Trời Ca-Li chưa vào Thu. Ở đây không có những cây ngô đồng như ở quê nhà hay những cây phong lá vàng báo hiệu mùa Thu đến, nhưng những thông báo tổ chức thiết lễ Vu Lan của các chùa, cũng báo hiệu mùa Thu sắp trở về. Mùa Thu trở về cùng với mùa Vu Lan báo hiếu trở về...

Và riêng tôi, cứ mỗi độ Vu Lan về, lòng tôi lại bồi hồi nhớ thương mẹ hiền đã khuất bóng và nhớ đến Vu Lan năm nào mất mẹ, tôi đã đến chùa và nhớ mãi không khí buổi lễ ngày hôm ấy, thật là náo nhiệt với những tà áo dài duyên dáng đủ mầu, hòa với nắng thu vàng rực rỡ. Các em trong gia đình Phật tử, với những chiếc khay đựng đầy hoa hồng trắng và đỏ, đang đi cài hoa trên áo mọi người.

-Xin phép cho cháu được hỏi cô một câu trước khi gắn cho cô một bông hồng.

-Vâng! cháu cứ tự nhiên hỏi.

-Thưa cô, bà cụ vẫn còn sống hay đã chết?

Bấy giờ thì người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần, gương mặt trái soan đứng bên cạnh tôi, đầu hơi cúi xuống, mắt u uẩn như nhìn vào cõi xa xăm, ngập ngừng giọng đượm buồn trả lời:

-Mẹ cô đã qua đời.

Hai thiếu nữ Phật tử áo dài hồng thướt tha, trang trọng gắn cho người phụ nữ một đóa hoa hồng trắng.

Đến lượt tôi, tôi sợ được hỏi và sợ bị bắt buộc trả lời, nên tôi tự động chọn bông hoa mầu trắng. Thật bất hạnh tủi hờn cho tôi và chị bạn đứng cạnh và cho những ai không còn mẹ. Tôi lặng người nhìn vào hương khói phủ nhòa không gian, mường tượng hình bóng mẹ tôi...

Các thiếu nữ Phật tử vẫn tiếp tục cài những đóa hoa dâng mẹ trong tiếng hát tha thiết:

"Đóa hoa mầu hồng vừa cài lên áo đó anh.

Đóa hoa mầu hồng vừa cài lên áo đó em.

Thì xin anh, thì xin em hãy cùng tôi sung sướng đi.

Hãy cùng tôi sung sướng đi!!..." (*)

Tôi sờ tay lên ngực áo, đóa hoa mầu trắng, chứ không phải mầu hồng, mầu trắng tang thương u buồn, mất mát đớn đau, chứ không phải mầu hồng vui sướng. Tôi cảm thấy buồn tê tái trong dòng nước mắt nghẹn ngào thương nhớ mẹ, trong không khí tưng bừng vui tươi của những người xung quanh còn mẹ. Tự nhiên tôi thấy bài ca bông hồng cài áo mang đến cho tôi niềm đau, niềm đơn côi, và hờn tủi, tựa như lá vàng sớm lìa cội, như nước chẩy sớm xa nguồn, bơ vơ lạc lõng, đắng cay và côi cút, tôi thầm gọi mẹ ơi....

Tháng Bảy ngày trăng mùa Hiếu Vu Lan về,

hoa hồng người ta cài áo sắc hồng tươi,

riêng con hoa trắng, trắng mầu xót thương,

me ơi! thương mến khôn lường,

nhìn ai mang đóa hoa hồng,

tủi phận mình mầu trắng đơn côi. (**)

Tôi bất chợt nắm lấy bàn tay của người bạn mới quen một cách thân tình, nước mắt của chị nhỏ xuống bàn tay tôi. Tôi biết tôi còn đang xúc động và chị ta cũng còn đang khóc vì tưởng nhớ đến người mẹ thân yêu đã mất. Hình ảnh của chị ta trước mắt tôi cũng nhạt nhòa ...

Thế là mỗi độ Vu Lan về, lòng tôi lại bồi hồi tưởng nhớ, bồi hồi xót xa, tâm hồn xao động như mặt nước hồ thu dậy sóng. Tôi ngại đi chùa, ngại gặp đám đông, ngại gặp những ánh mắt "hãnh diện vì còn mẹ", mà tôi đã nhìn thấy trong các dịp lễ Vu Lan. Tôi thường tự hỏi rằng tôi đã làm nên tội gì khiến cho mẹ tôi mất sớm, và những người vui ca "hãy cùng tôi sung sướng đi" kia có phải là những người ăn ở hiền lành, phước đức, nhiều lòng tốt, nên đáng được hưởng sự sung sướng hạnh phúc kia không?

Mẹ hiền ơi!

mùa Vu Lan đã về rồi,

người ta đang say cùng đời,

hoa hồng đỏ thắm trên môi.

Còn mình con, lang thang nhặt cành hoa trắng,

nghe cay đắng tìm về trong hồn,

đời mất vui khi mẹ chẳng còn. (**)

Tôi biết rằng mức độ tu hành của tôi còn yếu kém nhưng môi trường xung quanh, đã không giúp ích gì được cho tôi, mà lại làm cho tôi yếu kém thêm. Tại sao người ta nhắc nhở, ngợi ca những người còn mẹ, mà quên đi những niềm tủi hờn của tôi và của những người mất mẹ? Tại sao người ta lại phân chia người còn mẹ, kẻ mất mẹ. Vô tình người ta đã kẻ một lằn ranh giữa kẻ còn người mất, người ta đã phân biệt hoa hồng đỏ còn mẹ vui sướng, hoa hồng trắng mất mẹ u buồn, phụ họa cùng với âm thanh tha thiết rộn ràng, làm xoáy vào tâm não những người con mất mẹ, đang ngậm ngùi long lanh nước mắt, nhạt nhòa nhìn xuống bông hồng trắng mầu tang bẽ bàng trên

ngực áo !!

Có ai hiểu nỗi lòng của những người mất mẹ và tâm sự của những kẻ mồ côi như tôi chăng?

me ơi! thương mến khôn lường,

nhìn ai mang đóa hoa hồng,

tủi phận mình mầu trắng đơn côi..(**)

Những tưởng được an lạc sau nhiều tháng năm tu tập, thế nhưng, giờ đây nơi cửa chùa, không khí lễ hội Vu Lan đã làm tâm thức của tôi và có thể của nhiều người khác không được an trú vững chãi và thảnh thơi trong giây phút hiện tại, vì mãi hoài niệm quá khứ, nhớ thương người mẹ đã qua đời. Tập tục bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan chỉ có ở Việt Nam, không quốc gia Phật giáo nào có cả. Lễ cài hoa này, vốn được du nhập từ xứ phong kiến Nhật Bản, nơi mà thói phân chia giai cấp bàng bạc khắp nơi, biểu lộ ra từ cái vái chào cao hay thấp, tùy theo địa vị trong xã hội, ấy thế mà lại được nhiều người tán dương, phổ biến rộng rãi, và đang xâm nhập vào đời sống tinh thần đầy thuần phong mỹ tục của người Việt nam, một dân tộc có nền văn hóa rất thâm trầm, sâu sắc, đầy cảm thông, đầy tình tự xóm giềng dân tộc, "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". Người hàng xóm chết còn chia xẻ nỗi đau buồn bằng cách để tang ba ngày, làm sao nỡ sung sướng cười vui bên nước mắt của người bất hạnh. Riêng đối với đạo Phật, thì lại càng không thể phân biệt "mẹ tôi còn, mẹ anh đã chết", mà phải đem lòng từ bi xóa tan khoảng cách giữa hạnh phúc và khổ đau, tránh khơi lại vết thương lòng của người mất mẹ. Thiết nghĩ mùa Vu Lan hiếu hạnh có mục đích sâu sắc, nội dung hàm chứa tinh thần của giáo lý nhà Phật, với quan niệm về dòng sinh tử trôi nổi nhiều kiếp, nhắc nhở những người con Phật thực hành hạnh hiếu với cha mẹ còn sống và với cha mẹ quá vãng nhiều đời, không chỉ hẹp hòi nhắm vào một người mẹ hiện tiền mà thôi. Và đây cũng là truyền thống cao đẹp trong đạo hiếu của dân tộc như đã thể hiện trong văn chương Việt nam, với những câu ca dao ca tụng công ơn cả cha lẫn mẹ:

"Công cha như núi thái sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

hay:

Công cha nghĩa mẹ khó đền,

vào thưa ra gửi mới nên con người.....

Ðạo Phật là đạo Tâm, là đạo từ bi, bình đẳng, không kỳ thị, không phân biệt. Đức Phật muốn cho mọi chúng sinh đều được sống an lạc, sống trong giây phút hiện tại, thảnh thơi, không vướng mắc những nỗi đau thương, thống khổ, không truy tìm quá khứ vì quá khứ đã qua, không nghĩ tới tương lai vì tương lai chưa tới.

Quá khứ thì qua rồi

Tương lai thì chưa tới

Kẻ thức giả sáng suốt

An trú trong hiện tại

Vững chãi và thảnh thơi. (***)

Lời kinh Phật mầu nhiệm xóa tan bao nỗi ưu phiền, thức tỉnh bao người mê muội khổ đau vì mãi hoài niệm quá khứ của mình.

Nói như thế không có nghĩa là tôi không có hiếu với cha mẹ, vì tôi không nhớ đến. Hàng ngày, một ngày cũng như mọi ngày tôi đều trả ơn cha mẹ nhiều đời, trả ơn thầy, trả ơn bằng hữu, ơn chúng sinh qua việc cố gắng thực hành lời Phật dạy: "làm tất cả việc lành, không làm điều ác và thanh tịnh hoá tâm".

Đức Bổn Sư đã dạy là: "Tất cả chúng sinh đều bình đẳng, đều có giác tánh, đều đã từng là cha mẹ lẫn nhau trong quá khứ và sẽ là Phật trong tương lai." Cho nên không giết hại chúng sinh qua việc ăn chay, tức là đã không giết hại cha mẹ bà con nhiều đời và thanh tịnh hoá tâm, qua việc ngồi thiền, niệm Phật, hay trì chú, tức là đã báo ơn Phật và báo ơn cha mẹ một cách rất cao quý và thực tế.

Đóa sen dâng kính Phật Đà,

Nguyện cầu gia đạo muôn nhà khang an,

Cửu huyền thất tổ song đường,

Vãng sinh cực lạc Tây phương nhiệm mầu.

Tâm Linh

(viết theo tâm sự của một người không còn Mẹ)

* ý thơ thầy Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ

** Lời và nhạc của thầy Thích Trường Khánh

*** Kinh Người Biết Sống Một Mình trong Bộ Kinh Tạp A Hàm - 1071



Có phản hồi đến “Tâm Sự Người Cài Hoa Trắng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com