VẤN: Thưa Sư, nhà con rất nhiều bàn thờ, ngoài bàn thờ tổ tiên, trang ông địa, thần tài, bàn Phật, trang ở ngoài, nói chung rất nhiều. Nhà con Ba theo truyền thống xưa thắp nhang hoài. Để tránh việc thắp nhang liên tục thì Ba bỏ cả vòng sắt bên trong để treo hương đốt cho lâu. Con không hiểu việc để vòng sắt trong bát hương như vậy là có được không? Nếu không thắp hương thì có sao không và có cần phải thắp liên tục không? Thời gian nào là thắp tốt nhất. Con thấy họ có bán cả thác trầm như hương xông không gây mùi con dùng cái này thay việc đốt hương được không? Bát hương có cần phải lau chùi thay chân nhang hay bớt tro đi không vì con nghe nói bát hương không nên đụng vào chỉ trừ dịp tết hay cũng giỗ. Nhà nhiều bàn thờ vậy con có thể chỉ thắp nhang tượng trưng được không? Làm thế nào để đơn giản hóa việc hương khói hàng ngày mà không gây ô nhiễm. Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP:
Thờ phượng là việc trọng đối với tín đồ Nhà Phật thuần túy và tín đồ khái niệm, cũng là việc trọng đối với người xuất gia có trách nhiệm, nhất là vị Trụ trì chùa phụng thờ như thế nào để làm tiêu biểu gương hạnh đạo đức cho tín đồ Phật tử.
Thờ cúng có từ thời vô thỉ, nơi nào có con người sanh sống là có thờ cúng, không luận là Phật, Trời, Thánh Thần Tiên, hay các bậc các lọai thần có mặt trong thiên nhiên, có mặt tại các cung các cõi, các thế giới, các địa phương... Đối với con người thì tục thờ đa thần trong dương gian là điều không tránh khỏi, cũng như không thể không có.
Người dân tộc ít người, người Pygmy ở Châu Phi, Bắc bán cầu, những bộ tộc còn lạc hậu từng lánh xa thế giới con người. Cho đến giờ nầy nền văn minh mới phát hiện họ có mặt trên trái đất nhất là các bộ tộc ở vùng rừng rậm Amazon (Brazil) ở các sa mạc Sahara, sa mạc Gobi, người da đỏ Esquimo ở bắc bán cầu hay nam bán cầu. Nhẫn đến những bộ tộc sống ở vùng Trung Phi, tế thần bằng con trai con gái của mình không còn một chút tình cảm cha con để đánh đổi cuộc sống cho gia đình, cho xã hội. Những giống người ở vùng cực Bắc Mongolia, giáp giới với nước Nga, vùng Sibéri, Alaska (Nga, Mỹ) họ là những người sống tách rời với thế giới văn minh, săn nuôi tuần lộc. Tất cả các giống người nầy tuy chưa văn minh nhưng cũng có những sự thờ phương vái van thần linh cho họ có thú cầm, lương thực, thực phẩm để ăn, thờ phượng linh hồn tổ tiên ở vùng băng giá gia hộ cho họ săn được nhiều tuần lộc..Tất cả đều có tín ngưỡng thờ phượng các đấng thánh thần ngay từ đầu, khi mà môi trường, thời tiết, vạn vật, hoa lá cỏ cây cho họ có cuộc sống ổn định, họ đều thờ cúng. Đây là những tập tục lâu ngày trở thành thói quen, tiến bộ hơn gọi là tín ngưỡng của từng địa phương, hay tín ngưỡng dân gian.
I . Việc thờ cúng: Như trên đã nói, dù là giống dân nào đi nữa thì cũng có tín ngưỡng, phượng thờ thật chu đáo nghiêm túc, đã chẳng những họ cúng kiếng, rồi còn vái lạy. Có khi dù hy sinh đến tánh mạng chính bản thân, hy sinh gia đình , hy sinh tài sản, hy sinh người thân con trai con gái (thiếu nhi) họ vẫn thực hiện cho kỳ được chung quy cũng là tín ngưỡng thờ cúng vái lạy.
Với người tín ngưỡng đạo Bà la môn (Ấn giáo): Nói về sự tôn thờ của người xưa trên vùng đất mà người Việt ảnh hưởng không nhỏ, khi họ được sống quanh vùng bán đảo Hoa Ấn. Người theo đạo Bà la môn thờ đấng Brahma là chúa tể tối cao, thẩm quyền sinh ra vạn vật, sự giàu nghèo, sống chết, quý phái hay đê tiện cũng do thần linh định đọat. Cuộc sống của người tín đồ Bà la môn luôn phụ luộc vào các thần Brahma (sanh sản sáng tạo), thần Visnou (tồn tại sáng tạo) và Shiva (như một vị thượng đế, biểu hiện sự một sự khởi đầu, sáng tạo bảo quản và hủy diệt). Sự tín ngưỡng của tín đồ Bà la môn, là khi đấng tối cao Brahma vui lòng thì thế giới nầy tươi sáng, con người hạnh phúc. Khi đấng tối cao không vui thì thế giới nầy chuyển động mưa gió bão bùng, con người sống trong lần than tai biến, nghèo nàn khổ cực trong thế giới tối tăm (Bách khoa tòan thư mở Wikimedia - thần Shiva). Về sau Shiva được người theo đạo Bà la môn tôn thờ như đấng quyền năng sáng tạo, biểu tượng của Shiva có mắt thứ ba trên trán, con rắn vasuki quấn quanh cổ, có trăng lưỡi liềm bên mái tóc rối bù buông xõa như dòng nước sông Hằng, tay cầm vũ khi đinh ba và nhạc cụ damaru (một loại trống lắc).
Từ những đạo sĩ Ba la môn hướng dẫn các tín đồ tín ngưỡng tam thần độc đáo nhất ở vùng Bắc á, Ấn Độ, chúng ta có thể thấy các tín ngưỡng khác như tín ngưỡng thờ Khổng Phu Tử, Lão Tử, Trang Tử của người Trung Hoa, Thần đạo của Nhật Bản, saman của Hàn Quốc. Ngoài ra còn có sự tín ngưỡng Đức Mahomet của người Islam vùng Tây á, tín ngưỡng Jésus Christ của người Tây bán cầu. Sự tín ngưỡng các đấng thiêng liêng cao cả minh triết đều có sắc thái riêng, màu sắc của mỗi vùng, tùy theo tập quán đời sống, văn hóa, trình độ kiến thức mà sự phượng thờ có khác biệt rõ nét.
Tuy nhiên, đối với các tín ngưỡng có tổ chức quy mô, tín đồ đông trở thành một tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Ấn giáo (Bà la môn) thì ít thấy sự phê phán các Đức Giáo chủ. Nhưng nếu thờ phượng như thần tài, thổ địa, thần sông, thần núi, thần đá, thần sông chằm, thần lúa mạ, thần nông thì có sự phê phán, tuy có thờ phượng nhưng lơ là, thờ như chơi không tín ngưỡng chi cả.
Việc thờ thần tài, thổ địa, thần sông, thần núi, thần đá, thần sông chằm, thần lúa mạ, thần nông cũng chính là sự tín ngưỡng. Đó là tín ngưỡng có truyền thống, tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng có tính cách địa phương, hoặc nói rộng ra có thể các sự tín ngưỡng đó trở thành sự tín ngưỡng của chúng sanh ở các tinh cầu khác, vì sự phụng thờ không phù hợp với thế giới hiện thực của chúng ta nên gọi là mê tín vậy thôi. Nhưng nếu chúng sanh ở thế giới vô hình hai hình thì chắc họ cũng gọi việc thờ phượng của họ là đúng pháp chứ không sai trái. Do đó, đối với người Phật tử chúng ta khi thấy ai thờ phượng khác mình, thì mình cũng vẫn tâm niệm tôn trọng sự tín ngưỡng của người khác.
Với người xuất gia: thờ Phật, thờ Bồ Tát, Bồ tát bảo hộ cho sự giàu sang, phú quý như Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát bảo hộ cho chúng sanh đang bị trả quả dưới cõi địa ngục như Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát tín tâm làm cho chúng sanh an lạc như Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát có những hạnh lành làm cho chúng sanh nương theo tu hành đến đắc đạo, như Bồ Tát Quan Âm. Sự phượng thờ của người nhà Phật có nguyên tắc và lý lẽ riêng, hạnh nguyện riêng của từng vị trí. Nên nhớ rằng các vị trí tôn thờ của người hành tinh địa cầu, nhất là đối với người Phật giáo rất quan trọng, và cho đó là tín ngưỡng Đức Phật với một lòng chánh tín, vì các hạnh nguyện thực tế, cụ thể của các Bồ Tát phù hợp với tinh cầu thế gian, nên không có bàn việc mê tín là vậy. Nếu ai thờ khác, tín ngưỡng khác thì mọi người cho là thờ sai chánh pháp.
Dâng hương liên tục:
Dâng hương có hai cách liên tục và không liên tục. Người thờ cúng ông bà, người hiền, những hạng người không làm ác đều có sự tín ngưỡng riêng của họ. Theo Sư người Phật tử chúng ta nên tôn trọng những sự tín ngưỡng có màu sắc riêng của mọi người.
Dâng hương còn gọi là thắp nhang, đốt nhang, đốt hương. Việc cúng kiếng dâng hương liên tục, cúng nước, bao giờ cũng là một nghi thức theo phong tuc tập quán, như người thờ cúng ông bà thì “chúc tụng, cung kính” vòng hai bàn tay nắm chặt vào nhau mà vái hai vái, hoặc lạy hai lạy. Người Phật giáo thì chắp tay xá ba xá và lạy ba lạy, chẳng có gì phải phê phán đúng sai
Truyền thống thắp nhang liên tục là truyền thống tín ngưỡng người miền Tây Nam phầm Việt Nam (đồng bằng Sông Cửu Long). Ý nghĩa đốt nhang liên tục là làm cho ấm nhà ấm cửa, Trời Phật ông bà lúc nào cũng có ngự ở trên bàn thờ, nên lúc nào cũng phải dâng hương
Việc dâng hương là dâng hiến sự trong sạch thơm tho tinh khiết của tấm lòng người cúng Phật trời, thánh thần, tổ tiên cho nên trên bàn thờ không thể thiếu vắng nén nhang thơm là như vậy. Dâng hương liên tục trên bàn thờ cũng để nói lên trong ngôi nhà nầy có người còn sống chứ không phải ngôi nhà nầy mọi người chết hết rồi, như nhà ma. Dâng hương liên tục cũng nói lên lòng hiếu thảo của người phàm tục với Phật trời thánh thần, tổ tiên, cầu nguyện Phật trời, tổ tiên gia hộ cho gia đạo bình an, ăn nên làm ra, quỷ ma không quấy rầy. Có bài kệ:
Khói hương xông thấu mấy từng xanh
Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành
Trên khói hương nầy xin Phật ngự
Chứng minh đệ tử tấc lòng thành
Trong Liên tông Tịnh độ Non Bồng, Tổ đình Linh Sơn, Bà Rịa xưa kia tu hành phượng thờ theo nghi của núi non, lúc nào cũng dâng hương khói hương trầm quyện tỏa nghi ngút, làm cho đạo tràng thêm oai linh mầu nhiệm. Sự vắng vẻ ảnh hiện giữa áng mây lành, người con Phật ngọt ngào trong tiếng đọc tụng kinh thư ngàn thuở trước, đưa tâm hồn mọi chúng sanh đi trong đêm đen dưới ánh trăng sáng tỏa mầu nhiệm tối cao.
Một số chùa Lớn, chùa có nhiều người tu hành ở non núi, các đạo tràng tại gia Phật tử có dâng hương liên tục, có nhiều cách: Một là cử người canh giữ khi thấy cây hương cháy hết thì tiếp tục dâng. Hai là dùng một cọng kim lọai quấn tròn đầu trên xong rồi cắm vào lư hương đất khoanh nhang nhỏ vừa vặn với lư hương. Dâng hương như thế thời gian dâng sẽ được lâu hơn. Ba là, vót thanh tre nhỏ bằng đầu đũa, dài 3,5 tấc, có gắn đồng xu lên đầu thanh tre, đăt khoanh nhang lên đồng xu, đây cũng là cách sử dụng nhang khoanh như trên. Bốn là dùng khoanh nhang lớn bán kính khoảng 0,5 tấc hay 0,8 tấc treo trước bàn Phật khoanh nhang cháy lâu hơn, không làm mất oai nghi giữa Phật tiền. Năm là dâng hương bằng cây hương trầm không có cốt tre, dài 1,5 tấc được bán nhiều ở Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, hoặc dâng nén trầm hình quả núi, trầm có lọai cao 10 cm, có lọai nhỏ cao 5 cm hay 3 cm, hoặc dùng bột trầm để trong lư hương tất cả được đốt xông khi có cúng lễ. Người Phật tử có thể dùng trầm hương để dâng cúng Phật trời thay nhang đều tốt, dù sao đi nữa thì trầm hương cũng là nguyên liệu của hương, làm tăng sự đậm đà trong lễ dâng cúng. Có bài kệ dâng hương nén thật thâm trầm vi diệu trong nhưng năm Sư còn tu ở non núi:
Hương ba nén tâm thành dâng kính
Trước Phật đài quỳ đọc chơn kinh
Huê đăng tỏ rạng màu tươi tốt
Tịnh thủy rèn lòng tánh đẹp xinh
Trên nén hương nầy xin Phật ngự
Chứng minh đệ tử tấc lòng thành
Tu hành tinh tấn chốn non xanh
Vui mùi đạo tâm lành mát mẻ
Dâng hương không liên tục
Đối với gia đình Phật tử, chùa vắng bóng Thấy tu, chắc chắn là dâng hương không liên tục được rồi. Gia đình cha mẹ, con cái lớn thì làm công nhân viên chức, các cháu nhỏ thì đi học, nhỏ quá thì không dâng hương được nên chỉ dâng hương vào thời gian thích hợp mọi người đoàn tụ và lạy Phật, cúng Phật. Các chùa vắng bóng nhà sư thì đâu có ai lo việc quét dọn chùa, bàn Phật, thì làm gì có chuyện dâng hương lên ngôi Tam Bảo, cúng Phật.
Tại gia, việc dâng hương liên tục mà không có người canh giữ cũng là việc tổn hai, có khi ảnh hưởng đến việc lớn như cháy bàn Phật, cháy nhà, cháy khu phố. Do đó, tại gia cũng không nên dâng hương liên tục làm gì và nếu không dâng liên tục cũng không có lỗi. Ở phương Tây hay tại thành thị phương tiện tu hành có khác, có khi gia đình bận việc làm kinh tế, làm công nhân viên, nên chỉ có đủ thời gian ngắm nhìn tượng Phật là tín tâm lắm rồi, chứ không có thời gian cúng kiếng kéo dài theo thời khóa nhà Phật hướng dẫn. Muốn dâng hương phải tìm thời gian thích hợp mới dâng, có gia đình dâng hương vào lúc 5 giờ sáng nhưng phải chờ cho đến khi hương tàn mới dám rời bàn Phật ra khỏi nhà đi làm việc. Một vài gia đình Phật tử ở Tp. Lạng Sơn thờ Phật thuần túy nhưng việc dâng hương ảnh hưởng phong tục tập quán cách thức của tín ngưỡng miền Bắc, như tròn năm mới rút chưn hương. Có gia đình chờ cho đến ba năm mới rút chưn hương, nên việc cháy lư hương, cháy bàn Phật, cháy nhà là việc dễ xảy ra trong mùa nắng nóng bức. Có Phật tử than mỗi lần cúng kiếng dâng hương con phải chờ hương tàn rồi mới dám đi làm, thật bất lợi quá. Nếu không chờ cho hưong tàn mà bỏ đi thì không yên tâm, cứ mãi phập phồng lo sợ cháy nhà, cháy bàn Phật.
Hằng ngày thay chân hương được không?
Dâng hương, tảo bàn Phật, thay (rút) chưn hương hằng ngày là bổn phận của người đệ tử đối với Phật, là hạnh lành của tu sĩ, của người Phật tử, có dâng hương là có rút chưn hương. Chưn hương thường là làm bàng tre, tân tre gồm ruột tre hay nan tre, chưn hương thường là không vót từng cọng, mà người thợ rừng đốn tre, cưa tre từng đoạn, chẻ tre thành từng thanh, sau đó chẻ theo chiều xuôi và tuốt thành cọng. Mỗi lần tuốt như vậy người thợ cho ra khoảng vài mươi cọng chưn hương, đem phơi khô một đầu nhúng vào nước đỏ khoảng 1,2 tấc, tức là một phần chưn hương. Sau đó người thợ thứ hai gắp cả bó cọng nhang nhúng vào thùng bột nhang có pha trộn với nước keo ô dước làm cho nhang bám vào thân tre, thành cây nhang thật xinh xinh, đem phơi vào chỗ nắng ráo một ngày, thành cây nhang và phát hành tại các tiệm nhang hay tiệm buôn tạp hóa để bán cho người cúng.
Do cây nhang làm bằng nguyên vật liệu dễ cháy, nên khắp khuyên tín đồ Phật tử, người dân cúng bái có nhu cầu dâng hương, mỗi ngày phải rút chưn hương trên bàn thờ Phật trang nghiêm sạch sẽ. Đừng nên để các bàn thờ đấy ắp chưn hương, khi bị cháy khó chữa. Nếu cúng bái dâng hương không kỹ, không rút chưn hương vào mùa nắng dễ bắt lửa cháy bàn thờ dẫn đến cháy nhà, cháy khu phố tổn hại vô cùng.
Trong nhà nhiều bàn thờ dâng hương cách nào?
Theo như Bạn giải bày thì việc thờ phượng trong nhà thân phụ Bạn chưa phải là nhiều, chắc chắn Bạn không vừa ý vì nhà có thờ thần tài thổ địa? Với nhà Phật người thế gian thờ gì thì thờ, miễn có thờ là người hiền, chưa bàn đến chánh kiến, chánh tín. Tuy nhiên khi gia đình chúng ta đã có quy y Tam Bảo thì cần xem lại việc thờ phượng, thờ phượng sao cho đúng đắn, đừng thờ tạp phẩm tạp pháp, giá trị con người và gia đình cũng đặt vào chỗ nầy, có văn hóa không? Có chánh tín không?
Trải suốt gần 60 năm tu hành, Sư nhìn vào các gia đình Phật tử, nhận thấy chưa chắc gì các vị đã siêng năng thờ phượng như sự thờ phượng ở chùa. Chỉ có 1/1000 người tại gia làm Đạo tràng thờ phương như ở chùa. Đạo tràng thì dâng hương nhiều hơn nhà Phật tử, thờ phượng nhiều thì chắc chắn vị Chủ Am phải siêng năng tinh tấn hành trì, gần gũi ngôi Tam Bảo, gần gũi thì thường xuyên làm vệ sinh bàn Phật đó là trách nhiệm Chủ Am.
Việc dâng hương ít nhiều, đơn giản hay rườm rà là do tín tâm của người thờ phượng cúng kiếng. Có tụng niệm nhiều thì dâng hương nhiều, tụng niệm ít, lạy Phật ít thì dâng hương ít. Thế gian nầy lắm người lười biếng lắm Bạn ạ! Hiện nay xã hội hay cần người dâng hương, người biết dâng hương, người phát tâm dâng hương. Có dâng hương là có làm thiện, làm thiện thì không làm ác, giảm ác cho xã hội, con người bớt hung sùng, sợ sệt, ác nghiệp bớt sanh sôi, con người luôn luôn hành thiện.
Thế gian là gì đó Bạn ơi
Có tâm hành thiện với cuộc đời
Gieo nhân lành tốt cho tươi mãi
Đừng để héo xào giữa tối tăm.
HT Thích Giác Quang