Một trận lũ lụt lớn vượt mức báo động lại tràn vào miền Trung đầy khổ đau của quê hương. Chỉ mới một tuần trước đây, cơn bão Hải Yến kéo theo những trận siêu lũ lụt đã ập đến tàn phá đất nước Philippines láng giềng làm hàng ngàn người bị chết, hàng triệu ngôi nhà bị cuốn trôi ra biển còn thiệt hại về kinh tế, sức khỏe và môi trường là không thể nào tính toán được. Để rồi giữa thảm cảnh như vậy, ông Yeb Sano, trưởng đoàn đàm phán của Philippines tham dự hội nghị công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 19 đã bậc khóc trong bài phát biểu làm thế giới bàng hoàng khi ông kêu gọi những hành động khẩn thiết nhằm cứu thế giới và ngăn chặn những cơn cuồng phong trong tương lai. Đau buồn khi nhìn quê hương đất nước của chính mình bị tàn phá trong vô vọng, ông đã tuyên bố tuyệt thực suốt thời gian tham dự hội nghị cho đến khi đạt được một thỏa thuận nhất định.

Mỗi năm, thiên tai lại diễn ra càng nhiều trên diện rộng ngoài sức tưởng tượng của con người. Bao nhiêu nước mắt mồ hôi, khổ đau gắng sức để ươm mầm cho cuộc sống phút chốc bỗng tan tành khi một trận đại hồng thủy tràn về. Tất cả đều biết nguyên nhân từ đâu làm cho mẹ thiên nhiên nổi trận cuồng phong như vậy nhưng vì lòng tham vô đáy, vì sự ích kỷ cá nhân, sân hận ngập trời nên họ bất chấp tất cả. Việc giết hại súc vật vô tội vạ, phá rừng, sử dụng các loại hóa chất độc hại, xả khí thải công nghiệp không tiếc thương ra môi trường đã gây nên việc biến đổi khí hậu nghiêm trọng và hậu quả lại đè nặng lên những con người nghèo khó. Nhìn những con số thiệt hại do việc biến đổi khí hậu gây ra có thể làm cho một người chai sạn khô khan nhất cũng phải thản thốt giật mình không ngờ rằng chúng ta đang sắp tự chôn vùi cả hành tinh xanh này thành một hành tinh đen biến khỏi dải ngân hà đầy tinh tú.

Theo cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ NASA, độ dày băng ở hai cực đã giảm 40% từ năm 1960 và nếu việc ấm trái đất vẫn tiếp diễn, tất cả băng ở hai cực sẽ biến mất vào năm 2040. Nếu việc biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn như hiện nay, đến năm 2050 sẽ có một triệu loài vật bị tuyệt chủng. Theo cuộc khảo sát của cơ quan địa lý Hoa Kỳ, các loài gấu bắc cực đang bị chết đuối khá nhiều vì chúng phải bơi rất xa đến nơi có băng và có nguy cơ chúng sẽ bị biến mất vào giữa thế kỷ này. Nhiệt độ nước biển tăng nhanh cũng đe dọa đến sự sống còn của các rặng san hô giúp mang đến nguồn lợi $375 tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự tính với việc tăng nhiệt độ lên 3.6 độ F sẽ xóa sạch 97% các rặng san hô trên toàn thế giới.

Nhiệt độ thế giới tăng lên do việc tàn phá rừng nên các trận cháy rừng lại diễn ra thường xuyên hơn. Ước tính tần suất rừng bị cháy đã tăng lên 400% và đất bị đốt cháy ảnh hưởng tăng lên 650% kể từ năm 1970. Việc tăng khí thải, nhất là khí metan từ việc giết hại động vật cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên việc ấm dần trái đất. Khí mêtan, khí gây hiệu ứng nhà kính do việc phân hủy tổng hợp trong ruột các loài động vật khi chết và sát hại sinh ra. Có khoảng 150 tỷ các loài động vật bị sát hại mỗi năm trên thế giới và Hoa Kỳ chiếm 1/3 số lượng động vật bị sát hại vì nhu cầu tiêu dùng của con người.

Sự tàn phá môi trường gây nóng trái đất làm cho khoảng 3,000 người trên thế giới bị chết mỗi năm và đến năm 2030 sẽ có khoảng 100 triệu người bị chết vì biến đổi khí hậu. Đáng buồn thay, 90% những người bị chết lại ở các nước kém phát triển, làm tăng sự đói nghèo thêm cho khoảng 600 triệu người đến năm 2080. Do đó, với đà tăng dân số thêm 3 tỷ người vào giữa thế kỷ này, lượng nước sạch và nước tiêu dùng lại càng bị giảm nghiêm trọng làm cho 884 triệu người không thể tiếp cận được nguồn nước sạch cũng như không đầy đủ nước tưới tiêu gây ảnh hưởng cho 2.5 tỷ người. Hiện nay, có khoảng 1.1 tỷ người ở các nước đói nghèo không thể có đủ nước và hai trên ba người là không thể tiếp cận nguồn nước sạch. Ở Anh Quốc, trung bình mỗi người dùng 50 lít nước để làm sạch bồn cầu trong khi nhu cầu dùng nước trung bình của mỗi người một ngày là 150 lít. Lượng nước tiêu dùng hàng ngày nhiều nhất là ở Mỹ với 600 lít cho mỗi người. 1.8 tỷ người không thể có nước trong nhà mà phải tiếp cận nguồn nước rất xa cách nhà ít nhất khoảng 1 km và tiêu thụ chỉ khoảng 20 lít mỗi ngày.

Việc gây ô nhiễm môi trường, tàn phá trái đất, xả bỏ rác thải do các nước giàu tạo nên nhưng các nước nghèo lại gánh chịu hậu quả này. Có ít nhất 80% dân số sống dưới tiêu chuẩn $10 mỗi ngày. 40% những người nghèo nhất thế giới chỉ chiếm 5% thu nhập của toàn cầu. Ngược lại, chỉ 20% những người giàu nhất chiếm ¾ tài sản của thế giới. Có khoảng 600 triệu người sống dưới tiêu chuẩn $2 mỗi ngày và 385 triêu người sống chưa được $1 mỗi ngày. Gần như một nửa số người ở các nước đang phát triển đều bị bệnh gây nên do việc thiếu nước sạch.

Đòi nghèo, thiếu nước sinh hoạt, thiếu giáo dục và hệ thống y tế nên bệnh tật lại là một gánh nặng cho các nước nghèo khó. Theo tổ chức UNICEF, có khoảng 22,000 trẻ em bị chết hàng ngày vì đói nghèo. Có khoảng 1.8 triệu trẻ em bị chết hàng năm vì bệnh tiêu chảy . Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, HIV lại tiếp tục lấy đi rất nhiều sinh mạng của trẻ em và những người nghèo khó. Mỗi năm, có khoảng 500 triệu ca bị bệnh sốt xuất huyết, 1 triệu người bị chết vì căn bệnh này, nhất là ở Châu Phi, chiếm 80%. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, có khoảng 53 triệu người đang bị bệnh HIV trong đó có khoảng 1.7 triệu người bị chết vì AIDS.

Trong khi biết bao nhiêu người trên thế giới không có cơm ăn, áo mặc, không có tiền dù chỉ $1 để sống mỗi ngày thì khắp nơi lại bỏ không biết bao nhiêu tiền cho các chi phí quân sự, bom đạn và các loại vũ khí tối tân tốn tiền giết người kinh hòang. Mỗi quả bom có giá từ vài triệu USD đến vài trăm triệu USD cùng bao nhiêu chi phí đi kèm một phút nổ tung có thể hủy diệt cả địa cầu. Ước tính hiện nay trên thế giới vẫn còn hơn 20,000 đầu đạn hạt nhân với hơn 2,000 lần diễn ra các cuộc thử nghiệm, 95% các loại vũ khí đến từ Mỹ và Nga, đủ sức phá hủy quả đất này rất nhiều lần và Mỹ tiêu phí khoảng 50 tỷ USD hàng năm chỉ riêng cho đạn hạt nhân. Mỗi năm, cả thế giới đổ tiền cho quân sự là khoảng 1,800 ngàn tỷ USD, tương đương với 50,000 USD mỗi giây . Số tiền tiêu tốn cho quân sự 50,000 USD mỗi giây có thể giúp cho 1860 em gái ở các nước nghèo khó đủ cơm ăn, áo mặc, chăm sóc sức khỏe trong một năm, giúp cứu nguy cho 3.7 triệu hecta rừng bị tàn phá hoặc khai thác bừa bãi hay giúp cho 372 gia đình có nước sạch đủ dùng trong một năm tránh không bị các loại bệnh hiểm nghèo do thiếu nước gây nên.

Ngồi lướt nhìn những thông tin số liệu bao nhiêu người không có cơm ăn, không nhà ở, bệnh tật, đang bị thiên tai hoành hành khắp nơi mới thấy từng cá nhân chúng ta còn có cơm ăn, áo mặc, bình yên là may mắn biết nhường nào. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, tính cách, văn hóa của từng nơi mà con người ở từng quốc gia khác nhau hành xử như thế nào khi thiên tai đến. Siêu bão tàn phá ở Philippines làm bao nhiêu người dân sống cảnh màng trời chiếu đất nên sinh ra biết bao nhiêu sự cướp bóc, dành giật, hôi của vì sự sống còn cũng tương tự như rất nhiều nơi ở đất nước mình. Có lẽ mọi người đều cảm thông trong thiên tai quá khổ đau sinh ra biến loạn ở những quốc gia nghèo. Tuy nhiên, ngay cả ở Mỹ trong trận bão động đất sóng thần diễn ra ở New Orlean vào năm 2005, những chuyện cướp bóc, tranh dành, khóc than, hôi của vẫn diễn ra khắp nơi dù được cứu trợ kịp thời tại một đất nước giàu có. Ngược lại, khi các trận siêu bão và sóng thần tràn vào Nhật Bản vào năm 2011, cả thế giới chết lặng khi nhìn những con người Nhật đầy bản lĩnh, ứng xử nhân văn, không tranh dành, không sống chỉ vì mình, không khóc than, tất cả đều đùm bọc, nhường nhịn nhau và cùng chung tay đứng dậy xây dựng lại quê hương đất nước? Điều gì đã làm nên kỳ tích như thế trong khi ngay cả người dân ở những đất nước giàu có vẫn không ứng xử được như vậy? Đó có phải là do sự giáo dục, lòng ý thức quá cao của từng con người Nhật Bản hung đúc trong tình thần võ sĩ đạo mới làm nên một Nhật Bản kỳ tích như vậy không?

Bão lũ đến mới làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn. Ngày ngày theo thế thường, khắp nơi sân hận sục sôi vì chiến tranh, vì nhu cầu kinh tế, vì dành giật vị trí thượng phong, vì thỏa mãn dục vọng nên họ sẵn sàng ra tay với tất cả mọi thủ đoạn cứ ngỡ như họ sẽ sống hoài, sống mãi, khỏe mạnh không bệnh già và của cải mãi luôn bên mình. Một trận thiên tai qua đi mới giúp nhắc họ hơn về lẽ vô thường diệt sinh, biết rằng từng con người rồi cũng sẽ không thoát khỏi quy luật nghiệt ngã ấy nên còn sống được ngày nào hãy làm điều gì có ích cho mọi người và thế giới. Trong rừng gươm giáo súng đạn vì chuẩn bị chiến tranh, người ta dễ dàng quy hàng để hình thành nên biết bao nhiêu tổ chức tình nguỵện cứu người không phân biệt nguồn gốc, quốc gia. Con người ta ngày ngày có thể ích kỷ, so bì, không nhìn mặt nhau nhưng khi hoạn nạn, tình người trỗi dậy, “lá lành đùm lá rách” lại cùng tương trợ giúp đỡ nhau hung đúc tâm can nuôi trái tim đầy tình thương thay cho tâm đầy sôi sục hung tàn. Tự nhiên nhìn xung quanh, con người ta dễ dàng xích lại gần nhau, yêu thương đùm bọc nhau trong hoạn nạn làm thế giới có tương lai ở ngày mai.

Xét theo quan điểm đạo Phật, tất cả đều do nhân quả nghiệp duyên tùy từng người kiến tạo và chúng ta đang sống với cộng nghiệp. Những điều tồi tệ xảy ra trên thế gian hiện nay cũng đều do tham sân si, do việc sát sinh giết chóc biết bao nhiêu loài để hình thành nên một núi nghiệp hằng sa khủng hoảng như thế này. Hãy thử nghĩ xem con người trên thế giới chỉ có 6 tỷ người nhưng chúng ta cho mình quyền được tiêu diệt, sát hại tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình để thỏa mãn cá nhân mình. Mỗi năm chúng ta sát hại hơn 150 tỷ con vật trên hành tinh vậy những con vật bé nhỏ ấy khi chết trong uất hận hương linh của chúng làm sao siêu thoát nói chi đến được sinh về cảnh giới an lành. Biết bao nhiêu đất đai, rừng cây, hoa lá thiên nhiên chúng ta cũng nhân danh con người tàn phá, cải tạo thiên nhiên, cho rằng mình thắng thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục tùng mình. Tuy nhiên, chúng ta càng cải tạo, càng đi ngược lại với thế thường, với mẹ thiên nhiên nên khi quả báo tích tụ đã đủ, chiến tranh cả trong hữu hình lẫn vô hình diễn ra khắp nơi nhưng nào ai quan tâm nhân do mình gây ra chỉ chờ quả đến mới kêu gào, than khóc.

Vong linh của những con vật bị sát hại bao đời vẫn hiện hữu giờ là những con người vô tội, nhất là ở các nước nghèo bị quả khổ chết vì thiên tai vây khắp nơi làm cuộc sống càng trở nên nặng nề. Nguyện mong sao sẽ có thêm thật nhiều tấm lòng hảo tâm, những bàn tay thánh thiện của Bồ Tát đi vào đời đến những nơi đang bị nghiệp quả hoành hành giúp cho những con người khổ đau lấy lại niềm tin đứng dậy sống tốt đẹp. Nguyện mong mọi người hãy biết thức tỉnh, biết suy nghĩ về từng hành động, lời nói, việc làm, sống chánh niệm tỉnh giác không phải chỉ cho mình mà còn mở tấm lòng vị tha, yêu thương đến cho khắp muôn loài. Mong nghiệp sát của con người giảm dần, mọi người ăn chay nhiều hơn, cùng nhau trồng cây gây rừng, sử dụng đồ vật đúng đắn, cùng tin sâu nhân quả tội phước để chính mình có được quả ngọt đơm hoa và để thế giới muôn loài có một tương lai tương sáng ở ngày mai.

Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Bao Giờ Thiên Tai, Chiến Tranh, Bệnh Tật Và Đói Nghèo Mới Chấm Dứt?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com