1. Cạo tóc:
Lần đầu xuống tóc xuất gia có một ý nghĩa thật quan trọng đối với chú Tâm Ngộ. Ðó là mốc điểm thời gian giữa hai nếp sống quá khứ và hiện tại. Bạn có thể hình dung ra được chăng những biến đổi tâm lý lúc ấy của một người trẻ tuổi quyết định từ giã đời sống gia đình ?
Hòa thượng bảo chú Tâm Ngộ, "Con được phép xuống tóc khi nào con muốn".
Thế là thầy pháp huynh cạo tóc cho chú chiều hôm ấy. Thầy pháp huynh cười thân mật, "Cạo tóc lần ni là vẫy chào quá khứ đó !.".Chú Tâm Ngộ chỉ cười nhẹ, chỉ nói lên được một tiếng "dạ" giữa nỗi lòng xao xuyến.
Nhìn từng nhóm tóc xanh rơi xuống, chú nghĩ, "đúng là hình ảnh chào từ biệt quá khứ; chú đang bắt đầu một nếp sống mới với các tập quán và suy nghĩ mới".
2. Học Tỳ Ni:
Hôm sau, Hòa thượng bảo chú, "Con hãy tìm học Tỳ Ni trước". Thầy pháp huynh giảng cho chú từng bài kệ Tỳ Ni. Chú Tâm Ngộ hỏi về ý nghĩa của các mật ngữ, thầy đáp, "Ấy ! Nó là mật ngữ. Ðã là mật ngữ thì là mật nghĩa. Hãy làm quen với việc để suy nghĩ ra ngoài nó !". Chú đành cặm cụi học thuộc lòng từng bài kệ và câu chú.
3. Làm việc:
Phần việc chú Tâm Ngộ phụ trách mỗi ngày là quét nhà, một góc vườn và cào rác dương. Thỉnh thoảng chú mới giã gạo hay bửa củi. Chú phải tập làm quen với các việc đó trước khi học đạo. Nói đúng hơn, đó là các việc hành đạo ban đầu của chú.
Một tháng sau, chú được cử hầu quạt và hầu trà cho Hòa thượng. Ðó là thời gian Hòa thượng theo dõi tâm lý của Chú.
Sau sáu tháng, Hòa thượng bảo, "Con có căn Thiền rồi đó. Hãy hành thiền đi !". Thực sự Hòa thượng biết rõ mấy tháng qua Chú đã hành thiền vào mỗi giữa đêm.
Thời gian hành điệu, đối với Chú, đi qua thật bình an.
4. Tạp luận:
Kỷ luật nhà chùa là "Im lặng như Chánh pháp, nói năng như Chánh pháp". Nghĩa là hành thiền hoặc bàn luận giáo lý. Nghiêm lắm! Nhưng thầy pháp huynh cởi mở đã cho phép các Chú mở mục "Interlude" để nói chuyện trời mưa, trời nắng.
Thầy và các Chú thường họp mặt ở nhà trù kể chuyện lịch sử và các giai thoại nhà chùa. Thầy nói có duyên và ý vị. Có lúc các Chú đã cười đến chảy nước mắt. Các cuộc họp mặt này ở ngoài tầm mắt của Hòa thượng.
Một lần, thầy pháp huynh cắt nghĩa sự khác biệt giữa các quả vị Thanh Văn, A La Hán, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật, Chú Tâm Ngộ hỏi, "Các quả vị ấy đều là vô phân biệt, tại sao có thể có sự phân biệt cao thấp ở đó ?". Thầy pháp huynh ngạc nhiên, "Ý kiến nghe là lạ, đáng suy gẫm". Rồi thầy đặt lại câu hỏi trắc nghiệm, "Các chú có mong sớm về Hội Linh Sơn không nhỉ ?"- Chú Tâm Ngộ đáp, "Dạ ở Linh Sơn không có ý niệm thời gian thì không có sự kiện sớm, muộn. Chúng con chỉ xin an tâm hành đạo thôi". Ố Lại triết lý ! Thầy pháp huynh cười.
Các chú thường cũng có các chuyện vui buồn nhỏ và đặt tên là "chuyện nhà trù", vì chúng được đem ra thảo luận ở nhà trù. Các chuyện linh tinh đó được xếp vào loại "tạp thoại". Chúng ở ngoài quy củ sinh hoạt của nhà chùa, nhưng cần thiết.
5. Tạp tác:
"Tạp tác" là danh từ sáng tạo của các Chú ám chỉ các việc làm ngoài quy định, như xẻ một trái mít chín, nấu một niêu xôi phi thời.
Thầy pháp huynh bảo sinh hoạt "tạp tác" là sinh hoạt mở, hay sinh hoạt khế cơ.
Chú Tâm Thành lập luận triết học về nguyên tắc sống "tam thường bất túc", dựa vào kinh nghiệm tạp tác, rằng:
- Ăn ít hơn một tí, sẽ thấy rõ hạnh phúc của cái ăn.
- Ngủ ít hơn một tí, sẽ thấy rõ hạnh phúc của giấc ngủ.
- Mặc đơn giản, sẽ thấy rõ hạnh phúc của cái mặc.
Trong nếp sống khổ hạnh của nhà chùa, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc hầu như có mặt khắp mọi nơi. Hạnh phúc hay niềm vui đến thì buồn bã, cô đơn bay xa. Vì thế, các "chuyển mục" và "tạp tác" đã đem lại niềm vui sống cho các Chú trước khi có niềm vui giải thoát.
Tiết mục "tạp thoại" thường được xen kẽ vào mục "tạp tác". Một lần chú Tâm Thành kể chuyện vui, "có một bà sau khi bán hàng, mua về một kí lô muối; ngày hôm sau, sau khi bán hàng xong, bà ta cũng mua về một kí lô muối nữa; ngày thứ ba, sau khi bán hàng xong, bà ta cũng mua về một kí lô muối nữa, vị chi là ba". Rồi chú ngưng kể, tiếp tục nhồi khoai lang chiều.
- "Chuyện kể lạt quá !" -- chú Tâm Tín chê.
- "Ba kí lô muối rồi mà còn lạt à ?!" -- chú Tâm Thành cười. Thầy pháp huynh bật cười theo.
Thầy pháp huynh lại kể, "Ở một căn nhà giữ các người đãng trí, một hôm, một chàng đãng trí lấy trộm chiếc chìa khóa cửa và định bụng sẽ mở cửa đi chơi sau phiên gác của người canh cửa. Lúc ấy, người canh cửa có việc cần về nhà một lát, lúng túng chưa biết tính sao, người canh cửa đánh bạo để cửa mở, và đi về nhà. Liền khi đó, chàng đãng trí cầm chiếc chìa khóa, đứng ngay ngưỡng cửa mà than, 'Cửa mở rồi,mần răng mình đi?!'."
- Các chú bật cười, "Ðúng là đãng trí".
- "Mình cũng đang đãng trí đó. Cửa giải thoát đã mở tự hồi nào mà cứ loay hoay như chàng đãng trí", thầy pháp huynh bảo.
6. Ngày Vía và ngày Kỵ, Tết:
Mỗi năm có một ngày dâng lễ cúng, tưởng niệm các bậc sư trưởng quá cố. Chùa sửa soạn hoa trái, cỗ bàn.
Tối đến, các Chú quây quần quanh thầy pháp huynh, bên tách trà nóng, và nghe thầy nói chuyện. Thầy thuật lại cuộc đời giải thoát của các sư trưởng, hoặc đọc cho nghe các bài thơ đạo. Thơ của pháp huynh có các phần cuối man mác buồn. Thầy bảo đó là dấu hiệu không hạnh phước của tương lai. Chú Tâm Ngộ thì quan niệm hiện tại của thầy đã sáng, lựa là chờ đến một tương lai nào. Tương lai của nhà chùa do Tứ niệm xứ quyết định, mà không phải do các vần thơ. Chú cũng biết viết thành thơ. Bài thơ đầu tay của Chú hồi đầu xuất gia là một bài không có tựa đề:
"Nhân sinh tự cổ thường cư mộng
Vọng tưởng sơn hà hữu hữu không.
Lưu chuyển luân hồi chiêu cảm nghiệp
Ðắm say sắc tướng muội mê lòng.
Si thì tìm tới vùng xao xác
Giác lại tìm lui cửa tịch không
Nếu thấy rỗng tênh tuồng tự ngã,
Thì chi tiếc lục với tham hồng"
Chú thích nhất một bài thơ của thầy pháp huynh mà Chú gọi là bài kệ giác:
"Tiền niệm bất sanh thị tâm
Hậu niệm bất diệt thị Phật
Phong hoa tuyết nguyệt thường nhiên
Nhạn lạc oanh đề xuân đáo".
Ngày kỵ là ngày thay đổi thức ăn đặc biệt, và là ngày nhà chùa tiếp đón nhiều Tăng, Ni và Phật tử.
Tết Nguyên đán thì chùa bận rộn nhất. Làm sạch sẽ trong chùa và ngoài chùa; gói bánh chưng, bánh tét; tiếp các Phật tử nhộn nhịp đến chùa trong các màu áo mới. Bận rộn đến nỗi chú Tâm Tín phải buông lời than, "Ðúng là cần xây dựng cảnh giới Tịnh-Ðộ ngay tại đây, cảnh giới tự tịnh, không phải làm sạch sẽ....".
Chú Tâm Thành bảo, "Tết của đời mà không phải của đạo". Chú Tâm Tín lập luận liền, "Khổ đau là do chữ của ấy. Tết là Tết, thế thôi".
Phật-đản và Vu-lan là hai ngày lễ lớn; Các chú hoan hỷ nhất trong hai ngày ấy, dù có bận rộn trang hoàng đèn, cờ .v.v...
Thầy pháp huynh nhân dịp ấy giới thiệu đến các Chú những nét lịch sử đặc biệt của Thế Tôn. Hôm nay với nét mặt trang trọng khác mọi khi, và với giọng đầy xúc cảm, thầy nói chuyện lịch sử đức Phật, đưa các chú trở về xứ Ma Kiệt Ðà, thành Vương Xá, trước Thánh chúng hân hoan và giải thoát.
Chú Tâm Ngộ phát biểu, "Thưa pháp huynh, con thích nhất và xúc động nhất về các nét rất là giản dị và rất người của Thế Tôn. Ngài đi chân không, nhặt cỏ khô làm thảo tọa; núp mưa qua đêm trong chái nhà lá bên vệ đường; dùng cơm trong bếp nấu của người đệ tử mù lòa; ngố tịnh thất với mấy tấm tranh cũ v.v... Thật là tuyệt diệu ! trong nét dung dị ấy lại đựng đầy một pháp giới trí tuệ và từ bi. Ngài là kết tụ của vũ trụ tinh anh!".
Chú Tâm Thành và Tâm Tín thì lặng lẽ trầm tư. Pháp huynh bấy giờ mới nở nụ cười tươi, thầy nói, "Tui cũng nghĩ thế. Chính nét dung dị nhất ấy là điểm siêu việt nhất và siêu phàm nhất".
Ngày Vu lan là ngày hiếu và hoan hỷ, là ngày Tết của nhà chùa. Trong không khí chan hòa niềm vui, chú Tâm Thành một độ cảm tác mấy vần thơ nhớ Mẹ:
Hôm nay con nhớ Mẹ
Ði đã mấy mùa thu
Tình thương lên cao vút
Trông ai xứ mịt mù.
Hôm nay con nhớ Mẹ
Nhớ lời ru từ bé
Ru lắng tâm hồn trẻ
Vào giấc ngủ bình an.
Hôm nay con thấy Mẹ
Là toàn cõi hư không
Và con là cánh én
Bay vào giữa mênh mông.
Hôm nay con nhớ Mẹ
Nhớ đầu mối từ tâm
Nhớ đầu nguồn giải thoát
Con dừng bước kiếm tầm.
Hôm nay con nhớ mẹ
Nhớ bóng dáng hoàng oanh
Hót trên càng liễu biếc
Nhớ Mẹ, nhớ trời xanh.
Thầy pháp huynh khen khá lắm và nói, "Ôi! Mẹ hiện ra như là Bồ-tát Ðịa Tạng!".
Sáng 16/7 âm lịch, chư Tăng đảnh lễ mừng tuổi hạ Hòa thượng. Hòa thượng sách tấn, "Ngày xưa, Thế Tôn chỉ dạy bằng thân và lời. Nay sức khoẻ đã yếu, tôi chỉ dạy bằng chính sự im lặng của tui. các thầy nhớ nỗ lực !"
Tiết mục tạp thoại chiều hôm ấy nói về thần thông giáo hóa và giáo dục vô ngôn. Pháp huynh ca ngợi thái độ giáo dục đầy tình người và trí tuệ đó. Không có một lý lẽ nào biện minh cho giáo dục con roi cả.
HT Thích Chơn Thiện