VẤN: Con là một Phật tử và thường đi công tác các nơi ở trong nước và hải ngoại do đặc thù công việc. Con thấy không có nơi nào chùa chiền thờ cúng như ở miền Bắc của con cả. Các chùa miền Nam đều đơn giản, thoáng, có nơi tu tập. Các chùa miền Bắc chúng con không gian thờ cúng rất chật nhưng đầy thánh tượng, không chỉ là Phật mà thần, thánh, mẫu, nhiều đến nổi con cũng không biết là ai, tất cả đều sơn son thiếp vàng rất ngợp thở. Bàn thờ Phật cũng đủ thứ tượng chúng con hoa cả mắt. Con không hiểu tại sao trong chùa lại thờ quá nhiều tượng như vậy, chưa nói còn nhiều vị tướng, nhân vật lịch sử khác. Nếu vào lạy Phật chúng con phải hành xử thế nào trước các thánh tượng này? Đôi khi trong các chùa này con thấy có cả hầu đồng, lễ thánh, như vậy là có đúng không? Nếu không lạy các vị này có sao không? Nếu hành lễ có trái với luật Phật không? Tại sao trong chùa lại cúng mặn? Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP
Phật giáo du nhập Việt Nam năm thứ 193 tây lịch. Vào những năm nầy đối với chúng ta là hậu sanh thì khó mà biết được con đường hành đạo giáo hóa của chư Đại sư thật huyền bí, mầu nhiệm linh thiêng như thế nào, có chăng, chúng ta chỉ biết qua lịch sử. Tuy nhiên, với tư cách một nhà sư đã tu hành suốt 56 năm qua được nhuần gội chốn thiền lâm, về mặt giáo lý, sinh họat tín ngưỡng, sinh họat hoằng pháp, nghi lễ ít nhiều cũng hóa giải được những lễ mầu nhiệm, vô vi những linh thiêng chốn chùa chiền...Đó là những vấn đề tâm linh mà người thế gian không bao giờ mò mẫm đến được, nắm bắt được để không phải sợ sệt hãi hùng trước những sự thờ phương gần như là “đa thần” trong một số chùa Phật xưa khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Theo Phật tử thì chỉ nói đến chùa miền Bắc, nhưng ở đây sẽ giải bày về việc thờ phương các bậc thánh, thần, tiên, Phật trong các chùa khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.
Chúng ta không nên nhận định chùa nầy thờ rườm ra, chùa kia thờ đơn giản, mỗi cách phụng thờ trong mỗi chùa có khác là do truyền thống tín ngưỡng trong thời điểm, tín ngưỡng địa phương, truyền thống tín ngường của cả một dân tộc. Ví dụ như ở miền Bắc có các chùa Pháp Vân, chùa Pháp Lôi, chùa Pháp Cổ, chùa Pháp Điện, chùa thờ Mẫu Mẹ, chùa thờ tín ngưỡng ông bà tại địa phương...Do đó mà chúng ta là người sanh sau đẻ muộn chỉ thấy có một chiều hướng tích cực “theo mới” trong sự tiến bộ văn minh của các chùa tân tạo, chứ không thấy các chùa linh thiêng, thờ Phật nhưng trong đó có thờ các vị thần, thánh, tiên được tín ngưỡng vào thời cổ điển.
I . Cao tăng thời kỳ đầu Phật giáo Việt Nam:
Trước khi nói đến việc thờ phượng tại các chùa, xin nói về việc hành đạo của các bậc cao tăng, một vài vị Đại sư vào thế kỷ thứ hai đem Đạo Phật vào Việt Nam. Đạo Phật Việt Nam từ buổi sơ khai, người truyền giáo cũng như người thọ giáo đều có sự tương quan niềm tin, niềm tin vào tâm linh hai là một. Niềm tin vào sự linh thiêng huyền bí và quá trình tu hành luôn tâm niệm sự linh thiêng huyền bí, những sự mầu nhiệm bên cạnh, nhằm để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, ví dụ tin tưởng thần Phật, thành thần, tiên nhơn, những vị ẩn tu trong thâm sơn cùng cốc. Do đó, người tín đồ thật dễ tin và tin một cách chính xác, kèm trì tuệ tu chứng tuyệt vời của các Đại sư bên Tây Vực. Các vị toàn là những vị A La hán đắc đạo, xả bỏ những mê nhiễm thế gian, bất chấp những sơn lâm chướng khí, những ma nghiệp đến phá hoại làm hư thánh đạo...Các vị điều vượt qua hiểm nguy mà vào Phật đạo, đồng thời truyền đạt đạo lý cho đệ tử một cách bình đẳng và trung thực, không màu mè hình thức, không phân biệt nhơn ngã bỉ thử, nam nữ trẻ già, không ái dục kiêu mạn, có tinh thần vô ngã vị tha, như là:
* Khưu Đà La: (193 - ? tây lịch)
Khưu Đà La là bậc cao tăng thời kỳ đầu khi ngài đến kinh đô Luy Lâu, thuộc đất Giao Châu (miền Bắc Việt Nam hiện nay), cùng đi du hóa với Đại sư Ma Ha Kỳ Vực. Tuy nhiên, sau đó chỉ có Đại sư Khưu Đà La ở lại Giao Châu độ được hai người, gồm cư sĩ Tu Định và con gái là An Nan theo tu niệm Phật. Về sau các đệ tử đã biết niệm Phật thì Đại sư ra đi khỏi nhà Cư sĩ Tu Định và ẩn dật không ai tìm thấy Đại sư ở đâu? (Lược khảo Phật giáo sử của Vân Thanh)
* Khang Tăng Hội (200-247 tây lịch)
Khang Tăng Hội hay Khương Tăng Hội, là nhà sư người nước Khương Cư, bên trời Tây Vực du hành sang Kinh đô Luy Lâu, Giao Châu. Lớn lên, khi cha mẹ đều qua đời, Đại sư xin xuất gia đầu Phật, thọ giới Cụ Túc, dịch kinh Tứ Thập Nhi Chương. Về sau được Ngô Tôn Quyền, thờ đại Tam Quốc bên Trung Hoa thỉnh ngài đến Trường An thuyết pháp giảng kinh.
Thuở ấy, còn nhiều Đại sư khác như Mâu Bác cư sĩ, Đại sư Chi Cương Lương (264), Đại sư Du Pháp Lan (361) (Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam - Vân Thanh, trang 56, 57) đều là những bậc cao tăng từ Tây Vực đi theo con đường đồng cỏ đến hành đạo giáo hóa tại đất Giao Châu. Các ngài đem đến sự linh thiêng huyền bí, giúp cho người có túc duyên với Phật pháp thời bấy giờ tín ngưỡng tu hành
Ngoài ra còn có những vị tu Tiên đạo phát tâm theo Phật như Chữ Đồng Tử và Man Nương quy y Phật và hộ trì Phật pháp, làm cho Phật pháp Giao Châu bắt đầu hưng thịnh từ đó.
Những chùa cổ ở Việt Nam
Sơ lược một số vị Cao Tăng hành đạo đến Giao Châu, mang nhiều dấu ấn linh thiêng huyền bí phổ cập trong bá tánh, có vẻ phù hợp vơi tín ngưỡng tâm linh Phật giáo ngày từ đầu kỷ nguyên của người Việt.
Từ ảnh hưởng tư tưởng tâm linh đến linh thiêng, chúng ta sẽ bàn đến việc thờ phượng ở các chùa cổ. Các chùa xưa hay thờ nhiều thánh tượng thần, tiên rồi mới đến thờ Phật ở miền Bắc. Sở dĩ chúng ta nhận định các chùa miền Bắc là vì miền Bắc Việt Nam mới là của đất nước Việt Nam được tạo dựng lâu đời nhất. Các chùa miền Trung, miền Nam Việt Nam dù sao đi nữa cũng là đất mới thành lập từ ba trăm đến ba trăm năm mươi năm là cùng, chứ không chỉ nhận định việc thờ phượng các chùa ở miền Bắc.
Đối với sự thờ phượng tại các chùa thời xưa dường như là một trách nhiệm phải làm của các bậc tiên đức Tổ sư. Ví như khi thờ thần Mây tức là các ngài muốn đem giáo pháp Phật đến như mây lành đến che mát thế gian, đồng thời cũng cầu nguyện mây kéo đến để làm mưa cho dân có nước uống, có nước tưới tiêu, hay làm mùa để sinh nhai. Như chùa Pháp Vũ hay Pháp Võ thờ thần mưa, cầu mưa thuận gió hòa cho dân tình làm mùa được trúng và no cơm ấm áo, hạnh phúc cho muôn dân.
II . Ý nghĩa phụng thờ nhiều thán tượng:
Các chùa cổ nhất của Việt Nam, tại Bắc Ninh đế đô của nhà Lý còn gọi là Kinh Bắc. Xưa có bốn chùa gọi là Tứ Pháp, Từ Đại Pháp, được tạo dựng để thờ thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Sét. Ngoài ra còn có các chùa khác cũng gọi là Tứ Pháp được tạo dựng ở Tp.Hà Nội, tỉnh Hưng Yên (xã Lạc Hồng), Hưng Yên (xã Lạc Đạo), tỉnh Hà Tây, tỉnh Hà Nam đều có Tứ Đại Pháp.
Nngười con Phật của Việt Nam ta xưa cũng như nay, khi tạo dựng chùa thờ Phật đều có thờ các thánh tượng khác, ngoài Đạo Phật. Mỗi thánh tượng đều có ý nghĩa cao đẹp, nhằm giúp cho con người có niềm tin Phật và được hanh thông các việc trong đời sống thực. Tuy điều nầy cũng có phần làm ngược lại công việc hoằng giới, các giới sư truyền giới cho Phật tử có dạy quy y Phật, không quy y thờ phượng thiên thần quỷ vật, vì các vị không có lý tưởng giải thoát, không thuộc xuất thề gian nên Phật tử không tôn thờ. Trong Đại luật dạy như sau: “...Các Thiện nam hay Thiện nữ, các vị đã quy Phật rồi từ nay trở đi thà bỏ thân mạng, trọn không quy y thiên thần và quỷ vật. Vì sao? Vì thiên thần và quỷ vật kia còn bị luân hồi sanh tử, không phải là thánh nhân xuất thế gian...” (Giới đàn Tăng, Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Nghi thức thọ quy giới, trang 15).
Các chùa thờ thần ở tỉnh Bắc Ninh được chú ý nhiều nhất, vì là những chùa xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Từ quê hương Phật giáo Ấn Độ được hoằng truyền đến trung tâm Phật giáo Luy Lâu thuộc Giao Châu, chùa thờ Phật, lại có thờ các thần, như sau:
Thờ thần Mây tại chùa Dâu (tên chữ Hán là Diên Ứng, Cổ Châu, Thiền Định). Chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, thờ Pháp Vân, nên gọi là bà Dâu. Xây dựng năm 187 đến năm 226 thì hoàn thành, trùng tu năm 1313
Thờ thần Mưa tại chùa Đậu tên chữ là Thành Đạo Tự, nằm ở xã Thanh Khương, thờ Pháp Vũ, nên gọi là bà Đậu
Thờ thần Sấm tại chùa Tướng (chùa Phi Tương) có tên chữ là Phi Tướng Đại Thiền Tự, chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, chùa thờ Pháp Lôi, nên gọi là bà Tướng
Thờ thần Sét tại chùa Dàn (chùa Xuân Quang) nằm ở thôn Phương Quan, xã Trí Quả, thờ Pháp Điện, nên gọi là bà Dàn.
Ngoài bốn chùa đã nói, còn có chùa Tổ Mãn Xá (chùa Phúc Nghiêm) thờ Man Nương, mẫu mẹ của các chùa Tứ pháp. (trích Tứ Pháp - Bách khoa từ điển Wikipedia)
Những chùa trên đây chúng ta thấy, khi mới tạo dựng, người xưa thờ các thần, thờ Mẫu Mẹ.....Theo tục lệ thờ cúng, người Phật tử miền Bắc Việt Nam rất quý trọng và tôn thờ Mẫu Mẹ Man Nương. Miền Trung xây đền tôn thờ Ông Hoàng Muời là có lý do riêng của việc thờ phượng mang lại lợi ích cho con người thời ấy.
Thuở bình minh của Phật giáo Việt Nam, con người chỉ có tấm lòng chơn thật đậm nét “chơn như tự tại” là chính, là tiên quyết. Con người không có phân biệt đâu là tà chánh, vì không có óc phân biệt tà chành, nên trực tính chơn như luôn ảnh hiện. Vạn sự vạn vật vẫn đổi thay từng “sao”, nhưng tâm niệm con người tự tại trước biến động “sao” của vạn vật, nên người tu ít bị ngọai cảnh chi phối. Do đó, việc các chùa thờ phượng bằng cách nào người tín đồ tín ngưỡng như thế đó, không sanh vọng niệm phân biệt chê bay phải quấy, đúng sai.
III. Nghiên cứu chùa xưa nghĩ đền chùa nay. Chùa xưa thì thờ thần Phật, các Bồ tát, A La hán, thập điện Diêm Vương, Ngọc Hoàng thượng đề, Nam tào, Bắc đẩu, ông Quan Công, Châu Xương, Quan Bình, các thánh thần, tiên...Chùa Nam tông, chùa nay thì thờ một Phật Thích Ca, không thờ các Bồ tát, A La hán, các đấng thánh thần, tiên trong chùa. Việc thờ một tượng Phật, hay nhiều tượng Phật, Bồ tát...là do vị Trụ trì chủ xướng, chủ trương phụng thờ, trách nhiệm của người hoằng đạo. Ví như Trụ trì chủ trương thường xuyên tụng đám tang cho bá tánh, tức là “độ tử”, vị “độ tử” thì không làm việc độ sanh. Độ sanh thì phụng thờ Phật Thích Ca ngồi đang thuyết pháp, độ người tu thì phụng thờ Phật Thích Ca ngồi thiền định, Bồ tát Quan Âm cứu khổ, Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền làm Phật sự hoằng pháp lợi sanh, giúp cho tín đồ biết giáo lý Phật một cách tường tận chính xác, không theo các tà giáo ngoại đạo. Người tu giữ gìn giới đức trang nghiêm thì thờ Phật ngồi an nhiên tự tại trước chúng ma quân quấy nhiễu, tu tập chánh pháp. Người tu “độ tử” tức là chuyên làm Phật sự chủ trì các lễ tang dành cho người chết, trong chốn thiền lâm gọi là “kinh sư ứng phú”, tức là thực hành lễ nghi nhà Phật đối với người chết thì phụng thờ Phật A Di Đà, Bồ tát Địa Tạng. Người tu chuyên trị bệnh cho bà gia thì thờ Đức Dược Sư thất khu, Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.
Không phê phán thờ nhiều thánh tương:
Nếu ta quá thiên chấp, nói: “sao mà chùa thờ nhiều tương Phật, chùa có thờ thánh thần, tiên, mê tín quá”? thì tự gây khẩu nghiệp, ý niệm của Phật tử chưa phù hợp với tín ngưỡng của người Á đông và Việt Nam. Chùa thờ nhiều tượng cốt Phật thánh là xuất phát từ những hạnh lành, mỗi một Phật sự là một hạnh Bồ tát độ sanh. Bồ tát độ sanh là một hạnh lành, như trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Phật có dạy về các ứng thần tùy hình hảo của Bồ tát Quan Âm. Theo Bồ tát Quan Âm thì hạnh lành được tung rải khắp muôn phương, nơi nào Phật pháp cũng có thể uyển chuyển ứng biến mà độ sanh. Ngài hiện thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Tỳ kheo ni Tăng vẫn được; cũng có khi làm con một Trưởng giả, làm con của Vua, Quan, có khi làm con của Vua trời Tỳ Sa môn Thiên vương, có khi hiện thân đồng nam đồng nữ, có khi làm con của dân giả, có khi do hạnh nguyện mà vào bào thai làm con gái của loài nai để độ vua (kinh Đại phương tiện Phật báo ân)...Quan Âm Bồ tát đi đến đâu đem Phật pháp tùy cơ ứng biến mà độ sanh đến đó, giúp người thoát khổ. Với sự giáo hóa của Phật trong kinh Phổ Môn giúp cho chúng ta thấy Phật pháp rất phù hợp với người Á đông. Sự tín ngưỡng của người Á đông thì phong phú, giàu suy nghĩ, giàu tín ngưỡng phụng thờ Đức Phật, kể cả thờ những ai làm lợi ích cho muôn loài thì họ thờ.
Những so sánh của nhóm Phật tử trẻ hôm nay là do ảnh hưởng văn minh Tây phương. Những vị thường sống chung với đời sống hạch toán kinh tế của người Tây phương, mà người Tây phương thì sống thực dụng máy móc, xơ cứng, lạnh lùng, gọn gàng, nên việc thờ phượng cũng đơn giản là điều tất yếu. Còn người Đông phương trong đó có người Việt thì sự tín ngưỡng cũng văn minh theo khoa học nhưng huyền bí, lúc nào tâm niệm cũng uyển chuyển, linh động phong phú, ấm áp đa dạng, nên việc chùa thờ Phật, có thờ thêm tượng thần, thánh, tiên theo tập quán của địa phương. Đó là hai luồng tư tưởng tín ngưỡng thờ phượng của con người trên hành tinh. Chúng ta những người con Phật hiểu biết chứ không phải không hiểu việc thờ phượng đúng sai, nhưng khi đi chùa có nhìn thấy cũng như không thấy, cũng không có gì phải sợ sệt, suy luận đánh giá.
Ngồi đồng,
Ngồi đồng còn gọi là hầu đồng, cũng gọi lên đồng, đồng bóng. Ngồi bóng là một nghi lễ sinh họat lâu đời và trở thành nếp văn hóa địa phương, không có trong Đạo Phật. Tín ngưỡng ngồi đồng là mọi người tin tưởng có một đấng thần linh nào đó nhập vào xác của ông bóng bà đồng để tiên tri, tiên đoán vận mệnh, làm việc với cõi vô hình. Ngồi đồng có mặt khắp nơi trên các vùng Đông Bắc Á, Đông Nam á, nhất là ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc rồi đến Việt Nam trong dân gian các quốc gia nầy gọi là giáo phái Saman (Lên đồng - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Ở Hàn Quốc người tin đạo nghiêng hẳn về giáo phái Saman (lên đồng) hơn tin tưởng Phật giáo (lời kể của Thạc sĩ Trường Giang - Đồng Nai)
Ngồi đồng cũng là tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thường diễn ra ở vùng nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu long và miền Đông nam bộ. Ngoài Bắc có những nhà ngoại cảm, ông bóng bà đồng thuộc vào hàng Tam phủ, Tứ phủ. Trong nam ngồi đồng có thần thành, tiên cô, năm bà nhập xác, có khi là múa mâm vàng, những màn múa của địa nàng gánh vác vật dụng nặng nề trong các lễ cúng kỳ yên, một đôi khi giúp cho những người có tâm trạng vượt qua khổ đau. Những nghi thức ngồi đồng thường là không phân biệt nam nữ trẻ già, ai có khả năng ngọai cảm chuẩn mực ngồi đồng đều được. Ngồi đồng để tiên đoán việc mọi việc của thân chủ giúp cho thân chủ tín đồ sở cầu như ý nguyện, trị bệnh, ban phước ban lộc cho mọi người, hóa giải những nghiệp chướng oan gia cho thân chủ...cầu nguyện cho bá gia bá tánh no cơm ấm áo, thế giới hòa bình vạn dân an lạc.
IV . Nhận định
Cộng đồng người Việt là cộng đồng có tổ chức ngay từ đầu, biết bảo vệ người Việt. Người Việt có tiền thân là người Giao Chỉ, người Giao Chỉ có hai bàn chân vẹt, khi đi hai chân vẹt giao lại với nhau làm cho bước đi vững vàng. Nhìn bước đi người Giao Chỉ chúng ta có thể nói là giống người có bước tiến thật vững vàng. Trong Đại Việt Sử Ký toàn thư có nói: “Đời vua Hán Linh Đế (168-189), Lý Tiến là người bản xứ đầu tiên làm thứ sử bộ Giao Chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin vua cho người Giao Chỉ được bổ làm quan như người Hán. Nhưng vua Hán chỉ cho những người đỗ Mậu Tài hoặc Hiếu Liêm làm một số chức nhỏ trong xứ Giao Chỉ mà thôi. Lý Cầm, một lính túc vệ người Giao Chỉ (sau này làm tới chức Tư lệ Hiệu úy) ra sức kêu cầu nên người Giao Chỉ mới được làm quan ở cả nơi khác”.
Người Giáo Chỉ không phải chỉ ở Bắc Bộ Việt Nam mà ờ các xứ Malaysia, Indonesia, Thái lan, Philippines cũng có giống người Giao Chỉ. Nhưng do ở miền Bắc Việt Nam người Giao Chỉ sống thành cộng đồng mạnh và văn minh nhất trong các cộng đồng dân tộc. Ở miền Nam, tỉnh Long An, huyện Tân Trụ có gia đình Thầy Tư tu sĩ Phật giáo, ở tại một ngôi chùa nhỏ, gia đình có bàn chân thuộc giống người Giao Chỉ. Người Giao Chỉ có ý chí kiên cường bảo vệ biên cương vững chắc, thời Bắc thuộc người ngoài có ý xâm lược cũng phải chịu rút về nước (Giao Chỉ - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Nước ta thời Sĩ Nhiếp làm Thái Thú về tín ngưỡng. Người Giáo Chỉ biết kết hợp thờ Phật ở Ấn Độ, xây chùa theo truyền thống phương Bắc bên Trung Hoa, địa phương thì thờ thần mưa, thần mây, thần sấm, thần sét. Ba sự pha trộn đó lập nên bốn ngôi chùa gọi là Tứ Đại pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Việc thờ phượng, thực hành nghi lễ cúng kiếng, phụng thờ nhiều thần, ngồi đồng bóng nhập. Việc thờ phượng tại một số chùa cổ, chùa thờ Phật Bồ tát, thờ thánh thần tiên, thờ năm bà, thờ địa mẫu, hành nghề ông đồng bà bóng...hiện nay trở thành những nếp tín ngưỡng dân gian. Tập quán nầy dần dần trở thành nếp sống văn hóa của người Việt tin tưởng thần linh, văn hóa tâm linh địa phương, văn hóa tập tục.
Quản lý một ngôi chùa, vị Trụ trì lúc nào cũng có chánh kiến, chịu trách nhiệm về mọi mặt, trong đó có mặt thờ phượng là quan trọng trước tổ chức, trước Đạo tràng Phật tử. Quan trọng nhất là giáo hóa đồ chúng xuất gia, làm sao cho các vị thông hiểu về việc thờ phượng. Phật tử thuần túy đi chùa lễ bái tu học không phê phán việc ai thờ phượng đúng sai, phải quấy. Việc đúng sai phải quấy là việc của những người đứng đầu trong tổ chức thờ phượng, cúng kiếng trong mỗi cơ sở thờ tự. Chùa thờ Phật thì ta lạy, nếu nơi đó không có thờ Phật thì ta không lạy. Chùa có thờ Phật, thờ thánh thần tiên, năm bà, địa mẫu thì ta lạy Phật, không lạy các thánh tượng kia cũng không có lỗi, vì với tư duy mới của Phật tử, đã hiểu và làm đúng theo lời dạy của chư giới sư từ buổi ban đầu quy y Tam Bảo.
“Trong chay ngoài bội” là lễ cúng lệ hằng năm của một số “chùa làng” ở địa phương, người của nhà chùa ra thông báo tổ chức làm chay ba ngày, hoặc bảy ngày. Trong lễ cúng nầy về phía nhà chùa cúng chay; Ban Quý tế quản lý đình chùa làng cúng mặn, có tổ chức rước Đoàn hát bội, hoặc Đoàn cải lương Hồ Quảng đến hát tuồng tại sân khấu thường là đặt phía trái của sân chùa. Trên sân khấu bài biện cúng kiếng linh đình, cúng từ ba đền sáu con heo quay sẵn để tế thần thánh. Sau khi tế xong trong một ngày, Ban Quý tế đãi đằng rượu thịt khách tân cùng chia vui sự thành công của vụ mùa, hay mừng những sự kiện lớn nhỏ trong làng mà tổ chức. Ngày hôm sau sẽ có hát tuồng vào lúc 12 giờ trưa, tuồng hát thường là tuồng Phụng Nghi Đình, tuồng Tiết Đinh San, Phàn Lê Huê, tuồng Lữ Bố, Đồng Trác, Điêu Thuyền, tuồng Lương Sơn Bà Chúc Anh Đài...hát tuồng nào cũng được nhưng tùy theo số đông người địa phương yêu cầu. Thứ đến chọn tuồng hát nào có tiết tấu kết cuộc thật trong sáng, nhân vật có tương lai huy hoàng xán lạn, nhằm cầu nguyện cho nhà nhà no ấm, quốc thới dân an, thiên hạ thái bình, vạn dân an lạc ( theo tư liệu Ba Ngày Làm Chay ngày 20 tháng 3 năm Nhâm Dần, 1963 tại chùa Phước An Hòa Tự, ấp Phước Hòa, xã Phước Hòa, tỉnh Phước Tuy của Sư Giác Quang).
Việc cúng mặn, cúng chay: cúng chay là cúng Phật, cúng mặn là cúng các thần thánh, cúng âm binh chiến sĩ. Đó là vì chư thánh thuộc của thế gian, tuy thờ chung một chùa nhưng tôn trí riêng, có thứ lớp hàng ngũ chứ không thờ chung với Phật. Thánh thần không có tiêu chí giải thoát như Phật, không có khả năng giải thoát sanh tử luân hồi cho chúng sanh và mọi người, vị trí các vị tuy ở chùa nhưng vẫn ờ ngoài phạm vi của ngôi Tam Bảo. Việc một vài chùa cúng Tam phủ, Tứ phủ, cúng ông bà (ngoài Bắc) cúng “trong chay ngoài bội”(trong Nam), cúng lễ vật thức ăn mặn là do những người hầu đồng ngoại cảm, Ban quý tế quản lý đình chùa địa phương dứng chủ trì tổ chức cúng kiếng, chứ không phải do quý Thầy tổ chức. Chúng ta chỉ nhìn phớt qua mà nhận định thì chưa đúng lắm. Theo Sư thì làm Phật tử không phê phán là siêu nhẹ, thanh thản nhất.
Vào chùa lạy Phật tịnh thanh
Thân tâm khẩu ý tín, hành quy y
Phương tiện phê phán làm gì
Là nơi bất khả tư nghì giúp dân
HT Thích Giác Quang