Sau gần 10 giờ bay hai chặng từ Hà Nội, tôi cùng nhóm bạn đặt chân xuống sân bay quốc tế Tribhuvan ở Thủ đô Kathmandu, Nepal. Ajay Raj, chàng guide trẻ đến từ thành phố Pokhara, trông bảnh bao và phong cách giống một ca sĩ nhạc pop hơn là một người dẫn đường, chờ sẵn ở sảnh. Ajay hứa giúp cả bọn có những trải nghiệm nguyên bản và đáng nhớ nhất trong quãng thời gian ở đất nước nổi danh có thiên nhiên hùng vĩ cùng nền văn hóa kỳ bí này. Và cuối cùng, cậu ấy đã không nói suông.

Như lạ, như quen

Nepal là quốc gia duy nhất trên thế giới có quốc kỳ không phải hình chữ nhật mà là hai tam giác chồng lên nhau, tượng trưng cho hai tôn giáo lớn nhất bao trùm lịch sử và văn hóa: đạo Phật và đạo Hindu. Thêm nữa, vốn mệnh danh là “thánh địa” của Phật giáo vì là nơi Đức Phật sinh ra, nhưng chỉ khoảng 10% người Nepal theo đạo Phật, 80% là tín đồ Hindu, còn lại là các tôn giáo khác. Nepal chưa từng bị thực dân phương tây thuộc địa hóa. Dân số Nepal khoảng 29 triệu người nhưng có đến 60 nhóm dân tộc, sử dụng gần 100 ngôn ngữ khác nhau... Đó chỉ là vài sự thật nho nhỏ khiến đám thanh niên mê mẩn những điều mới lạ cứ trầm trồ suốt hành trình.

Kathmandu là điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Đã hơn hai năm sau trận động đất kinh hoàng, nhưng cả khu vực vẫn chìm trong màn khói bụi dày đặc từ những công trình xây dựng, làm đường. Cây xanh thưa thớt. Điện chiếu sáng tiết kiệm hết mức có thể. Giao thông lắt léo, hỗn loạn. Thảm họa thiên nhiên đã tàn phá gần như toàn bộ thung lũng Kathmandu, nơi từng có cả ngàn ngôi đền, tháp, cung điện uy nghi lộng lẫy do các triều đại vua chúa Nepal xây dựng suốt từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18. Những người đến sau, như chúng tôi, chỉ còn được thấy tàn tích hoặc các bản phục dựng, dù chúng được trùng tu một cách khá tinh xảo, trông vẫn nhuốm màu cổ kính và huyền bí.

Pokhara thì may mắn hơn. Ajay không giấu nổi vẻ tự hào khi chiếc xe jeep cũ kỹ đưa cả đoàn đến thành phố quê hương của cậu, một vùng bằng phẳng nằm “tọa sơn, vọng thủy”. Mở cửa kính xe, mở một đĩa nhạc truyền thống Nepal với giai điệu sôi động, một cô gái trong đoàn gần như hét lên vì phấn khích khi những ngọn núi phủ băng tuyết trắng xóa đầu tiên xuất hiện trong tầm mắt. Ấn tượng nhất là Machhapuchhare, hay còn gọi là Fish Tail - núi Đuôi Cá, đỉnh thiêng ở độ cao gần 7.000 mét của dãy Annapurna South. Chưa phải đỉnh núi cao nhất, nhưng là đỉnh duy nhất chưa ai dám chinh phục bởi người Nepal tin đây là nơi ở của thần Shiva tối cao. Tín đồ Hindu thờ tới gần một triệu vị thần khác nhau, người bạn đường Ajay dù rất “có tâm” cũng chỉ giới thiệu qua với chúng tôi khoảng một chục vị quyền năng và phổ biến nhất... 

Pokhara là điểm xuất phát của nhiều cung trekking lừng danh bậc nhất hành tinh, thế nên ngập tràn các khu phố chính ở đây là các công ty lữ hành, cửa hàng quần áo và đồ dã ngoại, quầy lưu niệm, quán ăn Âu-Á... Chúng tôi còn thấy cả một nhà hàng phở Việt Nam khá hoành tráng ở khu Lakeside. Hỏi ra mới biết mấy năm gần đây bắt đầu có nhiều người Việt sang Nepal tìm cơ hội làm ăn, mà chủ yếu là buôn bán và làm dịch vụ phục vụ du lịch, ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng, hiện đang mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai (chỉ sau kiều hối) ở đất nước nhỏ bé nằm sâu trong lục địa này. Ở Pokhara, không ít cô cậu thanh niên độ tuổi 9X như Ajay có vốn tiếng Anh khá tốt, chọn “khởi nghiệp” bằng cách làm hướng dẫn viên du lịch khám phá, mạo hiểm.

Cũng những dãy nhà ống, dây điện chằng chịt trên không, xe máy và ô-tô đan nhau dưới phố, chỉ có điều thưa người hơn, Pokhara một chiều đông khiến tôi liên tưởng đến Hà Nội những ngày giáp Tết. Phố nhỏ, nhà xưa, không khí se lạnh quyện mùi trầm hương, thi thoảng là mùi gia vị nồng nàn từ những căn bếp gia đình hoặc nhà hàng, khách sạn. Thấp thoáng bóng thiếu nữ mặc saree truyền thống sặc sỡ mê hồn. Dành một buổi chiều nhẹ tênh ở ven hồ Fewa (chúng tôi nói đùa nhau là hồ “Phê quá”), quên hết những sầu lo, là một cách tuyệt vời để chuẩn bị tinh thần cho những ngày tiếp theo: trekking đến Annapurna Base Camp ở độ cao 4.130 mét (gọi tắt là ABC), trại nền cho những tay leo núi muốn chinh phục đỉnh cao thứ mười của dãy núi huyền thoại Himalaya.


Thiên đường nguyên sơ hay địa ngục hành xác

Tiền công mỗi ngày cho một guide (người dẫn đường) như Ajay trung bình là 18 USD, của các porter (người khuân vác) dao động từ 15 đến 20 USD. Nhưng hầu hết khách không ngần ngại tip thêm cuối hành trình, bởi họ đã phải lao lực khủng khiếp trên những con đường nhọc nhằn đến khó tin. Và cũng bởi họ hay cười thân thiện, luôn miệng động viên, không khi nào càu nhàu, khó chịu. Không hiếm hình ảnh những người đàn ông, và cả phụ nữ, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng mang vài chục cân hành lý băng băng leo dốc trên đôi dép cũ mòn. Trong khi du khách quần áo gọn nhẹ, trang bị đầy đủ, thì thở chẳng ra hơi...

ABC vào tháng 11-12 là cung trekking đẹp nhất nhì Nepal, với địa hình phong phú từ rừng rậm cận nhiệt đới đến rừng lá kim ôn đới, có sa mạc, có sông băng, có núi tuyết, có cả ruộng bậc thang. Trên những tuyến đường chính và các trạm nghỉ, nườm nượp khách từ khắp các châu lục. Không mê sao được, khi Nepal biết cách tận dụng ưu thế và đầu tư cho du lịch trekking. Nếu cơ sở hạ tầng ở các thành phố khá lạc hậu, quốc lộ đầy ổ gà, thì các tuyến trekking phổ biến còn được tạo bậc thang, lát đá. Các nhà nghỉ, quán nước ven đường được xây dựng xinh xắn, thô mộc nhưng khá tiện nghi, phục vụ đồ ăn kiểu Tây và đặc sản địa phương với giá niêm yết đồng nhất trong toàn vùng. Chính quyền và ngành du lịch Nepal thật sự đã quy hoạch và quản lý rất tốt khâu này, cho nên dù vận chuyển hàng hóa càng lên cao càng khó khăn nhưng không có chuyện “chặt chém”. Các “ông lớn” ngành khách sạn, dịch vụ muốn đầu tư vào đây cũng chỉ có thể triển khai ở vùng ven, còn trong khu vực bảo tồn thì không được phép tác động đến tự nhiên.

Cũng nhờ thế mà nơi đây vẫn giữ được sự nguyên sơ. Nhiều loại chim, thú nhỏ dễ dàng bắt gặp trong rừng. Phong cảnh bình yên, thơ mộng của những ngôi làng nằm cheo leo trên sườn núi như Tikhedhunga, Banthanti, Sinuwa, Chomrong... đủ sức xóa tan mọi cơn nhức đầu, đau cơ của lữ khách. Những dải lungta - phong mã (cờ nguyện ngũ sắc đặc trưng của văn hóa Tây Tạng) giăng phấp phới khắp nơi, tường nhà sơn đủ mầu, bàn ghế sạch sẽ, hoa nở bừng mái hiên, các cô bé cậu bé đã quen thấy người lạ ngang qua nhưng sự tò mò, bẽn lẽn vẫn đong đầy trong đôi mắt to tròn...

Từ Deurali (3.200 mét) trở lên, những con dốc dựng ngược xuyên cả tầng mây của Himalaya như đốt sạch năng lượng, khiến bao kẻ kiệt sức, rã rời, thậm chí nổi điên, hối hận. Nhiệt độ dưới âm, mưa tuyết, những trảng cỏ vàng như cháy trải dọc dòng sông đóng băng xanh biếc, vô cùng khắc nghiệt nhưng cũng đẹp đẽ tráng lệ như trong những thước phim viễn tưởng về hành tinh khác. Trực thăng cứu hộ một chốc lại ầm ì ngang đầu, sẵn sàng đưa những người bị sốc độ cao, bỏng lạnh trở về. Vô số bia tưởng niệm nằm rải rác mang đến những phút lặng người... Nhiều công trình công cộng ở các thôn làng nghèo vùng này là do người thân của các nhà leo núi đã tử nạn hoặc mất tích quyên tặng, để phần nào giúp cư dân bản địa và những du khách khác có điều kiện sống tốt hơn.

Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc được chiêm ngưỡng mặt trời buổi bình minh quét ánh sáng đỏ rực qua những rặng núi tuyết bao quanh ABC. Nhưng niềm hạnh phúc lớn lao thật sự nằm ở cả hành trình với những trải nghiệm kỳ thú. Và, nhất là chúng tôi đã không bỏ cuộc, vượt lên bản thân mình để chạm tới đích đến cuối cùng.

(Theo Nhân Dân)



Có phản hồi đến “Ngắm Bình Minh Từ Đất Phật Nepal”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com