VẤN: Con nghe rất nhiều bạn đồng tu nói về xá lợi Phật và của các thánh tăng cũng như sự mầu nhiệm của xá lợi Phật. Con không hiểu xá lợi Phật có từ đâu? Tại sao có người lại chết lưu lại xá lợi và có người thì không? Thần lực của xá lợi Phật là có thật không? Con nghe nói xá lợi nếu chú nguyện thành tâm có thể đạt được sự mầu nhiệm và xá lợi có thể sinh ra thêm, như vậy có đúng không? Ngược lại, con nghe nói nếu không thành kính với xá lợi sẽ bị tội và xá lợi có thể biến mất. Điều này có đúng không? Tại sao xá lợi lại có rất nhiều màu sắc và hình dáng khác nhau? Chúng con nên hành xử như thế nào để không bị tội trước xá lợi. Con xin cảm ơn Sư.
Đáp:
Tín ngưỡng xá lợi có từ thời Đức Phật, tại các vùng thuộc Á châu, một xứ sở có nhiều tôn giáo đặc thù, huyền bí linh thiêng, nhất là thời kỳ Phật hành đạo và sau khi Phật nhập niết bàn. Người Phật tử ngày nay từ đông bán cầu đến tây bán cầu thường nghe nói đến xá lợi, chiêm ngưỡng xá lợi, rước xá lợi, cung nghinh xá lợi, đảnh lễ xá lợi, tôn thờ xá lợi, xây tháp cúng dường xá lợi Phật.
Có câu:
Phật tại thế thời con ngã trầm luân
Phật nhập diệt con mới được thân người
Tủi phận thân con nhiều tội chướng
Bùi ngùi chẳng thấy đặng kim thân
Người tín ngưỡng xá lợi Đức Phật tự nghĩ rằng: Phật giáng thế thì ta vô minh; Phật tịch diệt thì ta mới được sanh ra, nên tín ngưỡng tôn thờ xá lợi Phật xem như Phật hiện tiền.
Xuất xứ:
Nói đến xá lợi, xưa người ta chỉ nghĩ đến xá lợi của Đức Phật mà thôi. Cho đến khi Phật pháp được lan tỏa khắp hoàn cầu, người Phật tử tín ngưỡng thêm xá lợi chư Thanh văn A la hán đại đệ tử của Đức Phật. Ngoài ra còn có những vị Thánh Tăng và các vị Đạo Sư tu hành đạo cao đức cả, chư tôn đức Pháp chủ, Tăng chủ, Tông chủ, các bậc Thầy tổ sau khi thị tịch đem làm lễ trà tỳ, các đệ tử cũng thâu được nhiều phần tinh thể của các vị còn lại gọi là xá lợi. Tất cả những đồ dùng thuộc di tích của Phật và các vị Thánh Tăng như pháp y, bình bát, chuổi tràng, tích trượng, v.v. hoặc răng, móng, tóc của các bậc đạo sư Phật giáo đang hành đạo, lúc tuổi niên cao lạp trưởng ban cho đệ tử tôn thờ đều gọi là xá lợi. Hiện nay ở Myanmar, người ta còn thờ tóc và móng tay của Đức Phật khi sanh tiền đã cắt cho Bạc Lệ Ca, Da Lễ Phù Ba, hai vị đệ tử tại gia đầu tiên. Trong kinh tạng Nam tông Phật giáo thường đề cập đến “xá lợi xương, xá lợi răng và ngọc xá lợi...” (Trường A Hàm, phẩm Đức Phật nhập niết bàn, quyển 1)
Cách đây 2.558 năm, Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta thị hiện sanh ra trong công viên Lâm Bi Ni, cung vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng hậu thánh mẫu Ma Ya trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ. Năm 29 tuổi xuất gia bên dòng sông A Nô Ma, 6 năm tu khổ hạnh tại Khổ Hạnh lâm cạnh dòng sông Ni Liên, 35 tuổi thành đạo dưới cây Tất Bát La gần thủ phủ Gaya ngày nay. Trải một thời gian dài 45 năm hoằng hóa đạo mầu, từ đông sang tây, từ Tibet đến Afghanistan, từ Hy Mã Lạp Sơn đến Ấn Độ Dương, đến khi niết bàn tại Câu Thi Na, chư đệ tử đem nhục thân thiêu hóa và còn tồn tại những tinh hoa như tủy, xương, thịt v.v... được 8 vương quốc khắp vùng Bắc Á thời bấy giờ tôn thờ, như:
1/. Vua nước Chiêm Bà,
2/. Dân chúng dòng Bạt Ly thuộc nước La Phả,
3/. Dân chúng dòng Bà la môn nước Tỳ Lưu Đồ,
4/. Dân chúng dòng Câu Lợi thuộc nước La Ma Già,
5/. Dân chúng dòng Thích Ca nước Ca Tỳ La Vệ,
6/. Dân chúng dòng Ly Xa thuộc nước Tỳ Xá Ly,
7/. Dân chúng dòng Ly Xa thuộc nước Câu Thi Na,
8/. Vua A Xà Thế của nước Ma Kiệt Đà.
Tháp thứ chín thờ cái bình, tháp thứ mười thờ tro hài cốt, và tháp thứ mười một thờ tóc Phật khi Ngài còn tại thế gian. Đặc biệt, Phật đản sanh, xuất gia, thành đạo, nhập Niết bàn đều vào ngày tám tháng hai (Trường A Hàm, phẩm Đức Phật nhập niết bàn, quyển 1, trang 119-234 - Toàn Không)
Kinh Đại Bát Niết Bàn diễn tả rằng sau lễ trà tỳ, Xá Lợi của Đức Phật được chia làm tám phần và phân chia cho đại diện của tám nước đem về tại quốc gia họ. Nhưng hơn 200 năm sau đó, khi hoàng đế A Dục thống nhất toàn thể lãnh thổ xứ Ấn và trở thành một vị vua Phật tử hộ đạo, vua A Dục đã gom tất cả Xá Lợi ở tám nơi và chia thành 84.000 phần, đựng trong 84.000 tháp báu nhỏ ban bố khắp các nước.
Lợi ích của tôn thờ xá lợi:
Xá lợi là những hạt nhỏ, có dạng viên tròn, hình thành sau khi thân thể của người tu đắc đạo được đem hỏa táng. Xá lợi còn có nghĩa là những hạt nhỏ trông giống ngọc trai hay pha lê, được tìm thấy trong tro hỏa táng của một số vị cao tăng Phật giáo mà khoa học hiện đại chưa giải thích được nguyên lí hình thành của các hạt xá lợi này. Tuy nhiên, theo các bậc đạo sư phái Thiền, Tịnh, Luật, Mật của Phật giáo thì xá lợi là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện và là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn thể hiện trí tuệ minh triết, mang lại lợi ích cho cả nhơn thiên. Đây là các bảo vật của thế giới Phật giáo, của Tăng Ni, Phật tử. Sự tín ngưỡng và tôn thờ xá lợi giúp cho người Phật tử thăng tiến trên đường tu, có người tôn thờ xá lợi, tín ngưỡng xá lợi Phật như tôn thờ Đức Phật sanh tiền, nên các vị rất tinh tấn tu hành và thêm phần phước huệ rất cao cả.
Khi chiêm bái cùng một viên ngọc xá lợi, nhiều người đã thấy các màu sắc khác nhau, tùy theo nghiệp nặng nhẹ của mỗi người. Tương truyền ngọc xá lợi của Đức Phật có thể biến hóa từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn, từ đục thành trong, và tỏa sáng hào quang. Sự biến hóa kỳ diệu này phải do sự thành tâm lễ bái chí thành của người có đạo tâm. Ngài Hư Vân kể rằng: Khi ngài tới lễ xá lợi của Đức Phật tại chùa A Dục, càng lễ thì hào quang từ xá lợi càng lúc càng tỏa rạng. Cũng nhờ thành tâm lễ bái xá lợi mà ngài hết bịnh.
Vào thế kỷ thứ VI, Phật Pháp mới truyền vào Trung Quốc, có hai Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan từ Trung Ấn sang để truyền bá Phật Pháp. Lúc ấy có Đạo sĩ Chữ Thiện Tín ở núi Ngũ Nhạc không hài lòng, dâng biểu lên nhà vua xin cho thi tài với hai Ngài. Họ để kinh sách của Lão giáo ở đàn phía đông và kinh Phật cùng xá lợi để trên Thất bảo hành điện ở phía tây. Xong rồi hai bên thi triển thần thông đốt kinh sách. Kinh bên Đạo giáo thì cháy, còn kinh Phật thì vẫn nguyên. Lúc ấy xá lợi năm màu chiếu sáng, bay lên hư không, xoay tròn như che trùm cả đại chúng. Vua cùng đại chúng đều hoan hỉ, được điều chưa từng có.
Đời Tam quốc, Ngô Tôn Quyền chưa tin Phật Pháp nên đã chất vấn Ngài Khương Tăng Hội: Sa môn các ngài tu hành theo Phật giáo có những điềm linh ứng gì? Ngài trả lời rằng: “Tuy Phật đã nhập diệt lâu rồi, nhưng xá lợi của Ngài lưu lại vẫn hiển hiện bao điềm linh diệu”. Ngô Tôn Quyền không tin, buộc Ngài phải cầu cho được xá lợi thì mới cho phép kiến lập Tháp Tự, nếu không được sẽ bị trị tội. Vì sự tồn vong hưng thịnh của Phật Pháp, Ngài cùng đại chúng đã đặt một bình đồng trên toà cao, chí thành khẩn cầu xá lợi hiển hiện oai linh. Đến ngày thứ hai mươi mốt, xá lợi đã xuất hiện trong bình chiếu sáng năm màu rực rỡ. Ngô Tôn Quyền tự tay cầm lấy bình chứa xá lợi đổ lên mâm đồng. Hạt xá lợi vừa rơi xuống thì mâm đồng liền bị bể tan. Ngô Tôn Quyền cho để xá lợi lên đe bằng sắt và dùng búa đập. Chỉ thấy đe lún xuống và xá lợi vẫn tỏa hào quang sáng ngời. Thấy điềm linh dị rõ ràng, Ngô Tôn Quyền mới có niềm tin trong Phật Pháp.
Riêng xá lợi răng và xương của Đức Phật thì không có sự biến hóa ít thành nhiều, do vậy bảo tháp thờ xá lợi răng và xương rất hiếm, riêng tháp thờ ngọc xá lợi thì nhiều. Nói chung, tất cả các xá lợi đều có một vai trò quan trọng đối với chúng ta, vì xá lợi là báu vật biểu trưng như Đức Phật còn tại thế. Nếu chúng ta dùng tâm vô nhiễm, cung kính lễ bái, cúng dường, tán thán thì được phước đức vô lượng vô biên. Xá lợi không chỉ là nhân tố tạo nên mọi sự phước đức mà còn là động lực chuyển xoay tâm hồn con người từ hung dữ trở thành hiền lương, từ vô đạo đức trở thành có đạo đức.
Phật tử Việt Nam và các nước tôn thờ xá lợi từ các bậc đại sư tôn túc:
Phật giáo thế giới có viên xá lợi được nhắc nhở và tôn sùng, đó là xá lợi lưỡi của Ngài Cưu Ma La Thập được truyền tụng đến nay gần 2.000 năm.
Cưu Ma La Thập dịch nhiều Kinh từ Phạn ra tiếng Tàu, khoảng 98 Kinh, nay thất lạc chỉ còn độ 50 Kinh. Ngài là người nước Dao Tần, ngày nay gọi là Tân Cương. Cha Ngài là người Ấn Độ, mẹ là công chúa nước Dao Tần. Ngài dịch nhiều Kinh Phật nhất, nên có lời nguyện: Nếu Kinh Ngài dịch ra không sai chánh pháp thì khi lâm chung xin lưu lại chiếc lưỡi để làm chứng tích. Kết quả, Ngài được như ý.
Ngày mùng 01 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, vâng theo di chúc, Bảo Sát đã tiến hành hỏa thiêu Ngài ngay tại Am Ngọa Vân. Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm đến tưới nước thơm lên giàn hỏa, thu được ngọc cốt và hơn 3.000 viên ngọc xá lợi. Ngọc cốt được an trí vào lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức Lăng), một phần xá lợi thu được lưu giữ tại tháp Phật Hoàng ở Ngọa Vân, phần còn lại được đưa về lưu giữ tại Bảo tháp chùa Tư Phúc trong Đại Nội (cấm thành Thăng Long), sau đó được phân thành nhiều phần lưu giữ ở nhiều nơi để nhân dân và phật tử thờ phụng.
Năm 1964, bị tai nạn chiến tranh, Sư tản cư xuống núi tá túc ở chùa Linh Quang, Gia Định đi học. Đến ngày mùng 10 tháng Chạp năm Giáp Thìn, chùa thiết lễ cúng húy kỵ Đại sư Huệ Nhựt - Trưởng giáo phái Đạo Phật Khất sĩ Đại thừa đã viên tịch. Hòa thượng Trụ trì Thích Phổ Thượng (một trong 10 vị đệ tử của Đại sư) đem những phần xá lợi của Đại sư cho đại chúng chiêm ngưỡng. Đó là lần đầu tiên lúc còn làm Sa di Sư được chiêm ngưỡng xá lợi xương của vị Trưởng Giáo phái Khất sĩ Đại thừa.
Năm 1973, khi Thượng tọa Thích Giác Đồng về Quan Âm tu viện tu tịnh, được nghe Thượng tọa kể lại khi Sư Trưởng lão Trưởng giáo đoàn Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam Thích Giác An viên tịch, lúc trà tỳ còn lại nhiều viên xá lợi, trong đó có một viên xá lợi màu trắng trong như lưu ly, tôn thờ tại tịnh xá Trung Tâm, Phú Lâm.
Ngày 15/02/Đinh Mùi (1967), sau khi cải táng nhục thân Đức Pháp chủ Khánh Anh tại An dưỡng địa, Phú Lâm, Đại đức Thích Liên Phương, húy Như Lý, hiệu là Bạch Vân là vị đệ tử cuối cùng của Đức Pháp chủ, có đem một ít xá lợi xương của Đức Pháp chủ về tôn thờ tại tịnh thất Bảo Tạng - Quan Âm tu viện cho đến ngày nay. Đại Đức Thích Liên Phương là người có công lớn trong việc sáng lập Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo tại Tổ đình Linh Sơn núi Dinh, Bà Rịa năm 1961. Hòa Thượng Giác Quang (lúc còn làm Sa di) năm 1964 đã tốt nghiệp hạng Nhất đồng hạng với Sư Từ Pháp tại Phật học đường.
Ngày 11/06/1963, Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng để bảo vệ Phật giáo. Sau khi tự thiêu, nhục thân được hỏa táng lại nhưng trái tim của Hòa Thượng thì không cháy và vẫn còn nguyên, về sau được đặt trên một bình pha lê tôn trí tại chùa Xá Lợi. Giới Phật tử coi đây là một điều thiêng, một biểu tượng xá lợi trái tim của lòng trắc ẩn và tôn vinh Hòa Thượng thành một vị Bồ tát.
Pháp sư Hoằng Huyền, Singapore, Hòa Thượng Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Ngũ Đài Sơn; Pháp sư Khoang Năng, Trụ trì chùa Tây Sơn, Trung quốc viên tịch gần đây cũng để lại hàng chục vạn viên xá lợi trong như lưu ly và màu xanh lục. Pháp sư Viên Chiếu, Trụ trì chùa Pháp Hoa, tỉnh Thiểm Tây viên tịch lúc 93 tuổi, trà tỳ còn lưu lại trái tim.
Ngày 20/10/Quý Tỵ (2013), Hòa Thượng Thích Thiện Lực, Trụ trì chùa Phổ Tịnh (môn phong Tịnh độ Non bồng), ấp Bình Thảo, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai viên tịch, thiêu hóa được nhiều xá lợi màu xanh lục, môn nhơn pháp quyến cúng dường tôn thờ tại chùa Phổ Tịnh và Quan Âm tu viện.
Ngày nay, không chỉ riêng trong nhà chùa trà tỳ chư tôn túc Tăng Ni viên tịch có xá lợi, mà trong giới Phật tử phát tâm tu hành ăn chay trường, niệm Phật, tụng kinh đại thừa, tu hành tinh tấn, khi lâm chung đem thiêu hóa cũng tồn tại một số phần xương cốt, những viên xá lợi đủ màu sắc... Sự việc nầy đã làm dấy lên làn sóng thờ xá lợi trong chốn thiền lâm trong và ngoài nước cũng như tại gia trung của Phật tử.
Tôn thờ xá lợi tại Quan Âm tu viện
Năm 1969, tại Quan Âm tu viện, Sư được diện kiến, đảnh lễ, tôn thờ và giữ gìn xá lợi. Chỉ có 2 hạt tại tịnh thất Bảo Tạng, nơi Đức tôn sư Thiện Phước - Nhựt Ý sanh tiền lưu trú và thuyết giảng nhiều nhất dành cho chư Tăng Quan Âm tu viện và môn phong về pháp tu niệm Phật cầu sanh Tịnh độ.
Ngày mùng 02 tháng 06 năm Canh Tuất (1970), trời đổ mưa nhiều, Sư hứng nước giữa trời mưa bằng một chén sứ sạch, đem xá lợi Phật thử “thật hay giả”, nếu “thật” thì nổi trên mặt nước, “giả” thì chìm. Lạ thay xá lợi tôn thờ tại tịnh thất Bảo Tạng như có chất “dầu” nổi trên mặt nước. Ngọc xá lợi thờ ở tịnh thất Bảo Tạng do nhà sư Anando được Giáo hội cử đi du học nước Sri Lanka cung thỉnh đem về cúng dường Quan Âm tu viện. Sư Anando viên tịch năm 2001, nhà chùa phụng thờ Sư tại Tổ đình Linh Sơn chân núi Dinh.
Từ năm 2.000, đón chào thiên niên kỷ mới, tại Quan Âm tu viện, Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, chư Tăng Ni nhận được nhiều sự phát tâm cúng dường xá lợi đức Phật từ Phật tử Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, các nước Myanmar, Ấn độ, Mỹ, Úc...
Lễ rước xá lợi ngày 15/07/Canh Dần (2010) thật quy mô, hoành tráng, dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Giác Quang, chư Tăng Ban Nghi lễ lo lập bàn hương án tại trung tâm Quan Âm tu viện, tiếp đến trải một lớp đệm, chiếu trải lên đệm, vải vàng trải lên chiếu từ bàn hương án đến nơi tôn thờ xá lợi khoãng 120 mét, vị Sư Thiện Thanh đi đầu cầm kiểng dẫn đường, kế đến vị Sư Vạn Hùng bưng khai lễ, Thầy Thiện Lễ xướng ngôn, Sư Quảng Đại, Sư Định Chơn chuông trống bát nhã, Hòa Thượng Giác Quang tiếp nhận xá lợi từ tay Phật tử Tâm Huệ, Ngọc Hoa dâng cúng, chầm chậm bước đi, đi theo sau là chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử cả trăm vị, mỗi người đều niệm danh hiệu: Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Vương Bồ tát... Khi đến nơi khai lễ đựng xá lợi được tôn trí lên bàn, Hòa Thượng nói ý nghĩa xá lợi, tôn thờ xá lợi, cảm tạ công đức Phật tử cúng dường xá lợi. Tiếp đến Hòa Thượng chủ trì lễ an vị xá lợi, đảnh lễ xá lợi, chiêm ngưỡng xá lợi. Cuộc lễ rước xá lợi diễn biến từ 8 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa mới chấm dứt, sau đó là lễ cúng dường trai phạn chư Tăng Ni.
Người Phật tử cần có sự tín ngưỡng chân chính, gọi là chánh kiến, chánh tư duy, nhìn thấy xá lợi răng, tóc, móng của Phật, hay các di vật của chư thánh Tăng, Thầy Tổ, tỏ lòng tôn kính phụng thờ, đó là xá lợi. Có chánh nghiệp thì không ngụy tạo xá lợi theo tri kiến phàm phu để hướng dẫn mọi người tín ngưỡng thì việc tôn thờ xá lợi có ích lợi, tăng phước tăng huệ. Sự tôn thờ xá lợi thuộc về tín ngưỡng tâm linh đối với Đức Phật của Bạn, các Bạn tin có xá lợi thì xá lợi xuất hiện và xuất hiện thật nhiều vô số với các Bạn; ngược lại thì dù có xá lợi xương cốt thật của Phật Thích Ca Mâu Ni đi nữa cũng không linh ứng gì Bạn ạ!
HT Thích Giác Quang