VẤN: Mỗi khi vào chùa, con thấy rất nhiều tượng Phật và thánh chúng. Một số tượng Phật con biết là ai nhưng một số con không biết. Có hai tượng phía trước nhìn rất dữ tợn, con nghe nói đó là tượng Hộ Pháp, rồi còn có tượng Tứ Đại Thiên Vương. Vậy tại sao trong chùa cần phải thờ các vị này? Con nghe nói là một số người nếu các vị hộ pháp không cho vào thì sẽ không được vào nhưng làm sao các vị biết vì đó là tượng? Con còn nghe nói một số vong theo người khác được vào chùa nhưng một số vong bị các vị hộ pháp và Tứ Thiên Vương giữ lại ở ngoài như vậy có đúng không? Đến thánh tượng các vị này con nên khấn nguyện quỳ lạy như thế nào cho đúng?

ĐÁP:

I. Xuất xứ cốt tượng Phật

Thời Phật tại thế, xứ Câu Diệm Di (Kosambi) là một Đô thành lớn ở Ấn Độ thời Đức Phật ra đời. Khi Đức Phật đến Câu Đàm Di, ban đầu Ngài được yên, sau có xảy ra chuyện lộn xộn giữa Giáo hội. Có nhiều vị Sư không nghe lời khuyên của Ngài. Sau mấy vị nầy phải lạy tạ tội với Đức Phật, vì dân chúng bất bình, không cúng dường cho họ. Khi đến Câu Đàm Di giáo hóa, Đức Phật và chư đệ tử thường trú tại vườn Cô Si la (Kusinagara). Bấy giờ vua Ưu Điền (cũng viết Ưu Đà Diên) ở thành ấy thuờng cúng dường Phật và chư Tăng. Đồng thời có cho con trai là Hoàng tử Râshtrâpala thọ giới xuất gia (Tự điển Phật học Đòan Trung Còn). Nhà Vua cũng là người Phật tử tín thành đầu tiên dùng gỗ thơm chiên đàn tạo ra hình tượng Đức Phật để tôn thờ (kinh Phật Thuyết Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng - Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 16, trang 790a)

Cốt tượng Phật đầu tiên tại Câu Diệm Di (Kosambi)

Năm Đức Phật 79 tuổi, năm hành đạo cuối cùng, Ngài nhớ Mẹ, nghĩ đến công sanh thành của thánh mẫu Ma Da, liền nhập định vào cung trời Đạo Lợi, trong suốt thời gian 3 tháng an cư. Nhà Vua Ưu Đà Diên sai người dùng gỗ chiên đàn hương rước thợ điêu khắc thiện xảo tên là Tỳ Thủ Yết Ma tạo tượng Phật để nhà Vua và mọi người chiêm bái.

Về công đức tạo tượng để chiêm bái, Đức Phật dạy rằng: “bất cứ ai dùng những vật liệu như: tơ sợi thêu thùa tượng Phật hoặc dùng chì, kẽm, vàng, bạc hay các loại gỗ thơm chiên đàn v.v… tô đắp tạc tượng, khiến mọi người chiêm ngưỡng lễ bái, thì đều được phước báo vô lượng vô biên. Người đó sẽ được hình tướng đoan trang và sẽ tiêu trừ được những tội cực trọng”.

Đứng về gốc độ tâm linh, thì hình bóng của Đức Phật là người của tất cả, là của chúng sanh trong mười phương. Đức Phật ra đời là để đem lại lợi ích cho nhiều người, chứ không vì lợi ích cho một người. Về mặt tín ngưỡng thì Đức Phật Thích Ca là người Ấn Độ, sẽ được vẽ vời theo nét chấm phá người Ấn Độ. Khi Đạo của Đức Phật được truyền vào Việt Nam sẽ được vẽ vời theo nét chấm phá người Việt Nam, Đạo Phật truyền vào Trung quốc, Nhật Bản, Triều Tiên sẽ được vẽ vời theo nét chaấm phá của các dân tộc đó.

Do vậy, hàng Phật tử chúng ta không thể nhận định theo kỹ thuật, mỹ thuật mà nhìn Đức Phật nào giống Đức Phật nào và cũng không mong mỏi bóng dáng màu sắc Đức Phật là “một”. Chỉ có sự tu chứng của chúng sanh, chứng quả thành Phật là “một”, muôn người như “một”, hai là “một”.

Tương Phật qua hình vẽ

Hiện nay số đông chùa ở Việt Nam và hải ngọai có tôn trí tượng vẽ ảnh Đức Phật, được truyền bá trên internet. Và cho rằng là ảnh Đức Phật năm 41 tuổi do Phú Lâu Na (vị đại đệ tử biện tài thuyết pháp đệ nhất của Phật) vẽ ra. Ảnh được cho là đang lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Anh Quốc. Ảnh Phật chỉ có hình đầu, có tóc, có râu, đeo khoen tai, không giống người Ấn Độ.

Có thể là người Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ...hay người vùng Đông Bắc Á, kính Phật, nhớ tưởng Phật, rồi vẽ Phật, chứ không đặt vấn đề “vẽ Phật giống hay không”. Theo tư liệu của “một tác giả B...” cho rằng ảnh Phật đã có in trên một quyển sách ở Việt Nam trước ngày hòa bình. Như vậy từ 42 năm qua có một lần trên mạng cho đăng tải “ảnh Phật” và một lần trên báo Giác Ngộ (không nhớ số ra ngày) có râu, tóc, đeo khoen tai...chưa có sách báo nào tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở cho chúng ta nhìn nhận đây là ảnh Phật.

II . Việc thờ cốt tượng Phật

Chùa là nơi thờ Phật (Phật Thích Ca), nơi chứa kinh (Giáo pháp Phật), là tăng xá nơi dành cho chư Tăng (đệ tử Phật) dừng chân nghỉ tạm sau giờ đi khất thực, giờ “ngọ” dâng cúng cơm Phật và giờ “thọ thực”, giờ “nhựt thời trung”, giờ “quá đường” là buổi ăn trưa của chư Thanh Văn, tôn giả, chư Tăng Ni. Tại Việt Nam hay các quốc gia Phật giáo dùng ngôn ngữ “chùa” hay gọi chung là ngôi Tam Bảo là vậy.

Vị trí chánh của ngôi Tam Bảo là Chánh điện, Đại hùng bửu điện, trong môn phong Tịnh Độ Non Bồng gọi là đạo tràng Tây Phương Bồng Đảo. Việc phụng thờ nơi ngôi Tam bảo, rất đa dạng phong phú và biệt truyền theo chủ trương từng bộ phái, hệ phái, môn phong pháp phái, ví dụ:

Các chùa hệ phái Bắc tông: Khởi xướng chủ trương việc thờ phượng nhiều cốt tượng quy mô vĩ đại. Theo sách nhan đề: "Thâm Ý Qua Hình Tượng Phật Và Bồ Tát" của Thiền sư Thích Thanh Từ thì đa số tại chánh điện của mỗi chùa thờ thánh tượng ba đời chư Phật, còn gọi là tam thế Phật, đại biểu của tam thế Phật là Phật A Di Đà (Phật quá khứ), Phật Thích Ca Mâu Ni (Phật hiện tại). Theo vị thứ đối vời Phật Thích Ca, thường thì Tăng Ni, Phật tử niệm danh hiệu “Nam mô Trung Thiên giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, do Ngài là vị Giáo chủ cõi Trung Thiên, vị trì thờ phượng ở giữa Phật quá khứ và Phật vị lai nên gọi là Đức Trung Tôn.

Phật Di Lặc Tôn Phật (Phật vị lai). Bên cạnh Phật A Di Đà có Bồ tát Quan Âm, Bồ tát Đại Thế Chí hầu cận, gọi là Tây phương tam thánh. Bên cạnh Phật Thích Ca có Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, Đại hạnh Bồ tát Phổ Hiền và 2 vị đại đệ tử An Nan, Ca Diếp hầu cận. Phật Di Lặc là Phật tương lai, hiện nay Phật Thích Ca có lời huyền ký bổ xứ Bồ tát Di Lặc giáo hóa nơi cõi trời Đâu Suất Đà, sau đó 16.800.000 năm nữa, Ngài sẽ xuất hiện trên hành tinh địa cầu kế thừa giáo hóa chúng sanh thay thế Phật Thích Ca. (Phật học tinh yếu - HT Thích Thiền Tâm)

Tại các chùa xưa, cụ thể như Long Sơn cổ tự, Ấp Chợ, xá Thái Hòa, Tân Uyên, Bình Đương. Chúng ta bước vào chùa lễ Tam Bảo, trước lễ Tổ tại Tổ đường, Tổ đường là nơi phụng thờ nhiều long vị chư lịch đại Tổ sư khai sơn ngôi chùa, chư vị Trụ trì kế thế. Sau đó đăng lâm chánh điện đảnh lễ tam bảo, đứng vào vị trí ở giữa quan sát về phía trước đối diện chánh điện có thờ tượng cốt bằng gỗ mít Ngọc Hoàng thượng đế Nam tào, Bắc đẩu. Ông Hộ pháp nhìn về phía trái (tả) có thờ Ngũ điện Diêm vương, phía phải (hữu) thờ thập điện Diêm Vương, bên ngoài phía trước chánh điện thờ Tiêu Diện đại sĩ (hiện thân Quan Âm Bồ tát hàng phục chúng ma quân). Hai bên ngôi Tam Bảo bên trái thờ Già lam Quan đế, bên phải thờ tượng Đạt Ma tổ sư ngồi thiền.

Tượng Hộ pháp,

Tức là thờ những vị có tâm tốt, những người luôn phát tâm hộ trì chánh pháp của Đức Phật Bổn sư Thích Ca, mà biểu trưng là cốt tượng các chùa đang thờ. Việc thờ ông Hộ pháp được coi như là truyền thống trong các chùa Việt Nam và hải ngọai. Ông Hộ pháp, tức là Hộ Pháp Vi Đà nguyên là thiên thần Thất Kiện Đà của Ấn Độ giáo là con trai của Hộ Pháp Phật giáo Đại Tự Tại Thiên, sau đó trờ thành hộ pháp của Phật giáo. Tương truyền sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt, chư Thiên và đại chúng bàn về việc hỏa thiêu di thể, nhặt Xá lợi thờ trong tháp. Lúc này Đế Thích cầm bình thất bảo đến chỗ thiêu để lấy Xá lợi vì trước kia Ngài đã được Đức Phật chấp thuận cho một chiếc răng đem về để dựng tháp thờ. Nhưng khi ấy có quỷ La Sát nấp bên người Đế Thích, thừa lúc Ngài không chú ý bèn trộm răng Phật. Vi Đà Tôn Thiên trông thấy bèn đuổi theo, nhanh như tia chớp, trong nháy mắt đã bắt được quỷ La Sát tống vào ngục, trả lại răng Phật cho Đế Thích, được chư Thiên khen ngợi. Từ đó về sau, Vi Đà được cho là có thể xua đuổi tà ma,bảo hộ Phật pháp, gánh vác trọng trách bảo vệ linh tháp chứa xá lợi Phật. Kể từ đó hình tượng Vi Đà được thờ cùng linh tháp chứa Xá lợi, mang ý nghĩa bảo vệ Phật pháp.

Tiêu Diện Đại Sĩ

Là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Hóa thân của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, mặt trước là hình tượng mang sắc tướng nữ, rất mực từ bi với dương chi ngọc liễu và bình cam lồ sẵn sàng độ sanh giải nạn. Mặt sau của hóa thân là hình tướng nam, là một vị thần dáng điệu oai nghiêm, trang phục võ tướng nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực. Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo.

Chùa không có thờ tượng Hộ pháp xem như vị Trụ trì đó chưa hiểu rõ việc thờ phượng, việc hành đạo, hướng dẫn Phật tử tu học. Các cốt tượng và danh hiệu sau đây là những biểu tượng thờ Hộ pháp, một ông mặt hiền (khuyến thiện), một ông mặt dữ (trừng ác). Có chùa giáo hóa Phật tử gọi 2 vị Hộ pháp: ông mặt hiền thì gọi là ông Thiện, ông mặt dữ thì gọi là ông Ác. Mặt hiền hay dữ cũng là hộ trì Phật pháp, hiền thì hộ trì chánh pháp, dữ thì chống lại cái ác. Những danh hiệu khác như Kiên lao địa thần, Đế thích, Địa kỳ..cũng thuộc vào hàng long thần hộ pháp, hộ trì chánh pháp.

Một số chùa cổ thờ Ông Thiện bên phải, ông Ác bên trái, ông Thiện mặt mày xáng lạng hiền từ gọi là ông Hộ pháp, ông Ác mặt mày nanh gút, trừng mắt gọi là ông Kim Cang. Cho nên trong Kinh Viên Giác, phẩm Phương tiện giáo hóa: "Ngài Bồ tát Di Lặc hỏi Đức Thế Tôn về hạnh nguyện và oai lực của Bồ tát phương tiện độ tha, dùng nhiều phương tiện độ sanh, như Ngài Quan Âm thị hiện 32 ứng thân, hoặc có khi là hiện thân Kim Cang, hiện thân Tiêu Diện, Thập Diện, Thập Ðiện Minh vương, Ngưu đầu, Mã viện v.v.. có lúc hiện “Từ”, có lúc hiện “Oai” nên có câu:

“Kim Cang lộ mục sở dĩ hàng phục tứ ma;

Bồ tát đê mi do thị ai từ lục đạo”

Nghĩa là: Thần Kim Cang trợn mắt là để hàng phục bốn ma. Bồ tát xủ mày là vì thương chúng sanh trong sáu đạo. Bồ tát khi thị hiện cảnh thuận: giảng dạy Pháp lành khuyên người tu học. có lúc lại hiện cảnh nghịch như: hiện chảo dầu sôi, để độ ông Nan Ðà tôn giả, hoặc dùng gọng xiềng đánh đập, để cho người biết thức tỉnh hồi tâm. Cổ nhơn nói: “Người không gặp tai nạn, thì chẳng biết hồi tâm hướng thiện”. Nhơn vô vạn họa, bất hồi đầu là vậy.

Tứ thiên vương

Đối với những chùa xưa khác, còn có kiến trúc thêm thao bạc, lầu chuông, lầu trống, mỗi góc của thao bạc, 4 góc của cổ lầu có thờ 4 tượng thiên vương lớn, chạm trổ tượng đứng. Bốn vị Thiên vương, thường gọi tứ thiên vương là những vị ở 4 từng trời lưng chùng núi Tu di, thuộc Dục giới. Bốn vị Thiên vương là:

Đông Thiên vương còn là Trì quốc có thân trắng, tay cầm đàn, tiếng đàn sẽ làm tâm thức con người trở nên thanh tịnh;Tây Thiên vương tên Quảng mục có thân màu đỏ, tay phải cầm rắn, nhưng không cho nó chiếm giữ Như ý châu. Ngọc như ý chỉ chuyên dành cho những bậc giác ngộ và rắn chỉ là người canh giữ viên ngọc đó. Nam Thiên vương còn gọi là Tăng trưởng, có thân màu xanh, cầm gươm chém Vô minh. Vị này chuyên giữ gìn những chủng tử tốt đẹp trong con người. Bắc Thiên vương còn gọi là Đa văn có thân màu lục, tay trái cầm cờ chiến thắng, tay phải mang tượng chùa hoặc một bảo tháp, trong đó theo truyền thuyết Long Thọ đã tìm được những bộ kinh dưới Long cung, hoặc một con chuột màu bạc phun ngọc. Vị Bắc Thiên vương là vị quan trọng nhất trong bốn vị Thiên vương.

Sở dĩ các chùa có thờ 4 vị Thiên vương là theo truyền thống chùa từ thời đại nhà Đường, thế kỷ thứ 8, là do Ngài Bất Không Kim Cang pháp sư vào năm 742 (tây lịch) tụng chú Đà Ra Ni mời các vị tứ thiên vương đến giúp vua Đường dẹp giặc, sau khi dẹp giặc xong, nhà Vua nhờ ơn cho tạc tượng thờ bốn góc phía trước chánh điện để hộ quốc. Tứ thiên vương vừa hộ quốc, vừa chống lại những các ác trong thế gian

III. Chùa Thiền Tông

Tại Việt Nam hiện nay, Thiền viện Thường Chiếu, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Thiền viện Trúc Lâm, các Thiền viện thuộc thiền tông Việt Nam kết hợp với thiến phái Trúc Lâm Yên Tử, sự phụng thờ rất giản đơn, bên trong chánh điện chỉ tôn thờ Tôn tượng Đức Phật Thích Ca tay phải cầm Hoa sen, tay trái trong tư thế ngồi thuyết pháp. Tổ đường phụng thờ Tổ sư Trúc Lâm Yên Tử, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, và chư vị Trụ trì kế nhiệm.

Về kinh kệ các thiền viện chú trọng đến nghiên cứu kinh pháp, thuyết giảng, tụng kinh Kim Cang Bát Nhã. Rất ít tụng các kinh khác. Chư Tăng Ni, Phật tử chú trọng vào các buổi thực tập thiền định.

Chùa Tịnh Độ tông (Tịnh Độ Non Bồng)

Tổ Đình Linh Sơn, núi Bồng Lai, ấp Phước Thành, xã Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu, ngôi cổ tự có gần 300 năm trải qua 11 đời Trụ trì. Đến đời Trụ trì thứ 12 thì sự phụng thờ có phần đa dạng, như: ngoài tượng Tây phương Tam thánh, Phật Thích Ca, chư vị Bồ tát, các cốt tượng Bồ tát thị hiện trong đời như Ngài Địa Tạng, Bồ tát Di Lặc, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải, Bồ tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền. Ở khu vực khác thờ thánh thần tiên, Phật Địa Mẫu. Đến đời Trụ trì thứ 13 Ni Trưởng Huệ Giác, tôn thờ Đức Di Lặc tôn Phật làm vị trí chủ chánh ngôi Tam bảo, gọi là Tam bảo mười phương, cũng tức là Tam bảo tương lai, 18 vị A la hán, không thờ chư vị thánh thần tiên như cách thờ ngày xưa. Rồi đến Ni sư Diệu Hòa giữ gìn theo cách thức thờ phượng của Ni Trưởng khởi xướng. Các chùa Tịnh Độ tông chú trọng vào các khóa tu niệm Phật dài ngày, các khóa niệm Phật ngắn ngày dành cho chư Tăng Ni, Phật tử tập trung thực tập niệm Phật.

Ngoài ra, các chùa Liên Tông (Tp.Hồ Chí Minh), Nhứt Nguyên Bửu Tự (Bình Dương), Quan Âm Tu Viện (Đồng Nai) thuộc Tổ đình Tịnh Độ tông...tôn thờ đơn giản Tây phương tam thánh, Đức Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Địa Tạng...

Việc thờ Phật tại các chùa Nam tông:

Các chùa Pháp Bảo, chùa Bửu Quang, thiền viện Phước Sơn, chùa Bửu Đức, chùa Kỳ Viên phụng thờ thành tượng Đức Phật Bổn sư Thích Ca, chư vị A la hán, các đời Trụ trì, không thờ thánh tượng Bồ tát.

Chư Tăng, không có chư Ni, hiện nay một số chùa tiếp nhận các nữ tu cư trú tu thiền bên cạnh chùa chư Tăng, như Thiền viện Phước Sơn, xã Phước Tân, Tp.Biên Hòa. Các vị phổ cập Phật pháp trong quảng đại quần chúng rất rộng rãi, về giáo lý nguyên thủy, tạng kinh, tạng luật, tạng luận nguyên chất của Phật không thay đổi. Dù sắc mầu thế gian có thay đổi, nhưng nền giáo lý của Phật Thích Ca không thay đổi, nên gọi là Phật giáo nguyên thủy. Cũng vì lẽ đó mà chư Tăng và các chùa Nam tông phát triển rất ít, không như Bộ phái Bắc tông, phát triển sắc mầu các môn phong pháp phái thật phong phú đa dạng, tạo điều kiện cho Phật tử tu hành.

Thờ Phật tại Tịnh xá

Tịnh xá nơi chư Tăng, hay chư Ni Khất sĩ tu tịnh hạnh phạm hạnh, giữ gìn hạnh lành của Đức Phật, ba đời chư Phật, của các bậc Thanh văn xưa mà tu tiến và giữ gìn viềng mối của Đức tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập.

Tịnh xá Khất sĩ, lúc nào cũng xây dựng hình bát giác, bố trí phòng xá đúng theo quy cách Đại luật kiền độ quy định. Là nơi thờ thánh tượng Phật Thích Ca an tọa trong bảo tháp có 13 tầng, và chỉ có thờ Đức Phật Thích Ca, không thờ các thánh tượng Phật, Bồ tát khác. Ngoài ra, phía sau Bảo tháp có thờ thánh tượng Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, đặc biệt là không có dâng hương, với lý do chư Tăng Ni tín đồ Phật giáo Khất sĩ lúc nào cũng tin tưởng Đức Tổ sư vẫn hiện tiền trong đời và đang giáo hóa chúng sanh.

Ngày nay bộ phái Khất sĩ phát triển sâu rộng. Các Tịnh xá được xây dựng ngày càng quy mô và có chiều hướng gia tăng về số lượng, chư Tăng, chư Ni tu học đông.

Nhìn chung việc thờ phượng tại các chùa xưa có khác. Chùa ở thời kỳ Mật tông thịnh hành có khác, các chùa thờ phụng ở thời kỳ Phật giáo bị ngọai lai xâm lấn và Phật giáo ở thời kỳ phát triền từ năm 1950 đến nay thì sự tu hành chư Tăng Ni, Phật tử có tiến bộ vượt bậc. Chùa chiền phát triển, tuy nhiên sự phát triển về môn phong pháp phái có phần đa dạng phong phú. Sự cục bộ làm cho phẩm chất tu hành chư Tăng Ni lên cao, Phật tử có ý thức mới tiến tu tịnh nghiệp, hộ trì Phật pháp sâu rộng. Phật giáo Việt Nam đang đi trong thời kỳ phát triển cực thịnh.

Làm Phật tử chân chánh thì không có vong nào nhập. Không có vong nhập thì cũng không có hộ pháp, long thần, tứ thiên vương nào ngăn trở không cho các Bạn vào chùa. Chùa là cửa từ bi, luôn mở rộng, đón nhận những Phật tử ngoan đạo tìm giáo lý để học, tìm Phật pháp để tu. Tu và học tinh tấn thì không ai cấm cản các Bạn vào chùa. Chỉ có điều các Bạn ý niệm khác với Phật pháp thì dù cho tứ thiên vương, hộ pháp hiện thân mời vào các Bạn cũng khó mà vào được.

Sư kể cho các Bạn nghe câu chuyện: "Cửa tùng đôi cánh gài”

Thiền sư Tánh Không ở non núi, có nhiều đệ tử đến cầu pháp xuất gia học đạo. Suốt 3 năm trường các nhà sư lúc nào cũng tinh tấn. Một ngày nọ, có vị Sư thấy mình tu đã lâu, cần phải xuống núi độ đời. Đến Thiền sư xin cho phép hạ sơn hành đạo, Hòa Thượng ân sư cho phép.

Thế là Sư xuống núi độ đời, trải qua ba năm độ chúng cũng khá đông, nhưng thấy mình ngày càng nặng nề già cỗi, không còn thấy những ánh sáng trí huệ như xưa, bản tánh chơn không đã mất tự bao giờ.

Sư cảm thấy nhớ Thầy, nhớ Bạn hữu, nhớ những hình bóng tinh khôi năm xưa...không còn chịu được nữa, bèn chọn ngày trăng tròn đăng sơn. Buổi chiều ngày 14, mọi người con Phật lũ lượt về chùa tụng sám hối Vào đầu hôm, trăng đã lên lưng chừng đỉnh núi, Sư bước lên cổng chùa, nhưng tất cả, tất cả những tham, nhưng sân, những si, những xao xuyến, những hình ảnh độ đời đều nổi lên làm cho Sư chỉ lo thấy những phiền não vô lối, chận mất ánh sáng không thể bước qua cửa chùa. Sư không thấy lối vào chùa, dù cửa chùa chưa ai đóng kín, đôi song tùng vẫn còn đây và mở rộng như ngày nào, sao mà lòng nặng trĩu khó bước qua cổng chùa đang mở rộng; bất giác Sư nằm ngủ mê man.

Bữa sáng hôm sau, vị Sư Bạn thân nhất đến chào và dắt Sư xuống bên bờ suối tắm rửa. Nước suối đã làm cho các nghiệp lực “độ đời” của Sư tan chảy và còn lại thân tâm trong mát như ngày nào đăng sơn bước qua cửa song tùng theo Hòa Thượng Tánh Không xuất gia đầu Phật.

Cửa chùa bao giờ cũng mở rộng, đón nhận chúng sanh tu hành. Cửa chùa tuy có cũng như không, không bao giờ đóng kín. Người có tâm “không” thì bước qua cửa chùa một cách dễ dàng; người còn mang những suy niệm, nghi ngờ, những xao xuyến thì khó mà bước qua ngưỡng cửa song tùng của Thiền sư Tánh Không.

Các Bạn Phật tử đi chùa lễ Phật giữ thân tâm thanh tịnh, việc thế tục tham sân si, thù hận gác bỏ ngoài tai, sẽ không có trở lực, những chướng ngại nào ngăn chặn không cho các Bạn bước vào cửa chùa. Chỉ có tâm anh chị thanh thản cùng không, cửa tùng ấy bao giờ cũng mở rộng, đón nhận những đóa hoa Phật pháp với cả tấm lòng, theo thệ nguyện Phật Thích Ca hằng mong ước.

Làm Phật tử chân chánh thì tâm chân chánh, tâm chánh thì chánh niệm sanh, chánh niệm sanh thì trí huệ sanh, trí sanh thì thần sáng, huệ sanh thì thấu suốt các pháp lành, pháp thiện sanh, thì pháp bất thiện diệt mất, bước qua cửa thiền một cách nhẹ nhàng, không có lực nào cản trở Phật tử vào chùa. Lúc bấy giờ các Bạn còn có trạng thái an nhiên tự tại làm chủ tự thân, làm chủ tâm linh mầu nhiệm, pháp lành nhiệm mầu tự sanh khởi, rũ sạch các phiền não chướng, tâm không, bước vào thế giới chơn như niết bàn.

Có nên lạy các tượng như tứ thiên vương?

Vào chùa lễ Phật là Phật sự của Phật tử, chúng ta lạy Tam bảo, lạy tức là gieo năm vóc thành tâm kính lạy, Phật tử lạy Phật Pháp Tăng; lạy thánh tượng Đức Phật, Bồ tát, khi nhập chúng tụng kinh lạy giáo pháp Đức Phật, lạy những bậc đáng tôn kinh, Thầy Bổn sư và vái xá chào chư Tăng những đệ tử Đức Phật.

Đạo Phật dùng lễ để làm thước đo lòng người. Sự cung kính của Phật tử đối với chư Tăng bao nhiêu thì đạo lớn bấy nhiêu. Ngày xưa bên Giáo hội Khất sĩ luôn khuyến giáo về phần nghi lễ, lễ bái rất quan trọng: bậc tu thấp phải lạy bậc tu cao, bậc tu sau, phải lạy bậc tu trước, dù chỉ trong giây phút. Sa di, Sa di ni lễ bái Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Tỳ kheo tân lạy Tỳ kheo cựu, chư Tỳ kheo đảnh lễ chư Trưởng lão. Phật tử lễ bái nhà Sư, dù bất cứ nơi đâu, người Phật tử gặp nhà Sư du Tăng đều phải lễ bái, rất có tôn ti trật tự. Cuối năm 1965, trên đường đi học về, Sư gặp chư Trưởng lão và quý Sư Tịnh xá Ngọc Chánh đi hóa duyên trên đường Lê Quang Định, Sư liền quỳ bên lề đường đảnh lễ các Ngài không một chút do dự, lễ xong rồi mới lui đi lo Phật sự của mình.

Phật tử vào chùa lễ Phật, lễ Tam bảo, nơi nào có Phật pháp Tăng thì lễ bái nơi đó. Trường hợp chùa có thờ các tượng khác, như tứ đại thiên vương, hộ pháp, tiêu diện, các tượng cốt không thuộc Tam bảo thì xá 3 xá, mỗi xá niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật! Xá 3 xá niệm 3 lần Nam mô A Di Đà Phật.

Đến chùa dâng nén tâm hương

Thân tâm thanh tịnh cúng dường Pháp Tăng

Cửa thiền xin chớ vội vàng

Gắng công niệm Phật vào hàng Phật tiên

HT Thích Giác Quang



Có 2 phản hồi đến “Có Phải Vong Vào Chùa Bị Thánh Tượng Tứ Thiên Vương Và Hộ Pháp Cản Không?”

  1. Mô Phật, Kính xin Hoà thượng dạy cho về việc lễ lạy Ngài Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại sĩ. Các Ngài đều là các vị Bồ tát hoá thân vậy con là một cư sĩ có phải lễ lạy các Ngài như lễ lạy Bồ tát Quán Thế Âm (cũng là Ngài Tiêu Diện) hay Bồ tát Địa Tạng không? Chư tăng có lễ lạy Ngài Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại sĩ không? Con thành tâm kính lễ Hoà thượng xin được chỉ dạy.

    • Dạ các Ngài đều là những hàng bồ tát hóa thân thì chư tăng ni vẫn phải lễ lạy các Ngài khi có hữu sự. Do đó, cư sĩ vẫn phải lễ lạy các Ngài. Mọi người thường hay đến cầu xin các Ngài và vẫn lễ lạy, tăng thêm phước đức, bớt đi ngã mạn. Xin cảm ơn bạn

  2. Thiện Tâm đã nói

    Con xin cảm ơn Sư đã trả lời thắc mắc này giúp con. Con kính chúc Sư lúc nào cũng khỏe mạnh, an lạc.

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com