VẤN: Con làm việc ở một bệnh viện khá lớn ở nước ngoài và thường xuyên tiếp xúc những bệnh nhân bị bệnh ung thư cũng như giai đoạn cuối cuộc đời. Vì vậy, chuyện tiếp xúc với người sắp lâm chung và qua đời thường xuyên diễn ra. Thường ngày thì không sao nhưng mỗi khi gần những bệnh nhân mà con biết là sẽ chết rất nhanh, cảm giác con rất khó chịu, đầu đau nhức, người nóng lên, mắt nháy liên tục, rất mệt mỏi. Sau vài tiếng nếu rời khỏi những chỗ đó hoặc bệnh nhân đã mất mang đi nơi khác, con mới trở lại bình thường. Con có nghe một số bạn bảo đó là khi những người sắp lâm chung, oan gia trái chủ ở gần những người này khá nhiều nên con bị ảnh hưởng. Đôi khi con cũng cố gắng niệm Phật nhưng không định tâm nổi để niệm Phật. Xin Sư cho con biết con nên làm như thế nào để cảm thấy thoải mái bình thường khi làm việc gần những người sắp lâm chung? Liệu có đúng không khi có rất nhiều oan gia trái chú xung quanh người sắp qua đời. Con nên tụng đọc kinh chú gì để giải bớt chuyện này? Con xin cảm ơn Sư.

Đáp:

I .

Theo nhà Phật xưa nay thì Bác sĩ là những nhà bác học luôn cống hiến cho đời, cứu giúp bệnh nhân thông qua việc chẩn mạch, định thuốc, giúp bệnh nhân mau lành bệnh. Các vị ấy gần như mang trong mình một hạnh nguyện Bồ tát lợi tha (giới thứ 3 - Kinh Bồ tát giới của người tu tại gia - chăm sóc người bệnh). Dù bệnh nhân thuộc bệnh dạng nào đi nữa, khi đến bệnh viện thì đã trao sanh mệnh của mình cho Bác sĩ rồi. Do đó, vị Bác sĩ dù muốn dù không cũng phải hết lòng chẩn trị cho người bệnh có hiệu quả.

Vị Bác sĩ đối với bệnh nhân có nhiều việc phải làm: một là giúp bệnh nhân, hai là an ủi bệnh nhân, ba là cứu bệnh nhân, bốn là đem lại nguồn vui cho gia đình bệnh nhân, năm là bố thí, sáu là có phương tiện giúp cho bản thân quán chiếu những sanh lão bệnh tử, tử biệt sanh ly, xóa đi những ý nghĩ phàm trần nhiều hơn một người bình thường. Trường hợp Bác sĩ là Phật tử, có cơ duyên quán chiếu tứ niệm xứ (quán thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã)... kiến tạo cho mình có tâm hồn thoát tục, thuận lợi nhất trong thế giới Phật giáo, sống trong “môi trường” trong sạch nhất.

Bác sĩ làm việc tại bệnh viện lớn, thường xuyên đứng trước môi trường bệnh nhân, những bệnh họan, những đui cùi sứt mẻ, những chết chóc khổ đau, phải xem là việc bình thường, quán chiếu nhân duyên, hành trình duyên khởi của vạn vật và con người là “giả”, là “không”... Là Phật tử, không nên từ chối trước “môi trường” của người sắp bị “cuốn theo chiều gió” chết chóc, hay “lốc xoáy” tử biệt sanh ly, giữ chánh niệm trước bệnh nhân sắp lành bệnh, hay những bệnh nhân sắp chết, tinh thần không bị chi phối trước “môi trường” thể chất, “môi trường” tâm linh, trước những ảnh hưởng của ngọai cảnh xuất hiện: sống, chết, vui, khổ, thiện, ác, tốt, xấu; giữa ta và tha nhân đều là “huyển hóa”.

II .

Kinh Bồ tát giới, giới thứ 28, Phật dạy: “Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc tìm cách gửi gắm cho người khác chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Ðó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi...”

Giới thứ 28 trên sách tấn người con Phật hết lòng chăm sóc bệnh nhân, trường hợp Bác sĩ là Phật tử nên nguyện với Đức Phật Đông phương Dược Sư lưu ly gia bị từ lực để đến với bệnh nhân sắp lành bệnh hay bệnh nhân sắp chết một cách vô quái ngại; nhất là bệnh nhân sắp bước vào hành trình “sanh lão bệnh tử”. Có từ lực của Đức Phật thì yếu tố môi trường thiện hay ác xuất hiện đối với người sắp chết qua nhãn quan của Bác sĩ sẽ được tiếp độ và không còn những hình ảnh “tâm sinh lý xuất phát từ bệnh nhân” tác động nữa. Người sắp chết nếu không có người trợ duyên niệm Phật, bị mất chánh niệm, bấy giờ nhiều uế trược và các hiện tương nổi lên như: luống cuống, xao xuyến, chẳng biết thiện ác là gì, đi đâu, tham sống, sân hận và những diễn biến ở xung quanh họ, những hiện tượng co giật tự nhiên, thần thức sẽ cuống theo nghiệp lực đã tạo.

Năm 14 tuổi, lúc mới vào chùa, Sư cũng sợ những uế trược, hiện tượng của người chết lắm, sợ quả báo ác của họ lây lan qua thân tâm mình. Nhưng kể từ khi thọ giới Bồ tát năm 1982 đến nay, Sư không còn có những ý thức sợ sệt mà luôn chú nguyện cho người sắp chết an lạc nơi thế giới Niết bàn Tịnh độ.

Người sắp chết là sắp đi về bên kia thế giới, bỏ lại thân nghiệp, luôn xuất hiện những hiện tượng mà nhà Phật gọi là “nghiệp”, trong đó có thiện, có ác: “Nếu người có tu thiện nghiệp thì khi chết hiện tướng điềm lành, người có tu thì an lạc chắp tay niệm Phật má hóa, người không tu thì nuối tiếc, mê mờ, cuống cuồng, sân hận, le lưỡi, cắn lưỡi, nghiến răn, trợn mắt...Về vô hình thì người sắp chết có nhiều nghiệp lực đến đòi hỏi trả vay, vay trả”, thiện thì bù đắp cho thiện, ác thì hướng theo ác, đấy là những hiện tượng nghiệp thiện ác bao vậy người chết, những hiện tượng làm cho người đứng gần dễ dao động theo “môi trường” cận tử nghiệp.

III.

Thật ra, các hiện tượng đó chẳng là gì đối với Bác sĩ.

Cách hóa giải trên xuất phát từ hạnh nguyện của Bồ tát đạo, niệm Đông phương Dược sư Lưu ly là niệm bất động theo hạnh nguyện của Đức Bồ tát. Ngoài ra chúng ta còn có 3 phương pháp quán sát cơ bản để tiếp tục hóa giải: Một là nhập “quán từ bi”, hai là “quán nhơn duyên”, ba là “quán chân như”. Ba pháp nầy “thực tập” cho đến khi thuần thục sẽ chấm dứt những hiện tượng diễn ra đối với tha nhân sắp chết.

Một là Từ bi quán:

Từ bi theo Ðạo Phật có ý nghĩa khác xa với tình thương thế gian, Phật dạy: "Từ năng dữ nhứt thiết chúng sinh chi lạc; Bi năng bạt nhứt thiết chúng sinh chi khổ". Nghĩa là Từ cho vui tất cả chúng sanh; Bi là diệt trừ cái khổ cho tất cả mọi loài. Diệt khổ và cho vui đó là tất cả nguyện vọng và hành động lợi tha, cứu đời của người có lòng từ bi. Thế nên, từ bi không phải là thụ động. Cái khổ và cái vui nói ở đây không chỉ là khổ và vui vật chất mà còn cả khổ và vui tinh thần.

Từ bi là một lòng thương rộng lớn vô biên, nó xui khiến người ta vận dụng tất cả khả năng, tâm tư, phương tiện để làm cho mọi người, mọi vật thoát khổ được vui. (Phật học phổ thông - HT Thích Thiện Hoa)

Đứng trước người sắp chết, Bác sĩ khởi tâm niệm Phật hay niệm chú vãng sanh, niệm chú Thất Phật, niệm Phật A Di Đà (niệm trong tâm), trong các pháp trên ta chỉ chọn “một pháp” thuận lợi để thực hiện, tức là giúp thêm năng lượng an lạc cho người sắp chết, nếu phải ra đi thì đi trong an lạc, trong yên lặng; người sắp chết sẽ được nghe âm thanh niệm Phật, tất cà nghiệp chướng trần lao, oan gia trái chủ được buông xuôi dứt trừ, quán chiếu như thế gọi là nhập “từ bi quán”.

Pháp “từ bi quán” xuất hiện thì khi gần những bệnh nhân sắp chết, cảm giác khó chịu, đầu đau nhức, người nóng lên, mắt nháy liên tục, mệt mỏi... không còn.

Hai là Nhân Duyên quán:

Có ba pháp quán: Quán sát, trạng thái sanh khởi của mười hai nhân duyên trong quá khứ xa xôi, từ vô thỉ - Quán sát trạng thái lưu chuyển của mười hai nhân duyên trong ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Ở đây xin trích một pháp quán sát thứ 03 trong sách Phật học Phổ thông của HT Thích Thiện Hoa, như sau:

Quán sát sự sanh khởi và lưu chuyển của mười hai nhân duyên trong một niệm của hiện tại. Nếu lấy một khoảng thời gian ngắn trong hiện tại để quán sát, hành giả cũng có thể thấy được sự sanh khởi và lưu chuyển của mười hai nhân duyên, chứ không cần phải quán sát ba đời. Nhưng khi đối cảnh, không rõ các pháp đều là lưu chuyển (vô minh) mà khởi vọng niệm (hành) phân biệt (thức) các cảnh vật (sắc); rồi trần cảnh lại phản ảnh vào căn (lục nhập), căn lại tiếp xúc (xúc) với trần, sanh ra lãnh thọ (thọ), nhân thọ sanh ra ưa muốn (ái), tìm cầu (thủ), do đó tạo ra các nghiệp (hữu) rồi theo nghiệp thọ quả báo (sanh, lão, tử).

Chúng ta thấy gì qua pháp “Nhân duyên quán”, tức là do vô minh mà có vọng niệm, có vọng niệm - có thân - có khổ - có tất cả, cái nầy có - cái kia có. Nếu dứt vô minh thì không vọng niệm, không có vọng niệm thì không có thân, không khổ, không có tất cả, cái nầy không thì cái kia không. Trong quá trình sanh lão bệnh tử của con người là do vô minh, vọng niệm nên có thân có khổ, không vô minh, không vọng niệm nên không có thân, không khổ.

Quán chiếu như thế cho đến khi thuần thục thì không còn những trạng thái khi gần những bệnh nhân sắp chết, cảm giác khó chịu: đầu đau nhức, người nóng lên, mắt nháy liên tục, mệt mỏi...

“Nhân duyên quán” xuất hiện thì các hình ảnh tốt đẹp hiện lên, các tướng vãng sanh Cực lạc xuất hiện, thì các huyển tướng, hiện tượng xấu, môi trường sanh diệt, oan gia trái chủ, chết chóc sẽ mất đi.

Ba là quán không, vô tướng, vô tác:

1/. Quán không: thân là vô thường, giã huyển, không thật, tan rã, thân duyên hợp huyển có.

2/. Quán vô tướng: chư tướng là phi tướng, không tướng, các không tướng của người sắp chết đều đi theo hành trình duyên khởi, đâu còn tồn tại lâu dài.

3/. Quán vô tác: những hiện tượng chết, hiện tượng quả báo, oan gia trái chủ xuất phát từ tâm không, tâm không có thì những trái chủ oan gia cũng không hình thành, bệnh nhân không tự biết những diễn biến xảy ra, ta cũng không liên quan gì đến các hiện tượng.

Thực hiện các pháp tu trên đây khi thuần thục sẽ không còn các hiện tượng khi gần những bệnh nhân sắp chết.

Chúc Bác sĩ thành công.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Làm Thế Nào Được Bình An Khi Chăm Sóc Bệnh Nhân Ung Thư Sắp Lâm Chung?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com