11. Lễ thọ Cụ túc giới:

Cụ túc giới là giới Tỷ Kheo.

Chỉ bốn tháng sau ngày thọ Sa Di giới, chú Tâm Ngộ được Hòa thượng cho phép thọ Cụ túc giới tại giới đàn thống nhất tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, Saigon, vào năm 1964. Chú bối rối trước quyết định ấy của Hòa thượng, bởi sợ khó kham giữ giới bổn Ba La Ðề Mộc Xoa (250 giới). Thấy rõ nỗi lo lắng đó, Hòa thượng dạy lời trấn an, "Giới Cụ túc tuy có 250 giới, nhưng với căn tánh của con, con chỉ cần giữ gìn một điều là đủ, đó là ý giới. Cứ giữ tâm ý an tịnh như con đang giữ". Chú cúi đầu phụng hành. Bấy giờ chú vừa tròn 22 tuổi đời.

Niềm xúc động lúc thọ Cụ túc và Bồ tát giới còn lớn lao hơn nhiều so với niềm xúc động lúc thọ Sa Di giới. Bấy giờ là lúc Chú cần khẳng định rõ ràng với tự thân rằng giải thoát là lẽ sống duy nhất, và hoằng đạo là sứ mệnh phục vụ đời. Trước lý tưởng xuất gia, chú cảm thấy mình bé nhỏ hơn bao giờ hết. Con đường trước mặt là để buông, mà không phải để nắm; để phục vụ, mà không phải để thụ hưởng. Chú phải xử lý thế nào với đôi bàn tay bé nhỏ của chú ? với hiểu biết và định lực mỏng manh của chú ? Hành trang hiện tại, chú chỉ có một niềm tin được khơi dậy và được nuôi dưỡng nhờ Hòa thượng, chú phải làm gì với niềm tin nầy ? Các câu hỏi ấy liên tiếp dấy khởi lên trong lòng chú, kết thành một tràng ưu tư triền miên.

Tay mân mê chiếc y vàng 21 điều (Ðại y) mà Hòa thượng đã trao cho Chú trước ngày thọ đại giới, chiếc y mà Hòa thượng đã sử dụng qua một thời gian dài, chú Tâm Ngộ cảm động đến ứa nước mắt. Những hạt nước mắt hạnh phúc của ngày thọ giới trào ra từ cõi lòng đầy lo âu của chú. Các ngày tháng tiếp theo là những ngày tháng của trách nhiệm và ưu tư khiến lòng chú trĩu nặng....

Một hôm, Hòa thượng gọi chú đến và bảo, "Tu là giữ chánh niệm. Ðừng để lòng dao động vì bất cứ suy nghĩ nào, dù là suy nghĩ về tương lai giải thoát. Theo dõi và giữ gìn tâm an tịnh trong hiện tại là đủ. Cái gì phải đến sẽ đến. Ðừng bận tâm về nó". Chú khắc ghi lời dạy vào lòng, nhưng tâm vẫn cứ dao động, dao động qua nhiều tháng ngày sau nữa.

Ngày thọ Cụ túc giới, về sau chú Tâm Ngộ hiểu, đánh dấu ngày đầu chú thực thụ đi vào Hội chúng giải thoát, ngày của sự sửa soạn những bước đi. Luôn luôn là những bước đi; luôn luôn ở trên con đường, mà không phải là nơi đến. Từ đó, chú cảm thấy an lạc hơn trong từng bước đi, tan đi nhiều dao động của tâm lý cũ. Cái tâm lý trách nhiệm nghĩ về nơi đến.

12. An Cư và Tự Tứ:

Mỗi năm, nhà chùa sống trọn ba tháng, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch, để kiểm thúc thân tâm gọi là An cư hay Kiết hạ.

Lễ thọ An cư được cử hành đơn giản. Tất cả nương tựa vào sự hướng dẫn của Hòa thượng. Mỗi vị Tỳ kheo chỉ nói lên lời phát nguyện cấm túc ba tháng nghiêm trì giới luật theo thể lệ An cư của tập thể, và cầu nương tựa Hòa thượng như là vị Luật sư hay Thiền chủ. Sau phần phát nguyện đó, Hòa thượng tuyên bố các phạm vi sinh hoạt của chư Tăng giới hạn trong phạm vi chùa, trừ buồng kho và nhà trù. Chỉ khi có duyên sự đặc biệt và được Chúng chấp thuận thì Tỷ kheo mới được phép đi ra khỏi phạm vi quy định trong một khoảng thời gian giới hạn.

Lễ Tự tứ cũng tiến hành đơn giản. Ðấy là lễ kết thúc mùa An cư, trở lại với sinh hoạt tu tập bình thường. Các ngày trước và sau lễ Tự tứ là các ngày hoan hỷ nhất của chư Tăng.

13. Ngày Bố Tát:

Còn gọi là ngày Trưởng tịnh. Sáng ngày rằm và ba mươi âm lịch (ngày 29 âm lịch, nếu là tháng thiếu) mỗi tháng, chư Tăng cố đô Huế tề tựu về chùa Linh Quang, Huế, để làm lễ Bố tát. Ngày hôm đó có mặt rất đông các Phật tử tại gia thọ Thập thiện giới và Bồ tát giới nữa. Tại Linh Quang, chư Tăng được nghe tụng giới bổn Ba La-Ðề Mộc-Xoa và kinh Phạm võng (Bồ tát giới xuất gia), và được dịp chiêm ngưỡng chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa. Ðấy là hai ngày đầy hoan hỷ và phấn khởi mỗi tháng. Tâm giải thoát được thêm duyên hưng phấn.

Chú Tâm Ngộ phát biểu, "Nếu hồi nhỏ, những ngày theo mẹ đến chùa, về ngoại đã để lại các ấn tượng về quê hương như thế nào, thì ngày nay hình ảnh của những ngày Bố tát cũng để lại hình ảnh của quê hương giải thoát như thế".

14. Lễ Sám hối:

Nhà chùa sám hối mỗi ngày vào thời công phu chiều. Nhưng, vào chiều 14 và 29, 30 âm lịch (ngày 28, 29 nếu là tháng thiếu) mỗi tháng, tất cả Chúng đều vào dâng lễ sám (trừ Hòa thượng), chuẩn bị tâm thanh tịnh cho ngày Bố tát.

Sám hối là tự nhìn thấy các điểm sai lầm của thân, khẩu, ý, và tự hứa không tái phạm trước ảnh, tượng Thế Tôn.

Kết thúc lễ sám (phần sám) là bài kệ:

"Tội tùng tâm khởi, tùng tâm diệt Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong.
Tội vong tâm diệt lưỡng cu không.
Thị tắc danh vi chân sám hối "

Tạm dịch:

Tội do tâm khởi, cũng do tâm diệt
(tội do tâm khởi, đem tâm sám)
Tâm đã tịnh rồi, tội liền tiêu.
Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không
Thế mới gọi là chân sám hối.

Bài kệ dạy rõ các sai lầm là khởi lên từ tâm, thì cũng từ tâm mà loại bỏ các sai lầm ấy; không thể chờ đợi một phép lạ nào khác. Khi tâm lý ổn định và thanh tịnh, thì sai lầm sẽ không còn chỗ tồn tại. Nếu có trí tuệ thấy rõ tánh duyên sinh không thực của thân hành, khẩu hành và ý hành, tất cả đều không thật, thì tâm an lạc giải thoát sẽ khởi, và tâm vọng động sẽ lắng. Làm được vậy mới thể hiện đúng nghĩa của sám hối. Nội dung của lễ sám hối, như vậy là hình thức nhắc nhở người xuất gia trở về trách nhiệm tự tâm loại bỏ các vọng tâm, phiền não; trở về với thiền quán vô ngã của thân và tâm.

15. Lễ Chúc Tán:

Lễ chúc tán được cử hành vào 4g30 sáng rằm và mồng một mỗi tháng. Hòa thượng luôn luôn có mặt trong lễ nầy để niêm hương, đảnh lễ Phật, Pháp và chư Tổ, dù là những sáng mùa đông buốt lạnh.

Buổi lễ bao gồm phần nguyện hương, tán hương, tụng lời nguyện của tôn giả A-Nan, chú Lăng nghiêm, thập chú và lạy thù ân.

Sau phần niêm hương, Hòa thượng đảnh lễ Phật cho đến hết năm đệ Lăng nghiêm thì trở vào tịnh liêu. Chư Tăng tiếp tục cho đến cuối lễ.

Chỉ nghe giọng xướng pháp ngữ của Hòa thượng là đủ thấy lòng lắng tịnh và trang nghiêm, thanh thoát.

Bài nguyện hương chuyên chở đủ các nét tinh yếu của con đường giải thoát:

"Nguyện đám mây hương mầu nhiệm này
Bay khắp đến mười phương pháp giới
Ðể dâng cúng hết thảy chư Phật
Chư Pháp, chư Bồ tát, Thinh văn
Và hết thảy Thánh Hiền.
Mây hương kết thành đài Duyên khởi sáng
Ứng tánh làm Phật sự
Xông hương khắp chúng sinh
Khiến chúng sinh phát tâm cầu giải thoát
Rời xa các hành động sai lầm(của thân, khẩu,ý)
Thành tựu đạo Vô thượng".

Mây hương của nhà chùa là mây hương gồm năm phần: giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát. Dâng cúng mười phương chư Phật, chư Bồ tát và chư Thánh, Hiền là dâng cúng công đức tu tập giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát, mà không phải là hương trầm. Hương trầm chỉ là phương tiện bày tỏ. Công đức tu tập giải thoát đó nhằm chứng nhập pháp giới Duyên khởi và khai mở tâm chúng sinh cho tỏ ngộ mà chuyển mê thành giác. Cầu mong tất cả thành Phật quả.

Lời nguyện hương quả là cao thượng, tuyệt vờí!

Bài tán hương, toàn chúng đồng tán, với ý nghĩa tương tự được diễn dạt một cách khác rằng:

"Ðốt lên năm phần hương trong tâm
(giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát)
Cho hương bay đến khắp pháp giới.
Như Hương Yên Ðồng Tử nghe hương trầm
Mà tỏ ngộ thật tướng nhờ thiền quán mùi hương (hương do duyên sinh, vô ngã)
Phép thiền quán về mũi và hương thật thoát tầm tư duy.
Như hoa linh thoại nở đúng thời tiết tốt đẹp,
Mới xứng nghĩa dâng cúng Phật"

Tất cả cũng chỉ để nhắc nhở Tăng chúng về công phu tu tập giới, định, tuệ và pháp thiền quán vô ngã, vô thường.

Lời nguyện của tôn giả A-Nan trong bài tựa kinh Thủ lăng nghiêm bao gồm hạnh tự độ và độ tha (hạnh Thinh văn và Bồ tát):

- Nguyện đoạn trừ tất cả vọng tưởng để thành tựu giải thoát.
- Nguyện độ hết thảy chúng sanh trước khi vào Niết bàn. Nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật thì quyết sẽ còn ở lại sinh tử để hóa độ.

Qua lời nguyện lớn ấy, ai dám bảo tôn giả A-Nan là bậc Thinh văn hữu học, mà không phải là Bồ tát?

Phần lạy thù ân là phần chúng Tăng nuôi dưỡng lòng tôn kính và biết ân Phật, Pháp, Bồ tát và Tăng bảo.

Sau lễ chúc tán là phần chấp tác của các chú, và là tuần trà đầy thiền vị của chư Tăng.

16. Lễ Quy y - Lễ Hằng Thuận:

Ðây là hai lễ dành cho các Phật tử. Lễ Quy y là lễ trao truyền "Tam quy" và "Ngũ giới" cho các Phật tử tại gia (các người đời), không phân biệt hạng tuổi, giai cấp hay phái tính. Sau buổi lễ các giới tử trở thành người Phật tử tại gia, ở mặt hình thức. Hòa thượng thường chủ trì buổi lễ này.

Lễ Hằng thuận là lễ đám cưới, thực hiện phần giáo lễ trước khi thực hiện phần gia lễ dành riêng cho hai nhà trai và nhà gái. Lễ được cử hành tại chùa, thường đặt dưới sự chủ trì của thầy trưởng và thầy pháp huynh.

Nghi lễ đơn giản bao gồm phần cầu an, trao nhẫn cưới và các lời dạy của chư Tăng. Thầy trưởng và thầy pháp huynh thường nói lại kinh " Ðảnh lễ sáu phương" (thuộc Nikàya và A-hàm), nhấn mạnh phần bổn phận vợ đối với chồng - chồng đối với vợ, trước lúc trao nhẫn.

Lễ cưới, với hình thức giáo lễ, ở ngoài phần hành đạo của chư Tăng; nhưng nhà chùa đã phương tiện thực hiện theo yêu cầu của các gia chủ, và gọi đó là lễ hằng thuận. Hằng thuận vừa mang ý nghĩa phương tiện "hằng thuận chúng sanh" của nhà chùa, vừa mang ý nghĩa hướng dẫn người đời sống hằng thuận.

17. Ứng phó đạo tràng:

Ứng phó đạo tràng là công việc hóa duyên của nhà chùa, bao gồn các lễ cầu an, cầu siêu và đám tang tại các tư gia. Có chùa khá bận rộn với các việc ứng phó đạo tràng; có chùa chuyên sâu tu tập.

Thầy pháp huynh, chú Tâm Tín và Tâm Thành thỉnh thoảng đi hóa duyên. Thầy bảo rằng đấy là một hình thức hoằng đạo đối với những người sơ cơ, hầu giúp họ có nhân duyên đến với đạo và tin đạo. Nghi lễ Phật giáo, lời kinh Phật, cung cách của nhà chùa đều có tác dụng khơi dậy niềm tin Phật từ các gia chủ và các thân nhân. Những câu chuyện đạo trao đổi với các gia đình đến hóa duyên đều nhằm vào việc khai mở thiện tâm cho họ, vì căn cơ của người đời khác nhau nên việc hoằng đạo cần được thể hiện qua nhiều ngõ phương tiện khác nhau để dẫn dắt họ dần dần đến với pháp bố thí, trì giới, học hỏi và tu tập giáo lý. Ðừng ngộ nhận Phật giáo truyền thống với các hình thức ứng phó đạo tràng có tính giai đoạn ấy, trên quá trình phát triển Phật giáo.

HT Thích Chơn Thiện



Có phản hồi đến “Nếp Sống Nhà Chùa Huế - Phần 3”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com