VẤN: Gia đình chúng con ở quê rất xa, ở miền Bắc, không gần tam bảo chùa chiền. Chúng con đều là Phật tử nhưng rất nghèo. Lúc gia đình có người thân qua đời, chúng con không thể thỉnh được quý thầy đến để lo tang sự. Xung quanh chỉ toàn là thầy cúng và họ đòi hỏi giá cả rất cao, chúng con cảm thấy không hài lòng dù có người bảo nên có một vì thầy về cúng tế, hướng dẫn đưa quan. Thế rồi chúng con tự tổ chức trong gia đình họ hàng, tự tụng niệm cúng tế theo những gì chúng con biết được. Chúng con niệm Phật, tụng kinh Địa Tạng hồi hướng cho người thân, cúng hương linh theo như trong kinh nhật tụng. Xin Sư cho con biết Phật tử tại gia như con có thể tổ chức trì chú, tụng kinh, lo việc tang sự như vậy có bị mắc tội không và người thân có bị đọa lạc không? Nếu chúng con mời thầy cúng đến để cúng như vậy là có được không và người thân chúng con có được lợi lạc hay không? Chúng con sợ người thân bị đọa và gia đình chúng con mang tội nhưng không biết phải làm như thế nào. Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP:
Ông bà cha mẹ qua đời, đối với gia đình Phật tử thuộc con của Phật, dòng giống Thích Ca Mâu Ni, ta không bàn chuyện Bắc Trung Nam. Theo phong tục tập quán mà làm lễ tang, dù giàu hay nghèo cũng phải tổ chức lễ tang cho người thân, làm như thế người đời không mỉa mai gia quyến. Người Phật tử có cách xử trí theo gia đình Phật tử, trường hợp nơi đó không có “Sư Thầy”, không có “Thầy cúng”, chúng ta cũng phải tự làm thay mà thôi.
Tổ chức Phật tử ngày nay, thường là có đạo tràng Phật tử, có vị Đạo tràng trưởng. Đạo tràng Phật tử là người thay thế gánh nặng cho Thầy Trụ trì, nơi mình quy y, hoặc nơi gần nhà nhất. Nếu một lễ tang mà không có Thầy thì người Phật tử vẫn làm thay cho Thầy vẫn được, vì ta không làm thì rước Thầy cúng, Thầy cúng cũng tu nhưng Thầy cúng không ở chùa, ăn mặn, có gia đình, có đời sống như người ngoài đời. Đạo hạnh Thầy cúng cũng không hơn Phật tử bao nhiêu mà vẫn chủ trì lễ tang, hết lễ nầy đến lễ khác, tụng hết pho kinh nầy đến hết pho kinh khác còn được, huống chi một tập thể Đạo tràng Phật tử, Phật tử chân chính làm không được hay sao?
Tuy nhiên,, Đạo tràng Phật tử, Phật tử làm đám tang, tụng kinh cho lễ tang phải giữ đúng nguyên tắc thiền môn, tác pháp lễ nghi cho đúng, không nhận tiền dù đó là thù lao, không làm khác lạ với quý Sư Thầy, không thêm không bớt phần tín ngưỡng. Có thể thành lập Đạo tràng Tịnh độ như hướng dẫn của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN để giúp đỡ về đám tang cho các gia đình nghèo. Phật tử cũng có thể phát tâm tụng kinh Phổ Hiền, kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà, hoặc chỉ niệm Phật cho người chết cũng không trở ngại. Không nên làm sai lệch lễ nghi khuôn phép của thiền môn, những quy cũ mà Phật tử được quý Sư Thầy từng giáo hóa.
I . Ở các bài giảng trên đã nói về phong hóa, tập quán, hủ tục, nghi thức lễ tang quá nhiều rồi, nên ở chương nầy Sư chỉ tổng hợp đánh giá về các tập tục cơ bản, về đạo hiếu của lễ tang và nếu có nhắc đến chỉ nhắc những nét đại cương, những sinh họat của lễ tang hiện nay mà thôi. Đồng thời Sư trả lời những thắc mắc vốn có của Phật tử muốn nói mà nói không nên lời, chỉ vì sợ tội nên biết mà không dám nói. Có thể do không biết gì về tâm linh, hiểu mơ hồ về thần thánh sợ thánh thần quở phạt, sợ nói ra có lỗi, cứ nhắm mắt mà làm theo việc tang chế, theo xưa bày nay vẽ, không có ý nghĩa xác thực. Tổ chức một lễ tang không khéo sẽ trở thành những nơi phổ biến về các hủ tục lạc hậu hao tốn tiền của vô lý nhất trong các việc hao tốn của gia đình và xã hội hiện nay. Từ đó sanh ra việc không tốt, khi gia đình hữu sự lễ tang, chấp điếu để mượn tiền bà con bá tánh làm lễ tang và lo hậu sự, sau đó trả dần bằng cách đáp lại với mọi người bằng những lễ lượt sau.. Hoăc xin Thầy coi làm lễ tang lâu ngày (1 tuần lễ) để nhận điếu lễ tang, việc nầy người đời gọi là “bán xác chết” để ăn.
Đời sống của gia đình trong xã hội tiến bộ văn minh hiện nay nhất nhất mọi việc cần có hạch toàn về kinh phí, kinh tế gia đình. Những chi tiêu về vật chất tiêu dùng cần phải tính toàn thật kỹ để khỏi phải hao hụt, hoặc có thể có một ít số dư làm tiết kiệm cho đời sống của người thân, hậu duệ trong tương lai. Con người cần có cuộc sống thực tại no cơm ấm áo, đầy đủ những nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, vật dụng cần dùng nhất như máy lạnh, tivi, máy giặt, các vật dụng sử dụng bằng điện, các vật dụng cá nhân, màn chăn, chiếu gối, vật dụng nhỏ nhất như dao cao, đồ hớt móng tay, thảm chà chân trước khi khách bước vào nhà. Ngoài ra còn có thuốc men khi bệnh hoạn, động sản, bất động sản...sự việc nầy có gia đình dư giả...những gia đình nầy sẽ làm lễ tang lớn rườm rà quy mô, làm cho nở mặt nở mài gia phong.
Bên cạnh có đa số gia đình thiếu ăn, gia đình nghèo xơ xát, không biết vật chất là gì, không nơi nương tựa, dòng họ không còn. Khi người thân qua đời làm gì có phương tiện để nhắc áo quan, làm lễ tang? Hoàn cảnh như thế ngày nay lại không ít đó các Bạn.
Như vậy, khi người thân qua đời việc rước Thầy làm đám tang, tụng kinh cho lễ tang là việc trước. Xứ sở ta là xứ có nhiều dân tộc có cả thảy 53 dân tộc, nên có rất nhiều tôn giáo trong đó có hai tôn giáo lớn từ hải ngoài du nhập đã trên 20 thế kỷ là Phật giáo và Ki tô giáo. Ngoài ra còn có hai tôn giáo nội sanh là Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài giáo, tôn giáo đều có lễ nghi riêng cũng có phức tạp cũng có giản dị, do đó nên có nhiều lễ nghi đối với các tôn giáo lớn nhỏ. Chúng ta là Phật tử cũng không nên đả kích Thầy cúng thế nào, thế nào...Nếu gia đình không có phương tiện rước Thầy cúng thì rước Đạo tràng Phật tử đến làm lễ tang, các Hội viên sẽ góp phần công đức giúp cho lễ tang gia đình Hội viên bạn. Trường hợp gia đình Phật tử không có tham gia Đạo tràng, thì vẫn tự tụng kinh cho lễ tang người thân vẫn được. Lễ tang ngày nay quý ở chỗ là tụng kinh bộ cầu cho người chết vãng sanh, sự siêu thoát bảo đảm hơn lễ tang rườm rà hao tốn.
II . Những đứa con bất hiếu:
1/. Bà Cụ bán vé số ở Hiệp Hòa
Bà cụ ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, Tp.Biên Hòa, huý danh Nguyễn....................
78 tuổi, già yếu rồi mà vẫn còn đi bán vé số. Số là bà có sanh một người con gái tên Nguyễn..........................27 tuổi, có gia đình, người chồng 30 tuổi kể từ khi đến làm rễ cho dòng họ Nguyễn, hằng ngày đi làm mướn khuân vác ngoài chợ Biên Hòa. Thời gian còn lại không làm được gì cho gia đình bên vợ, kể cả cha mẹ ruột, tiền có bao nhiêu vốc hết cho rượu thịt với bạn bè. Buổi chiều nào khi về nhà cũng say sưa chửi bới đánh đá mẹ vợ. Bà cụ cũng không được con gái nuôi nấng, hằng ngày phải đi bán vé số nuôi thân, khi về nhà tự nấu cơm chứ cô con gái cũng không nấu giúp cho Bà, huống chi đến chú con rể làm gì có chuyện báo hiếu Bà mẹ vợ. Thế rồi ông con rể càng ngày càng sanh nhiều tật tánh hơn nữa, khi say khoảng 5 giờ về nhà gặp Bà cụ cũng đi bán vé số vừa về, ông con rể bắt đầu chửi bới, Bà cũng phải nghe thôi, rồi tự đi nấu cơm chiều để ăn. Bữa cơm của bà chỉ có một vài con tép rang khô, một miếng xì dầu...đơn giản vậy thôi. Vậy mà ông con rể la lối om sòm, trách sao Bà không nấu cơm cho vợ chồng ông cùng ăn; nói đoạn nhảy đến đánh bà túi bụi, liệng chén cơm Bà đang ăn, ném đồ ăn ra sân, không cho Bà ăn. Ông rể đạp Bà té lăn còm ra, Bà tự lòm còm ngồi dậy ra sân lượm cơm đổ, gôm chén đũa đem vào rửa, rửa luôn cơm đổ để tiếp tục ngồi ăn.
Có bữa Bà đang ăn ông con rể đi ngang qua đá Bà, đi lại đá Bà, có khi đá rớt chén cơm, Bà vội vàng lượm lên để ăn, người con gái cũng ngồi đó cùng chồng chửi rủa Mẹ ruột...hoàn cảnh thật Bà cụ bi đát...mấy anh em xe ôm có bến đậu trước nhà, nóng ruột. Có một ông thuyết phục chở Bà vào Quan Âm tu viện nhờ nuôi dưỡng. Bà cụ ở tu viện được 3 năm yên ắng không còn bệnh họan nữa, hai vợ chồng không ai đến thăm xem Bà ra sao. Nhưng rồi, tuổi đời ngày càng già yếu, một ngày nọ hai vợ chồng biết Bà cụ yếu, sự chết gần kề, đến xin tu viện cho đem về nhà để lo tang sự. Bạn ơi, các Bạn có biết họ đem về nhà để làm gì không, để làm đám tang, cho hàng xóm láng giềng đến phúng điếu. Người đời gọi là “bán xác mẹ để ăn” đó.
2/. Ông Bà cụ bán Cà phê ở Bửu Hòa
Hai ông bà gia yếu, trong nhà có đứa con trai “nát rượu”, “đánh bài”, hằng ngày không làm gì nuôi vợ con cũng không nuôi cha mẹ, mặc kệ ông bà sống ra sao cũng được. Mỗi lần về nhà, nói là nhà chứ là một cái chái, dùng vỉa hè làm nhà, ông “con trai quý” hỏi xin tiền để xài, nói là xài chứ chỉ uống rượu, đánh bài vậy thôi. Bế tắc quá, nhà không tiền, bốn thành viên không ai làm ra tiền, nhưng hễ có tiền bao nhiêu “ông con trai” dùng vào việc “mua say”. Ông bà không chịu dựng được nữa mới xin Thánh Thất Cao Đài Bửu Hòa một chỗ để bán cà phê, dưới gốc cây sứ để kiếm sống qua ngày. Nhưng ngặt nổi bán cà phê có bao nhiêu tiền, “ông con trai” về đến quán là xin tiền, xin phải cho được, buộc ông bà phải cho, không cho không được. Không cho thì phải chịu những lời lẽ bất thiện mắng chửi thậm tệ, xúc phạm đấng sanh thành, cuối cùng cũng phải cho, không cho ông con trai vẫn tự lấy. Một ngày nọ quán cá phê ít khách, trong tủ chỉ có năm ba chục ngàn, “ông con trai” đến xin tiền, ông bà nói hôm nay ế quá không có tiền để cho “mầy”, “ông con” tự đến tủ lấy tiền nhưng chỉ có 50.000 đồng, tức quá “ông con” đá ông cha “té lăn cù mèo”, rồi lấy tiền bỏ đi.
1 giờ sáng nay, là đêm định mệnh đã đến, ông cha treo cổ “tự vẫn” dưới gốc câu sứ. Ông chết một cách tức tưởi, không một lời an ủi của cuộc đời, của người thân con cháu trong nhà. Công an phường Bửu Hòa tổ chức làm từ thiện đi từ nhà xin mỗi người một ít và có đến Quan Âm tu viện nhờ giúp đỡ cho đủ số tiền mua áo quan, làm lễ tang cho ông.
III . Hai hoàn cảnh, hai gia đình có hai môi trường khác biệt thật xa nhưng chung quy cũng chỉ nhắc đến việc hiếu đạo. Hiếu là đạo hiếu là cung kính cha me ông bà, bảo vệ gia phong, sống có nền nếp làm cho dòng họ tỏa sáng trong đời, nối truyền từ đời nầy sang đời khác nhưng dòng họ thì bất động không thay đổi đời sống. Đó là một gia tộc, một vọng tộc có uy tín tại địa phương. Đối với hai sự việc trên thì ôi thôi xã hội nầy không ít sự việc xảy ra hằng ngày, cha giết con, vợ giết chồng, con giết cha mẹ, ông bà.
Có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề con cháu bất hiếu với người lớn, đã chẳng những không phụng thờ người trên trước, mà còn chôn vùi dòng họ trong đêm tối. Đó cũng bởi tranh giành quyền làm chủ nhà, quyền quản lý tài sản, quyền thừa kế mà anh chị em ruột thịt trở thành kẻ thù bất tận, ngút ngàn không phai nhòa trong tâm trì hậu duệ, người sau.
Ở đây chúng ta đòi hỏi con người phải có đủ phần trí tuệ, dù trí đó là trí thế gian, chưa có phần đạo đức chuẩn mực xen vào. Đối với thế gian thì Khổng Phu Tử ngài cũng có nói: “Dục bình thiên hạ, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia tiên tu kỳ thân, dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm...” mốn ổn định mọi việc ở thế gian thì trước nhất phải lo ổn định gia đình. Gia đình là đơn vị xã hội nhỏ, ông bà là cố vấn, cha mẹ là gia chủ (tề gia). Trong xã hội nhỏ phải có tu thân, rèn tâm, ý tứ lúc nào cũng đầy đủ chia sẻ đúng lúc đúng thời với thiên hạ (tu thân sửa mình) điều chỉnh mọi sinh họat bản thân trở thành người có đạo đức tốt tiêu biểu trong gia đình (tu tâm). Có được những con người như trên mới ổn định gia đình. Trong Đạo Đức kinh, chương 19, Lão Tử viết: “Dứt thánh, bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt xảo (trí), bỏ lợi, không có trộm giặc”, nếu trong thế gian con người có những thứ đạo đức mà Lão Tử vừa nêu thế gian không có người thù oán, không có giặc cướp hiếp đáp dân lành.
Đối với nhà Phật, muốn làm Phật, ổn định chúng sanh, tự mình phải thanh tịnh thân khẩu ý tự tại trước tất cả mọi sự mọi việc. Tâm ổn định (giác ngộ) thì thân mới an, thân an thì lo được việc cho thiên hạ thánh tựu, đó là niết bàn, là Cực lạc Tây phương. Kinh Viên Giác, Phật dạy: “Tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh...”. Mọi người cần ta, nhưng ta chưa đủ tầm, trí tuệ chưa thông, chưa đủ đạo hạnh Sa môn, tham sân si còn đeo bám, làm sao đủ trí lực để lo cho chúng sanh.
Nhà Phật giáo hóa con người giác ngộ, có giác ngộ mới làm tất cả mọi việc dẫn đến thành công. Có trí tuệ mới giải quyết khổ nạn sanh tử luân hồi. Con người không còn bị khổ đau trong sanh tử luân hồi, mới có đủ lực để tiếp dẫn chúng sanh đến bờ giác. Như người chèo đó qua sông, vì qua sông thường xuyên, hiểu rõ đường đi nước bước của đò, nên mới có đủ trí lực, sức lực đưa nhiều người qua sông mà không bị lật đò chết chìm. Bậc Bồ tát đối với chúng sanh, ví mình như cầu đò (Kinh Đại phương đẳng Hoa Nghiêm), tức là đò hay cầu phải có đủ lực, sức chịu dựng mới đưa người qua sông. Lực không có, trí cũng không thì chỉ có gieo rắc những khổ nạn làm cho chúng sanh khổ đau không lối thoát.
Việc rước Sư Thầy những bậc chân tu đến tổ chức lễ tang, tung kinh cầu siêu thoát, kinh Địa tang, kinh Vu lan, Kinh báo hiếu Phụ mẫu ân, có tụng kinh niệm Phật, nên dù lễ tang đơn giản, có nhỏ đi nữa cũng là lễ tang, cũng bảo đãm được phước trí của chư Tăng (Ni) làm cho dư nghiệp vong linh siêu thoát mau tái sanh. Tang chủ cũng được nhờ từ lực của chư Tăng (Ni), diễn bày vi diệu pháp giúp cho gia quyến bình an. Đồng thời giúp cho gia quyền tỏ rõ những bài kinh Phật dạy về đạo hiếu mà thờ cúng người chết. Có như thế giúp cho mọi người thân dù kém đạo đức bao nhiêu cũng không còn nghĩ suy đến những việc khác mà chỉ lo phầm báo hiếu. Cho nên lễ nghi dành cho lễ tang, như tụng kinh, niệm Phật, thành phục, cúng cơm, ngủ dưới linh sàng, đáp lễ, lạy tạ...là những lễ nghi không thể thiếu đối với những người con có hiếu, nó không còn gọi là hủ tục, mà phải thực hiện tại lễ tang, cũng như sau lễ tang. Tóm lại, chúng ta chỉ cần bỏ những hủ tục rườm rà, những lễ cúng không cần thiết, còn lại những lễ nghi mà gia quyến cần phải tuân thủ, nghe theo lời chỉ giáo của chư Tăng (Ni) tại lễ tang.
Tự tổ chức lễ tang
Nhân đạo, tức là đạo làm người, làm người quý ở thiện tâm. Bản chất của người đời luôn lánh xa điều ác, thích làm việc lành. Sở dĩ có làm ác là do không vừa ý một sự việc nào đó, làm mất thăng bằng tự ngã, không cân đối tâm lý cuộc sống.
Trong cái làm thiện thì có trăm ngàn viêc để giúp phương tiện cho con người làm thiện, giúp người cơ hàn, đỡ nâng người cô độc, bảo dưỡng người già cả, nuôi nấn người tàn phế, chôn cất người chết có hoàn cảnh đặc biệt... Từ trên ta đã bàn đến lễ tang. Tang chế là việc thiện, nếu biết nói thiện mà không làm thiện thì không được. Lễ tang là tổ chức tín ngưỡng, là cơ sở dẫn đắt con người hướng về thiện, là hương liệu của thiện tâm, tuy trong đó pha trộn tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng Đạo Phật, tín ngượng Nho giáo, Đạo giáo...dù ở bất cứ tôn giáo nào cũng có ý tưởng truyền cảm đạo đức làm thiện. Nên khi trong xóm làng có người chết, hay ở gia đình có người thân qua đời, mọi người phải cùng nhau thăm viếng, tổ chức lễ tang, điếu tang, thương tiếc khóc lóc người đã qua. Đối với Phật tử cần khởi tâm thanh tịnh mà lo đám tang, khởi tâm tốt thì làm việc gì cũng thành tựu. Trong gia đình có người chết, Phật tử có thể tự tổ chức lễ tang không có gì trở ngại, nếu thông suốt về lễ nghi tang lễ, cũng như các Đạo tràng Phật tử cũng có khả năng tổ chức lễ tang cho thành viên gia đình Phật tử khi hữu sự.
Chỉ có điều trở ngại là chúng ta làm không đúng, hoặc chưa đúng, hay không biết làm đám tang như thế nào. Hoặc có thể do tổ chức lễ tang rườm rà, một nghi hai ngờ, mờ mờ ảo ảo, ù ù cạt cạt thì tội nghiệp cho người chết. Nếu Phật tử bảo đảm về tổ chức lễ tang, có khả năng đảm đương Phật sự lễ tang thì tự tổ chức vẫn được, không có gì phải ngăn cấm. Những lễ nghi phổ thông như: niệm Phật, chấp hành đúng thời gian quy định sau đó mới được động chạm tới thân xác người chết, làm lễ mộc dục tắm rửa, thay quần áo, cho phép người thân cử ai, làm lễ tẫn liệm, thành phục, cúng cơm...cho đến ngày lễ động quan an táng và các lễ cúng sau lễ tang...Những lễ nghi như trên, ta không thể nói không làm, vì không làm thì không làm từ thiện đó, không giúp lễ tang cho người chết thì vô tâm quá phải không Bạn?
Nên rước Sư Thầy làm lễ tang
Người thân qua đời trong môi trường ổn định mà không làm lễ tang thì khó coi, cũng không hòa nhịp với xã hội, mà cũng thiếu phần đạo đức. Vì vậy dù muốn dù không, gia đình Phật tử cũng phải rước một vị Sư Thầy đạo hạnh đền giúp cho lễ tang trang nghiêm, giản dị, Sư Thầy chắc chắn sẽ không làm những hủ tục không cần thiết. Ngược lại, Phật tử không nên đòi hỏi Sư Thầy tổ chức thêm những hủ tục theo ý muốn. Thường thì quý Sư Thầy làm lễ tang đơn giản, trong thập niên 1960, 1970 sở dĩ có rườm rà là do nhu cầu gia chủ đòi hỏi, nếu không làm thì gia chủ bảo là Sư Thầy không hiểu biết trong việc làm đám tang. Do có nhiều trường hợp gia chủ dặt điều kiện bắt buộc Sư Thầy phải làm lễ, cho đến việc Đề phang, Thuyết minh sanh, nên trong lễ tang ngày nay, mỗi ngày càng thêm rườm rà là vậy. Nếu là Phật tử khi gia đình hữu sự, bổn phận làm con giữ tròn đạo hiếu, thì nên tổ chức lễ tang. Không nên không tổ chức, nhằm để tránh các việc như lợi dụng người qua đời “bán xác để ăn” hay để dặn dò những “đứa con bất hiếu”, những “nghịch tử”, không còn xúc phạm ông bà cha mẹ. Trường hợp không làm là không làm lễ tang rườm rà, làm cho linh đình, giới thiệu nhiều hủ tục tập trung vào một lễ tang, nếu có làm lễ tang thì tổ chức tụng kinh niệm Phật cầu nguyện cho người chết được siêu thoát.
Hiện nay, các gia đình có người thân qua đời, nếu không làm lễ tang dường như có phần nghịch ý với tâm lý chung của người đời. Không làm lễ tang là làm cho người đời tiếp tục ngày càng xa rời đạo đức hơn.
Lễ tang hủ tục rườm rà
Nên chăng gia giảm bá gia được nhờ
Phật tử được phép lễ tang
Sao cho phù hợp đừng bày vẽ thôi
HT Thích Giác Quang