Nhật Bản, Nippon hay bất cứ cái tên nào mà thế giới dành tặng cho đảo quốc nhỏ bé này đều mang ý nghĩa là "Xứ sở mặt trời mọc"; và cái cách mà Nhật Bản luôn làm thế giới bất ngờ về chính mình thì có viết đầy dăm trang giấy washi cũng chẳng hết.
Nhật Bản, Nippon hay bất cứ cái tên nào mà thế giới dành tặng cho đảo quốc nhỏ bé này đều mang ý nghĩa là "Xứ sở mặt trời mọc"; và cái cách mà Nhật Bản luôn làm thế giới bất ngờ về chính mình thì có viết đầy dăm trang giấy washi cũng chẳng hết.
Một điều khá thú vị về đất nước Nhật Bản, đó là người phương Tây rất thích đem đất nước này ra làm bối cảnh cho các tác phẩm điện ảnh hay sách truyện của họ. Hollywood từng mời... sao Hàn Bi Rain đóng phim về các nhẫn giả huyền bí; Wolverine tung hoành tại Nhật Bản, Fast and Furious từng đem thành phố Tokyo ra làm trường đua, và Chris Bradford - một tác giả người Anh sinh năm 1974 đã lấy chất liệu Nhật Bản thế kỷ 17 để tạo ra nhân vật samurai ngoại tộc Jack Fletcher.
Một điều đáng nói, xuyên suốt bộ truyện "Young Samurai" của Chris, Nhật Bản thường xuyên được đề cập là một quốc gia tồn tại cùng lúc 2 tôn giáo; và không giống như những đất nước khác, người dân ở đảo quốc này có những cách rất riêng để dung hòa cùng lúc Phật giáo cùng Thần đạo - đức tin cổ xưa của người Nhật Bản.
Tạm không bàn tới Phật giáo - một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ sáu sau Công nguyên - hãy mạn bàn một chút về Thần đạo Nhật Bản. Người Hy Lạp hay Bắc Âu cổ xưa sùng bái vạn vật trên đời, từ những lực lượng cổ xưa như Mặt trăng, Mặt trời, Sông - Núi - Biển khơi cho tới chính những tạo vật được bàn tay con người tạo ra như bình rượu, cây rìu; về điểm này người Nhật cũng có chút ít tương đồng. Người Nhật Bản quan niệm rằng vạn vật trên đời đều có những vị thần đứng sau lưng bảo hộ, trong đó tối cao nhất là vị thần "khởi nguyên".
Giống như cái cách mà Chúa tạo ra vạn vật trong 7 ngày hay các vị thần Protogenoi tạo nên thế giới trong văn hóa Hy Lạp, người Nhật tôn thờ Ame-no-Minakanushi như ông tổ của các vị thần. Ame-no-Minakanushi (Thiên Ngự Trung Chủ) tuy được coi là một trong ba vị thần đầu tiên tạo nên vạn vật (Zōka Sanshin), thế nhưng bản thân ngài lại là vị thần đầu tiên được khởi sinh trên Cao Thiên Nguyên (Takama-ga-hara, chính là cõi trời cao quý trong văn hóa Nhật Bản cổ xưa). Minakanushi cổ xưa tới mức chính người Nhật cũng không biết quá nhiều về ông, họ thường gộp chung hình tượng của vị độc thần này với Diệu Kiến Bồ Tát sau phong trào Shinbutsu bunri - Thần Phật phân li thời Minh Trị; ông cũng không được thờ phụng ở các phường xã mà chỉ tồn tại ở các thư tịch cổ, thông qua những bản ghi chép rời rạc.
Những vị thần tối cao tiếp theo của người Nhật thì quen mặt hơn, do đã được hình tượng hóa trong nhiều văn hóa phẩm nổi tiếng như bộ truyện tranh Naruto, Noragami hay trò chơi điện tử nổi tiếng Ōkami. Sự ảnh hưởng sâu rộng của làn sóng văn hóa Nhật Bản khiến nhiều người trên thế giới dù không am hiểu Thần đạo cũng từng nghe tới sự tích về Izanagi khuấy nước tạo ra 8 hòn đảo lớn - nguyên dạng của Nhật Bản ngày nay; hay sự tích về Izanami và vụ lạm sát 1000 người mỗi ngày để rồi trở thành chủ nhân của Hoàng tuyền (Yomi).
Izanami và Izanagi cũng chính là "cha" và "mẹ" của đất nước Nhật Bản, là hai vị thần tạo nên những thế lực tối cao đối với một đảo quốc được bao bọc bởi biển khơi - đó chính là bộ ba Thiên Chiếu Đại Ngự Thần - nữ thần Mặt trời Amaterasu-Ōmikami; Nguyệt Độc - nam thần Mặt trăng Tsukuyomi và Tố Trản Ô Tôn Susanoo-no-Mikoto - vị thần của giông bão và đại dương. Một cách rất tự nhiên, người Nhật hay bất cứ những thượng cổ nhân nào trên thế giới này đã tôn thờ các lực lượng tự nhiên bằng cách tạo ra những câu chuyện thú vị. Thần đạo Nhật Bản nổi tiếng là một trong những tôn giáo có nhiều điển tích thú vị nhất trên thế giới, với sự hiện diện từ nào là thần Biển, thần Mặt trăng, thần Mặt trời; và cho tới những tạo vật "thật" hơn như lúa gạo, chiếc cổng đền hay những con cá voi.
Thần đạo của người Nhật cũng đặc biệt ở chỗ hoàn toàn không có kinh kệ; đồng thời tôn giáo này cũng chẳng có những điều răn đe, cấm cản. Tất cả những gì mà tôn giáo "thờ vạn vật" này hướng con người ta tới là hình thái đơn giản nhất của chân - thiện - mỹ, khi chỉ khuyên mỗi người hướng tới sự trong sáng giản đơn trong thâm tâm, đồng thời tránh phạm vào các điều ác mà trong đó giết chóc là đại cấm kị. Ngay cả với những con cá, miếng thịt trên bàn ăn cũng nhận được lời cảm ơn "Itadakimatsu" - điều này chính là phong tục đẹp đẽ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Thần đạo Nhật Bản được duy trì tới tận ngày hôm nay.
Do bản chất không cưỡng ép con người làm theo điều gì, Thần đạo cứ thế tồn tại bên lề cuộc sống người Nhật, trở thành kim chỉ nam không bắt buộc của họ (nhưng lại được tuân thủ nghiêm ngặt. Người Nhật mà!) Thần đạo tồn tại ở mọi ngõ ngách trong cuộc sống của người Nhật, từ các sự kiện năm mới, lễ hội cho tới đám cưới, cầu may; và Thần đạo cũng thoải mái chia sẻ chỗ đứng trong lòng người Nhật với Phật giáo. Việc hai tôn giáo cùng lúc tồn tại hòa thuận trong cùng một quốc gia, với một lượng người rất lớn cùng lúc thờ phụng cả hai là một điều hiếm gặp trên thế giới, hay ít nhất là không thường thấy ở Trung Đông hoặc Ấn Độ.
Ấy thế mà vào buổi ban đầu, người Nhật thậm chí còn chẳng bận tâm tới việc đặt cho tôn giáo khởi nguyên của mình một cái tên. Mãi cho tới khi Phật giáo du nhập vào đảo quốc này, cái tên Shinto mới ra đời. Định danh cho một thứ đã hiển nhiên tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của mình để làm gì, khi mà mình đã quá quen thuộc với nó; và chỉ cho tới khi Đạo Phật (con đường của Phật) trở thành đức tin thứ hai ở Nhật, người dân xứ sở Anh Đào mới tạo ra cái tên Thần đạo (con đường của Thần).
Cho tới năm 2014, Nhật Bản có khoảng 90 triệu người thờ Phật, 377.000 tăng sĩ (chiếm 34,9% dân số quốc gia này), trong khi gần như 100% người dân Nhật Bản đã thấm nhuần "con đường của Thần" vào từng hơi thở hàng ngày. Ai bảo là cùng lúc theo hai tôn giáo là khó khăn nào? Ít nhất là không phải đối với người dân Nhật Bản.
Người Nhật có lẽ không cần quá cố gắng để giữ cho bản sắc văn hóa - trong đó có tôn giáo Shinto - khỏi bị mai một giữa các tác động tới từ thế giới bên ngoài. Không giống như nhiều tôn giáo khác được người ta tìm tới qua các nghi lễ, Thần đạo tồn tại giữa cuộc sống hàng ngày qua các phong tục tập quán đẹp đẽ, được quảng bá tới thế giới qua những vu nữ thánh thiện mặc kimono trắng, những cổng đền Torii đỏ thắm nằm trên những bậc thang cao trên triền đồi thoai thoải, ở những cổng rừng hay đôi khi mọc lên giữa biển. Những thước phim quảng cáo du lịch của người Nhật luôn khéo léo lồng ghép vào các chi tiết về chùa chiền địa phương với nhiều thanh niên thành tâm cầu nguyện, ghi lời nguyện ước lển những tấm gõ Ema treo trước đền thờ thần thánh; bản thân người Nhật vẫn có niềm tin rằng Tam chủng thần khí (ba bảo vật của thần) hiện vẫn được lưu giữ tại những địa điểm trọng yếu của quốc gia. Đó là những hình ảnh đẹp không thường thấy ở những quốc gia có tốc độ phát triển cao vào hàng bậc nhất thế giới như xứ sở hoa Anh Đào.
Cái cách đề người trẻ Nhật Bản cũng như toàn thế giới biết đến tôn giáo, những vị thần xa xưa hay các điển tích cổ đại của Shinto cũng hoàn toàn khác lạ. Nếu bảo bất cứ ai trong số chúng ta bỏ ra một buổi chiều ngồi đọc về các giáo lý, ghi nhớ từng vị thần Đạo giáo, từng đức Phật tòa sen một, đó hẳn sẽ là một cực hình đối với những thanh niên quen với nhịp sống thành thị hay có sẵn hằng hà sa số các thú vui giải trí khác. Thế nhưng, giống như cái cách chúng ta biết về Đấu Chiến Thắng Phật dưới cái tên Tôn Ngộ Không từ bộ phim Tây Du Ký huyền thoại, nhiều người trẻ trên toàn thế giới biết về Thần Mặt trời, Mặt trăng và Biển khơi - giông bão Nhật Bản qua bộ truyện tranh Naruto.
Manga và anime do các tác giả Nhật Bản sáng tạo nên có một phần rất lớn dựa trên những nguyên liệu dân gian, trong đó có thể điểm qua Noragami - một bộ truyện tranh xuất sắc lấy đề tài về những vị thần trên Cao thiên nguyên Takama-ga-hara. Trong Noragami, những điển tích Thần đạo, những phong tục tập quán như đi lễ đầu năm cầu may, những lời cầu nguyện hay tục lập đền thờ đều được hình tượng hóa một cách gần gũi và dễ hiểu. Không có những bài học triết lý nặng nề, không có những trường đoạn kinh kệ dài dòng văn tự (Shinto giáo vốn cũng không lưu trữ kinh thư), thế nhưng Noragami và hẳng sa số những tác phẩm chuyển thể lấy đề tài Thần đạo khác vẫn được nhiều người đón nhận. Với người Nhật mà nói, phát triển và quảng bá cũng chính là cách thức gìn giữ tôn giáo và văn hóa hiệu quả nhất.
Một chuyện vui nữa đủ để thấy người Nhật không hề ngần ngại phát triển tôn giáo đặc sắc của mình ngay ở giữa thời hiện đại. Vào năm 2015, cô mèo Tama - linh vật nổi tiếng đảm nhiệm chức vụ trưởng ga tàu Kishi - qua đời, hưởng thọ 16 năm tuổi người và hơn 80 năm tuổi mèo. Chú mèo đã khiến người Nhật Bản tiếc thương, đồng thời cử hành một tang lễ trọng thể cho Tama trước khi phân bổ chức vụ trưởng tàu cho một chú mèo mới tên Nitama (Tama đời hai). Tama sau đó, bất ngờ thay, đã được... bình chọn trở thành vị thần mới bảo trợ cho ngành đường sắt và những chuyến đi an toàn bằng xe lửa. Sự việc nghe thì có vẻ đáng yêu, thế nhưng đã biến mèo Tama trở thành một vị thần mới, quyền lực đủ để có sổ hộ khẩu trên Cao Thiên Nguyên linh thiêng của Thần đạo Nhật Bản. Người Nhật không chỉ quảng bá văn hóa và tôn giáo của họ ra thế giới bên ngoài, họ cũng tự "nâng cấp" nó từ trong lòng mỗi người dân, khiến cho Thần đạo ăn sâu vào từng khía cạnh của đời sống theo cái cách đáng yêu như thế đấy!
Cái cách mà Thần đạo - bên cạnh những nét đẹp văn hóa khác của Nhật Bản - xứng đáng trở thành ví dụ về việc "hòa nhập mà không hòa tan" mà đất nước nào cũng có thể soi vào để học tập theo. Mùa hè năm nay lại đến rồi, những tour du lịch đến thăm cố đô Kyoto, cho hươu sao Nara ăn và thăm đền thờ Toji, Todai hay Senso sẽ lại rộng cửa. Sẽ lại có hàng triệu lượt khách du lịch đổ tới Nhật Bản đề thăm quan, để rồi tiếp tục trầm trồ với những nét văn hóa xưa cũ được giữ gìn trọn vẹn trong từng khoảnh khắc sống đời thường, bình dị nhất của mảnh đất văn hiến này.
(Theo kênh 14)