Chúng tôi đến thăm nhà mồ côi chùa Diệu Pháp ở 31 Thành Thái (xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) vào một buổi sáng. Dưới tán cây giữa sân chùa, ni sư Huệ Đức - trụ trì chùa - tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện rất đời.

Những đứa trẻ không may mắn

Nhà mồ côi chùa Diệu Pháp được thành lập từ năm 1983. Trải qua hơn 30 năm, nơi đây đã tiếp nhận trên 300 đứa trẻ vô thừa nhận. Cũng chính nơi đây đã sản sinh ra 8 tiến sĩ, 14 thạc sĩ và gần 100 cử nhân.

Những đứa trẻ đến với chùa Diệu Pháp khi còn đỏ hỏn. Có đứa khỏe mạnh lành lặn nhưng cũng có bé không may mắn như vậy.

Chúng tôi theo sư cô Huệ Đức vào căn phòng khá rộng. Nhiều bé đang tung tăng cười nói nhìn thấy có người vào vội vàng khoanh tay cúi đầu. Bà đưa chúng tôi đến dãy giường nôi. Ba đứa trẻ đầu to hơn thân mình đang nằm bất động. Mắt bé đã mù, não không còn hoạt động.

Bà kể: "Bé có tên khai sinh là Hồ Đức Diệu Hoa. Sáng mồng 2 Tết 2015, bé bị bỏ ngay trước cổng chùa. Lúc ấy, bé gần 1 tháng tuổi, mắc bệnh não úng thuỷ bẩm sinh”.

Một bé khác đang chìm trong giấc ngủ. Bé mới 8 ngày tuổi, được phát hiện trước cổng chùa nhờ tiếng khóc, cách đây 4 ngày...

Chốn dung thân của các bà bầu

Những sinh viên mới lớn, xa nhà đang tuổi biết yêu thật khó lòng từ chối những mối tình của các chàng trai. Họ đến với nhau không kiểm soát và cuối cùng hậu quả để lại đã làm cho cả hai lâm vào ngõ cụt.

Cũng có những cô gái mới lớn từ quê bước chân lên Sài Gòn đầy hoa lệ tìm kiếm một việc làm nuôi thân. Một giây phút yếu lòng, họ ngã vào vòng tay những kẻ lắm tiền nhiều của, để đổi lại chút vật chất.

Cũng có những trường hợp nàng còn trẻ gặp người tình già, rồi xảy ra sự cố. Chàng trấn an nàng bằng cách thuê nhà, giấu nàng vào một nơi kín đáo. Hàng tháng, chàng chu cấp cho nàng một số tiền đủ chi tiêu. Nhưng rồi chỉ vài tháng sau, chàng vắng bóng ...

Năm 2000 chùa Diệu Pháp lại tiếp nhận thêm một số trường hợp "lỡ dại" như thế. Tính đến nay đã có trên 200 trường hợp phải tá túc dưới mái nhà chùa chờ ngày khai hoa.

Sau khi sinh xong, nhà chùa đã tìm cách tiếp cận gia đình để thuyết phục các bậc làm cha làm mẹ tiếp nhận giọt máu vô tội. Phần nhiều đều được tiếp nhận lại nhưng cũng có người cương quyết không nhận.

Cha 81 tuổi, con 6 tuổi

Một trường hợp đặc biệt ở đây là cháu Thơm. Bé có gương mặt thật sáng, giọng nói trong trẻo không vướng chút bụi trần. Bé nói với tôi: "Hôm nào ông dẫn con đi tìm ba mẹ con nghe?”. Lòng tôi chợt se lại.

Cô bảo mẫu cho biết, bé ở đây đã 6 năm rồi. Mẹ bé trước đây làm nghề bán cà phê ôm ở Đak Nông khi mới 16 tuổi.

Thơm là kết quả sau những lần bà chủ ép mẹ bé "vui vẻ" cùng với một ông khách đã 75 tuổi. Khi cái thai 6 tháng, bị gia đình mắng, mẹ bé mới xuống đây xin vào tá túc cho đến ngày sinh con.

Thấm thoát mà đã 6 năm rồi, cũng đồng nghĩa với việc Thơm đã 6 tuổi và cha cậu 81 tuổi. Nhưng có lẽ đến giờ này, ông vẫn không biết có giọt máu của mình nơi đây.

Chị bảo mẫu cho biết, hiện tại, chùa còn khoảng 6 đứa trẻ có mẹ tìm đến khi đang là bào thai trong bụng. Thường thì sau khi sinh, sư cô tìm đến nhà để thuyết phục gia đình nhận lại.

Ngoại không cho cháu chào đời

Giai đoạn từ 2013 đến 2015 là 3 năm có nhiều thai phụ tìm đến chùa nhất. Trong khoảng thời gian này đã có gần 20 người xin vào tá túc.

Năm 2014, một cô sinh viên ngành hóa chất của một trường đại học tại Hà Nội xin vào gặp ni sư trụ trì.

Theo trình bày, cô sinh viên này "lỡ dại" với một tài xế lái xe đường dài. Cô đã có bầu 6 tháng, đang rất sợ gia đình phát hiện. Tác giả của cái bầu không muốn nhưng cô sinh viên nhất quyết giữ.

Được chấp nhận tá túc, hàng ngày, cô sinh viên này sinh hoạt như bao người khác trong chùa. Một tháng rưỡi sau, nhớ nhà, cô gọi điện về cho đứa em kể lại nỗi buồn những ngày sống xa nhà và dặn em đừng nói với mẹ.

Một hôm, cô sinh viên bất ngờ nhận được điện thoại của mẹ. Bà mẹ dỗ dành, an ủi con và hứa hẹn nhiều điều. Bà nói: "Con ở chùa khổ lắm. Con về ngoài này có mẹ, có em chăm cho đến ngày sinh nở luôn".

Thế là cô sinh viên vào gặp sư cô trình bày nguyện vọng, cần phải về Hà Nội gấp để xin giấy lưu ban cho năm học sau. Cô đã về với mẹ. Đúng như hứa hẹn, mẹ cô rất vui vẻ, mọi người chăm sóc cô chu đáo.

Được vài ngày như thế, đến một hôm, vào buổi chiều, bà mẹ bảo con đi tắm cho khỏe rồi vô ăn cháo. Cô sinh viên nghe lời, khi đi ra thì đã thấy trên bàn một tô cháo vịt hơi nóng bốc lên nghi ngút.

Ăn vừa xong tô cháo chừng 10 phút sau, cô sinh viên đau bụng và chóng mặt. Cô được chuyển đến bệnh viện và kết quả cái thai đã không giữ được dù đã hơn 7 tháng. Điều may mắn duy nhất là thai phụ vẫn bình yên ...

“Nhiều chuyện lắm anh ạ”, sư cô Huệ Đức nói với chúng tôi. “Từ những câu chuyện như thế nay, chúng tôi chỉ mong giúp các cô gái cảnh giác, bớt đi sự nhẹ dạ cả tin…”.

(Theo Vietnamnet)



Có phản hồi đến “Vòng Tay Yêu Thương Bên Mái Chùa Diệu Pháp Biên Hòa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com