VẤN: Gia đình con có một miếng vườn nhỏ do ông bà để lại, từ nào giờ không có cất nhà ở. Gần đây con cất một căn nhà trọ cấp bốn để cho thuê. Trước khi cất nhà con đều có xem ngày giờ, cúng chay đàng hoàng. Vậy mà từ ngày xây xong, không bao giờ được thuê mướn yên ổn. Nhà trọ có ba phòng và nằm ở ngoài mặt tiền khá lớn. Hai phòng trọ sau có người thuê nhưng lúc được lúc không. Điều đặt biệt là ở phòng trọ phía trước, khá lớn, có thể vừa ở và vừa kinh doanh, con cho thuê rất rẻ nhưng kỳ lạ người ta gọi điện đến đặt cọc buổi sáng thì buổi chiều họ trả. Có người ở vài ngày thì lại cảm thấy không ổn lại trả hoặc kinh doanh chưa đến tháng họ cũng bảo nhà có vấn đề rồi trả, cứ như thể ai vào rồi lại chuẩn bị dọn ra. Những nhà xung quanh hoặc có khi là trong hẻm, nhà cũ, giá thuê cao nhưng người ta vẫn vào thuê rất nhiều. Điều này xảy ra nhiều tháng như vậy. Con là Phật tử, mỗi tháng cũng ăn chay 10 ngày, thường con cũng hay cúng và niệm chú vãng sanh, rải muối gạo.

Thấy như vậy, một số người xung quanh nói với con rằng không nên cúng chay, đây là các bác ở ngoài, oan hồn uổng tử, họ chỉ thích ăn mặn nên mình cúng chay họ không thích nên họ đến phá.

Do đó con phải cúng mặn, cúng càng nhiều càng tốt, cúng cho họ ăn thì họ mới không phá mình và để cho người đến thuê nhà. Họ còn khuyên là con nên xem lại phong thủy, rước thầy về trấn nhà.

Thật sự con hoang mang vô cùng vì những nhà này họ đều cúng mặn nên người ta đến thuê. Vậy con có nên cúng mặn không? Những điều họ nói là đúng hay sai? Con nên làm gì để giải hóa việc này vì nhà đã nhiều tháng mà không có người thuê mướn? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

I . Là Phật tử làm việc gì cũng phải có chánh kiến, không vội vàng chạy theo ngọai nhân đôn đốc, luận bàn, nói ra nói vào. Cũng không chạy theo ý muốn của mình trong những lúc chưa bàn bạc kỹ cùng với các thành viên trong gia đình thì làm việc gì cũng thành công kết quả.

Theo phong tục tập quán, người Việt Nam do ảnh hưởng văn hóa vùng Đông Bắc á châu nhất là Trung Quốc, làm việc gì có ảnh hưởng đến thiên nhiên, giữa thiên nhiên và con người, giữa con người và xã hội thì hay chọn lựa ngày giờ, tìm Thầy xem ngày giờ cát hung (lành dữ), chọn lựa ngày giờ động thổ, chọn lựa ngày giờ gác đòn dong, đặt giường, đặt nhà bếp, làm cổng ra vào, về nhà mới. Nhìn chung xoay quanh vào việc xây dựng nhà cửa phài tìm Thầy xem ngày giờ xây dựng, xem phong thủy, xem tuổi năm nay có gặp tam tai, kim lâu, hoàng ốc?

Có ngày giờ tốt hay xấu không?

Trước nhất chúng ta thử tình hiểu về xuất xứ của việc xem ngày giờ cát hung. Cát cũng đọc là kiết có ý nghĩa là tốt, phản nghĩa của xấu, tức là làm việc gì có liên quan đến việc xây dựng nhà cửa là phải đi nhờ Thầy xem ngày giờ để thực hiện. Hung, là hung bạo, hung tợn có nghĩa là dữ, có nghĩa là xấu, phản nghĩa với tốt lành. Tức là gia chủ khi có tiền xây nhà ở phải tìm Thầy xem ngày giờ năm tháng, sao hạn, phong thủy, gần việc tốt xa việc xấu nhằm tránh các việc xảy đến, sau khi về nhà mới.

Các việc khác như lễ tang, lễ cưới, xuất hành, khai trương, mua xe máy, mua xe hơi nhất nhất đều tin vào việc xem ngày giớ trước khi thực hiện các việc cần thiết như trên mới an lòng. Các chiêm tinh gia thường nói: "Những việc xảy ra trong đời sống chúng ta, hiện nay vẫn còn nhiều người nghĩ suy và còn bàn cãi nhiều, nên ai tin thì cứ tin, ai không tin thì tùy hỷ “linh tại ngã, bất linh tại ngã”, việc xảy ra linh thiêng hay không linh thiêng cũng tại lòng ta”. Cũng có gia đình Phật tử, hay nhiều người ở ngoài xã hội không tin hoặc quan niệm chẳng có ngày giờ cát hung không cần xem ngày giờ âm dương thì cũng chẳng có gì tổn hại cho đời sống chúng ta “vô sư vô sách thì quỷ thần bất trách”; không tìm Thầy, không coi sách lịch mà xây nhà cửa, hoặc làm mọi việc thì quỷ thần cũng không quở phạt chúng ta làm chi? (Bác sĩ Vũ Định- Trích báo "Hà nội mới chủ nhật" số 73).

Theo quan điểm của Tịnh Độ Non Bồng, Đức Tôn sư Thiện Phước-Nhựt Ý thường dạy: "ngày giờ nào cũng tốt, vì ngày giờ nào cũng của Phật, các ông muốn làm việc gì cứ đến ngày mùng 9, 19, 29 thì làm không sợ kỵ tuổi, không khắc mạng, chẳng có gì nạn tai. Trong 3 ngày đó dù lịch số xem là kỵ nhưng các ông vẫn làm việc, coi như không có gì xảy ra, thì chẳng có gì xảy ra cả...”

Vào năm 1332 Thuận thánh Bảo từ Hoàng Thái Hậu vợ của vua Trần Anh Tông đi tu Phật và mất ở am Mộc Cảo, Yên Sinh. Vua Trần Minh Tông (1300-1357) lúc đó đã nhường ngôi cho con là Trần Hiến Tông (1319-1341) và lên làm Thái Thượng Hoàng. Thượng hoàng sai các quan chọn ngày chôn cất. Vị quan xem ngày chôn cất thưa: "Chôn năm nay không tốt, sẽ phạm vào chỗ hại người tế chủ".

Thượng Hoàng Minh Tông hỏi: "Các quan xem ngày giờ biết sang năm Ta chết phải không?" Quan xem ngày giờ trả lời: “Dạ không biết” Thượng hoàng Minh Tông nói: "Nếu sang năm ta không chết thì hoãn việc chôn mẫu hậu cũng được, nếu sang năm ta chết thì các ông nên giúp Ta lo chôn cất mẫu hậu cho xong việc? Việc lành dữ phải chọn ngày là vì coi trọng việc nghĩa đó thôi, chớ đâu phải bắt buộc làm theo họa phước, mai rủi như các nhà xem lịch số âm dương". Lễ tang Thuận thánh Bảo từ Hoàng Thái Hậu tiếp tục tiến hành mà không cần xem ngày giờ tốt xấu (Phong tục Việt Nam - Có ngày giờ tốt hay xấu không?)

Với sự việc trên, cho chúng ta thấy, việc xem ngày giờ cát hung để giải quyết công việc hằng ngày chưa phải là tuyệt đối đúng. Theo quan niệm của Tịnh Độ Non Bồng thì ngày giờ nào cũng tốt, cũng quý giá, thời gian trôi qua như vó câu, ngày giờ nào cũng là của Trời Phật. Theo Sư thì không có ngày giờ nào tốt bằng trong một thời điểm giải quyết công việc mà quyền tối hậu phải do chủ nhân kết hợp nhiều yếu tố cần thiết để quyết định thì thành công. Thêm vào đó việc làm của Thái Thượng Hoàng Minh Tông có phần nương vào đạo nghĩa với Mẹ, từ chối coi trọng việc sống chết của bản thân “đạo đức là trên hết, lý số là việc phụ” và dường như vô nghĩa đối với những người có tâm quyết.

II. Năm 1964 chiêm tinh gia Huỳnh Liên người nổi tiếng xem lý số cho các nhà lãnh đạo cao cấp Saigon xưa, có đến lễ Phật tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, là ngôi chùa cùng môn phong, gặp quý Sư. Ông rất vui vẻ và tín ngưỡng từng vị Sư, tuy còn là Sa di nhưng quý Sư rất thông suốt về giáo lý, trong quá trình trao đổi, ông có nói câu: "mọi người nên tu nhơn tích đức thì vượt qua số mạng thiên định...”

Nên nhớ trong Đạo Phật chúng ta, Đức Phật thường cân nhắc, trong kinh Di Giáo: "Nầy các Tỳ kheo! Sau khi Như Lai diệt độ, quý thầy nên quý trọng giới luật như người đi đêm quý trọng ngọn đuốc sáng và như người nghèo gặp được một tài sản lớn. Các vị nên biết rằng giới luật đó là bậc Thầy sáng suốt của quý vị, cho dù Như Lai có còn sống nữa cũng không khác gì giới luật đó. Quý trọng giới luật là: "Không nên đốn chặt cây cỏ, đào xới đất đai, điều chế thuốc thang, coi tướng đoán mộng, cúng sao giải hạn, nghiên cứu tinh tượng, tìm tòi hưng suy, coi ngày, bói quẻ...”

Này các Tỳ kheo! Đây là tóm lược những giới luật cần thiết, vì đó là cửa ngõ chính để giải thoát, cho nên giữ gìn giới này có thể sanh các thứ thiền định và trí tuệ diệt khổ. Các thầy nên quyết tâm vâng giữ giới luật này, đừng nên yếu kém mà vi phạm. Vị nào có nghị lực giữ gìn giới luật này trọn vẹn thì vị ấy có vô lượng pháp lành an lạc. Vị nào quá yếu kém để vi phạm vào giới luật đó thì vị ấy mất hết mọi pháp lành và trọn đời không được an lạc. Do đó Như Lai gọi giới luật này là phương pháp để giải thoát và là nơi dung chứa mọi công đức.

Bài kinh trên là lời Phật dạy người tu giữ giới thì được an ổn, giữ giới thì không xem lý số, coi ngày, tìm tòi hưng suy...chính đây là phương pháp giải thoát, đem lại nhiều công đức trang nghiêm, an ổn trong đời sống. Phật dạy chư Tỳ kheo Tăng Ni, cũng tức là giáo hóa đại chúng Ưu bà tắc, Ưu bà di những người con Phật. Nhìn chung khi làm việc gì đừng để ảnh hưởng đến tinh thần, tin vào lý số, xem ngày giờ cát hung sẽ nhận nhiều sự âu lo, mau già, mau cằn cỗi, không xem thì an lạc, làm việc gì cũng thong dong tự do tự tại.

III. Xuất xứ:

Vào thế kỷ thứ V, trước công nguyên, đã có các đạo sĩ Bà la môn giáo xuất hiện xem tướng đoán mạng. Cụ thể vào năm 624 tại vương quốc Ca Tỳ La Vệ, vua Tịnh Phạn trị vì, Thái tử Sĩ Đạt Ta ra đời, lúc bấy giờ có vị đạo dĩ hiệu là A Si Ta đến xin yết kiến nhà vua Tịnh Phạn, xin xem tướng mạng của Thái tử Sĩ Đạt Ta. Sau khi xem xong Ông khóc nức nở vì tuổi già không còn sống bao lâu nữa để được lễ bái vị thánh nhân xuất trần đem đạo giải thoát đến giải thoát sanh tử luân hồi cho chúng sanh... (Lịch sử Đức Phật Thích Ca - Đoàn Trung Còn)

Các chiêm tinh gia, nhà lý số xem tướng đoán mạng, bói khoa xủ quẻ, nhà âm dương học, nhà xem phong thủy, làm phong thủy, gọi chung là âm dương học. Về nguồn gốc của âm dương và triết lý âm dương, theo Khổng An Quốc và Lưu Hâm (nhà Hán) cho rằng Phục Hy là người có công sáng tạo và được ghi chép trong Kinh Dịch (2800 TCN). Một số người khác thì cho rằng đó là công lao của "Âm Dương gia", một giáo phái của Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu khoa học của Việt Nam và Trung Quốc nhận định rằng "khái niệm âm dương có nguồn gốc từ phương Nam”. Phương Nam ở đây bao gồm miền nam Trung Hoa, từ sông Dương Tử trở xuống và vùng Việt Nam, khu vực của người Cổ Mã Lai sanh sống. Về thời gian xuất hiện Kinh Dịch không rõ ràng?

Kinh Dịch: Ban đầu được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các bậc hiền thánh, nhà triết học Trung Hoa, như Khổng Tử, cho tới nay Kinh Dịch đã được tuyên dương như là một hệ thống đạo đức, được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á đông và được coi là một tinh hoa của nền văn học cổ Trung Hoa, nó được vận dụng vào rất nhiều lãnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh.

Dịch có nghĩa là "thay đổi" của những thành phần bên trong một vật thể nào đó mà trở nên khác đi.

Vì biến dịch, cho nên có sự sống.

Vì bất dịch, cho nên có trật tự của sự sống.

Vì giản dịch, nên con người có thể qui tụ mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội (ý nghĩa kinh Dịch - Bách khoa toàn thư)

Kinh Dịch là một công trình triết học, lý luận âm dương như là một quy luật sanh sanh hóa hóa, tức là luôn luôn biến dịch thay đổi không ngừng. Do chỗ biến dịch mà các Đạo gia nghiên cứu vũ trụ và nhân sanh, dùng sách vở đặt để ra nhiều thuyết lưỡng nghi, tứ tượng, ngũ hành, bát quái, quẻ đơn, quẻ kép, hào, sau mỗi hào là hai cú pháp...làm ký hiệu tiên tri vận mệnh lành dự dành cho con người, ghi chép định phận cho con người, cho thiên nhiên, xã hội, môi trường.

Khổng Tử còn tiếp tục soạn ra sáu thứ nữa, là Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái làm cho ý nghĩa Kinh Dịch rộng thêm, nhưng mỗi thứ có một tính cách. Tuy nhiên công trình triết học vĩ đại đó trải suốt mấy nghìn năm văn vật cũng chỉ giới hạn trong phạm vi bói toán (ý nghĩa kinh Dịch - Bách khoa toàn thư). Đứng về mặt đạo nghĩa thì giúp cho con người sống có tôn ti trật tự, như ông bà, cha me, chồng vợ, con cái; đứng về mặt triết lý thì có giá trị tín ngưỡng đối với những người tìm tòi học hỏi thông suốt những bí ẩn của vũ trụ và con người. Sự tín ngưỡng về bói toán qua dịch lý xưa nay thường là gây thêm rắc rối trong đời sống con người quanh năm chỉ biết vật lộn với cuốc sống, rốt rồi chỉ nhận được lời tiên đoán tiên tri như thế như thế, không đỡ nâng được gì cho con người.

Ví dụ 1: một gia đình trải suốt 20 năm lao động vất vả, ông X...mong xây dựng được ngôi nhà khang trang. Tuy nhiên khi xem Thầy coi ngày giờ, Thầy bảo ông X...chưa xây được lý do phạm tam tai, kim lâu, hoàng ốc, nếu xây thì tuyệt mạng, phải chờ 3 năm nữa mới được xây. Trường hợp muốn xây nhà thì phải làm thủ tục nhờ người hạp năm tuổi đứng xây dựng, sau khi xây rồi làm thủ tục giao lại cho ông X...nhưng ông X... không chịu sự hao tốn vô lý nầy. Chờ đến 3 năm nữa lúc bấy giờ vợ bệnh, con đau yếu, ông X... lấy tiền xây nhà lo chạy thuốc thang cho vợ con, hết tiền không xây được nhà, ông X...phải chờ dịp khác, khổ thay! Trường hợp nầy nếu ông X... không tín ngưỡng “phong thủy” xem ngày giờ năm tháng thì đã xây nhà xong rồi, tiếc thay!

Ví dụ 2: Nam nữ thương nhau, đến khi coi ngày làm đám cưới, Thầy xem H...tuổi Dần, K...tuổi Thân lập gia đình thì xung khắc, hoặc người nam mạng Thổ, người nữ mạng Thủy lập gia đình thì khắc với nhau. Trường hợp, khi lập gia đình, người nam thuộc cung Cấn, nữ phải là cung Khôn thì hạp; người nam thuộc cung Càn, người nữ thuộc cung Ly thì tuyệt mạng. Như vậy X... và Y...chỉ được “thương nhau” bằng lý số tuổi tác, cung mạng chớ không thương nhau theo tình cảm chân thật...tạo cho H...và K...trở thành “thương hận”. Nếu không tín ngưỡng việc xem ngày giờ để lập gia đình thì chẳng có gì là xung khắc, tuyệt mang.

IV. Phật tử xây nhà cần xem ngày giờ không?

Việc xây dựng nhà trọ hay nhà ở đối với thế gian rất quan trọng trong việc xem ngày giờ cát hung, xem phong thủy có phù hợp với tuổi xây nhà hay không, có vướng tam tai, kim lâu, hoàng ốc không, rồi mới xây dựng? Tuy nhiên đối với nhà Phật việc tính tuổi người chủ đầu tư phạm vào tam tai, kim lâu, hoàng ốc không có giá trị tín ngưỡng phong thủy học đối với người đã quy y Tam Bảo.

Nhà Phật khuyên khi xây nhà mọi người không thể quên yếu tố thực tiễn, tâm linh và khoa học thiên thời, địa lợi, nhơn hòa. “Thiên thời” là phải chọn lựa ngày giờ năm tháng, sao cho phù hợp, trành những cơn mưa gió bão bùng, nước dâng, lụt lội, thiên tai địch họa; “Địa lợi” đất đai có đầy đủ giấy tờ không, có ai thưa kiện không, có gần đường lộ giới, gần bờ sông, nằm trong khu vực giải tỏa không?; “Nhơn hòa” có xin phép Nhà nước để xây nhà? nhà kế bên có đồng ý chưa, có cho phép trổ cửa, mở đường đi, xây tường ngăn rào chưa, xây nhà ở cho người ở có chướng mắt, được thuận lợi mọi việc làm ăn không? Nếu tất cả hoàn mỹ thì mới xây. Kế họach xây nhà như thế mang tính chất đạo đức, tôn trọng môi trường, thiên nhiên, xã hội và con người bảo đảm hơn dựa vào phong thủy, lý số âm dương.

Bạn xây nhà trọ cho người mướn ở, người có khi đến xem rồi đi, không trở lại, hoặc thuê đôi ba ngày rồi dọn đi là do nhà trọ chưa đủ tiêu chuẩn cho người mướn ở lâu dài. Các nhà trọ xung quanh nằm trong hẽm, nhà cũ, giá thuê cao nhưng đầy đủ tiêu chuẩn điện, nước, toilet, môi trường kín đáo tiện lợi cho người ở nên mọi người thuê. Việc cho thuê nhà ở trọ mà người không thuê là do thiết kế xây dựng chưa đủ tiêu chuẩn, chớ không ảnh hưởng gì đến việc xem ngày giờ cát hung hay việc tu hành, ăn chay, niệm Phật cúng kiếng vật phẩm linh đình mà đươc.

Việc cúng chay mặn?

Theo tín ngưỡng nhà Phật có phép Mông Sơn thí thực, cúng cho các vong hồn linh hồn, oan hồn uổn tử, thập lọai cô hồn ngoài âm cảnh. Chư vị rất nhạy cảm, trước khi thí thực cho các vong hồn, Ngài Mông Sơn Bất Động Pháp sư có chế tác những bài chú lực, như Phà địa ngục, tịnh pháp giới, biến thực, biến thủy, chú mở miệng diệt tham, chú tiêu tai, chú diệt tội, chú vãng sanh, thì tất cả các thức ăn mặn biến thành chay, hoặc thí thực bằng thức ăn chay, đường, muối gạo...hoàn toàn không có thức ăn nào là mặn cả! Nên nói thí thực ăn mặn để cúng cô hồn cho được việc, mọi việc hanh thông là không có lý. Cho nên trước khi thí thực Ngài Mông Sơn còn trích trong Kinh Đại phương Quảng Hoa Nghiêm kinh, Ngài giảng câu: ”Nhược nhơn dục liễu tri tam thế nhứt thiết Phật, Ưng quán pháp giới tánh nhứt thiết duy tâm tạo”, nghĩa là: "nếu người muốn biết việc của chư Phật trong ba đời, nên quán chiếu các pháp giới, tất cả đều do tâm tạo.”Tất cả điều do ta suy nghĩ, ta nghĩ “có người cõi âm phá” thì có, ta nghĩ “không có người cõi âm phá” thì không có ai phá!

Làm chủ môi trường

Trong kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, Phật dạy:

"Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo ".

"Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình ".

Tâm không chủ định tức là tâm ô nhiễm, tâm ô nhiễm thì tất cả những phiền não chướng trôi lăn theo Bạn như bánh xe lăn theo con vật kéo xe. Ngược lại mọi sự an vui đến với Bạn thật êm đềm nhẹ nhàng như bóng theo hình. Với câu nầy Sư đã học từ năm 1962 tại Phật học đường Tây phương Bồng Đảo, núi Bồng Lai, Ba Rịa Vũng Tàu, đã làm cho Sư thức tỉnh thật sâu sắc, đạt đến chỗ tu hành không thối tâm đạo. Cho đến ngày nay Sư đi làm việc cho Giáo hội suốt 35 năm vẫn còn dũng mãnh như ngày nào còn làm vị Tỳ kheo trẻ tuổi. Dù có lúc vui lúc buồn, lúc làm việc thất bại não nề, lúc làm việc thành công rực rỡ, lúc nào cũng cảm thấy an lạc tự tại. Cũng như trong cuộc đời tu hành của Sư cũng có lúc tinh tấn lúc giải đãi, nhưng rồi trong một niệm nào đó âm ba thức tĩnh xen vào, mình được sống trở lại chính mình, làm chủ mình và vượt qua những sở tri chướng, hướng về cội nguồn tự tại vô ngại. Lúc bấy giờ mình làm việc mình, không ai có thể xen vào làm cho mình phải rung động, chạy theo ý tưởng lung tung của tha nhân.

Bạn ơi! Người láng giềng là người không theo Phật, Bạn là người theo Phật. Đời sống hai môi trường không giống nhau, không nên chạy theo sự tín ngưỡng thái quá về cõi âm, thế giới của cõi âm, mà Bạn phải “làm chủ cõi tâm”, cúng chay, cúng mặn, hoặc không nghĩ đến việc cúng kiếng gì cả, mà chỉ tùy ở Bạn có trầm tĩnh không?. Thật sự cõi âm là thế giới vô hình, là thế giới “nghịch ý Bạn”, vì vô hình tức là thế giới không. Thế giới âm chỉ là một trạng từ trống rỗng ràng buộc tâm ý con người cuốn theo, phản nghĩa của cõi âm là cõi dương, là thế giới hiện thực, “thuận ý Bạn” mà thôi. Cõi âm hay dương chỉ là “giả danh” là “huyễn tướng” không có thế giới nào là thực cả! Bạn hãy buông xả không nên nghe lời người bàn ra, nói vào mà lọan tâm, chỉ cần xem lại việc xây nhà trọ của mình có đạt chuẩn hay không, mà thôi!

Xin cầu nguyện cơ sở nhà trọ của Bạn thuận lợi trong việc cho thuê mướn.

Làm Phật tử có quy y

Nên ta không thể nghĩ suy điều tà

Việc nhà là việc của ta

Làm chủ tâm ý mới ra việc mình

Không nên bi lụy cầu xin

Các cung các cõi hữu tình như nhau

Tránh việc nói ra nói vào

Làm chủ công việc mới mau đạt thành.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Nên Cúng Mặn Cho Các Oan Hồn Uổng Tử Để Được Gia Hộ?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com