21. Thuyết pháp:
Các buổi nói chuyện của thầy pháp huynh với Phật tử, người đời và các chú đều có ý nghĩa của thuyết pháp. Pháp huynh còn phụ trách các buổi thuyết giảng có tổ chức trước các nhóm quần chúng. Thầy luôn luôn nói chuyện dễ hiểu, thiết thực và vui vẻ. Mục đích của các buổi nói chuyện thầy nhắm đến, luôn luôn giúp người nghe đi ra khỏi các tác nhân của phiền muộn, khổ đau.
Nói về ăn chay, ăn mặn trước quần chúng bình dân, thầy dẫn chứng các lời dạy của Thế tôn về tế đàn (tế đàn tốt là không giết súc vật; tốt hơn nữa là tế đàn bố thí; tốt hơn nữa là giới định; và tốt nhất là tế đàn chánh kiến, trí tuệ) để minh chứng rằng ăn chay là tốt hơn. Thầy phân tích rõ ràng các khía cạnh lợi ích về sức khỏe, tâm lý và giản dị. Hóm hỉnh nhất khi thầy bảo, "Cái ích lợi thiết thực rõ nhất là ăn chay thì khỏi bị mắc xương".
Một nhóm Phật tử thắc mắc về hình tướng lạy Phật, không biết bàn tay chắp lại thế nào cho đúng, thầy Cả cười bảo, "người cụt tay thì lấy gì để chắp?" khiến người nghe tỏ ngộ liền.
Về pháp tu thiền, tịnh , mật, v.v... thầy đều trình bày rõ, không bác bỏ một pháp môn tu nào, nhưng điểm thầy nhấn mạnh là: tu là tu tâm; tu tâm là gạt bỏ tham, sân, si ra khỏi các hành động của thân, khẩu, ý. Bằng cách nào cũng được, nếu loại bỏ được các phiền não, khổ đau.
Trao đổi về mặt nghiên cứu giáo lý với các Phật tử có trình độ nhận thức tương đối cao, thầy cũng vận dụng cùng một nguyên tắc thân giáo, khẩu giáo nhắm đến đích đoạn khổ, giúp người nghe thiết thực đi vào việc đoạn khổ.
Có người hỏi về, lời dạy, "trong 45 năm Ta chưa nói một lời" có ý nghĩa gì?"
- Thầy đáp, "Thì Thế Tôn vẫn thuyết giảng 45 năm đó. Ðiều Ngài không nói là thực tướng của các pháp. Thực tướng thì không nói được. Ðiều Ngài thuyết giảng là nhằm giúp người nghe lìa xa tham ái, sân hận và si mê để đoạn tận khổ. Ngài nói bằng thân giáo và khẩu giáo để dẫn dắt người đời từ đây đến Niết bàn, và dừng lại ngôn ngữ ngang đó. Ngài không từng nỗ lực chứng minh hay thuyết giảng Niết bàn là gì, bởi Niết bàn vượt khỏi hành uẩn, thức uẩn và tưởng uẩn, vượt khỏi ngôn ngữ và diễn đạt. Chẳng những Niết bàn không nói được, mà mọi hiện hữu ở đời chẳng có ngôn ngữ nào của loài người nói được, bởi thực tướng của mọi hiện hữu đều vô tướng cả và vì thế đều thoát ly ngôn ngữ. Thực tướng của chúng cũng thuộc cảnh giới vô ngã của Niết bàn. Lẽ đáng lời dạy trên phải được phát biểu rằng: Trong 45 năm Như Lai không nói một cái gì cả, thì tương ứng với sự thật hơn. Như kinh Kim Cương dạy: "Như Lai vô sở thuyết" (không có cái gì được nói bởi Như Lai). Ngài dạy nhiều điều, nhưng là dạy về khổ, nguyên nhân của khổ và con đường đoạn diệt khổ, mà không minh chứng thực tướng là gì? giải thoát tối hậu là gì?
Theo chỗ tôi hiểu là thế."
- Một Phật tử khác hỏi, "vật có trước tâm, hay tâm có trước vật?"
- Với giáo lý nhà Phật, sắc uẩn là thuộc thân sắc vật lý và thế giới vật lý; thọ, tưởng, hành và thức uẩn thì thuộc tâm lý hay tâm. Cả Năm uẩn (vật và tâm) cùng có, không thể có sự kiện uẩn nào có mặt trước uẩn nào. Cụ thể như cái trứng gà và con gà, ai có thể xác định được cái trứng gà có trước con gà hay con gà có trước trứng gà? Theo Phật giáo, tất cả là duyên sinh, mà không có vấn đề trước sau".
- Chú Tâm Ngộ một lần bạch hỏi, "Bạch thầy, các pháp là vô ngã, thì cái ngã nào tạo nghiệp? cái ngã nào luân hồi?".
* Thầy pháp huynh cười, "Không phải câu hỏi nào cũng cần có lời đáp. Với chú, đó là vấn đề của chú. Hãy tiếp tục tư duy! xem nó như là một công án".
- Nhà giáo Bình vấn nạn pháp huynh, "Hữu tình thì có thể thành Phật, còn vô tình làm sao có thể thành Phật? Tại sao kinh tụng lại nguyện "tình dữ vô tình giai cọng thành Phật đạo?".
* Thầy hỏi lại, "Theo 12 chi nhân duyên của giáo lý Duyên khởi thì thức do hành sinh; vậy hành là vô tình hay hữu tình? Hành thì do vô minh sinh, vậy vô minh là vô tình hay hữu tình?..."
Nhà giáo bừng tỏ.
22. Vấn đề thảo luận văn học, tư tưởng:
Các chú, ở vào trình độ văn học Tú tài, đều thích bàn luận các vấn đề văn học Việt Nam và văn học Phật giáo.
Chú Tâm Thành bạch, "Bạch thầy, có hai thi phẩm nổi danh trên thi đàn Việt nam vào thế kỷ 18 là Ðoạn trường tân thanh và Cung oán ngâm khúc. Có nhà giáo cho rằng cụ Nguyễn Du và cụ Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo; có ý kiến thì bảo hai thi phẩm ấy chịu ảnh hưởng Tam giáo (Phật, Lão, Nho); lại có ý kiến cho rằng hai thi phẩm ấy nhuốm nặng màu sắc Nho giáo. Không biết mình phải xác định thế nào cho đúng?"
- Giá mà có thầy giáo Bình (Việt văn) ở đây bàn luận thì tuyệt! Tôi không sành văn học, thi ca. Tôi chỉ phát biểu một số ý kiến giới hạn.
Nếu đọc kỹ tiểu sử của hai cụ, thì quả hai cụ chịu ảnh hưởng của đạo Phật, đặc biệt là cụ Nguyễn Du. Chúng ta không thể trưng dẫn lời lẽ của các nhân vật trong thi phẩm để đánh giá hiểu biết của tác giả về Phật giáo. Nhà thơ núi Hồng Lĩnh, Nguyễn Du tiên sinh, chỉ mượn lời Kiều để nói lên một ít tâm sự của mình, mà không cốt để giới thiệu Phật giáo. Vì vậy, một số ý kiến trong thi phẩm chỉ để phản ảnh tâm sự nàng Kiều hơn là để nói lên nhận thức của cụ. Vì vậy không thể đánh giá nhận thức của cụ về Phật giáo qua truyện Kiều.
Nếu dựa vào các vần thơ đầu truyện:
"Trăm năm trong cõi người ta
"Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
"Trải qua một cuộc bể dâu,
"Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
"Lạ gì bỉ sắc tư phong
"Trời kia quen thói má hồng đánh ghen"
thì người ta sẽ cho rằng cụ Nguyễn Du chủ trương thuyết "Tài mệnh tương đố" hay "Hồng nhan bạc mệnh".
Hoặc giả, nếu dựa vào các vần:
"Cho hay muôn sự tại trời
"Trời kia đã bắt làm người có thân.
"Bắt phong trần phải phong trần
"Cho thanh cao mới được phần thanh cao"
thì bảo cụ chủ trương thuyết "Thiên mệnh" hay "Tiền định".
Thực sự, khi người đời rơi vào hoàn cảnh đoạn trường như Kiều, ai mà chẳng oán trời trách đất như nàng. Khi không tìm ra lối thoát, dù đã lắm vùng vẫy, thì hẳn phải buột miệng kêu: trời ghen, trời định, hay số mệnh.v..v... Nhưng khi đi ra khỏi nghịch cảnh, thì như Kiều, người đời mới bình tâm đánh giá đúng tự thân và hoàn cảnh. Bấy giờ mới là lúc cụ Nguyễn Du nói lên đúng nhận thức của cụ:
"Ðã mang lấy nghiệp vào thân
"Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
"Thiện căn ở tại lòng ta
"Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"
hay:
"Có trời mà cũng tại ta
"Tu là cội phúc, tình là giây oan"
Tại đây, Cụ xác định nhân quả của Phật giáo, nói lên trách nhiệm của tự thân về các hành động quá khứ và hiện tại của mình. Trời ấy rõ là chỉ hoàn cảnh khách quan do nghiệp nhân quá khứ để lại; ta ấy là chỉ hành động của tự thân trong hiện tại.
Hẳn là qua thi phẩm "Ðoạn trường", cụ không thể giới thiệu đủ các khía cạnh tế nhị của luật nhân quả, nghiệp báo. Dù vậy, cũng đủ chứng tỏ cụ chịu ảnh hưởng sâu đậm của giáo lý nhà Phật. Ðó là chưa trưng dẫn các từ ngữ rất là nhà chùa và rất là Phật giáo mà thi phẩm đã sử dụng, ở ngoài đời không có; và chưa kể đến những cảm nhận tinh vi của người đọc vốn đã thâm nhập giáo lý giải thoát, rằng qua các lời lẽ rất tình tự và rất đời trong truyện vẫn gợi cảm lên các hình ảnh rất là đạo và rất là thoát. Sự gợi cảm ấy bàng bạc, chứ không phải là tình cờ. Nếu muốn đánh giá cụ Nguyễn Du có thâm nhập giáo lý nhà Phật hay không, thì đánh giá ở mặt thâm nhập gợi cảm đó. Nhưng đây, không phải là điểm có thể bàn về văn học như ở học đường. Tôi lấy thí dụ vài câu tượng trưng để các chú chiêm nghiệm:
"Như nàng lấy hiếu làm trinh
"Bụi nào cho vẩn được mình ấy vay"
"Chữ trinh còn một chút này
"Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan"
Hoặc:
"Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"
Trường hợp cụ Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều cũng thế, dù, theo tui, cụ Ôn như hầu không có tài thi ca bằng cụ Nguyễn Du, và không thâm nhập Phật giáo bằng cụ.
Khi người cung nữ quá cô đơn, phiền muộn, thì hẳn phải oán than:
"Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào"
Hay:
"Quyền họa phúc trời tranh mất cả,
"Chút tiện nghi chẳng trả phần ai.
"Cái quay búng sẵn trên trời
"Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm" (89-92)
"Tay tạo hóa cớ sao mà độc
"Buộc người vào kim ốc mà chơi.
"Chống tay ngồi ngẫm sự đời
"Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo câm" (329-332)
Khi mơ ước về tình duyên không thỏa, tâm hồn bấn loạn, người cung nữ không còn có bình tĩnh để nhìn rõ nguyên nhân, hậu quả, mà chỉ nói lên lời hờn dỗi:
"Hẳn túc trái làm sao đây tá?
"Hay tiền nhân hậu quả xưa kia?
"Hay thiên cung có điều gì
"Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi?"
Khi đã vào sâu thất vọng về tình duyên thì người cung nữ với tâm cùng quẫn nghĩ đến lối thoát:
"Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
"Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên.
"Thoát trần một gót thiên nhiên
"Cái thân ngoại vật là tiên trên đời" (113-116)
(Nhà chùa đâu phải là nơi để nghỉ mát, hưởng nhàn?!)
"Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật
"Mối thất tình quyết dứt cho xong.
"Ða mang chi nữa đèo bồng,
Vui gì thế sự, mà mong nhân tình" (109-112)
Lời ta thán của người cung nữ, vì vậy, không phải là nhận thức thực sự của Ôn Như Hầu về Phật giáo. Nhưng xuyên qua các lời lẽ thuật ngữ được dùng trong thi phẩm Cung oán, có thể kết luận Ôn Như Hầu có chịu ảnh hưởng nhiều về giáo lý nhà Phật:
"Vắt tay nằm nghĩ cơ trần
"Nước dương muốn rảy nguội dần lửa duyên" (47-48)
"Nghĩ thân phù thế mà đau
"Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê" (67-68)
"Tiêu điều nhân sự đã xong
"Sơn hà cũng huyễn, côn trùng cũng hư" (95-96)
"Tình buồn cảnh lại vô duyên
"Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này" (267-268)
Hai câu 267 - 268 ảnh hiện giáo lý nhà Phật rõ.
Chỉ có từ thi ca đời Lý, Trần mới nhận rõ ra nền văn học và thi ca Phật giáo. Ðấy là các công trình biên khảo lớn. Thi ca Phật giáo vừa nói lên giáo lý giải thoát vừa làm phong phú thêm nền thi ca, văn học Việt Nam.
Về tư tưởng Việt Nam và Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, đây là đề tài tế nhị hơn nhiều. Cho đến nay vẫn chưa có công trình thật giá trị nào xác định vị trí tư tưởng Việt Nam và Tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Chỉ có một số bài biên khảo và một ít cuốn sách nhỏ đề cập đến một số khía cạnh mà thôi, và đang ở trong vòng bàn luận.
Tôi nghĩ rằng một dân tộc đứng vững hẳn phải có một nền văn hóa riêng và tư tưởng riêng. Sắc thái tư tưởng riêng ấy biểu hiện ra thành nếp tư duy và thái độ sống riêng biệt của một dân tộc. Tìm thấy sắc thái đặc biệt của tư tưởng là tìm thấy tư tưởng.
Việt Nam có một thế đứng lịch sử đặt biệt trong suốt mấy nghìn năm lịch sử kiên cường đấu tranh giữ nước và dựng nước. Ðây là sắc thái đặc biệt. Không thể nói chỉ người Việt yêu nước và yêu chuộng hòa bình, bởi vì dân tộc nào cũng thế cả. Nhưng phải nói sự biểu hiện tính độc lập, bất khuất của người Việt mãnh liệt hơn. Sự biểu hiện ước vọng hòa bình cũng thế, mãnh liệt hơn. Phương chi, các địa danh Việt Nam đều nói lên khát vọng hòa bình thống thiết đó: Hưng yên, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ Tĩnh, Kiến Hòa, Quảng Bình, Bình Ðịnh, Phú Yên, Long An, Biên Hòa, An Giang. Các địa danh ấy hiện ra như là các điều khoản của bản Hiến chương dân tộc.
- Thế lịch sử tồn tại lại đòi hỏi một tinh thần đoàn kết dân tộc keo sơn. Thời đại nào tinh thần đoàn kết keo sơn đó, không thể hiện được thì thời đại đó đất nước nghiêng ngửa. - Hội nghị Diên Hồng chống Nguyên là một điển hình lịch sử của sự việc quân dân nhất trí, vừa biểu hiện tinh thần dân chủ rất sớm (từ thế kỷ 13)
- Chất keo sơn của sự đoàn kết, nhất trí của dân tộc phải là lòng cảm thông, tương kính và tình thương yêu đồng bào. Thiên nhiên khắt khe của nhiều vùng đất nước đưa đẩy kinh tế vào nhiều ngõ khó khăn nên cũng đòi hỏi sự có mặt của tình thương yêu, đùm bọc nhau, như ca dao Việt Nam đã nói:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"
"Lá lành đùm lá rách"
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy là khác giống nhưng chung một giàn"
- Ðịa thế lịch sử Việt Nam ở giữa vùng giao thoa của nhiều nền văn hóa và giao thông thương mại, nên cần phải dung hợp các nền văn hóa, và có tư tưởng mở.
Các yêu cầu, đòi hỏi, quan yếu đó của lịch sử Việt Nam hẳn là tạo nên một tính tư tưởng thiết thực. Vấn đề là giải quyết sinh tồn của dân tộc trước hết.
Qua các đặc tính đó, tư tưởng Việt Nam, rất Việt, nổi bật lên ba nét lớn đầy tình thương và trí tuệ:
* tính dung hóa (độc lập trong tương quan)
* tính thực tại, thiết thực
* tính khai phóng
Các sắc thái tư tưởng đó được bao hàm trong giáo lý nhà Phật, một giáo lý của trí tuệ, vô ngã, vị tha, vô chấp, thiết thực hiện tại, loại bỏ tất cả tinh thần nô lệ; nên khi Phật giáo đặt chân lên đất Việt liền được dân tộc Việt chấp nhận, chung sống, quyện chặt vào nhau như có cùng một sinh mệnh. Khi Phật giáo hưng khởi dưới hai triều đại Lý, Trần, đất nước cũng hưng thịnh chưa từng có. Khi Phật giáo chìm lặn dưới triều Hồ, Nguyễn, thì đất nước lâm vào cảnh nội biến, phân ly và yếu kém. Khi đất nước gặp khó khăn của lịch sử thì tinh thần vô ngã, vị tha của Phật giáo cần thiết cho dân tộc để xây dựng những thế hệ công dân yêu nước vô vụ lợi, biết quên mình vì đại cuộc. Câu chuyện Phù Ðổng Thiên Vương đã nói lên yêu cầu đó. Ðất nước lâm nguy thì lòng yêu nước và trí tuệ người dân Việt cần lớn nhanh như em bé Phù Ðổng. Nhưng khi dẹp xong giặc Ân, dựng nên công trạng lớn, thì Phù Ðổng từ chối bổng lộc, địa vị hay danh vọng.
Tinh thần khế cơ của giáo lý Phật giáo khi đi vào một dòng văn hóa nào thì hòa nhập vào nền văn hóa đó. Vì vậy, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam hẳn có một sắc thái đặc biệt khác với Phật giáo Ấn Ðộ, Trung Hoa và Nhật Bản. Ðó là nội dung của con đường giải thoát của Thiền nguyên thủy (thời Phật) (Tứ Ðế và Duyên Khởi) kết hợp với yêu cầu của lịch sử Việt Nam. Giải thoát tự thân và tha nhân được thực hiện trong điều kiện lịch sử Việt Nam tạo nên một sắc thái rất sinh động, thiết thực, nhập thế và rất dân tộc.
Từ đó, thi ca, văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, mỹ thuật Phật giáo đều nhuốm màu giải thoát của dân tộc Việt.
HT Thích Chơn Thiện