VẤN: Con nghe nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, kể cả cỏ cây. Với những cây đại thụ trăm năm ngàn năm, đó là nhà của quỷ thần nên cần phải cung kính. Con có nghe nói nhiều cây nhất là mít hay dừa là nơi trú ngụ của quỷ ma rất nhiều như vậy có đúng không. Có gia đình vì chặt một cây không cúng mà có người thân trong nhà bị qua đời. Nếu như vậy có phải mỗi lần con chặt cây gì phải tổ chức cúng tế đúng không? Nếu cúng thì cúng như thế nào? Chúng con có cần thỉnh quý thầy đến để cúng tế hướng dẫn việc chặt cây không? Trong nhà con có cây mít lúc ra trái ăn được, lúc không ăn được, cứ chín là bị úng. Mọi người bảo do ma quấy phá nên con có lấy quần cột cây thì lần sau trái chín có thể ăn được. Tuy nhiên,, khi tháo áo quần xuống thì đâu lại vào đấy. Con không biết như vậy là đúng không? Có người khuyên nên chặt cây vì đó là nhà của ma quỷ nhưng con thấy tiếc vì cây rất đẹp, nhiều trái, xum xuê dù chẳng ăn được nhiều. Xin Sư khai ngộ cho con.

ĐÁP:

I . Phật tánh

Đối lại với Phật tướng, có tướng Phật thì không có tánh làm Phật. Tướng thì sanh diệt, tánh thì không sanh diệt, đúng nghĩa không sanh diệt mới là chơn như thật tánh. Phật tánh tuy tịch mà chiếu, phóng quang chiếu tỏa khắp mười phương, mười phương hư không. Mười phương hư không vỏn vẹn trong một niệm “không”. Chúng sanh trong mười phương nằm trong một niệm không chính đó là Phật trung thiên điều ngự.

Trong kinh đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Thường Bất Khinh, thứ 20, Phật dạy: “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, nên Bồ tát gặp chúng sanh nào cũng đều lễ lạy. Phật tánh cũng chính là Phật tri kiến. Sở dĩ Đức Phật có ra đời là cũng vì có chúng sanh, nếu không có chúng sanh thì cũng không có Phật. Nên nói Đức Phật ra đời là vì để: “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Phật tri kiến là trí Phật thấy biết tất cả các pháp vốn giai không, nhưng không phải không có, chính cái “không” đó là cái “không” diệu hữu. Thực tướng của các pháp vốn xưa nay không sanh không diệt, không tới không lui, không tăng không giảm, không sạch không nhơ, không thêm không bớt, không mất mát chút nào, cũng không thêm một pháp nào trong thế giới quan mênh mông vô bờ bến.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn tập 2, Đức Phật từng dạy: “tất cả chúng sanh đều có tánh Phật”. Tuy nhiên, người đệ tử phải vượt qua một số công việc, như giữ giới tinh nghiêm, đoạn trừ phiền não tham sân si, tu tập thiện pháp thì Phật tánh mới hiển lộ và thành Phật. Đức Phật dạy tiếp: “Khi Như Lai chưa thuyết dạy pháp giải thoát, vô lượng Bồ tát tuy đã thực hành đủ các hạnh Ba la mật, cho đến hàng thập trụ nhưng vẫn còn chưa thấy được Phật tánh sẳn có. Đến khi Như Lai thuyết dạy rồi, họ liền thấy đôi chút, các vị Đại Bồ tát ấy được thấy tánh Phật rồi, thảy đều nói rằng: Lạ thay, Thế Tôn! Chúng con lưu chuyển biết bao lần trong sanh tử, thường bị lẽ vô ngã làm cho mê loạn, khó thấy Phật tánh”.

Như vậy, nói chúng sanh có Phật tánh, ai ai cũng có Phật tánh, từ cỏ cây thú người, trời đều có Phật tánh, nhưng phải trải qua quá trình tu chứng một cách xác thực, chuẩn mực, giữ giới tinh nghiêm, tinh chuyên tu tiến các thiện pháp mới chuyển kiếp, thấy tánh, đắc đạo thành Phật. .(trích kinh Đại Bát Niết bàn tập 2).

Sự hình thành một lâu đài Phật pháp, đòi hỏi chúng sanh phải có một quá trình tu chứng, học tập, huân tu tinh tấn trong nhiều đời nhiếu kiếp hay phải trải qua ba vô số kiếp thì lâu đài Phật pháp mới tỏ rạng chiếu sáng thế gian, làm lợi lạc trong quảng đại quần chúng. Trong 42 lớp nhơn quả tướng, gồm có: thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập dịa thì bồ tát muốn đạt đến đẳng giác, một môi trường tối hậu, phải trải qua ba vô số kiếp tu hành, cho đến khi viên mãn đạo bồ đề. Tất cả chúng sanh thành Phật, không còn hình bóng nghiệp chúng sanh, phiền não đều tận, cho đến khi phát nguyện vào đời, có mang thân tứ đại và xả báo thân cho đến khi chỉ còn thân kim cương thì chừng đó bồ tát mới viên mãn quả vị bồ đề, thành Phật.

Theo giáo lý Phật thì cỏ cây cũng có Phật tánh, vì thế giới Phật là thế giới dung nhiếp chúng sanh trong khắp mười phương. Tuy nhiên, cỏ cây hoa lá cần có thời gian tiến hóa từ cỏ cây tiến hóa lên thú cầm, thú cầm tiến hóa thành người, người tiến hóa thành trời, trời tiến hóa giác ngộ tu hành thành Phật (Chơn lý Đại Đồng- Sư Tổ Minh Đăng Quang). Như vậy từ khi chúng sanh biết Phật pháp cho đến khi thành Phật phải trải qua ba vô số kiếp chúng sanh, khi nào nghiệp chúng sanh cùng tận thì hạnh nguyện độ sanh của bồ tát mới cùng tận (kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện). Khi nào nghiệp chúng sanh còn, thì hạnh nguyện độ sanh của bồ tát vẫn luân lưu trong thế giới ta bà cho đến khi mãn nguyện lên vị trí Đẳng Giác, Diệu Giác thành Phật.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa, thứ 12, Văn Thù Sư Lợi nhập thiền định du hóa vào cung Long vương Ta Kiệt La, thuyết pháp độ sanh. Khi trở về thế giới Ta Bà trình với Đức Phật Thích Ca là độ được con gái Ta Kiệt La Long Vương là Long Nữ, Long Nữ mới 8 tuổi nhưng căn khí thông lợi, giác ngộ Phật Pháp hóa thành thân nam và thành Phật một cách nhanh nhẹn. Việc Long Nữ thành Phật cho thấy giáo pháp Phật là bình đẳng lợi tha, Long Nữ là mẫu người sanh ra trong thế giới phàm phu, nhưng vẫn có tri thức tuyệt vời bước vào Phật giới giác ngộ thành Phật.

II . Sự sanh trưởng của vạn vật, sự sanh sanh hóa hóa của con người dĩ đồng, sự sống sự chết của loài tri giác và vô tri vẫn như nhau, Tuy nhiên, chỉ có sự sắp xếp cho có thứ lớp thì có cao thấp, ngắn dài, mau chậm...tức là nói đến thọ mạng của vạn hữu vũ trụ bất đồng. Trang Tử tinh hoa nói: “sự tận thiện của hoa lan không phải là sự tận thiện của hoa hồng...” Sự tận thiện của các loài hoa bao giờ cũng đẹp, nhưng thọ mạng của hoa lan chắc chắn lâu dài, hoa hường thì ngắn ngủi...(Trang Tử Tinh Hoa - Thu Giang Nguyễn Duy Cần). Sự sống của các loài hoa vẫn như nhau, sự sống chết vẫn như nhau, nhưng chỉ có thọ mạng dài lâu là khác biệt chỉ vì sự tận thiện của các loài hoa

Không luận là mít hay dừa, đối với những loài cây lâu năm hay ngắn hạn tất cả đều có thọ thần, vì mỗi loài cây đều có sự sanh ra và chết đi, tức là có sự sống chết. Cái chết của loài cây vẫn tái sanh, chết là để sống lại trong kiếp sau. Ví dụ, cây đa 300 năm vừa chết, trong quá trình sống chết đó không biết bao nhiều là sự sống chết lớn nhỏ, để rồi tiếp tục sống chết ở thân cây đa sau. Sự sống chết của cây sậy chỉ trong vòng một tháng, sự sống chết của cây sậy luôn có sự sống chết nối tiếp để sống chết với môi trường. Như vậy trong sự sống chết của cây đa, cây sậy cảm giác chắc chắn đồng nhau, chỉ có thọ mạng ngắn dài mà thôi.

Thọ mạng tức là thọ thần, thế thường nhận định cây trong núi rừng (sơn lâm) mới có loại sống lâu năm. Theo quan niệm người ở núi thì chỉ có cây sống lâu năm mới có thọ thần.

Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày

Dẫu có ngàn vàng khó đổi thay

Trong núi ngàn năm cây vẫn có

Dưới trần trăm tuổi dễ không ai

(Nữ sĩ Hồ Xuân Hương)

Theo quan niệm người sống ở đồng bằng thì những loại cây to mới sống lâu và sống lâu thì mới có thọ thần. Còn các lọai cây nhỏ, sống ngắn ngày không có thọ thần. Theo quan niệm của người tu Phật thì cây dù to hay nhỏ, ở núi hay ở đồng bằng đều có thọ thần. Thật ra thì thọ thần tức là mạng sống, nên dù sống ngắn ngày hay dài ngày cũng có thọ thần. Nên trong Đại Luật, Đức Phật ngăn chận không cho Tỳ kheo chặt phá cây rừng, cỏ, cây, hoa lá: Tỳ kheo bất trảm thảo là vậy.

Câu chuyện Tỳ kheo không được chặt đốn cây cối ở tịnh xá Aggàlava, Alavi. Một ngày nọ vị Tỳ kheo vì nhu cầu dựng một cái cốc ở tu hành, Sư liền tìm đốn cây, có vị thọ thần (nữ) bồng đứa con nhỏ trong thân cây hiện ra nói: “xin Sư dừng đốn cây, vì nếu đốn cây con của tôi phải lang thang không chỗ ở”. Vị Sư nghe được tiến nói của thọ thần, nhưng không có huệ nhãn nhìn thấy thọ thần và con của thọ thần nên vẫn ngang nhiên đốn cây, chặt trúng cánh tay đứa trẻ. Vị nữ thần giận quá định vun tay đánh chết vị Sư, nhưng cuối cùng nữ thọ thần không đánh và suy nghĩ nếu đánh chết vị Sư sẽ mang tội và các thọ thần khác bắt chước giết đệ tử Phật. Tuy nhiên, vị nữ thọ thần liền đến bạch Phật. Phật khen thọ thần biết kềm chế và xuất kệ dạy: “Ai chận được phẩn nộ, Như dừng xe đang lăn, Ta gọi người đánh xe, Kẻ khác cầm cương hờ. Nghe xong nữ thọ thần không còn giận vị Sư nữa, nhưng còn khóc do không có chỗ cho con của con ở! Phật dạy từ đây chư Tỳ kheo không được chặt cây và cho thọ thần trú gần Đức Phật ở Kỳ Viên tinh xá, tức là huê viên (kinh Pháp Cú - phẩm Sân Hận 2- Thọ thần và Thầy Tỳ Kheo). Trong kinh Lời Phật dạy cuối cùng: “Không được chặt đốn cây cối, đào đất, móc hang, điều chế dược liệu,...” Chúng ta là những người con Phật không bao giờ vi phạm quy chế Phật.

Sa môn phải có từ bi

Không nên vì ngã sân si với đời

Tho thần có thật ai ơi

Cho ta bóng mát muôn nơi khắp trời

Đốn cây có cúng gì không?

Có cúng! Cúng tức là trả ơn người đã qua, công ơn môi trường nuôi lớn cây xanh, tạo cho bóng mát thời gian cây xanh hiện diện, nơi có sự tín ngưỡng dân gian “thờ Bà”. Năm 1980, Sư đi nhận lãnh chùa Phước Thiện An, phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, Tp.Hồ Chí Minh (chùa nằm cạnh nhà máy chế biến mì ăn liền Thiên Hương), do lâu năm nên tôn mụt dột nát, gỗ cũ mối mọt gần sập. Đến năm 1981 ngày phá chùa cũ, xây chùa mới, khi mở rộng nền chánh điện, cần phải đốn cây đa đã được Thượng Tọa Thích Từ Bi, Trụ trì trồng từ năm 1960. Vì quá cận nền chánh điện chùa nên phải chặt đốn và Sư sẽ là người chủ trương đốn cây. Lúc bấy giờ Sư hướng dẫn đệ tam Trụ trì, là Đại Đức Thích Thị Không, Cô Diệu Phước và một số Phật tử 20 vị khai kinh tụng thần chú Đại Bi, kinh A Di Đà 7 ngày cầu siêu độ các vong linh. Sau đó Sư trở lại chùa cúng cơm Phật, cúng chư vị, chư thần một mâm cơm chay, cúng Bà, cúng cửu huyền mỗi nơi một mâm cơm chay. Vái nguyện chư vị chư thần, âm binh chiến sĩ, côn trùng, rắn rết, mối kiến, ếch nhái, ểnh ương...tất cả nếu có ở trong cây nhiều năm, nay xin hoan hỷ phát tâm cùng với Sư và nhà chùa “cúng dường cây đa nơi ở của quý vị” để mở rộng nền chùa, làm lợi ích cho bá tánh thập phương và xin được di dời miễu thờ “Bà chúa Xứ”. Vái nguyện như vậy 3 lần, xong Sư cầm cây búa chặt vào thân cây ba lần (gọi là giá búa trước) sau đó mướn thợ đốn cây. Vậy mà tuần lễ sau thợ của Công ty xây xanh cũng chưa dám đốn, phải chờ Sư qua giá búa một lần nữa và phải có mặt Sư Công ty mới đốn. Cây đa được đốn thời gian 2 ngày mới xong, mọi việc bình an cho đến hôm nay (2017) do đệ tứ Đại Đức Thích Pháp Khai làm Trụ trì.

Cây đa là chuyện đầu làng

Là nhà ở của hằng ngàn chúng sanh

Cây che bóng mát sẳn dành

Nếu có đốn phải làm lành mới an

III . Làm người con Phật dù xuất gia hay tại gia khi ở xin đất nhà, cất nhà xin gỗ, uống thì xin nước, bệnh thì xin thuốc đó là tâm thiện của người tu, vì nếu đã có xin thì không phí phạm, không gian tham, không ỷ lại mới gọi là người tu Phật. Việc hăm dọa đốn những cây không trái làm cho năm sau có trái, giắt quần áo, treo võng lên cây mít đuổi tà ma quỷ quái làm cho cây có trái là việc mê tín. Cây không có trái theo tiếng gọi nhà vườn là cây “đực”, hoặc là vườn cây quá rậm tất cả đều cho những kinh nghiệm làm vườn. Có những kinh nghiệm lâu năm lại trở thành hủ tục của người làm vườn, có những suy nghĩ chưa đúng lắm, người Phật tử không nên quan tâm làm gì mà cũng không thực hiện

Nếu chúng ta là những nhà vườn chuyên môn thì nên cải tạo đất đai, mé những cây xanh xum xuê, giảm bớt bóng mát tàng cây, giảm sự che chắn các loai cây không ích lợi trong môi trường nhà vườn. Cây lớn che cây nhỏ, cây trồng trước, che cây trồng sau, nhà vườn chuyên nghiệp thì nên cải tạo cây, đất đai, giảm bớt trồng thêm cây xanh dù cây đó mình ưng ý, nhưng làm tổn hại những cây ăn trái. Mỗi năm nên bồi thêm đất, bón phân, lên líp cho thoáng mát, chắc chắn cây sẽ đơm hoa kết trái ngọt ngào cho nhà vườn.

Miền đồng bằng Sông Cửu long, Đồng Tháp trước cũng như sau ngày hòa bình và hiện nay, vào sâu trong những gia đình nằm ven bờ sông Hậu, đi ngang những miếngvườn, đất mầu mỡ nhưng không thấy cây có trái trăn gì cả. Miếng vườn được trồng đủ lọai cây ăn trái thật là khít khao, cây trồng sau không tiếp nhận được ánh sáng, cây trồng trước thì bị hút hết phân. Nhìn chung toàn vườn cây quá rậm rạp nên cây trồng ra vẻ nhà vườn, nhiều cây ăn trái nhưng thu họach thì quá ít là vậy.

Tuy nhiên, việc đốn cây ở nhà vườn là phí phạm, nên không đốn. Đốn thì tiếc nuối với thời gian, phí phạm công lao của hóa công. Kỳ công của ông bà tạo dựng, trồng trọt đến thế hệ ta chăm sóc mà chặt đốn cây vô lý vô lối thì vô tình phủ nhận công lao ông bà, ta không xứng đáng là con cháu thừa hưởng gia sản vì vậy nên không chặt đốn. Ý tưởng cao đẹp đó là thọ thần duy nhất và linh thiên nhất với nhà vườn. Những cây cao bóng mát như xoài, vú sữa, dừa, cam, quít, bưởi, ổi...trong nhà vườn chen nhau cùng nhau hút hết phân mà sống làm cho cây ít ra hoa trái, chứ không phải ma quỷ nào núp trong bóng cây làm cho ít trái. Sở dĩ có quan niệm ma quỷ núp trong bóng cây là do những người ở xa quê lâu ngày, nay trở lại thăm so sánh kia là thành thị vui đông, đây là quê mùa vắng vẻ. Cây ăn trái đua nhau núp trong những bụi rậm xanh um, tối ít hơn sáng, dưới những láng cây lại có mồ mả ông bà. Ở những nơi vắng vẻ như vậy tạo cảm giác sợ sệt, những ý niệm ma quỷ hiện về nên mới có những tư tưởng ma quỷ chen vào vườn cây ăn trái?

Cây xanh ở các đường phố hiện nay từ Bắc, Trung Nam Việt Nam đã sống trên đất nước nầy hằng trăm năm cần có sự gìn giữ, có kế họach giữ gìn môi trường, không đốn cây một cách phí phạm. Trách nhiệm giữ gìn là Công ty Cây Xanh, giữ cho môi trường xanh tươi, thanh mát giúp cho trí tuệ con người tăng trưởng. Nếu ta hạ đốn cây một cách thiếu ý thức thì sẽ bị phạt nặng, gây tai nạn bà con ở phố phường, thọ thần sẽ tức giận phạt vạ là vậy

Đức Phật, lúc bấy giờ về tại kinh đô Vương Xá, nhà vua Tần Ba Sa La cúng dường huệ viên cho Phật an trú thuyết pháp, có chư đệ tử cùng theo Phật đông dầy. Có vị Tỳ kheo muốn cất cái cốc để ở tu tịnh, nghĩ thế liền đốn cây mà không thưa hỏi quan kiểm lâm. Tuy nhiên, vị Tỳ kheo chỉ đốn có một cây nên vị kiểm lâm không trách phạt. Về sau do không vừa ý nên Sư đốt cốc, đốn cây khác để làm lại, làm như thế nhiều lần và trống một cạnh rừng của công viên Vương Xá. Vị kiểm lâm tức giận đến góp ý vị Tỳ kheo và sau đó tâu lên vua. Nhà vua tức giận bạch lên Phật. Phật quở vị Tỳ kheo và ban giới không được vô cớ đốn cây rừng, phí phạm cây rừng của vua, hoặc giữa lòng non núi mà không xin phép.

Việc chặt đốn phá cây rừng trên thế giới nói chung và nói riêng cho Việt Nam ngày nay vô cùng quan trọng là việc cần có sự suy gẩm thật nhiều. Khi con người thiếu ý thức chặt đốn cây phục vụ cho khoa học, xã hội, cho con người cho nền công nghiệp chế biến, cho nhà cửa cho con người. Ngày nay, mỗi khi mưa thì bão bùng, lũ quét, lũ lụt, sấm sét, do không còn cây xanh che chắn, khi không mưa thì hạn hán xảy ra, làm cho con người lúc nào cũng phải gặp thiên tai

Người đệ tử Phật, phàm làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó. Chúng ta nên làm việc có ích lợi cho con người, cho cuộc đời hơn là làm tổn hại. Một ý thức mới đem lại hạnh phúc cho môi trường mai sau, cần được bắt đầu từ ngày hôm nay.

Cây xanh che mát cho đời

Không nên chặt phá tơi bời lá hoa

Cây xanh là bóng râm nhà

Che mát nhơn lọai vượt qua bão bùng

HT Thích Giác Quang




Có 4 phản hồi đến “Có Phải Quỷ Thần Ở Trên Cây To? Làm Thế Nào Khi Chặt Đốn Cây Cổ Thụ?”

  1. Đỗ Thu đã nói

    Góc bên phải (hướng trong nhìn ra đường) của công ty con có cây rất lớn. Mong sư thầy chỉ con cách cúng cấp hàng tháng cho đúng và có gì cần lưu ý khi có cây to thế này trước cửa không ạ?

  2. Nguyên anh tuan đã nói

    Ai có bài cúng chặt cay to cho mình với ,và đồ lễ cúng thế nào vậy ah

    • Dạ với Phật tử thì bạn cúng rồi niệm Phật rồi xin với thọ thần cho phép bạn chặt cây. Tuy nhiên, tốt hơn với cây lớn bạn nên thỉnh một nhà sư đến giúp nếu có thể là tốt nhất. Xin cảm ơn bạn

  3. Tuyetb đã nói

    Thầy cho con xin bài cúng chặt cây Được kon ạ ,lễ sắm những thứ gì ạ Con tự cúng ở nhà được không ạ

    • Dạ với Phật tử thì bạn cúng rồi niệm Phật rồi xin với thọ thần cho phép bạn chặt cây. Tuy nhiên, tốt hơn với cây lớn bạn nên thỉnh một nhà sư đến giúp nếu có thể là tốt nhất. Xin cảm ơn bạn

  4. tô xuân chính đã nói

    Xin thầy chỉ giúp nhà con có cây to sát nhà con muốn chặt đi thì phải làm thủ tục nghi lễ gì ạ

    • Mô Phật! Bạn nên làm một mâm cơm cúng các thọ thần, khấn nguyện các vị nhường cây, sau đó mang bát nhang thỉnh các vị vào miếu hay chùa gần đó là được. Nếu nhà bạn gần chùa thì bạn nhờ quý thầy giúp nhé. Xin cảm ơn bạn

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com