VẤN: Khoảng từ đầu năm đến nay, con hay đọc kinh và niệm Phật tại gia vào buổi tối, cũng khá trễ. Hôm nào sớm thì cũng 8-9g tối, còn những buổi đi học thêm thì có khi 10-11g mới bắt đầu niệm Phật, ban ngày thì con đi làm, không niệm Phật được. Một buổi tối niệm Phật như vậy là khoảng một giờ. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó, cứ ở khoảng giữa là con hay lơ mơ, đôi lúc ngủ gật, gật một cái khoảng vài giây rồi lại giật mình dậy niệm Phật tiếp. Con thấy thật không hay chút nào. Con không biết là do đến giờ đó thân thể mệt mỏi quá hay do con không tinh tấn hoặc là như thế nào nữa, vì sức con cũng yếu. Bạn con khuyên là nên đọc ít lại vì niệm Phật để cầu bình an cho bản thân và gia đình mà lại làm quá sức như thế thì lại sinh bệnh. Con lại sợ vì trước đã từng có ý niệm Phật nhưng cứ bị mệt mỏi làm cho thối lui, giờ đã cố gắng để đọc kinh niệm Phật được trong khoảng thời gian đó rồi, nay nuông chiều bản thân, đọc ít lại thì sẽ ngày càng thối chuyển tâm tu học nhưng cứ để gục giữa buổi như thế con cũng bứt rứt. Vậy con nên tu tập, niệm Phật, tụng kinh như thế nào cho đúng. Mong sư giải đáp giúp con ạ. Con xin cảm ơn.

ĐÁP

Tu hành tinh tấn thì cũng tốt, tuy nhiên đừng để ma tinh tấn hoành hành người tu, đem ma tinh tấn, phá tan ma bần thần dã dượi, ma lười biếng; đem ma này phá ma kia... rốt rồi chỉ có năng lượng, năng lực của chúng ta là cạn kiệt.

Sở dĩ ở tại các thiền viện, tu viện, các chùa tụng kinh niệm Phật điều hòa là do các trú xứ đó có đông chư Tăng hoặc chư Ni chúng tu hành. Tu theo thời dụng biểu phân định là luân phiên nhau mà tụng niệm do vậy mà tiếng kệ kinh ở chùa không dứt là vậy.

Nay nếu bạn đem sự tinh tấn đó áp dụng cho bản thân thì thật là nặng nề như núi Tu Di đè lên bạn muôn kiếp, khó mà thành tựu Phật đạo dành cho bạn.

Xin đơn cử về một thời dụng biểu ở Tu viện Quan Âm như sau:

4 giờ 00 – Công phu Lăng Nghiêm

5 giờ 30 – Quả đường (cháo)

6 giờ 00 – Tụng kinh Pháp Hoa hay lạy kinh Vạn

Phật

10 giờ 30 – Cúng cơm Phật

11 giờ 00 – Cúng quả đường

13 giờ 00 – Chỉ tịnh

13 giờ30 – Tụng thần chú Đại bi và kinh Phổ Môn 16 giờ 00 – Công phu chiều

19 giờ 00 – Tịnh độ tối

23 giờ 00 – Thiền - Niệm Phật

24 giờ 00 – Chỉ tịnh

Nếu đem thời dụng biểu trên mà áp dụng cho bản thân bạn thì chắc không kham nổi, sẽ có nhiều nguyên nhân mà bạn ngán ngẩm với cuộc tu niệm và bỏ tu. Trường hợp có ai khuyên bạn sử dụng thời dụng biểu như trên cũng là sai lầm lớn.

Việc của bạn trình bày tuy không phải bạn hành pháp như thời dụng biểu Tu viện, nhưng thời dụng biểu của gia đình bạn gồm: Bản thân, gia đình, xã hội và tụng kinh niệm Phật, như thế chắc cũng nhiều gần giống như thời dụng biểu của Quan Âm Tu Viện, hoặc hơn thế nữa nên bạn mệt mõi là đúng.

Lời khuyên: Bạn nên giảm bớt lao động và mỗi ngày chỉ niệm một thời niệm Phật 20 phút là đủ rồi – 20 phút đó tùy bạn sắp xếp vào thời điểm nào cũng được, nhưng phải có thời niệm Phật 20 phút, chọn nơi thoáng mát, vắng vẻ, không muỗi mòng mà thực hiện 20 phút niệm Phật – Điều cần thiết là không bỏ cuộc, tương lai Phật cũng chứng minh cho bạn là có tu và tiếp dẫn bạn vãng sanh Cực lạc. Khi nào rổi rảnh thân tâm sảng khoái nhẹ nhàng rồi phát tâm tụng kinh bộ hay tụng niệm nhiều.

Nhưng mệt mỏi đôi khi cũng trở thành thói quen xấu. Bạn nên thực hành như lời khuyên trên sẽ không còn mệt mỏi nữa. Với đức Phật và quý sư, bạn không mắc lỗi chi cả.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Thời Khóa Công Phu Tu Tập Như Thế Nào Để Thân Tâm An Lạc?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com