VẤN: Vợ chồng con đã cưới nhau khá lâu nhưng vẫn chưa có con. Chúng con đã làm mọi biện pháp theo khoa học, kể cả thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bất thành. Gia đình con theo Phật nhưng mẹ con cũng thường hay theo tín ngưỡng dân gian, xem bói, hầu đồng hay đến các miễu chùa bà. Có lần mẹ đi xem bói nói ở nhà lo tụng kinh rồi đến nhờ mẹ thiêng mẹ độ chú nguyện, khấn vái thì sẽ có con. Mẹ con đã làm như vậy và con nghe hình như đi cầu khấn, kể cả chú nguyện bùa ngãi gì đó để hướng dẫn và con đã mang thai con trai như sự cầu khấn của gia đình. Con không biết là có phải là do như vậy không? Vì thế mẹ con phải thường lo đi tạ lễ và càng tin hơn. Con rất vui vì đã có con nhưng con không biết rằng đứa con như thế có làm sao không? Có người bảo là do ai đó nhập vào, con cầu con khẩn sẽ rất khó nuôi nhưng có người bảo đó là do Mẹ thiên mẹ độ hộ cho đó là phước, không phải nghiệp. Xin Sư cho con biết con nên làm gì để mẹ tròn con vuông và đó không phải là nghiệp chướng của con. Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

I .Nhận định về con cái

Người thời xưa thường quan niệm: “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc”, cũng gọi ác giả ác báo, nghĩa là làm thiện thì việc thiện báo ứng, làm ác thì trước sau gì cái ác cũng đền. Gia đình làm việc phúc đức thì gia đình đó sanh con đẻ cái đầy đàn, con cháu đông thì của sản nhiều và có người giữa gìn gia sản và thừa kế giữ gìn gia sản từ đời nầy sang đời khác...”. Cho nên tục ngữ phương tây có câu: “bàn tay tặng đóa hồng thì nó thơm trước...”

Ngược lại người làm ác, ăn ở thất nhơn thất đức, khi ác đã đến lúc, có nhiều quả ác đến như: gia đình vợ không sanh con, con chưa sanh ra đã chết, hoặc sanh con non rồi chết, sanh con đãng trí, lãng trí, hình hài xiêu vẹo, sanh con lùn lé, câm điếc, ngọng nghịu, bước đi không chững chạc. Đó là quan niệm ác hữu ác báo phổ thông có một không hai ở thế gian. Phương ngôn người đời có câu: “cây kim ở lâu trong bọc có ngày cũng lòi ra...”

Theo giáo lý nhân quả của nhà Phật thì “gieo nhân nào hưởng quả nấy.” Khi đã tạo thì nhân lúc nào cũng hiện hữu, chờ khi đủ yếu tố, các yếu tố tích tụ gọi là nhơn duyên, còn gọi là “nhơn duyên quả” theo luật nhân quả có hai hướng quả thiện và ác, như sau:

Một là sanh con thông minh, biết lo cho gia đình, hiếu thảo tùy thuận, một lòng với cha mẹ, lớn lên làm tỏ rạng gia phong.

Hai là có gia đình sanh con rất cưng chìu từ thuở bé đến lớn, nhưng khi khôn lớn chửi cha mắng mẹ, phung phí gia sản, xài phí tiêu hao tài sản không hối tiếc. Có gia đình sanh con bụ bẩn, thông minh tuyệt vời, đẹp nết ngoan hiền đễ thương dễ mến nhưng chết non làm cho cha mẹ vật vả đau khổ trăm bề...tất cả đều do quá khứ ta làm điều các nên phải bị quả báo ác, đó là chơn lý nhà Phật ngàn đời không thay đổi.

Nhìn chung việc sanh con, con là kết quả của quá khứ và hướng về tương lai xây dựng một cộng đồng đep hay xấu, đoàn kết hay không đoàn kết, tổn hại gia phong hay không tất cả đều nằm trong luật nhơn quả. Sở dĩ gọi luật nhơn quả của nhà Phật nêu lên là chơn lý, là vì:

- Quả là do các nhân đã tạo ra trong quá khứ và khi kết đủ nhiều duyên, khi đủ yếu tố thành ra quả bất di bất dịch.

- Nhân kết hợp nhiều duyên, khi nào đủ yếu tố cấu thành thì quả sẽ xuất hiện

- Nhân quả có mặt trong cuộc đời, nhưng do chúng sanh vô minh, không hiểu biết, không thấy, thành ra chấp nhận khổ đau. Đức Phật nhìn thấy nhân quả là pháp có sẵn trong cuộc đời, nó luôn đi theo sự vận hành của bóng thời gian và áp dụng cho những ai có những hành động thiện hay ác mà lập thành. Đó gọi là chơn lý, là vì nó có sẵn trong thế gian nhưng mọi người không thấy, nhờ Đức Phật khai đường mở lối cho chúng sanh thấy nên gọi đó là chơn lý. Một quy luật hiển nhiên, tuyệt vời và Đức Phật chỉ cách tháo gỡ để đưa con người thóat khỏi khổ đau giúp chúng sanh bước vào thế giới giải thoát theo giáo lý nhà Phật.

Con người cũng có khi bị sa thải ra ngoài vòng của cộng đồng, khi con người có biểu hiện không tin, hay niềm tin đã mất, hoặc có quả báo và đang trả quả báo cho đến khi quả báo chấm dứt (Quy nguyên Trực chỉ - tác giả Nhứt Nguyên Tông Bổn)

Sau đây là những câu nói về nhân quả báo ứng có ảnh hưởng đến đời người: Người sẵn lòng cho đi sẽ khiến phúc báo càng ngày càng đến nhiều. Người biết cảm ơn, sẽ khiến thuận lợi càng ngày càng nhiều hơn. Hay giúp đỡ người khác thì quý nhân sẽ càng ngày càng nhiều. Người hay phàn nàn sẽ càng ngày càng có nhiều phiền não. Người biết đủ, biết thỏa mãn sẽ càng ngày càng có nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc (Vườn Hoa Phật Giáo - theo Letu.life - Mai Trà biên dịch).

Sanh thời người làm việc phước, việc thiện ở hiện tại hay tương lai, được trời ban phước báo cho mình. Người ngu tối, kẻ độn căn, suốt đời không thấy sánh sáng phước thiện, không làm được việc lành, thì sẽ bị tai biến, họan nạn tới liền. Trong cõi người ta dù làm lành hay dữ cũng đều có quả báo nhưng quả báo lành hay dữ mà thôi, như hút thuốc thì bệnh phổi, súc miệng thì sạch răng. Người làm ác tưởng rằng không ai biết rồi cứ ở trên thiên hạ mà cao bay xa chạy, tưởng rằng trời đất đã không có mắt nhìn người làm tội, lo mải mê hưởng thụ cho sung sướng. Người làm ác khi quả vị chín mùi thì ác đến không tránh khỏi họa đã vay. Theo Sách Minh Tâm Bảo Giám, NXB Văn Hóa, Saigon, bản phiên dịch Trương Vĩnh Ký có nói:

Bình sanh hành thiện, Thiên gia phước, Nhược thị ngu ngoan thụ họa ương.
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Cao phi viễn tẩu dã nan tàng.
Nghĩa là:

Bình sanh làm lành, Trời thêm phước,
Nếu ngu ngang ngạnh, chịu tai ương.
Lành dữ lúc cùng có quả báo,
Cao bay xa chạy, vậy khó trốn.

Kinh Pháp Cú, phẩm Tâm, Phật dạy: “trong các pháp tâm dẫn đầu tâm là chủ, nếu đem tâm ô nhiễm nói năng hoặc hành động, thì sự khổ sẽ theo ta như bánh xe lăn theo con vật kéo xe. Nếu đem tâm nghĩ thiện, làm thiện thì sự vui sẽ theo ta như bóng theo hình.”

Con người sanh ra là để cho, để phục vụ, để phóng tỏa những năng lượng thánh thiện cần thiết cho nhau. Nếu đem tâm ác đối đãi với người mà không áp dụng lòng từ bi để phóng xả cho đối phương thì con người sẽ vô ích, vô tích sự, sống chẳng có ý nghĩa nào cả. Không giúp ích cho con người là vô dụng, quả báo cô độc đơn phương sẽ đến với người thật khổ đau và không thụ hưởng được chất liệu yêu thương trong cuộc sống.

Chất liệu yêu thương là muôn vàn cội phước

Người gieo thánh thiện là nối gót yêu thương

Nhân thánh thiện là diệu mầu trăm điều phước

Có cho ra thì hưởng thụ gấp muôn lần

II .Vấn đề con cái với nhà Phật

Trường hợp gia đình của Bạn không có cơ hội sanh con cái, theo quan niệm xưa thì gọi là bất hạnh, hay các Bạn làm điều gì quá ác, thất nhơn thất đức với gia đình, với người thân, với nhân quần xã hội nên không có sanh con, hay sanh con không hiếu thảo, sanh con bất đắc kỳ tử, sanh con không hiền hậu chút nào.

Tuy nhiên nếu Bạn là Phật tử đã quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm, làm đệ tử Phật, Đức Phật vẫn cho phép Bạn sanh con nhiều hay ít tùy theo hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội. Với xã hội phong kiến, việc sanh con dường như theo khuôn thước gia đình thì người phụ nữ làm dâu của gia đình đó phải ráng sanh con cái thật đông, gọi là tạo nên “hào con” cho dòng họ nội, tạo nên phước đức nhằm để nối dõi “tông đường”, làm cho dòng họ ngày càng đông người. Có như vậy người con trai đó có hiếu với dòng giống gia phong, xứng đáng giữ gìn gia sản, nhà cửa ruộng vườn kế thừa làm tộc trưởng giữ gìn dòng họ. Ngược lại thì người vợ phải gánh lấy khổ đau đi cưới vợ cho chồng.

Đứng về gốc độ hoằng truyền giới luật của Phật giáo thì người con Phật xuất gia không lập gia đình, chấm dứt sanh tử luân hồi trong sáu nẻo, không trở lại thế gian. Nhà Phật chủ trương không nối dòng bằng hình thức lập gia đình sanh con đẻ cái, mà cầu tu giải thoát, đạo lý giải thoát đó cần được nhân rộng, phổ cập trong quần chúng. Tuy nhiên trong một tổ chức tu hành đạo xuất thế nếu cần có sự đào tạo người tu sĩ, đào tạo đệ tử nối thừa sự nghiệp, “truyền đăng tục diệm”, lửa trước truyền cho lửa sau, “tổ ấn trùng quang”, “tổ tổ tương truyền, sư sư tương thọ”, tình thầy trò là cao cả cần có sự tâm đắc để nối chí truyền thừa Phật pháp. Do đó không cần phải sanh con mà chỉ tạo nên người tâm đắc nối nghiệp tông phong, nên người tu sĩ Đạo Phật không cần có gia đình vọng tộc, mà chỉ có người cùng tông phong biết chấn hưng, có sứ mạng nối thừa Phật pháp bằng hạnh nguyện là đủ.

Đạo Phật năm 1920

Nói là nói như vậy thôi, chứ Đạo Phật Việt Nam vào khoảng thời gian từ năm 1920 thì gần như mất hẳn. Nhà chùa ít hoặc không có tu sĩ, người ở chùa là người cư sĩ, có vợ con đầy đàn, con lớn lên cho đi học ứng phú ở đâu đó sau về lo việc cúng kiếng, lo việc tang chế cho bá tánh để “kiếm sống qua ngày”. Thầy Trụ trì sanh con ra nuôi lớn khôn thì phải nhờ mai mối dựng vợ gả chồng cho con cái, mặc áo dài khăn đống, làm sui gia với người thế tục

Đến giờ công phu chiều, công phu khuya, khóa tu tịnh độ tối thì chỉ nghe chuông trống chứ không nghe tiếng kệ kinh, sợ người tây dương nghe được đến bắt bỏ tù. Có ai ở chùa thì bị “việt gian” gán ghép cho là “Việt Minh” tổ chức hội họp đánh tây, bị tây bắt nhốt nên Thầy tu không dám đến chùa là vậy. Không ở chùa thì việc ở nhà của tu sĩ xuất gia lại trở thành một tập tục và thuận lợi cho Thầy tu tha hóa. Thầy tu có lập gia đình để tránh tai mắt của tây, tây không đến bắt bớ, hay tây không bắt bớ diệt Phật giáo làm cho Phật giáo mất. Muốn cho Phật giáo lu mờ và mất hẳn chỉ có gán ghép người Phật giáo là Việt Minh, bị bắt và bị lưu đày Côn Đảo (theo lời kể của HT Thích Thiện Khải - Trưởng ban Trị sự Tỉnh Hội Phật giáo Đồng Nai khóa III, IV, V Thanh Lương cổ tự)

Người Phật giáo vào những năm 1920 có ba việc mà gọi là Thầy tu có vợ con: Một là Phật giáo không phát triển, không có người nối thừa kế nghiệp Thầy Tổ, nên buộc quý Thầy phải lập gia thất có vợ có con, lớn lên đi tu nối dõi tông phong trong nhà Phật, chùa chiền. Hai là bắt buộc phải lập gia đình để tránh sự bắt bớ của tây, vì lập gia đình tức là Thầy tu tha hóa, là mất giới luật, mất giới luật (hắc nghiệp) là mất đi bản sắc của nhà Phật, tu sĩ không còn là nhà tu đạo hạnh, tức là Đạo Phật bị hủy diệt từ trong nội tại. Ba là không có Giáo hội, không có tổ chức, không coó người quản lý, không có mở lớp học đào tạo người tu sĩ, nên mạnh ai nấy tu, tu theo giấy tờ, cấp độ điệp bừa bãi, do không có người quản lý thì tu sĩ muốn làm gì thì làm, dẫn đến phạm giới pháp của Phật, hủy phạm giới pháp, phạm giới “dâm”, tức là làm mất bản chất con người của Đạo Phật, thì Đạo Phật phải tự hủy diệt.

Việc tu hành xuất gia theo Phật có gia đình, không chỉ ở Việt Nam, mà ở tại Nhật Bản. Giáo phái Tịnh Độ chân tông phát triền, do ngài Thân Loan 1173-1262 sáng lập và tu theo pháp môn niệm Phật Tịnh Độ Tông là chi nhánh của Tịnh độ tông Nhật Bản, nhưng cải biên theo môi trường tiến hóa tu hành đa số theo tập tục cha truyền con nối. Nhà sư Tịnh Độ chân tông tu hành, vừa là giữ tài sản gia phong, vừa là giữ gìn viền mối pháp môn tu. Hiện nay ở Nhật Bản gíáo phái nầy rất thịnh hành (Quán Như phỏng vấn Giáo sư Nogawa Hiroyuki Đại học Huyền Trang, Đài Loan)

III .Việc sanh con cầu con,

Việc cầu con, sanh con là tu ngược lại giáo lý nhà Phật, vì tu sĩ xuất gia nhà Phật cầu thoát ly sanh tử luân hồi, muốn thoát ly sanh tử luân hồi thì việc trước nhất là không đi vào con đường sanh tử, không sanh con đẻ cái trong thế giới uế trược (kiếp trược, kiến trược, phiền não trược chúng sanh trược, mạng trược)

Việc cầu con, sanh được con thật ngoan của Bạn là chuyện xưa, chuyện của người ở non núi, chuyện linh thiêng,chuyện các tiên nhơn, tiên cô, thánh thần tu ở non ở núi, là đối tượng để cho người phàm tục cầu con. Việc cầu con được con cũng là chuyện xưa từ vô thỉ, từ suốt mấy nghìn năm khi Hoàng hậu Maya muốn cầu con phải làm việc từ thiện xuất của kho trong cung cấm mà bố thì cho thần dân, đi non núi cầu lạy thánh thần ban phước cho được sanh con tốt lành và cuối cùng sở cầu như ý nguyện (Sự tích Phật Thích Ca - Viên Tài Hà Tấn Phát)

Hiện nay theo Bạn thì do mẹ Bạn cầu khẩn thánh thần, làm việc phước cầu được con trai, sở cầu như ý nguyện, theo Sư thì do mẹ Bạn cầu khẩn, cộng với sự cầu khẩn của Bạn, trong đó có làm việc thiện, làm việc phước đức. Tâm Bạn và mọi người lúc nào cũng hướng về việc thiện, không dám nghĩ ác làm ác trong lúc cầu nguyện nên việc sanh con như ý nguyện (nhân), chứ không phải do thánh thần phò hộ Bạn sanh con tốt lành. Thánh thần là đối tượng Bạn cầu, do trong khi sở cầu tức là làm việc thiện, lúc nầy thì vợ chồng Bạn không dám làm ác, chồng không dám bê tha trác tán nữa rồi, nên việc sanh con như ý là điều tất yếu (quả). Theo luật nhơn quả không có việc cầu an đươc sanh con Bạn ạ!

Sự linh ứng của niệm Quan Thế Âm

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Phật dạy về hạnh nguyện của Bồ Tát Quan Âm, những người chuyên trì niệm danh hiệu Quan Âm, do nguyện lực của Quan Âm nên người phàm mắt thịt cầu gì được nấy là vậy.

Cầu nguyện về sự

“...Nhược đa ngu si thường niệm cung kính Quan Thế Âm Bồ Tát, tiện đắc ly si. Vô tận ý Quan Thế Âm Bồ Tát hữu như thị đẳng đai oai thần lực, đa sở nhiêu ích, thị cố chúng sanh thường ưng tâm niệm. Nhược hữu nữ nhơn thiết dục cầu nam lễ bái cúng dường Quan Thế Âm Bồ Tát, tiện sanh phước đức trí tuệ chi nam; thiết dục cầu nữ, tiện sqanh đoan chánh hữu tướng chi nữ, túc thực đức bổn chúng nhơn ái kính...”

Nghĩa là:

“...Nếu chúng sanh nhiều sự si mê thường cung kính niệm: “Quán Thế Âm Bồ Tát” liền khỏi được nghiệp si mê. Ông Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có những sức uy thần lớn lao, làm nhiều sự lợi ích cho chúng sanh như thế. Vì vậy, chúng sanh thường nên tâm niệm. Nếu có nữ nhân, giả sử muốn cầu con trai, lễ bái cúng dàng Bồ Tát Quán Thế Âm, liền sanh con trai phúc đức, trí tuệ. Giả sử muốn cầu con gái, liền sanh con gái có tướng đoan chính; vì trước đã trồng cội đức, nên được mọi người kính mến...”

Cầu nguyện về lý

Nghĩa là:

“...Niệm Quan Thế Âm cầu con trai sanh được con trai, cầu con gái sanh được con gái. Nghĩa là: cầu con trai tức là cầu trí tuệ siêu thoát ra khỏi thế giới khổ đau, giúp cho mọi người có đôi mắt sáng tự bước ra khỏi bóng tối điên đảo vọng tưởng, tiến đến niết bàn, tự tại an vui. Cầu con gái có con gái là cầu ánh sáng từ bi của Phật đà chiếu dịu khắp muôn nơi, xoa dịu những vết thương đau oằn oại của chúng sanh, người niệm danh hiệu Đức Bồ Tát Quan Âm sanh đức bi, không còn thấy những khổ đau của con người mà chỉ thấy con ngươi vượt ra khỏi khổ đau phiền não của thế giới ta bà...”

Cho nên trong thế giới nhà Phật ý nghĩa cầu có con, cầu con trai, con gái là cầu trí tuệ (con trai) và từ bi (con gái). Đạo Phật là đạo từ bi trí tuệ, từ bi phải có trí tuệ, trí tuệ phải có lòng từ mới xoa dịu vết thương đau, nổi khổ niềm đau của chúng sanh và con người.

Con là hình bóng cho cha nêu chí cả

Là bóng hình cho mẹ hát tiếng yêu thương

Con lớn lên nương sức mạnh của cha già

Nương đức hạnh mẹ hiền đi trong muôn thuở

IV .Con trai hay con gái của Bạn sanh là do nhơn duyên mà được, dù là con trai hay con gái cũng là con, ngoan hiền cũng là con thông minh hay không cũng là con. Trong quá trình khôn lớn, con phải được giáo dục cho hoàn mỹ về việc ăn uống, ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi cho có tác phong đạo đức, tất cả cũng đều do các Bạn dạy dỗ và huân tập những hạnh lành đạo đức cho con thì con Bạn là nguồn hạnh phúc của các Bạn. Ban là người đã quy Tam Bảo không nên tin vào một điều gì mà ta nắm chưa vững vàng, không tin vào những điều không có chánh tư duy. Con Bạn ngoan hiền là do Bạn giáo hóa, không do cầu khẩn mà được. Con cái cần được sống trong môi trường tinh khiết trong sạch và tự nhiên, không gò bó xây trở “con” theo ý muốn của mình, mà để cho chúng sống trong môi trường trong sạch hóa. Nhất là đừng buộc chúng sống theo sự sai bảo của mình, vì sự sai bảo của cha mẹ nặng nề như một cái ách gác lên cổ trâu, bắt chúng phải làm kiếp trâu là phải mang ách. Sự dạy dỗ của các Bạn là lợi ích cho tuổi trẻ, cho con cái, cũng chính là điều hạnh phúc cho các con. Nhưng đôi khi trở thành nặng nề như làm kiếp trâu phải mang ách. Chúng sợ các Bạn là như vậy, chúng không đủ trình độ và năng lượng gánh vác lời nói của cha mẹ và làm theo lời của cha mẹ như là một lời phó chúc, trong khi chúng còn cần có nụ hôn thật trìu mến như thiên thần chấp cánh bay trong làn gió thoảng.

Cha mẹ cần có sự giáo hóa bằng thực hành, thực dụng xuất phát từ chính bản thân người lớn. Ví dụ, Bạn muốn con gọi Bà Nội, thì Bạn phải gọi “má chồng” bằng từ ngữ Bà Nội, chứ không bắt buộc con phải gọi là Bà Nội, con sẽ gọi theo tiếng Bà Nội từ tấm bé đến khi khôn lớn.

Tóm lại, sự giáo hóa của Bạn đối với con, là con cầu con khẩn hay con của Bạn sanh không do cầu khẩn có lúc Bạn dạy bằng “ý giáo”, có lúc bằng “khầu giáo”. Trẻ con “xấu nết”, Bạn nói con tốt, nó sẽ tốt theo tư duy của Bạn. Ban không nên nói xấu con mình trước người lớn dù đó là “nội” hay “ngoại”, con sẽ buồn lắm nhưng không dám bày tỏ cùng ai khi người thân nhất lại “nói xấu” mình trước người khác.

Con khôn lớn là do cha mẹ, con trưởng thành do nối gót mẹ cha, nên các Bạn phải gìn giữ cho thật tốt về các đối xử của mình với các con cho đến khi chúng khôn lớn.

Cha là cánh chim cho con cùng lộng gió

Mẹ là tổ ấm xây đời con lớn khôn

Con là phần thân thể của đấng song đường

Cho con tất cả những đều con mong ước

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Sử Dụng Bùa Ngãi, Hầu Mẹ Thiêng Mẹ Độ Để Sinh Con Có Được Không? ”

  1. Nguyễn bé bi đã nói

    Dc .mong có 1 đứa cũng dc

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com