VẤN: Con vừa mới xây nhà nên cũng xây lại phòng thờ cho khang trang, đàng hoàng. Ở nhà cũ con có thờ một bức tượng Quán Thế Âm đã cũ và con nghe bạn đạo nói là nhà mới nên thờ tượng Đức Phật A Di Đà vì con tu tịnh độ, niệm Phật nguyện vãng sanh. Con cũng đã đặt một bức tượng. Một số chuông mõ chuỗi cũng khá cũ và bị hư nên con cũng tính thay mới. Tuy nhiên, con không biết xử lý như thế nào với những tượng Phật cũ, chuông mõ này. Có bạn bảo là nên đi cho người khác nhưng con thấy đã cũ, với lại không biết tặng người khác vậy có tội không? Có bạn nói mang đến chùa nhưng ai lại cúng tượng cũ bao giờ. Con còn nghe nói khi mang tượng vô nhà cần phải có lễ cúng an vị Phật liệu có đúng không?

Tuy nhiên, chùa thầy tổ con lại ở xa và xung quanh khu nhà con lại toàn là miếu đình, toàn thầy cúng chứ không có thầy tu vậy con phải làm sao? Nếu không có thầy làm lễ an vị Phật mà con mang vào nhà vậy có bị làm sao không? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

I. Tín ngưỡng Quan Âm Bồ tát

Quan Thế Âm là một trong những vị Bồ tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa và các quốc gia Phật giáo như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản Hàn Quốc và các quốc gia tây bán cầu. Còn lại một ít các quốc gia, vương quốc Nam tông Phật giáo. Ở Việt Nam Đạo Phật Khất sĩ thuộc trung thừa, nên cũng có tín ngưỡng Bồ tát Quan Âm, ngày nay hầu hết các trung tâm tịnh xá Khất sĩ đều có đúc tượng thờ Bố tát Quan Âm.

Ý nghĩa Quan Thế Âm

Quan Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo Phẩm Phổ môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sở dĩ ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp liền nhứt tâm niệm danh hiệu của Bồ tát, ngài liền quán xét tiếng niệm đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.

Danh hiệu

Bồ tát Quán Thế Âm còn được biết đến với tên gọi Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Từ Hàng hay Từ Hàng Đại sĩ (Bách khoa tòan thư - Quan Thế Âm)

Bồ tát Quan Âm, hay Bồ tát Quan Thế Âm, Quan Âm Bồ tát; Phật giáo miền Bắc niệm danh hiệu Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát, Phật giáo miền Nam niệm Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát. Kinh Đại Bi tâm Đà Ra Ni, Phật dạy niệm Nam mô Hiển Thánh Viên Thông Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Bi Quan Thế Âm Bố tát, Nam mô Tầm Thinh Cứu Khổ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ tát Quan Âm Bồ tát. Từ năm 1950 trở về trước, ở miền Tây Nam bộ, từng nhà, từng nhà đều có thờ Bồ tát Quan Âm, tượng bằng giấy, trong các gia đình Phật tử Việt Nam đều niệm Nam mô Cứu khổ cứu nạn Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ tát. Mẫu Bồ tát Quan Âm thường được mô tả dưới nhiều dạng thân nam hay nữ, nhất là Phật giáo ở vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á tín ngưỡng Quan Âm Bồ tát dưới dạng nữ nhân và cũng có thể được biết đến với danh hiệu là Quan Âm là Phật Mẹ, Phật Mẫu, Mẫu Từ, Bà Mẹ Hiền, Đức Mẹ Quan Âm..

Trong Kinh Đại bi Tâm Đà Ra Ni, đức Phật Thích Ca dạy ngài A nan rằng trong vô lượng kiếp về trước, Quan Thế Âm Bồ tát đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, vì nguyện lực đại bi, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ tát, vì muốn an vui thành thục cho chúng sanh, ngài mới hiện thân làm Bồ tát, danh hiệu là Quan Thế Âm, thường trụ thế giới Ta bà, đồng thời cũng trợ tuyên chánh pháp cho Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực Lạc.

Trong bài Tâm Kinh Bát Nhã Ba la mật, vị Bồ tát này mang tên là Quán Tự Tại dựa trên pháp môn tu tập của ngài. Khi quán chiếu thâm sâu vào chính mình, ngài nhận thấy năm uẩn không có tự tính và đều là giả tạm, ngộ ra được điều đó, ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn.

Tín ngưỡng

Tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản, Quan Thế Âm được trình bày dưới dạng thân nữ Bạch Y hành giả, tức vị nữ hành giả mặc y phục màu trắng. Tại Tây Tạng, Quan Thế Âm là "người bảo vệ xứ tuyết" và có ảnh hưởng trung tâm trong truyền thống Phật giáo tại đây. Người ta xem Bồ tát là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá qua nhà vua Tùng tán Cương bố (620-649), được xem là một hiện thân của Quan Thế Âm. Dalai Lạt ma cũng được xem là hiện thân của Quan Thế Âm. Câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Hồng được xem là của Quan Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và ngày nay được tụng đọc nhiều nhất. Tranh tượng của Bồ tát được biểu diễn bằng một người có 11 đầu và ngàn cánh tay hoặc trong dạng có bốn tay, ngồi toà sen.

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ tát về ý nghĩa của danh hiệu Quan Thế Âm là do vị Bồ tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì tức thời đến đó để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quan Thế Âm Bồ tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ tát Quan Thế Âm tức thì quán sát âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát (Kinh Phổ Môn - bản dịch Đoàn Trung Còn)

Thờ phượng

Theo Pháp môn Tịnh độ, các liên hữu được dạy thờ Đức Phật A Di Đà tay tiếp dẫn, Quan Thế Âm Bồ tát cầm bình tịnh thủy đứng bên phải nhìn vào, Đại Thế Chí Bồ tát, tay cầm cành hoa sen, dứng bên trái nhìn vào gọi là thánh tượng “Tây phương tam thánh” (Tử điển Phật học - Đoàn Trung Còn)

Năm 1953, chiến tranh Việt Pháp gay gắt nhất, gia đình Sư cư trú thuộc chợ quận, nhưng chiến tranh vẫn xả ra dữ đội. Những lúc hai bên đánh nhau, học sinh các Trường Tiểu học và Sơ học đang ngồi học phải nằm rạp xuống gầm bàn để tránh đạn, mọi người đang sinh họat mua bán, cũng phải nằm sát xuống đất, gia đình Sư thì núp dưới bàn thờ Quan Thế Âm và Tây phương Tam thánh và lúc nào mọi người cũng niệm danh hiệu Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát cầu xin Phật Mẹ che chở cho gia đình và muôn dân bá tánh tai qua nạn khỏi. Hai tiếng đồng hồ sau, giặc yên, các học sinh và mọi người sinh họat trở lại bình thường, thóat nạn, mọi người trong nhà đều tin tưởng có Bồ tát Quan Âm hộ độ không bị thương vong. Từ đó, ở Quận Chợ gạo, đi lên tỉnh Mỹ Tho tìm mua tượng Phật Mẹ Quan Âm đem về thờ, chủ yếu là cầu Phật Mẹ độ cho tai qua nạn khỏi.

Thánh tháp Huyền Diệu Quan Thế Âm được xây dựng và đúc tượng Quan Thế Âm cao 9 mét vào năm 1970 là biểu tượng tôn thờ lớn nhất tại Quan Âm Tu Viện, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Đồng thời Đức Tôn sư tổ chức làm lễ khánh thành vào năm 1972, chủ đề: "cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân Việt Nam an cư lạc nghiệp, thoát ách nạn chiến tranh”

Gia đình Phật tử thờ Quan Thế Âm là gia đình thuần tâm trong Đạo Phật, trong khi Phật giáo còn lu mờ trong khói lửa chiến tranh, nằm trong ách ngọai bang và ngọai đạo, mọi người lo việc ăn mặc ở bệnh quá là vất vả rồi còn đâu mà tín ngưỡng Phật trời, học Phật pháp. Chỉ có tín ngưỡng thờ Quan Thế Âm là cảm thấy yên cửa yên nhà. Trong nhà có thờ Phật, nhất là thờ Quan Âm Bồ tát như là một báu vật quý hơn vàng bạc thế gian, vì Phật che chở và hộ độ cho Phật tử an cư lạc nghiệp. Nếu gia đình các Bạn đã thờ thì không nên bỏ tượng cũ, tìm tượng mới, chỉ trứ tượng giấy bị rách, tượng cement vị bể mới thay đổi tượng mới. Bạn xây nhà mới, thỉnh thêm tượng Tây phương Tam thánh càng quý, còn lại không nên bỏ tượng cũ.

Lễ bái ngũ bách danh Quan Thế Âm Bồ tát

Quan Âm Tu Viện là trú xứ mang danh hiệu Quan Thế Âm Bồ tát, thánh tháp Huyền diệu Quan Thế Âm là biểu tượng Quan Thế Âm. Mỗi năm Đạo tràng Phật tử Ngọc Trang, Thị xã Thuận An ấn tống 3.000 tượng Quan Thế Âm tại Quan Âm Tu Viện, Nhứt Nguyên Bửu Tự và Tổ đình Thanh An, núi Sập, huyện Thọai Sơn, tỉnh An Giang.

Đến ngày 19 tháng 02 âm lịch, lễ vía Bồ tát Quan Âm xuất gia. Ngày 19 tháng 6 lễ vía Quan Âm thành đạo, 19 tháng 9 lễ vía Quan Âm niết bàn, Ni trưởng Viện chủ Quan Âm Tu Viện tổ chức lễ bái ngũ bách danh Quan Thế Âm Bồ tát, dành cho 1.000 Tăng Ni, Phật tử Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước tập trung tham dự lễ bái từ 19 giờ đến 22 giờ.

Lợi ích lễ bái ngũ bách danh Quan Thế Âm làm cho thân tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng thanh thản, chướng sâu tội nặng thảy đều tiêu tan, trí huệ tăng trưởng bồ đề tâm kiên cố, chí tu học vững bền, bồ đề tâm bất thối chuyển. Các căn thân bệnh họan thảy đều tiêu tan, những bệnh có nhiều chướng duyên thuộc thân bệnh, ác tâm tiêu trừ,các lòai quỷ dữ không phá họai bản thân hành giả lạy ngũ bách danh Quan Âm Bồ tát.

Khai kinh tụng chú Đại bi

Khóa lễ Đại bi tụng danh hiệu Quan Thế Âm Bồ tát đảnh lễ Quan Thế Âm Bồ tát, xưng tán Quan Thế Âm Bồ tát tụng niệm Quan Thế Âm Bồ tát, quán tưởng Quan Thế Âm Bồ tát, cầu nguyện Quan Thế Âm Bồ tát. Tại Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa Đức Tôn sư khai đàn Đại bi từ ngày 19 tháng hai năm Nhâm Tý, 1972 chư Tăng Ni tụng thần chú cho đến hôm nay. Mỗi tháng khai khóa tụng thần chú vào ngày mùng 7 âl, chư Tăng Ni, Phật tử tập trung tụng niệm ngày đêm 24 giờ trên 24 giờ đến ngày 14 âl kết khóa.

Khóa tụng chú Đại bi có giá trị tâm linh thu nhiếp các pháp vốn huyễn hóa, không tự tánh, ngự phục nhãn nhĩ tỷ thiệt thân khẩu ý, giúp cho hành giả tụng niệm giảm lần tham sân, si đến khi chứng quả. Khóa tụng chú Đại bi là đàn cầu nguyện cho vạn gia bá tánh an cư lạc nghiệp, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, cầu nguyện cho môi trường sinh thái trong lành xanh tươi, tinh khiết, giảm stress, giảm các bệnh tâm lười biếng giải đãi, nhút nhát, sợ hãi, giảm các bệnh thân bệnh kinh niên khí huyết suy hao, độc trùng phá họai, tinh thần suy nhược hiệu quả

Trong kinh Đại bi Tâm Đà Ra Ni có bài kệ mà Sư phát nguyện, đọc tụng từ năm 1970, như sau để tôn vinh hạnh nguyện của Bồ tát Quan Âm

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con mau biết tất cả Pháp.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được trí tuệ lớn
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau độ các chúng sanh.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được phương tiện khéo
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau lên thuyền bát nhã.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm vượt qua biển khổ.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau được Giới Định Huệ
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm lên non Niết Bàn.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau về nhà Vô Vi.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm đồng thân Pháp tánh.
Nếu con hướng về nơi non đao,
Non đao liền tự sụp đổ
Nếu con hướng về lửa nước sôi
Nước sôi liền tự khô tắt
Nếu con hướng về địa ngục,
Địa ngục liền tự tiêu tan.
Nếu con hướng về ngạ quỷ,
Ngã quỷ liền tự no đủ.
Nếu con hướng về Tu la,
Tu la liền tự điều phục.
Nếu con hướng về súc sanh,
Súc sanh được đại trí tuệ.

Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát (3 lần)

II. Ý nghĩa chuông mõ

Thờ thì phải biết ý nghĩa, sử dụng pháp khí thì phải thấy giá trị của pháp khí Phật. Pháp khí là tượng Phật, dụng cụ thờ phượng, chưng đèn, lư hương, bình hoa, tích trượng, phát trần, chuông gia trì, mõ gia trì, trống công phu, trống sấm, đẩu, kiểng, đại hồng chung.v.v.. vật thờ phượng đều gọi là pháp khí.

Rất nhiều vật thờ mà chúng ta cần phải biết ý nghĩa khi thờ phượng, nay sẽ giảng cụ thể vế pháp phí “chuông mõ” là vật dụng cần thiết để danh cho nhà Sư, Phật tử tụng kinh niệm Phật. Đại chúng tụng kinh niệm Phật mà không có chuông mõ thì khó mà tụng cho điều hòa. Chuông mõ là nhạc khí, cung cấp âm điệu trầm bỗng, nhạnh chậm giúp đại chúng tụng niệm điều hòa, không bị so le tiếng tụng niệm.

Hầu hết các chùa Phật Giáo ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, những chùa thuộc hệ thống Bắc truyền, các môn phong pháp phái Cổ truyền, Thống nhất, cũng như các chùa trong Tịnh Độ Non Bồng đều có tôn trí và sử dụng một số loại thuộc pháp khí như chuông, mõ được dùng để trang nghiêm đạo tràng, hoặc thêm phần sắc thái lễ nhạc trong lúc tụng kinh, lễ sám, thuyết pháp… Những loại này xuất hiện từ hồi nào? Nhằm mục đích gì? Làm tu sĩ xuất gia hay cư sĩ, nói chung người tu Phật không ai có thể nói không hiểu biết ít nhiều gì về chuông, trống, mõ trong chốn thiền môn. Những nhà tu thiền tuy không sử dụng âm thanh sắc tướng, mõ chuông, nhưng không thể nói là không hiểu biết gì về chuông mõ là dụng cụ pháp khí Phật pháp có từ ngàn xưa. Làm nhà du Tăng Khất sĩ, du Tăng hóa đạo, thuyết pháp giảng kinh pháp, tế Tăng độ chúng, ở Tịnh xá không có pháp cụ nầy, nhưng cũng không xa rời sự hiểu biết về chuông, mõ và một đôi khi vẫn có sử dụng, trong một số nghi lễ phổ thông…. Pháp khí có nhiều loại: loại để trang nghiêm, loại để cúng Phật, loại để báo thời. Khí cụ dùng để báo thời gian trong tự viện gọi là kiền chùy. Theo các bản Kinh, Luật đã được dịch, kiền chùy là từ chỉ chung cho các loại chuông, mõ.

Chuông

Là lọai nhạc khí, được phát hiện tại Trường An (khoảng 1000 năm trước tây lịch, thời Châu Chiêu Vương) thuộc loại sớm nhất tại Trung Quốc. Phật giáo Trung Hoa đã đưa chuông vào các tự viện lúc nào, hiện nay chưa tìm ra tài liệu khẳng định. Tuy nhiên, để tạm truy nguyên nguồn gốc của chúng có thể dựa vào một số tài liệu. Trong Đại Chánh tân tu Đại Tạng kinh ghi rằng vào đời Lục Triều (420-479) đã có nhiều lầu chuông. Năm Thiên Hòa thứ năm (566) đời Bắc Châu, bài Nhị giáo chung minh được khắc trên ba đại hồng chung lớn nhất thời bấy giờ. Hai trong ba cái này được đúc vào năm 579 và 665 tây lịch. Sách Tục Cao Tăng truyện ghi năm thứ năm đời Tùy Đại Nghiệp (609), Ngài Trí Hưng nhận lo việc chuông tại chùa Thiền Định ở kinh đô Trường An. Trong khoảng thời gian này trở về sau, Bắc Châu không ngừng đúc hồng chung để an trí trong các tự viện. Thời xưa có hai loại chuông được sử dụng trong các tự viện:

Một là Phạn chung, cũng gọi là "đại chung", "hồng chung", "hoa chung" hoặc "cự chung". Chuông này được đúc bằng đồng xanh pha ít sắt. Thông thường chuông cao khoảng 1.5m, đường kính khoảng 6 tấc. Loại này treo trong lầu.

Hai là Chuông, mục đích thỉnh chuông là để chiêu tập đại chúng hoặc báo thời sớm tối. Người Việt nam thường dùng từ "đại hồng chung" chỉ cho loại chuông thật to, gần như không còn có quy định cụ thể là lớn nhỏ bao nhiêu nữa.(Trích sách Pháp khí Thiền môn 2009, Chuông Mõ Trống - HT Thích Giác Quang, trang 6). Trước khi đánh chuông, niệm bài:

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới

Thiết vi u ám tất giai văn

Văn trần thanh tịnh chứng viên thông

Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác

Văn cung thinh phiền não khinh

Trí huệ trưởng bồ đề sanh

Ly địa ngục xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật độ chúng sanh

An Dà Ra Đế Dạ Ta Bà Ha

(Kinh Tam Bảo – Hồng Tại Đoàn Trung Còn)

Mõ

Cũng là nhạc khí dùng để làm lễ tụng niệm, gõ trường canh cho đều tay, giúp cho tiếng tụng kinh của đại chúng tụng đúng nhịp kinh, hòa âm đại chúng. Tụng kinh với đại chúng thì phải tụng thật chậm điều hòa, không nhanh lắm mà rối lọan đại chúng. Muốn tụng nhanh khi nào tụng cá nhân đều được. Tuy nhiên, tụng kinh mà tụng nhanh thì chẳng hay ho gì, mà đại chúng còn cười bảo là Thầy tu không biết tụng kinh, không biết dẫn chúng tụng kinh.

Mõ có 2 loại: Một là loại hình con cá thẳng dài treo ở nhà kho, nhà ăn đến lúc dùng cơm cháo gõ nó để báo hiệu. Hai là loại hình con cá có vảy cuộn tròn, khi tụng kinh thì đại chúng Tăng Ni gõ lên mình nó.

Sách Tham Thiên đài Ngũ Đài Sơn ký (quyển 3, Tống Thần Tông Hy Ninh năm thứ 5 ngày mồng 8 tháng 8) ghi: Trong chùa Thanh Thái có thờ tượng Ngài Phó Đại sĩ, vị Trưởng lão viện chủ đánh mõ chiêu tập các vị tu hành, vị ấy chính là Ngài Phó Đại sĩ... Thời đó, Ngài muốn gặp các vị tu đầu đà nơi cao sơn, chỉ gõ mõ, chư vị nghe xong tiếng mõ ấy liền đến. Sau đó, các tự viện lớn nhỏ dưới chân núi đều dùng mõ để tập hợp đại chúng. Lại có người cho rằng mõ là do Sa môn Chí Lâm đời Đường tạo ra, nhưng do sự hạn chế của sử liệu chứng minh, điều này khó thuyết phục mọi người.

Ngoài ra, sách “Tăng Tu Giáo Uyển Thanh Quy” (quyển hạ, phần Pháp khí) ghi lại truyền thuyết: có một vị Tăng do phản Thầy, hủy pháp mà bị đọa làm thân con cá, trên lưng nó lại mọc một cái cây, mỗi khi sóng gió thổi đến, khiến thân ra máu, thật thống khổ vô cùng. Một lần nọ, Thầy Bổn sư qua biển, nhân đó nó muốn gây nợ liền nói rằng Thầy không dạy để nó phải mang chịu làm thân cá thế này, do đó nên nay nó muốn báo oán. Thầy hỏi nó tên gì, liền được trả lời tên là Mỗ... Giáp... Thế rồi, thầy bảo sám hối, ngày đêm ấy nó thoát thân cá, đồng thời đem cây ấy bỏ trong chùa, Thầy lấy đẽo thành hình con cá và treo lên để cảnh thức đại chúng.

Ngoài ra còn có loại mõ tròn mà ngày nay dùng có thể là pháp khí có từ đời nhà Minh. Sách Sắc Tu Bách Trượng thanh quy, chương Pháp khí nói khi dùng cơm, khi phổ thỉnh Tăng chúng... đều gõ nó. Từ đây có thể hiểu lúc đầu mõ dài được dùng để tập hợp Tăng chúng. Nhưng vì sao cả hai loại mõ đều lấy hình dáng con cá? Sách Sắc Tu Bách Trượng thanh quy nói rằng tương truyền loài cá suốt ngày đêm đều tỉnh, nên khắc hình con cá để mỗi khi gõ vào nó nhắc nhở Tăng Ni tỉnh thức, chớ có hôn trầm, giải đãi. (Trích sách Pháp khí Thiền môn 2009, Chuông Mõ Trống - HT Thích Giác Quang, trang 14). Khi tụng niệm phải đọc bài chú khai mõ

Khai mõ nhỏ

Mộc ngư cao hứng đả tam thanh

Văn pháp Như Lai hộ hộ kinh

Tam chuyển động am thông tam giới

Quán bất quán bồ đề tối thượng tâm

Án Yết Đế, Yết Đế Ta Bà Ha

Chuông mõ cũ có nên đổi không:

Phật pháp khí thuộc văn hóa Phật giáo, đượm nét mỹ thuật Phật giáo, tụng niệm là duy trì nét mỹ thuật tín ngưỡng Phật, trong đó còn có nét văn hóa truyền thống, văn hóa tụng niệm, ca tụng tán. Nếu chuông mõ còn lành lặn thì giữ nguyên không đổi, vì chuông mõ trên bàn thờ Phật là pháp khí vĩnh viễn, nên giữ kỹ làm sao cho không bị hư họai, kéo dài thọ mạng chuông mõ nhiều chừng nào quý báu chừng đó. Không nên hủy hoại cho mau hư để đổi mới. Việc tu hành pháp khí cũ lâu năm chừng nào quý chừng đó. Trường hợp có nhơn duyên, có dư chuông mõ thì giúp bạn bè, thì chia sẻ lại cho bạn đồng tu cũng rất tốt, có nhiều công đức. Tuy nhiên, không nên chia sẻ chuông mõ cũ. Chuông mõ cũ có nhiều công đức, nếu không hư bể Bạn nên sử dụng không nên bỏ, tìm mua chuông mõ mới uổng phí công lao tu hành, chú niệm trong đó. Mua chuông mõ mới sử dụng ít có công đức, không làm cho Bạn tinh tấn trong hành trì kinh kệ chút nào.

Nếu chuông mõ trên bàn thờ Phật của Bạn quá cũ, hư bể Bạn có thể mang vào chùa xin gởi vị Trụ trì nhờ làm phép xả. Như ở Quan Âm Tu Viện luôn nhận các pháp khí hư bể để nhập vào núi non, nhập tháp, nơi không ai qua lại, lỡ đạp thì không nên.

Lễ an vị Phật tại gia

Cư sĩ xây nhà, sửa nhà, thỉnh cốt tượng Phật mới, thay đổi tượng Phật phải thưa với Thầy Bổn sư, nhờ Thầy định đoạt việc phụng thờ như thế nào. Không nên tự ý sắm Phật nhiều quá, khiến cho tinh thần Phật tử nặng nề không biết tính toan thờ phượng ra sao? Trường hợp Thầy Bổn sư ở xa, hoặc Thầy đã viên tịch thì được phép tham vấn vị Thầy “đứng tuổi” khác để được hướng dẫn cho đúng. Sau khi tôn trí xong, thỉnh Thầy về nhà để tác pháp làm lễ an vị Phật, việc Phật sự nầy sẽ do Thầy hướng dẫn các Bạn thực hiện, nhưng đơn giản nhiều chừng nào hay chừng nấy, không nên tổ chức cúng kiếng linh đình rườm rà, hao tốn tiền của vô lý. Miễn là sự phụng thờ đầy lòng tôn kính Tam bảo, là tròn bổn phận Phật tử; ngoài ra còn chú ý đến việc thực hành tu tập thì rất tốt, nghi lễ nhiều thì trí huệ lu mờ. Ít có sự sáng suốt trong hình thức thờ phượng, trong khi Phật giáo không quan trọng về hình thức.

Pháp khí trên bàn có cũ xưa

Cũng từng tụng niệm sớm với trưa

Không nên hủy họai làm hư bể

Đổi mới sao bằng mõ chuông xưa.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Nên Đổi Chuông Mõ Cũ Không? Lễ An Vị Phật Như Thế Nào Cho Đúng?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com