tâm Thành nói.

- "Có gì đứng yên một chỗ đâu. Văn hóa xã hội thay đổi, thì ở trong cộng đồng ấy, hẳn nhà chùa cũng có đổi thay", thầy Tâm Tín phát biểu.

- Thầy Tâm Ngộ bảo, "Tôi nghĩ rằng, nói tương lai là hiện tại kéo dài cũng phải; mà nói có đổi thay cũng phải. Cái kéo dài hiện tại đó là nghĩa bất biến; cái đổi thay đó là nghĩa tùy duyên. Nhà chùa luôn luôn thực hiện nếp sống ' Tùy duyên mà bất biến; bất biến mà tùy duyên'. Hướng giải thoát, hành tỳ ni, và các giới luật căn bản thì bất biến; phần còn lại là tùy duyên. Nhà chùa phải đi đến chỗ tổ chức trú xứ mình thành một trung tâm văn hóa của Thiền định và giáo dục. Cần thể hiện nền giáo dục của Thế tôn, trên nguyên tắc. Có phải thế không thầy Bình nhỉ?".

- Ðôi mắt nhà giáo ngời sáng lên, "Câu hỏi của thầy đã là câu trả lời. Sinh thời thầy pháp huynh nhiều lúc đã tâm sự rằng nhà chùa là một trung tâm của văn hóa giải thoát, mà không phải là nơi để cho các mong muốn về danh vọng, lợi dưỡng và chính trị phát triển - chính trị theo nghĩa giới hạn - Tôi cũng nghĩ thế".

- Thầy Tâm Ngộ tiếp, "Tôi nghe như mơ ước, ưu tư của pháp huynh về con đường, đang quyện tỏa theo hương Ngọc lan quanh chùa. Tôi ao ước thế hệ này của chúng tôi và các thế hệ kế tiếp sẽ ướp giấc mơ của pháp huynh vào tâm hồn như đã từng ướp cánh Ngọc lan vào tập vở học trò".

- Sao thầy nói văn vẻ thế?

- Thì nói với nhà giáo Việt văn, phải trả bài như thế.

- Nhà giáo Bình, "Năm 1985, Thủ tướng India Gandhi đã đọc diễn văn khai mạc một hội nghị Phật giáo thế giới tổ chức tại Ấn, trong đó có nói rằng 'Phật giáo là một tôn giáo rất thu hút tuổi trẻ '.

Cố thủ tướng Nerhu thì viết trong tập The Discovery of India (Sự phát hiện ra Ấn Ðộ), '...Phật giáo ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến một số lớn nhân loại, trong đó có những người cực thông minh, cực lỗi lạc..'. Tôi nghĩ nhà chùa cần suy gẫm các lời lẽ đó, thế nào để Phật giáo có chỗ đứng trong văn hóa con người tương xứng với tự thân giáo lý."

HT Thích Chơn Thiện



Có phản hồi đến “Việc Hành Điệu Tu Tập - Giáo Dục Nhà Chùa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com