VẤN: Gia đình con ở quê và lại là gia đình từ đường. Do đó, việc cúng giỗ là điều không thể thiếu được. Cũng may gia đình có thờ Phật nhưng đám giỗ vẫn trộn lẫn cả chay và mặn. Nếu ai mất nhằm ngày chay thì cúng chay còn ngược lại là cúng mặn. Đến ngày tết thì từ 20 trở đi ở nhà chỉ toàn là lo cúng , lo nấu ăn con cảm thấy tết là một cực hình. Rất nhiều lễ cúng xảy ra như nào là dẫy mã dọn phần mộ ông bà, cúng ông Táo, tất niên, giao thừa, tân niên, cúng tiễn ông bà, cúng mừng khai trương đầu năm. Trong các ngày tết con chỉ toàn lo đi chợ, nấu ăn, mang lên để chồng và cha mẹ chồng cúng, dọn xuống. Đó là thêm việc nấu các món ăn truyền thống. Sau tết là bao nhiêu đám giỗ lại phải cúng. Vì cúng quá nhiều, đồ ăn nấu liên tục không ai ăn, bàn thờ trong nhà rất nhiều nên hoa quả trái cây cũng chất đầy cả nhà, sau đó lại đổ bỏ. Đôi khi con cảm thấy đó là một sự phí phạm, lễ tết là một gánh nặng cho phụ nữ, không phải là niềm vui vì chỉ lòng vòng lo việc cúng giỗ. Con muốn thay đổi để đơn giản nhưng lại sợ bị tội, sợ là mang tội bất kính, chưa nói gia đình chồng con rất là truyền thống. Nhưng nếu cứ tiếp tục thế này con cảm thấy quá mệt mỏi, phí phạm tiền của, phung phí đồ ăn vì ngày tết không thể cho ai được. Xin Sư cho con biết làm thế nào để con đơn giản hóa việc cúng giỗ, cúng tết mà không mang tội? Nếu con không cúng gì cả, chỉ thắp hương và đơm trái cây, dâng hoa thôi như vậy có bị mang tội không? Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP:
Đạo Phật là đạo giác ngộ, tín ngưỡng Đạo Phật là có niềm tin, chỉ có niềm tin yêu mới vào cửa Đạo Phật. Theo lời kể về việc phụng thờ cúng kiến trong gia đình Bạn, nay căn cứ vào giáo lý Phật Sư có một số ý kiến giúp Bạn giải thóat những ưu tư phiền muộn.
Theo lời Phật dạy thì ai giác ngộ thì theo Phật, thờ Phật, học hỏi và thực hành giáo pháp của ngài, ai chưa tin thì thờ thần tiên, ông táo theo tư duy và tín ngưỡng của mình. Có ba phẩm người tín ngưỡng: Phẩm thứ nhất người đã quy y Tam Bảo thực hành theo lời dạy của Phật không thờ thần tiên. Phẩm thứ hai người có quy y Tam Bảo nhưng vẫn tín ngưỡng thần tiên, thờ ông táo, ông địa, ông thần tài. Phẩm thứ ba người có tín ngưỡng nhưng không quy y Tam Bảo mà thờ thần tiên, ông táo thần tài, thổ địa.
Việc bày biện cúng kiến phức tạp trong nhà Ban nhân các ngày giổ, ngày tết, là có lý do của sự việc. Sư có lời khuyên: đối với phẩm người thứ nhất là tiêu biểu trong nhà Phật, phẩm người thứ bai cũng quy y Tam Bảo, nhưng có thờ thần tiên, biết là sai nhưng Ban nên tùy thuận gia quyến không nên khó chịu về việc thờ phượng cúng kiến rườm rà, phầm người thứ ba chúng ta đã chẳng những tùy thuận mà còn phải sống chung để lần hồi tĩnh giác các vị đó. Muốn tĩnh giác các vị chúng ta cần có quá trình hội nhập sống chung, nhất là trong gia đình, lần lượt người đó giác ngộ và nhà Phật sẽ tiếp dẫn. Không nơi đâu có những tín ngưỡng sâu sắc và đa dạng phong phú như người Việt, lý do trong hành trình lập quốc vùng Bắc hà vào những năm thứ nhất, hoặc khai khẩn đất phương Nam, lúc nào ông bà cũng đối đầu với những mưa gió bão bùng, sơn lâm chướng khí, giặc giả rối ren, ý tưởng người vô hình ác thần xâm chiếm lúc nào cũng nảy sanh...nên các vị phải dựa vào những thần tiên, thần minh, thiện thần để thêm lực cuộc sống. Từ đó việc thờ cúng thần tiên là điều kiện tiên quyết, tiếp đến khi nào an cư lạc nghiệp rồi mới tu Phật học đạo giải thoát.
Sau đây Sư sẽ nói về ý nghĩa của các lễ giỗ chạp, các lễ cúng và thờ phượng theo tập tục của ngày tết Nguyên Đán.
I .
Ý nghĩa giỗ chạp
Theo tự điễn Việt Nam của Thanh Nghị thì giỗ là ngày kỷ niệm người đã khuất bóng, giỗ chạp là các ngày lễ giỗ, các lễ cúng kỷ niệm trong tháng chạp. Giỗ hay đám giỗ, lễ giỗ, cúng giỗ, cúng đám giỗ là ngày lễ, mà nghi thức theo phong tục tập quán của người Việt từng nơi, từng hoàn cảnh gia đình có phương tiện hay không. Lễ giỗ nhằm tưởng nhớ đến những người đã mất, đã đi xa, khuất núi qua đời. Lễ giỗ được tổ chức vào đúng ngày mất theo Âm lịch của người được thờ cúng. Ý nghĩa của lễ giỗ là để nhắc nhở con cháu về lai lịch, lịch sử, những hành trạng của những người đã đi trước; gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, một dòng họ, đôi khi là bạn bè trong cùng nghề nghiệp, những người có thiện cảm nhất đối với xã hội, những người tuy không cùng huyết thống nhưng gắn bó tình cảm với gia đình nhiều năm, một chí hướng, một tiêu chí hay ban thân thiết nhất trong đời.
Thường thì lễ giổ của người lớn như ông bà, cha mẹ, chú bác cô dì, những người thân duy nhất được chuẩn bị trước đó một tháng. Với đời thì sắm rượu thịt, với nhà Phật thì đãi bà con dòng họ theo ăn chay của nhà Phật. Ở miền Trung thì người thân chết ngày ăn chay thì cúng chay, chết trúng ngay ăn mặn thì cúng mặn. Ở miền Nam thì cúng giổ ông bà đều là mặn, xưa thì giết bò, heo, gà vịt, nay thì chỉ đãi thịt heo, gà vịt đã làm sẳn gia đình sẽ mua hàng ngoài chợ
Lễ kỵ, húy kỵ và ý nghĩa
Lễ giỗ với nhà Phật gọi là lễ kỵ, cúng giác linh Hòa Thượng, Tôn sư, Bổn sư gọi là lễ húy kỵ. Tại sao gọi là húy kỵ? Vì ngày nầy trong cuộc lễ cấm kỵ giết heo, bò, cấm kỵ tất cả những cuộc vui hát xướng cho nên gọi là kỵ. Chữ húy là tĩnh từ có nghĩa là kiêng cử, tranh không nói hoặc viết ra, từ đó có chữ ẩn húy không được đưa ra, nói tên húy chứ không được gọi tên chánh, nếu gọi tên chánh cấp trên, Thầy Tổ, nhà vua thì gọi là phạm húy. Theo thời phong kiến ngày vua, hoàng hậu ra đời hay vua, hoàng hậu băng hà cũng đều gọi là kỵ. Trong chùa Tăng Ni chúng đến ngày tưởng niệm Hòa Thượng Bổn sư thì dùng từ tổ chức lễ húy kỵ chứ không được gọi tổ chức lễ giỗ hay làm đám giỗ Hòa Thượng Bổn sư. (ý nghĩa ngày lễ húy kỵ, ngày lễ giỗ - Thích Thiện Phước - chùa Hội Phước, ấp Tân Lập, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Đồng Tháp).Với ý nghĩa trên cho chúng ta thấy lễ giỗ, lễ kỵ người đã qua dù không phải người trong chùa cũng không nên giết thú, huống chi là lễ húy kỵ một vị Hòa Thượng.
Nhà từ đường
Đối với dòng họ có nhà từ đường, nhà chung có gia phả, do người con trai Út, hoặc anh Cả, hay vị Trưởng nam được ủy nhiệm. Đến ngày giỗ chạp người có trách nhiệm rất cực nhọc như: Gần đến ngày giỗ trước đó một tháng gia đình phải chuẩn bị sơn phết quét dọn nhà từ đường, làm sao cho đẹp cho mới để đón rước những người thân từ ông sơ, ông cố, những thành viên cao niên trong gia đình cho đến hàng con cháu ở xa về từ đường sum hợp một nhà tưởng niệm người đã qua và ăn lễ giỗ. Người đi đám giỗ có khi chỉ mang cặp rượu, con gà, cặp vịt. Ngày nay thì con cháu phụ tiền chợ; có nơi chẳng phụ trợ gì cả, vì các thành viên cho rằng người có trách nhiệm đã hưởng phần tài sản hương quả của ông bà để lại, được các thành viên trong gia đình nhất trí như nhà cửa, đất vườn, đất ruộng, động sản, bất động sản để lo cúng giỗ hằng năm. Đó là nói chuyện gia đình có của sản nên có làm đám giỗ. Trong thập niên 60,70 một số Phât tử than vãn “một năm làm 20 đám giỗ, cực quá, tiền bạc không có, đám giỗ liên tục ngán quá”. Điều này cho thấy trong một gia đình đông thành viên và ông bà, người thân qua đời trải nhiều thề hệ, đến người cuối cùng làm đám giổ rất vất vả hao tốn, vì mỗi lần đám giỗ là mỗi lần chi tiền không tiếc. Đến khi đám giổ xong thì hết tiền, kiếm tiến trả nợ chưa xong, lại đến đám giỗ khác, tiếp tục như thế đi đến hồi kết, mang chữ “nghèo”vào nhà và gánh lấy sự an phận suốt đời.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Chịu khó cúng lễ kinh qua phận nghèo
Xưa bày nay vẽ nên theo
Của ông bà chớ trả treo nên thờ
II .
Thờ cúng
Theo phong hóa Việt, việc cúng quãy là bổn phận của con người, giữa con người và con người, giữa con người và các bậc ở thế giới vô hình. Là trách nhiệm của gia đình đối với ông bà cha mẹ, con cháu, rồi đến xã hội làng xóm láng giềng.
Khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đối với người không có đạo, không theo tôn giáo nào cũng vẫn có thờ cúng, như trong nhà thì thờ cúng nhà mới, thờ cúng ngũ phương ngũ thổ, ông táo, ông địa, thần tài, thờ ông lò, ngoài nhà thì thờ bàn thiên không biết vái lạy ai ở đó mà cũng thờ cúng, thờ thần ngày đêm, thờ cô hồn đầu gành cuối bãi. Đi ghe thì thờ thần sông chằm, thần biển; chỗ vắng vẻ mất an ninh thì thờ ông cọp beo, sư tử làm bằng hình vẽ, bằng đá, cement để giữ trộm cướp. Trên núi rừng thì thờ sơn thần, thọ thần, thần đá tảng, dưới biển thì thờ thủy tề, thờ cá ông, người làm ruộng thì cúng lễ thần nông, lễ xuống đồng, thần lúa mạ...nhẫn đến việc sanh đẻ cũng cúng vái ông bà. Đến con cái bị nóng sốt cũng đổ thừa ông bà rờ đầu nên cũng tổ chức cúng ông bà, việc ma nhập cúng vái thánh thần, việc xui xẻo cũng cúng vái cầu ông bà xua đuổi tà ma quỷ quái, mất tài sản cũng cúng vái ông địa một nải chuối, có khi cúng vái, lạy vào chỗ “không đâu” như bàn thiên cũng vẫn cúng,.. nhất nhất cái gì cũng thờ cúng. Đó là nói đến những sanh họat con người trong phạm vi đất nước Việt Nam nầy thôi, chưa nói đền việc con người trên hành tinh trái đất suy nghĩ sanh sôi nẩy nở các phong tục, tập quán văn hóa lễ nghi của con người từ vô thỉ đến nay không biết bao nhiêu mà kể việc cúng kiến. Cho nên với một người có tín ngưỡng Phật xem việc cúng vái của mọi người là hiển nhiên, tâm linh là hư vô, vô bờ vô bến, việc cúng kiến như trên chỉ là tục lệ, tập quán chứ không có tổ chức tín điều bắt buộc mọi người phải theo. Chúng ta không nên chỉ trích hay than trách!
Lễ nghi chuẩn bị cho ngày tết
Người Việt Nam, người Trung Hoa rất quan trọng đến ngày Nguyên Đán, là ngày đầu năm, ngày trong sáng, đón chúa xuân. Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, hay Tết Cổ Truyền. Người Việt Nam ở nông thôn hay nói cho gọn là ngày Tết. Trước ngày Tết, có nhiều lễ lượt, tập tục, như: ngày mùng 10 âl hái lá mai, khoảng ngày 15 tháng chạp các gia đình dòng họ lớn đông người hay chọn ngày hiệp kỵ cúng giỗ ông bà chung, ngày 23 đưa ông táo, ngày 25 các chùa xưa úp chuông mõ, dọn dẹp bàn ghế không tiếp khách, các thầy tiểu, Sa di được Trụ trì cho phép về thăm nhà. Từ ngày 25 đến 29 (tháng thiếu là 28) làm lễ tất niên (cũng như lễ tổng kết của các tổ chức). Ngày 30 vào lúc 11 giờ trưa nhà nhà rước ông bà về ăn Tết, 16 giờ chiều các chùa khai chuông trống, các thầy tiểu, Sa di trở lại chùa để cùng phụ lực với Trụ trì lo Tết, từ 23 đến 24 giờ rước vía Di Lặc Tôn Phật. (theo đời sống người Việt)
Tết Nguyên Đán
Tại miền Bắc Việt Nam người kinh dựng cây nêu bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp đến ngày mùng 7 thì hạ nêu, người dân tộc thượng du Bắc Việt dựng nêu vào ngày 28 âl. Bộ phận cây niêu là một cây tre dài được dựng lên phía trước sân nhà có treo thêm lá bùa bằng vải vàng của Phật, có khi là vải đỏ, treo những cái khoen sắt để trừ ma quỷ từ biển đông vào phá họai những ngày mừng thu họach trúng mùa, ngày vui đoàn tụ ấm no của lê dân bá tánh. Tập tục nầy ảnh hưởng không nhỏ đền người Việt khắp cả nước.
Tết Nguyên Đán cón gọi là Tết Nông lịch hay Âm lịch, Tết ta, theo tây phương Tết Dương lịch hay Tết tây trước Tết ta một tháng. Người Đông Á sống định cư thuộc vùng văn minh lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp "phân chia" thời gian trong một năm thành 24 thời tiết khác nhau. Khoảng giữa mỗi tiết có một khoảng khắc không gian gọi là "giao thừa" tiết cũ đã qua giao thoa tiết mới đến, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán. Theo lịch sử Trung Quốc vào đời nhà Hạ thì Tết Nguyên Đán nhằm vào tháng Dần (tháng giêng) đến đời nhà Hán năm 140 trước công nguyên Hán Vũ Đế tiếp tục sử dụng tháng Dần làm tiết đầu mùa, nên từ đó đầu tháng giêng là thuộc tiết Nguyên Đán hay Tết Nguyên Đàn (Tết Nguyên Đán - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Đón giao thừa, ngày tết
Đêm giao thừa sắp bước sang ngày mùng Một, ngày đầu năm, là vô cùng quan trọng với mọi người nghênh đón chúa xuân, nhà nhà người người thường lóng tai nghe xem hiện tượng gì ra đời, tiếng kêu loài vật hay sự kiện xuất hiện, quan trong hay không quan trọng tùy môi trường đón xuân.
0 giờ ngày mùng một con cháu cung kính ông bà cha mẹ an tọa trên ghế tô-nê cao để làm lễ mừng tuổi thọ và được ông bà cha mẹ lì-xì. Hôm sau trên giữa nhà có trưng bày bàn cúng lễ, chưn các loại bánh mứt, nhằm chúc thọ cha mẹ kiến họ, nghênh đón người thân ruột thịt lớn tuổi đến chúc Tết, ngày nầy còn gọi là “Tết Cha”. Tiếp theo là các gia đình Phật tử thân hành đền các chùa gần nhất hay chùa Thầy Tổ lễ Phật, hái lộc.
Ngày mùng 2 Tết tiếp tục đi chùa xa, thăm chúc Tết người trong họ hàng, điểm đặc biệt người đến chúc Tết phải là người có uy tín, tên tuổi, tên đẹp. Người có tên không đẹp “xấu háy” dù thân kiểu nào gia chủ hơi khó chịu và cũng không tiếp khách trịnh trọng. Các đại gia, nhà làm thương mãi, dịch vụ lớn rước Thầy hợp tuổi đền xông nhà xông đất đầu năm cho cơ sở làm ăn, nhà cửa đang ở, để bước sang năm mới gặp nhiều mai mắn. Tiếp đến gia đình đi tham quan du lịch xa, những thánh tích, chùa chiền, những danh lam thắng cảnh của đất nước, những khu vui chơi giải trí
Ngày mùng 3 “Tết Thầy” các tu sĩ Phật giáo, anh chị em sinh viên, học sinh sắm quà lộc, người Phật giáo thì đến với Thầy Tổ, thầy Giáo Thọ, chúc khánh tuế những người giáo hóa mình. Anh chị em sinh viên, học sinh thì đến với thầy cô giáo, chúc tết những người đã khai hóa phần trí tuệ cho mình được tăng tuổi thọ.
Sau tết
Theo xưa thì ngày mùng 4 mới làm “lễ tất”; theo thời nay thì ngày mùng 3 vừa là tết Thầy cũng vừa là tết nhà cửa, tế vườn tượt, trâu bò, vật dụng trong nhà vừa là “lễ tất”. Thường thì chủ nhà mua giấy hồng đơn cắt thành mảnh mỗi cạnh khoảng 5 cm, hoặc mua của các Thầy Đồ nho những mãnh giấy như vậy có vẽ chữ “xuân” bằng mực đen hay nhủ màu đồng. Sau khi cúng lạy gia tiên xong thì đem những mãnh giầy đỏ nầy dán lên nhà cửa, phòng ngủ, phòng tiếp tân, phòng ăn, nhà bếp, ở nhà vườn thí dán vào những cây ăn trái, cây dừa, ở đồng quê thì dán vào sừng con trâu, cái cày, cái bừa. Đến ngày mùng 4, mùng 6 các công ty xí nghiệp, tiệm buôn, quán xá khai trương việc làm ăn của mình, nói là khai trương, chớ mọi người mọi nhà vẫn còn ăn tết cho đến mùng 7 âl làm lễ cúng “hạ nêu”. Khoảng thập niên năm 1950, 1960 người Hoa kiều, một số vùng người Việt giàu có, các tiệm buôn ăn Tết đến ngày 12, 14, đến rằm tháng giêng, lễ tết Nguyên Tiêu mới thôi.
Cúng cầu an sau tết
Tập tục người Việt ảnh hưởng nhiều đến các chùa chiền. Bắt đầu từ ngày mùng 5, bá tánh đến chùa xin cúng sao, cầu an cho gia đạo trong năm mới, nếu sớ của sao xấu có gì lấn cấn đến bản thân thì xin nhà chùa ghi danh gồm họ tên, tuổi, sao, hạn để đến ngày mùng 8 vào lúc 20 giờ , quý Thầy trong chùa giúp cúng sao cho bá tánh. Khi cúng đọc từng tên tuổi của người ghi danh, sao đó thiêu hóa sớ văn danh sách người đăng ký cúng, có như thế mọi người mới yên tâm mà làm ăn trong năm mới. Tập tục nầy ảnh hưởng khá sâu đậm trong giới chùa chiền. Tuy nhiên, ngày nay quý Sư Thầy cải biên không còn cúng sao hạn, mà tổ chức khóa lễ Dược Sư, cúng cầu an từ mùng 8 đến 15 tháng giêng, đáp ứng nhu cầu chung cho bá gia bá tánh. Ngày mùng 8 cũng là ngày các sinh viên học sinh, đến các cháu học sinh lớp mầm chồi lá cặp sách đến trường.
Hết tết
Ngày mùng 9 vía Trời tức là Ngọc Hoàng, mùng 10 vía đất tức là cúng Thổ địa, người cai quản cuộc đất mình đang ở, nên cũng được mọi người quan tâm. Ngày nầy người Việt, người Phật tử các nơi trong cả nước dự trù tổ chức đi hành hương suốt tháng giêng, các vị tổ chức thành đoàn tham quan vãng cảnh chùa chiền lễ Phật. Các đoàn hành hương đi chùa từ gần đến xa, từ Nam tham quan ra miền Trung viếng chùa Thầy Thím , đến miền Bắc viếng chùa Hương, các chùa xưa, từ Bắc vào miền Nam, vãng cảnh Đà Lạt, Vũng Tàu, Tp.Hồ Chí Minh, đi tham quan lễ Phật các chùa đã từng quy y hay quen biết. Tại miền Nam việc hành hương tham quan cho đến tháng 3 âl cúng lễ vìa Bà Chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc, An Giang, chùa Bà Bình Dương mới không còn tham quan hành hương có âm hưởng của ngày xuân đầu năm. Từ tháng giêng đến tháng 3, có gia đình tổ chức xuất ngọai tham quan du lịch, các nước Đông Nam á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, có khi sang đến Âu châu, Mỹ châu để du lịch dài hạn.
Không đâu lễ hội như ta
Bốn phương tám hướng từ xa hướng về
Tập quán, Lễ hội, Lễ nghi
Thu đi, đông lại, xuân thì, hạ qua
III .
Tập quán người Việt là hay mừng công, tạo nên những vui tươi, báo công không sợ hao tốn sau những ngày tháng làm việc mệt nhọc vất vả và người Việt không khác người Ấn Độ trong việc mừng công. Theo phong hóa người Ấn dù Ấn giáo hay Phật giáo sau khi làm việc xong và có hiệu quả thì dùng từ Ba la mật, Ba la mật reo hò ca vui: “Thành công rồi các bạn ơi! Thành công rồi các bạn ơi!”. Người nông dân Việt sau khi hoàn thành việc đồng áng, thu họach lúa thóc đâu đó đầy kho, gia đình tổ chức “lễ mừng công”, thường là sắm sanh những món ngon vật lạ đãi đằng khách tân, cũng như những người làm công cho mình
Việc đón Tết Nguyên Đàn, nấu nướng sắm sanh nhiều vật thực quá tốn kém, nhưng khi ăn uống xong có dư thừa đem phế thải. Theo Sư nghĩ đối với người Việt thì họ không sợ hao tốn, mà cũng chẳng để dành lợi lộc trong ba ngày Tết. Ba ngày tết mà không có thịt thà, kiệu chua, dưa giá thì không phải là ăn Tết. Sau khi ăn uống có dư thừa rồi đem bỏ mà còn tiếc nuối thì không phải là ăn Tết. Đối với người Việt thì năm nào đến ngày Tết, ăn uống có dư thừa đem bỏ đó mới gọi là ăn Tết, năm đó làm ăn giàu có, ăn nên làm ra, kinh tế dồi dào, năm nào thiếu thốn thì năm đó làm ăn thất bại lỗ lã, tiền không vào nhà, rất khổ. Do đó, việc ăn Tết có nhiều đồ dư thừa là ý tứ của người Việt ăn tết là vậy. Tuy nhiên, đối với một xã hội văn minh, là Phật tử chúng ta cũng phải tiến hóa theo đời sống văn minh, làm ăn phải có hạch toán, khi có dư thừa, chia sẻ tặng người thiếu thốn.
Việc giỗ chạp, gia đình có trách nhiệm làm đám giỗ ông bà, người quá cố suốt 12 tháng trong năm chắc chắn sẽ nghèo thôi, dù tiết chế, tiết kiệm kiểu nào đến hồi kết cũng nghèo. Vì trong đám giỗ mọi người tưởng là cúng ông bà, chứ thật ra là đãi đằng các thành viên trong gia đình tứ phương về dự, mỗi lần đàm giỗ như thế thì hao tiền tốn của không tiếc, nhưng thật sự thì mỗi ngày càng thâm hụt kinh tế gia đình và rồi từ thâm hụt đến thâm hụt, dẫn đền sống chung với “nghèo”. Có người đến nói với Sư cho vui:”con lãnh phần hương quả cúng giỗ, ban đầu còn có củi dừa nấu cúng, đến củi dừa cũng hết, sử dụng lá vách phên để chụm lửa nấu cúng giỗ, lần hồi không còn vách phên, mái nhà cũng không còn và rồi sạt nghiệp luôn...”.
Sự tiến hóa của thời đại, sự chia sẻ giữa cung và cầu ngày càng quân bình cán cân kinh tế, mỗi gia đình đều không còn dư thừa bao nhiêu sau khi tính toán thu chi, nên các gia đình cần có sự tính toán kỹ lưỡng trong việc sử dụng đồng tiền, sử dụng tài sản cố định. Việc cúng giỗ quanh năm trong một gia đình quá nhiều như nói trên, chúng ta cần lên kế họach hach toán kinh tế: chi cho điện, nước, vi tính, máy giặt...ở nông thôn ít có việc sử dụng vật chất làm tiêu hao phí vô lý. Việc cúng giổ cũng phải hạch toán, thay vì một năm làm 20 đám giỗ, chúng ta hội họp gia đình xin ý kiến gom lại chỉ còn cúng một đám giỗ mà thôi, gọi là “cúng hiệp kỵ” vào một ngày nào thuận lợi trong tháng chạp.
Cúng kiến đôi khi làm nên bộ mặt thánh thiện, vui tươi hòa nhã cho gia đình, việc cúng kiến quá nhiều như gia đình, Bạn cũng không nên quá bức xúc. Đến ngày cúng lễ là ngày vui, đành rằng là rất cực nhọc, nhưng nếu một sớm một chiều mà dứt dạc thì gặp trở ngại. Tốt hơn hết là thuyết phục gia đình tăng cường người để lo phụ cúng kiến, sẽ có thời gian mọi người cùng ngồi chung lại với nhau để hạch toán kinh tế gia đình, giảm sự cúng kiến vô lối.
Cúng kiến tập quán Việt Nam
Phải cần canh cải việc làm lễ nghi
Đầu năm, cuối năm cúng gì
Không nên mở hội duy trì tốn hao.
HT Thích Giác Quang