VẤN: Con chưa Quy Y Tam Bảo nhưng nhờ duyên số nên con cũng có được một số quyển kinh, như kinh "Kim Cang Thọ Mạng và kinh Bát Dương", kinh" Pháp Hoa", nghi thức cầu an, cầu siêu," Nghi thức Thập chú"," Chú Lăng Nghiêm".... Con không biết đọc các bài kinh này vào giờ nào, ngày nào thì tốt nhất. xin Sư dạy rõ cho con biết. Con xin cảm ơn Sư và chúc Sư mạnh khỏe! Nam Mô A Di Đà Phật!
ĐÁP:
Trước nhất Sư có lời khuyên nên tìm Thầy quy y Tam Bảo, người tu Phật giới luật là trên hết, vì “giới luật còn là Phật còn”. Trước khi nhập diệt, Phật dạy các Tỳ kheo phải lấy “giới luật làm Thầy” kim chỉ nam mà tu hành. Cho nên quý vị phát tâm thọ tam quy ngũ giới, khi có giới là đức Phật có trong nhà quý vị.
Đồng thời xác định vị trí của các kinh, kinh nào Phật tử đọc, kinh nào Phật tử chưa đọc, Phật tử không nên đọc, kinh nào đọc ở thời điểm nào.
Phật tử không tụng đọc các kinh nầy:
1/. Kinh Kim Cang thọ mạng, nói cho đủ là “Kinh Nhất Thiết Như Lai Kim Cang Thọ Mạng ĐàLa Ni”. Kinh nói về thần chú “Kim Cang thọ mạng”, lúc bấy giờ trong chúng hội có các hàng Tỳ kheo, Bồ tát và đại chúng trờ người đến dự. Tuy nhiên, Đức Thế tôn chỉ giảng cho bốn vị Thiên vương Tỳ Sa môn nghe mà thôi. Kinh nầy được xuất phát phiên dịch từ xứ Nam Thiên Trúc, do Ngài Kim Cang Trí và Sa Môn Trí vâng chiếu nhà Vua dịch.
Khi xem qua kinh nầy thì thấy có Đức Thế Tôn thuyết giảng, nhưng thuyết giảng cho các vị chư Thiên Tỳ Sa Môn, không giảng cho người thế gian nghe, nên chưa xác định là kinh của Phật nói hay của các vị tu Mật tông giảng nói, rồi tôn vinh Đức Phật vào đây, cho rằng Phật nói cho có giá trị quyển kinh? Có thể kinh nầy xuất phát từ Nam Thiên Trúc hay Trung Hoa cổ?
Khi chưa xác định kinh của Phật hay ai thuyết giảng thì Phật tử không nên tụng, chỉ nên nghiên cứu cho hiểu biết…
2/. Bát Dương kinh, không phải do Phật thuyết, mà do các nhà Sư Trung Hoa biên soan rồi tôn vinh Đức Phật, cho là Đức Phật thuyết giảng. Tuy nhiên nội dung trong kinh không có chất liệu của Phật thuyết, xin nêu lên một ví dụ như trong phẩm thứ sáu, nói về Lời phú chúc rất hoàn toàn xa lạ với Chánh pháp:
“Thân này có ra cũng tự nhiên; năm vóc kia tự nhiên có đủ; trưởng đại đó tự nhiên trưởng đại; lão thành kia tự nhiên lão thành; sanh ra đó tự nhiên sanh ra; ngày chết kia tự nhiên phải chết”.
Phật giáo không hề chủ trương vạn pháp do “tự nhiên sanh”, mà chủ trương “vạn pháp do duyên sanh”, lìa duyên sanh tức không phải Chánh pháp. Tuy kinh có tư tưởng bài trừ mê tín dị đoan, chủ trương làm lành, lánh dữ, tích phước, tu nhân khuyến tấn tụng niệm song ngôn ngữ, tư tưởng của kinh thuộc truyền thống văn hóa Trung Hoa, không phải tư tưởng ngôn ngữ giáo lý kinh điển Phật giáo. Những yếu tố Phật giáo có mặt trong kinh không đủ để nói lên được nội dung Chánh pháp mà chỉ là sự pha trộn giữa tư tưởng Phật giáo và các quan niệm về dịch lý, phong thủy, âm dương ngũ hành cùng với sự tin tưởng vào số mạng, thiếu sắc thái trí tuệ và từ bi.
Phật tử chỉ có thể nghiên cứu cho hiểu biết, không nên thọ trì kinh nầy.
Phật tử tụng đọc các kinh nầy:
3/. Phật tử tại gia nên tụng kinh Pháp Hoa, các nghi thức tụng cầu an, cầu siêu, trong đó có kinh Phổ Môn, kinh Phổ Hiền, kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, thần chú Đại Bi, Thập chú.
Khi phát tâm tụng niệm, cần có thời gian rỗi rãnh, thiết lập thời dụng biểu làm việc trong gia đình, có thể vào lúc 8 giờ sáng dành cho người hưu trí, người già tụng niệm; 20 giờ, 22 giờ đêm, hay vào lúc 4 giờ sáng dành cho giới trẻ …còn ban ngày đi làm việc, cho nên đối với giới trẻ đêm về tụng niệm thuận lợi hơn.
Trường hợp đến tháng bảy âm lịch theo lịch Việt Nam thì Phật tử nên phát tâm tụng kinh Vu Lan Bồn từ ngày mùng 01 đến rằm (15 âl) để tưởng niệm Ong Bà Cha Mẹ. Từ ngày rằm (15 âl) đến 30/7 âl phát tâm tụng kinh Địa Tạng cầu siêu cho Ông Bà Cha Mẹ như thời gian đã phân định trên.
Kinh và thần chú Lăng Nghiêm:
4/. Riêng kinh Lăng Nghiêm thì Phật tử có thể nghiên cứu sâu, đọc cho hiểu biết, chổ nào Phật dạy cảm thấy thực hành được thì làm theo, chẳng hạn như: phẩm “Phật vấn viên thông”, chương Đại Thế Chí Bồ Tát trình cách niệm Phật của mình trước Phật và đại chúng, Ngài nói: “Mười phương Như Lai, thương nhớ chúng sanh, như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, tuy rằng tưởng nhớ chẳng có ích gì? Nếu con nhớ mẹ, như mẹ thường nhớ con, mẹ con đời đời kiếp kiếp không cách xa nhau. Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ. Như người ướp hương, thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm”. Phật tử nương theo cách tu của ngài Đại Thế Chí mà hành trì.
Nói về thần chú Thủ Lăng Nghiêm dành cho người xuất gia tụng niệm vào khoá lễ 4 giờ sáng, tại các tự viện, thiền môn gọi là công phu khuya.
Phật tử phát tâm tụng niệm cũng tốt, song chỉ ngại công việc gia đình, vợ chồng con cái và xã hội làm bận rộn không có thời gian tụng niệm mà thôi.
HT Thích Giác Quang