VẤN: Con có nghe thoáng qua băng giảng của một vị giảng sư nói rằng tâm của chúng sanh nằm ở rốn và chúng ta phải cố gắng tu tập định tâm vào rốn. Giảng sư nói rằng vì rốn là nơi chúng ta sanh ra cũng là nơi sẽ mất đi. Nếu chúng ta tu tập trụ tâm ở rốn thì đó là cách quay về với chính mình, sẽ giúp mình giữ định, giữ chánh niệm, khi ngủ sẽ định tâm, người trụ tâm tu ở rốn sẽ có trí huệ và thần thông, hay những khả năng vượt bậc cũng từ đó. Con cũng có đọc sơ lượt một chút về kinh Lăng Nghiêm khi Ngài A Nan vấn Phật về tâm. Thú thật con cũng chẳng hiểu. Vậy thầy giảng Sư nói như vậy là có đúng không và chúng con nên tu tập định tâm vào rốn? Xin Sư giảng thêm cho chúng con được rõ và giải thích hơn tâm ở đâu trong kinh Thủ Lăng Nghiêm?

ĐÁP:

I .

Trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật, Ngài có nhiều phương tiện pháp môn giúp cho chúng sanh thuận lợi trong tu hành giải thoát sanh tử luân hồi, trong đó có pháp môn thiền quán, tịnh niệm. Về gốc độ thiền, chỉ có hai loại thiền do Đức Phật truyền dạy:

* Một là thiền Nguyên Thủy, tức là thiền tứ niệm xứ: - Quán thân bất tịnh là quán cửu khiếu không sách, thân mình sau khi chết sình thối, hư rã - Quán thọ là khổ, sanh ra có thân là khổ, khổ khổ, họai khổ, hành khổ, đau nhức là khổ, hòa hợp ly tan là khổ - Quán tâm vô thường, tâm sanh vọng niệm, sanh khởi những vui buồn, khổ đau - Quán pháp vô ngã, các pháp do duyên họp không thật có. Thiền dùng trí tuệ thấy rõ các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã; hoặc quán niệm hơi thở thở ra đếm 1, hít vào đếm 2, thở ra đếm 3, hít vào đếm 4, niệm như vậy cho đến 10 và trở lại.

* Hai là thiền đại thừa, thiền ngó vào vách đá, vào tường, thiền công án, thiền sổ tức, thiền chỉ quán, thiền quán nhơn duyên, tịnh niệm, thiền nhất tâm tam quán (không, giả, trung)

Đối với những người tu Tịnh độ, thì tông Thiền Tịnh độ phần lớn truyền qua Tây phương từ Nhật Bản, do các Thiền sư tông Tào Động hay do các Đạo tràng Pháp Hoa truyền giáo. Chủ trương tu hành của các tông trên là hành giả gia tâm công phu miên mật định tâm bằng cách niệm danh hiệu Phật, niệm Nam mô Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, hay tụng kinh Pháp Hoa, tụng kinh Bộ Hoa Nghiêm, Niết Bàn. Nếu hành giả định được tâm thì Thiền, Tịnh, Mật và Pháp Hoa Tông chính là tâm tông. Những hạnh tu đối với liên hữu tu Tịnh Độ, hít vào không niệm, thở ra niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Đạo tràng Pháp Hoa: Hít vào không niệm, thở ra niệm “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa” hoặc niệm danh hiệu Phật.

Nhìn chung trong hai tông yếu hữu tông, không tông, đến thế kỷ thứ VI xuất hiện “thiền cửu niên diên bích” của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, truyền baá được dòng pháp phá kiến chấp, pháp chấp. Tiếp đến thiền đốn ngộ của Đức Lục Tổ Huệ Năng thiền đốn ngộ “không có tâm chấp trước”. Ngoài ra còn có các loại thiền bên ngoài Phật giáo, như: thiền xuất hồn của Alcyon Krishnamurti là một trong những nhân vật rất có uy tín với tuổi trẻ thanh niên thế giới từ năm 1960 đến 1973 trong Thông Thiên học.

Hội Thông Thiên chủ trương “không tôn giáo nào qua chơn lý”, là một tôn giáo do các nhà hiền triết Hy Lạp Ammonius và Helena Blavatsky người Nga, Ông CW Leadbeater sáng lập. Phái thiền mở luân xa từ hậu thiên lên đến tiên thiên đi ngang qua rún của Ông Lương Minh Đáng, Việt Nam; một số phái thiền của các tôn giáo khác phát sanh trên thế giới có tác dụng làm lợi ích trị các bệnh thân cho mọi người, nhưng không có tác dụng làm cho người tu tiến đến giải thoát sanh tử luân hồi.

II .

Tam thần Ấn giáo (Hindu)

Nói đến thiền của ngoại đạo của các tôn giáo vừa kể trên, còn có tôn giáo lớn có lượng tín đồ đông đứng thứ tư trên thế giới là đạo Hindu. Hindu còn gọi là Ấn giáo đối lập với đạo Phật, xưa gọi là đạo Bà La Môn (Brhama), song hành thời kỳ Đức Phật giáo hóa, thế kỷ thứ VI trước tây lịch.

Đạo Hindu còn gọi là Trimurti hay tam thần Ấn giáo, không có giáo chủ mà chỉ tôn thờ ba vị thần sanh sản (Brhama), thần bảo tồn (Vishni) và thần hủy diệt (Siva). Cả ba tạo thành bộ tam thần Trimurti, thường được gọi là "Brahma-Vishnu-Maheshwara." Họ là những dạng khác nhau của một người được gọi là Đấng Tối cao hay Svayam Thế Tôn (Biện chứng giải thóat trong tư tưởng Ấn Độ - tác giả Nghiêm Xuân Hồng 1969)

(trích Thế giới một số đạo thần Hindu giáo-Thần Brahma - Khoa Đông phương học - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Giáo phái nầy cho rằng trong thời kỳ hỗn mang, đã có một đấng Trời cha và một Ðất mẹ. Trời cha chung sống với Ðất mẹ bằng những hạt mưa từ trên trời rơi xuống thấm sâu vào lòng đất. Từ đó, cây cỏ mọc lên và muôn vật sanh sôi nẩy nở, sanh thành nên thế giới. Một thuyết khác nói rằng lúc mới khai thiên lập địa, vũ trụ là một quả trứng thần bằng vàng treo lơ lửng trong hư không. Sau một năm thần Brahma từ trong quả trứng và làm vỡ tung quả trứng, nửa trên bằng vàng hóa thành trời, nửa dưới bằng bạc hóa thành đất, khoảng giữa là không trung, lòng trắng tạo thành núi non, sương mù và mây, tia máu thành các sông ngòi, chất lỏng thành biển cả. Ở chính giữa có quả núi trụ trời cao vút, đó là núi Meru. Vũ trụ này được hình thành như thế.

Về sau xuất hiện câu chuyện về hai vị thần Vishnu và Brahma. Khi vũ trụ mới hình thành là một biển nước. Thần Vishnu hình người nằm ngủ trên mình con rắn Sesa hay Ananta cuộn khúc nổi trên mặt nước. Từ rốn của Vishnu, mọc lên một đóa sen, nở ra thần Brahma sáng tạo nên muôn loài. Như vậy, thuyết này cho rằng Brahma sinh ra từ một bông sen mọc ở rốn của Thần Bảo Tồn Vishnu. Hình ảnh này tượng trưng ý nghĩa tái sanh do những mầm mống của tiền kiếp được bảo tồn trong Vishnu. Và cũng nhờ điển tích này, Brahma còn có tên là Nabhi-ja (tự rốn sinh ra), hoặc Abja-ja tự bông sen sanh ra (hết trích)

Trên đất Ấn Độ có nhiều tôn giáo, trong đó có đạo Hindu là lâu đời và có trước Phật giáo, có tín đồ đông nhất. Đạo Hindu cũng có Sư, Sa môn sanh họat như quý Sư, Sa môn của Phật. Các Bạn nghe quý Sư giảng, những vị thuyết giảng thiền định, định tâm ở rún theo ý tưởng của giáo lý Hindu cũng là việc bình thường thôi.

III .

Phật dạy về tâm

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, “bảy đọan Phật hỏi về tâm” (Phật học Phổ Thông - HT Thích Thiện Hoa, trang 385 - 395), như sau: Đoạn thứ nhất, A Nan chấp tâm ở trong thân - Đoạn thứ hai, A Nan chấp tâm ở ngoài thân - Đoạn thứ ba, A Nan chấp tâm ẩn trong con mắt - Đoạn thứ tư, Ông A Nan chấp trở lại, Tâm ở trong thân - Đoạn thứ năm, A Nan chấp tâm tùy chỗ hòa hợp mà có - Đoạn thứ sáu, A Nan chấp tâm ở chính giữa - Đoạn thứ bảy, A Nan chấp cái “không trước” làm tâm

A nan là bâc thac học, có trí nhớ phi thường, sanh năm 605, tịch năm 485 trước tây lịch (120 tuổi), giữa sông Hằng, đôi bờ hai nước Ma kiệt đà và Tỳ xá ly. Năm 18 tuổi Ngài theo Phật tu hành đắc quả A na hàm. Ngài là bậc siêu xuất thế gian làm thị giả, dâng cơm nước, giặt y áo cho Phật, Ngài cũng đại diện chư Tăng Ni thưa thỉnh Phật pháp, giúp cho Tăng Ni được nghe pháp của Phật. A Nan cũng là người chế ra chiếc “y ca sa” dành cho chư Tăng Ni từ thời Phật cho đến hôm nay mặc (Bách khoa tự điển mở, truyện Tôn giả A Nan) Ngài có trách nhiệm sắp xếp mọi việc trong thư phòng, hang điện, nơi nghỉ ngơi, thiền định của Phật, mọi việc giữa chư Tăng Ni với Đức Phật, cũng có khi Ngài thay Phật giáo hóa mọi người.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy về tâm tức là dạy về chơn tâm và vọng tâm hay vọng tưởng, trước khi Phật nói đến chơn tâm thì phải nói đến vong tưởng với ngoại cảnh trước. Sau khi hóa giải vọng tưởng, thì chỉ còn lại là chơn tâm

Vị giảng sư nào đó, có lẽ không phải là giảng sư của Đạo Hindu, vì giảng sư của Phật giáo không giảng tâm trụ ở “rún”, đây là ý tưởng lạ thuộc đạo Hindu. Xem bài pháp trên Bạn có thấy không, Đức A Nan đưa ra các pháp vọng chấp tâm ở ngoài thân, trong thân, tâm ở mắt, tạm ở chính giữa, tâm ở mọi nơi đều sai, Đức Phật đều phản bác là không đúng, cho thấy đây là thiền của tôn giáo ngoài đạo Phật.

Có tâm trụ thì có tâm không trụ

Có cuộc đời có ngã rẻ đua tranh

Có với không dẫn đến phải giựt dành

Giữa sanh và diệt ta cần xa lánh

1/. Phật dạy: Người sáng mắt ở trong nhà tối thấy tối, người mù thấy tối, hai cái tối đều không khác nhau. Người ở trong tối thấy tối, có ngươi đem đèn vào, họ thấy được các vật, như vậy là do mắt thấy chớ không phải đèn thấy. Người mù lúc được lột mây rồi, thấy được cảnh vật, đó là tâm thấy chớ không phải mắt thấy. Đèn là phương tiện làm cho cảnh vật sáng lên, mắt là phương tiện làm cho tỏ rõ cảnh vật, cái thấy cảnh vật là do tâm thấy, chứ không phải mắt (Kinh Lăng Nghiêm, tập II, Bài thứ 3, trang 40, HT Thích Thiện Hoa)

Ở đoạn kinh trên Phật chỉ rõ về “cái thấy vọng” và “cái thấy chơn”; thấy tối và sáng, có đèn, không đèn thuộc ngọai cảnh, ngọai cảnh thì bao giờ cũng dao động, con mắt là phương tiện làm cho ta thấy, cái thầy ngọai cảnh dao động là “vọng”, cái thấy không dao động theo ngọai cảnh là “chơn”. Như vậy, cái thấy (tâm) dao động theo sáng, tối, có đèn, không đèn là “vọng tưởng”, cái thấy (tâm) không dao động theo sáng, tối, có đèn, không đèn là “chơn tâm”. Tâm không bị ô nhiễm ngọai cảnh, thì dứt tham sân si, những nổi khổ niềm đau trong cuộc đời!”

Như đã nói lời Phật dạy về tâm (cái thấy), tâm cùa ta bao giờ cũng tự tại, không bị động lọan trước ngọai cảnh (sáng tối), dù ngọai cảnh có xoay vần, thay đổi, đổi thay bao nhiêu nhưng tâm (cái thấy) của ta không bao giờ bị lôi cuốn theo ngọai cảnh chạy theo sự thay đổi, đổi thay đó. Tâm (cái thấy) bị lôi cuốn chạy theo ngọai cảnh thì bị cuốn hút vào thế giới sanh diệt, sanh diệt thì sanh tử luân hồi từ đời nầy sang đời khác . Tâm (cái thấy) không bị lôi cuốn chạy theo ngọai cảnh thì không bị cuốn hút vào thế giới tử sanh, không còn sanh tử luân hồi tức là được giải thoát.

Trong bài giảng, Phật có dạy ba lần giảng về “tâm”, Sư trích ra đây một bài để hướng dẫn cho quý vị thấy thế nào là vọng tưởng, thế nào là chơn tâm. Vọng tưởng là tâm ô nhiễm làm cho ta phải chạy theo ngọai cảnh, chuốc lấy phiền não, vui buồn lẫn lộn, tức là đưa ta vào cuộc sống từ huyễn mộng đến huyễn mộng. Chơn tâm là tâm thanh tịnh, sống trong huyễn mộng mà ta không bị lôi cuốn vào thế giới huyễn mộng, không bị lôi cuốn vào huyễn mộng thì đời sống của ta vui tươi an lac, không bị cuốn hút theo dòng sanh tử luân hồi.

Tóm lại

Ngoài việc hướng dẫn cho các Bạn hiểu biết vế quán chiếu chơn, vọng của tâm, xem tâm trụ ở đâu, giúp các Bạn hiểu để thực tập tu tại gia; vì đây là pháp tu đốn ngộ, ở từng cao, không phải là pháp môn tu dành cho Phật tử. Tuy nhiên ở một mặt khác, Đức Phật cho ta thấy cõi đời nầy không chắc thật, luôn nằm trong trạng thái vô thường, rồi có khổ, sự thật thì không có gì là chắc thật, là của mình, cho đến thân mình là quý báu và rất lợi ích, mình cũng không kềm giữ được cái già cái chết, hằng ngày chạy theo bóng quang âm lần hồi lịm tắt. Có khi nào các Bạn thử ngồi lại một mình, tự sống cho chính mình, trở về với chính mình, thử hòa điệu sống vời một tâm chơn không bị lôi cuốn dục trần, nhằm giúp cho thân tâm ta sảng khoái an nhàn, thanh thản một vài phút giây thần thánh. Xin mời!

Bạn ơi! Sống là để tích cực hội nhập, tích cực hội nhập vào cuộc đời, phụng sự gia đình và xã hội góp phần làm cho xã hội xanh tươi, lúc nào cũng đơm bông kết trái, cho quả vị thơm ngon. Tuy quý vị còn ở thế gian chưa biết tu hành nhiều theo pháp tối thượng thừa như quý Sư, nhưng các Bạn cũng có thể quán chiếu tâm mình tự tại (không phải buông xuôi) trước cuộc đời. Cuộc đời là mộng huyễn không thật, như dòng suối không còn in bóng hình chủ nhân, như mây buông trôi lơ lửng giữa muôn ngàn, như nền trời thiên thanh trong vô định, phải thấy biết giả tạm như thế nào để thấy biết lối đi. Nên giảm lần những lăn xăn não phiền trong thực tế cuộc sống gia đình thì hạnh phúc (cực lạc, niết bàn) lắm rồi.

Tâm “chơn” như ban mai nhiều tỏa sáng

Diệu dụng bầu trời chiếu khắp thế gian

Cho “hư không” xanh mãi giữa mây ngàn

Bên suối mát “quán chiếu ai” in bóng

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Tâm Nằm Ở Rốn ? Làm Thế Nào Tu Tập Thiền Theo Kinh Lăng Nghiêm?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com