VẤN: Những ngày đầu năm và cho đến hết rằm tháng Giêng, con thường hay đi các chùa để cúng dường, làm lễ cầu an, cầu siêu cho gia đình và để làm phước. Con cũng chỉ biết đến Phật pháp không nhiều nên có điều gì con nói không phải, xin Sư lượng thứ cho con. Mỗi lần con đến các chùa thì cung cách thờ tự khác nhau, con cũng chẳng biết phải nói thế nào. Dưới mỗi pho tượng đều để hòm công đức, chỗ nào cũng hòm công đức làm con cảm thấy choáng ngợp như bị vây quanh hòm công đức. Con gái của con hỏi con vậy nên bỏ vào hòm công đức nào mới đúng. Con dạy cháu tâm thành để ở đâu cũng tốt cả nhưng nhiều lúc người đông, chen lấn, nhang khói quá nhiều làm con ngộp thở. Nhiều người cầm cả bó nhang đốt rồi cắm vào lư nhang, khói bay ngợp trời người phía sau không còn chỗ để đốt nhang nên người trong chùa phải lấy dập nước bớt. Con thấy quá lãng phí. Nếu con đến chùa không cần thắp nhang có được không? Nếu thắp nhang thì bao nhiêu cây là vừa? Con nên cúng dường trực tiếp cho người trong chùa hay là nên bỏ vào hòm công đức? Đầu năm con nên làm phước cúng dường ở chùa như thế nào là ý nghĩa?

Đáp:

Truyền thống đi lễ chùa

Phật giáo Việt Nam rất hưng thịnh, phải nói là cực thịnh trong thời đại tiền thế kỷ XXI, Sư nhớ lại vào năm 2009, nghệ sĩ Minh Tâm dẫn chương trình “Chung Sức” trên đài truyền hình HTV7 trong đó có câu hỏi: “...ở Việt Nam sau lễ đón giao thừa mọi người làm gì...?”. Người tham gia trả lời: “đi chùa”, được trúng điểm tuyệt đối. Rồi sau đó, lúc 00 giờ tất cả các chùa trong cả nước đón nhận người đi lễ chùa đầu năm chật ních cả đường phố, chật ních cả các chùa từ thành thị đến ngọai ô, rồi đến các tỉnh, vùng nông thôn.

Việc đi lễ chùa đầu năm là truyền thống của người Việt Nam, cũng là Phật sự chánh yếu của nam nữ Phật tử Bổn đạo đi lễ Thầy Tổ. Dù mọi người có quy y hay không, có thích đi chùa hay không, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng cũng đều đi lễ chùa. Đi lễ chùa hái lộc, đi lễ chùa xin cầu an, cầu siêu, đi lễ chùa xin phước, cầu con, đi lễ chùa cúng hùn phước, đi lễ chùa ủng hộ cho các bô lão ở chùa, các cháu thiếu nhi ở chùa... đi lễ chùa cúng dường Tam Bảo, đi lễ chùa cúng dường chư Tăng Ni...

Ở Việt Nam, các chùa lớn tại thành thị như chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, chùa Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc tự; ở các địa phương thì có Thiền viện Thường chiếu, Quan Âm tu viện, Bửu Phong cổ tự, Đại Giác cổ tự... ngày giờ nào cũng có khách vãng lai, thời gian còn lại khách đến chùa thường là vào lúc 18 giờ, sau những giờ làm việc vất vả, để tham dự khóa lễ tụng kinh niệm Phật, hoặc khách đi lạy Phật trong những ngày vọng, ngày sóc, chủ nhật... không phải đợi đến đầu năm mới có người đi lễ chùa, nhưng đầu năm thì khách đi lễ chùa đông tuyệt đối, không thế nào cản trở được dòng người đi lễ chùa. Người Phật tử đi lễ chùa từ đầu năm đến hết tháng giêng, thậm chí qua hết tháng hai mới chấm dứt việc đi lễ chùa và các vị bắt tay vào công việc làm ăn theo những lời khấn vái đầu năm vừa qua. Có những vùng dân cư, người đi lễ chùa đến hết tháng ba. Xem như người Việt Nam trong đó có tín đồ Phật tử đi lễ chùa hết quý 01 trong năm.

Công đức cúng dường:

Với người Phật tử đi lễ chùa, không phải như đi lễ đình, đền, miếu, mạo; Phật sự đi lễ chùa của người con Phật là quy y Tam Bảo, hướng về đường đạo đức, tu học Phật pháp, tu tập thiền tụng, đem ý tưởng cao đẹp của Phật đi vào đời, đem sự hạnh phúc vào từng gia đình, cống hiến sự an lành cho xã hội, trong đó có sự phát tâm cúng dường cao thượng của Phật tử, nhất là Phật tử bổn đạo, người gắn bó với chùa, nơi mình quy y, góp phần cùng với chư Tăng Ni duy trì chánh pháp Phật.

Trong các pháp cúng dường, cúng dường Tam bảo là cúng dường cao thượng, vì có công năng bồi đắp, bảo trì chánh pháp tồn tại trong đời. Sư giới thiệu Phật tử một đọan kinh Phật dạy về phước cúng dường Tam Bảo:

Trong kinh “Công Đức Ruộng Phước”, Phật bảo Đế-thích: “Có bảy pháp bố thí rộng rãi gọi là ruộng phước. Người thực hành được phước liền sinh trời Phạm Thiên:

- Một là xây dựng chùa tháp thờ Phật và phòng ốc cho chư Tăng ở.

- Hai là dựng lập vườn cây ăn trái, ao tắm, cây cối trong sạch mát mẻ để phục vụ mọi người.

- Ba là thường bố thí thuốc thang chữa trị cứu giúp những người tật bệnh.

- Bốn là làm thuyền bền chắc đưa đón nhân dân qua lại trên sông.

- Năm là lắp đặt cầu cống giúp người gầy yếu đi qua lại được thuận lợi.

- Sáu là gần đường đào giếng để người khát nước mỏi mệt được uống.

- Bảy là tạo lập nhà vệ sinh đặt chỗ tiện lợi.

Đó là bảy việc, người thực hành được nhiều phước, mạng chung sinh lên cõi trời Phạm Thiên”.

Bấy giờ từ trong giữa đại chúng có một vị Tỳ kheo tên là Thính Thông, nghe pháp vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy hướng về Phật đảnh lễ, quỳ gối chắp tay bạch Thế Tôn rằng: “...Lời Phật dạy là chân thật, đem đến lợi ích lớn vô lượng. Vì cớ sao? Con nhớ kiếp quá khứ cách đây vô số đời, con sinh ra ở nước Ba La Nại, làm con của nhà trưởng giả. Ở bên đường lớn, con làm một tinh xá nhỏ, sắm sửa giường nằm, nước uống, lương thực cung cấp cho chúng Tăng, người đi đường mệt mỏi cũng được có chỗ dừng lại nghỉ ngơi. Nhờ công đức này, sau khi mạng chung, con được sinh lên cõi trời làm Thiên Đế thích. Sau đó, sinh xuống nhân gian làm Chuyển Luân Thánh Vương, đến ba mươi sáu lần, lãnh đạo Trời người, dưới chân con mọc một lớp lông, đi được trong hư không mà dạo chơi, trải qua chín mươi mốt kiếp, ăn uống nhờ phước tự nhiên. Nay gặp Thế Tôn, nhìn lại chúng sanh si mê chấp ngã, riêng con được an lạc là nhờ trí tuệ đoạn dứt mầm sanh tử, hiệu là Chân Nhân...”

Cũng trong kinh “Công Đức Ruộng Phước”, có vị Tỳ kheo ni tên là Nại Nữ có huệ nhãn, thấy được kiếp trước của mình, bạch lên Đức Phật:

“...Con nhớ kiếp trước sanh ra ở nước Ba La Nại, làm người con gái nghèo. Bấy giờ, có Phật hiệu là Ca Diếp thường thuyết pháp, đại chúng vây quanh. Lúc đó con ở dưới tòa nghe kinh tâm sanh hoan hỷ, ý muốn bố thí, xét lại mình không có vật gì, tự nghĩ nghèo hèn, tâm khởi buồn than, sau đó đi đến vườn cây kia, xin một quả dưa đem dâng cúng Phật. Người ta cho con một quả nại (“quả nại” theo tự điển Trần Văn Chánh là quả Táo tây, tự điển Hán Việt gọi là Tần quả) to lớn thơm ngon, con dâng lên quả nại và một cái bát để chứa nước quả nại cúng Phật Ca Diếp và chúng Tăng. Phật biết con có lòng chí thành, bèn chú nguyện rồi nhận, phân phát nước quả nại khắp hết tất cả Tăng chúng. Do phước báo này, sau khi mạng chung, con được sanh lên cõi trời, làm hoàng hậu của vua Trời, sau đó sanh xuống nhân gian, không vào trong bào thai, trải qua chín mươi mốt kiếp sinh ra từ “hoa nại”, đoan chính xinh đẹp, thường biết rõ kiếp trước...”

Các Bạn Phật tử chúng ta cũng nên tự tin, tôn quý về lòng thành tín, phát tâm dâng hương, cúng dường của mình, dù cúng ít hay nhiều cũng là công đức, khi cúng dường không nên nghĩ suy, mà giữ tâm thanh tịnh cúng dường Tam Bảo, miễn làm sao có phương tiện để được dâng hương cúng dường Tam Bảo là cao quý!

Dâng hương

Khói hương xông thấu mấy từng xanh

Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành

Trên khói hương nầy xin Phật ngự

Chứng minh đệ tử tấc lòng thành

Từ năm 1995 trở về trước, đối với Phật tử bổn đạo thì không bàn, chúng ta chỉ nói đến người Phật tử tín đồ đi chùa hay có thói quen, nhất là người Hoa đốt nhang thật nhiều, các vị quan niệm đốt thật nhiều có phước, Thánh Thần Tiên Phật cảm nhận lòng tốt của người dâng hương nhiều mà hộ trì cho làm ăn khá giả trong năm mới, ăn nên làm ra trong năm tới. Có nhiều nhóm người Hoa đăng ký “ăn cơm chùa”, “ăn dưa hấu” để xả “vận xui” lấy “vận hên” làm ăn phát tài phát đạt.

Những sự tin tưởng như thế trở thành truyền thống tự bao đời, chứ không phải một ngày một bữa như hôm nay. Các vị dâng hương nhiều bất chấp dư luận, bất chấp báo chí kêu la, kêu la bao nhiêu các vị càng làm nhiều bấy nhiêu, các vị nói: “Lễ Phật là việc thiện, có gì phải cản trở?”.

Từ năm 1997 đến nay, Phật tử tín đồ, người đi lễ Phật dâng hương vẫn đông như thế, nhưng có phần “tu chỉnh” trong vấn đế dâng hương. Họ chỉ dâng 01 cây nơi bàn Phật, bàn Tổ sư và các bàn thờ khác trong chùa, do vậy cũng giảm nhiều khói nhang, làm trang nghiêm thiền môn. Theo Sư nghĩ, những “tu chỉnh” đó là do chư Tăng Ni trong chùa giáo hóa, mọi người giác ngộ mà thực hiện, chứ không phải do báo chí, hay ai phê bình chi cả!

Cũng từ những năm đó, số lượng Phật tử quy y ngày càng nhiều hơn; tại Quan Âm tu viện năm 2010 có 812 nam nữ Phật tử phát tâm quy y trong ngày rằm tháng bảy, trong khi những ngày rằm tháng giêng, mùng 8 tháng tư, tháng bảy, tháng mười trong các năm khác, mỗi năm có từ 300 đến 400 nam nữ Phật tử quy Tam Bảo.

Cúng dường Tam Bảo

Việc các chùa có đặt thùng tùy hỷ công đức hay không là do sanh hoạt từng chùa, chứ không phải chùa nào cũng đặt thùng tùy hỷ công đức. Như truyền thống Quan Âm tu viện và các chùa trực thuộc ít khi đặt thùng tùy hỷ công đức, đặt thùng tùy hỷ công đức là hướng mọi người phát tâm cúng dường, cúng vào thùng tùy hỷ công đức. Theo hướng mới, việc đặt thùng tùy hỷ cúng dường Tam Bảo không có gì làm cho Phật tử chúng ta nghĩ ngợi. Tuy nhiên, ngày nay đến tại một số chùa, thiền viện, tu viện ở Việt Nam, muốn cúng dường tịnh tài tịnh vật, cúng dường Tam Bảo, Phật tử hãy cúng ngay vị Trụ trì hoặc đến “phòng tiếp lễ”, “bàn tiếp lễ”, có Sư Phó Trụ trì, hoặc người có trách nhiệm tiếp nhận và ghi danh sách cúng dường vào “sổ vàng công đức” hay “sổ cúng dường”.

Cúng tịnh tài vào hòm công đức hay thùng công đức, số tiền chủ yếu là dùng vào việc trùng tu chùa, xây chùa, giúp vị Trụ trì xoay trở một số Phật sự nhất thời trong sinh hoạt chùa... Có nơi dùng từ cho hòm công đức là: “tùy hỷ công đức”, “công đức phước điền” hay “cúng dường Tam Bảo”, Bạn phát tâm cúng dường đều có công đức lớn. Tuy nhiên, hòm công đức phước điền đặt trước ngôi Tam Bảo, hay trước Bàn thờ Tổ sư để Phật tử cúng dường mới gọi là cúng dường thanh tịnh.

Một vài chùa đặt thùng tùy hỷ công đức ở nhiều nơi thờ phượng thì không gọi là cúng dường Tam Bảo nữa, vì chùa không phải là nơi kinh doanh tín ngưỡng tôn giáo!

Chùa, thiền viện, tu viện là Trung tâm Giáo dục của Phật giáo, quê hương Phật pháp của Phật tử, nơi dành cho nam nữ Phật tử đến trau giồi đạo đức hằng ngày, góp phần đạo đức xã hội được phổ cập trên địa bàn dân cư. Ngoài ra, nam nữ Phật tử còn phải thọ Bát Quan trai giới, giữ giới Thập Thiện, tụng kinh Pháp Hoa, niệm Phật, tu tập thiền tụng, thực tập lần lượt thành người con Phật thuần túy kế thừa chánh pháp, làm cho chánh pháp trụ thế lâu bền.

Sự trường tồn của chánh pháp là do Tăng, Tăng hoằng đạo giỏi, trong sáng thì Đạo tồn tại vững vàng, trong đó có sự góp phần không nhỏ tùy hỷ công đức cúng dường Tam Bảo của các gia đình nam nữ Phật tử để ổn định Phật sự chùa.

Chúc Bạn tinh tiến, gia đình vô lượng an lạc trong năm mới Ất Mùi - 2015, vạn sự kiết tường như ý.

Nhân dịp năm mới, đón tết 2015, Hòa Thượng Thích Giác Quang, chư Tăng Ni, Phật tử Quan Âm tu viện và 160 chùa trong môn phong kính chúc trang nhà Linh Sơn Phật giáo ngày càng phát triển, cống hiến trí tuệ cho những người con Phật Việt Nam và trên thế giới.

Chúc Ưu Bà di Ngọc Hằng, chư độc giả trang nhà Linh Sơn Phật giáo và gia đình vô lượng an lạc.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Nên Dâng Hương, Cúng Dường Trong Những Ngày Đầu Xuân Như Thế Nào?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com