VẤN: Con đọc báo thấy ở một số nước, như ở Nhật Bản vì đất chật người đông và để thuận tiện trong việc cúng tế, người chết được thiêu và cất tro cốt. Họ xây những ngôi nhà rất lớn để cho người thuê mướn thờ tro cốt và khi nào muốn đến thăm viếng họ lại dùng hệ thống máy móc hạ xuống như thang máy đến trước nơi cho người thân thắp nhang, cầu nguyện. Rồi ở một số nước, khi đến các buổi lễ cúng cầu an cầu siêu lớn, thay vì phải viết bài vị lên giấy hoặc sớ, họ thiết lập bài vị trên máy tính, mỗi người tự điền tên họ vào đó, đến giờ cúng, các bài vị cứ chạy, hiện lên rất lớn trên màn hình để mọi người cũng như gia đình ấy biết và thầy chủ tế đọc theo bài vị ấy. Con cảm thật là tiện lợi, bảo vệ môi trường và đỡ phải lo lắng về vấn đề chăm sóc mồ mả, không lãng phí giấy tờ viết bài vị rồi đốt đi, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc áp dụng phương tiện hiện đại như vậy là có phần bất kính, sống ảo, đi ngược lại với tinh thần Phật giáo, làm cho con người mất đi cảm giác và cúng tế như vậy là không có hiệu quả. Xin Sư khai mở giúp con vì con cũng đang dự tính làm như vậy với gia đình.

ĐÁP:

I . Nhân sinh quan

Con người được sanh ra và chết đi, truyền nối nhau từ đời nầy sang đời khác trên hành tinh nầy cho đến nay là 4,54 tỷ năm (tuổi của trái đât - Bách khoa toàn thư). Việc sống việc chết xảy ra hằng ngày và lên tục, không ngừng. Sự sanh như sự tử, sự vong như sự tồn mọi người phải lo chạy đôn chạy đáo, lo cho lúc sanh ra, lo cho lúc sống, lúc già, lúc bệnh và lúc chết. Đặc biệt là khi sanh ra nội ngoại tương tề ai ai cũng phải lo chạy, chỉ việc đặt tên thôi cũng quan trọng lắn rồi làm cho hai họ nội ngọai phải xúm nau mà lựa cho khỏi trùng tên, sợ kêu trùng tên người trên trước mà “mang tội” nhưng đến khi khôn lớn lo liệu cho cuộc sống, lo cho già, bệnh chết thì lo chạy đủ điều, mọi việc phải được đáp ứng cho nhu cầu bản thân thỏa mãn, cho đến khi chết mới an lòng.

Trong lúc sanh tiền con người bươn chảy, vật lộn với thiên nhiên, tìm kiếm đủ điều đủ cách để phục vụ cho bản thân. Lợi dụng cộng đồng để lo cho bản thân, lợi dụng thiên nhiên mà lấy tài sản chung làm của riêng. So sánh nhau trong giàu nghèo, hơn nhau từng vị trí xã hội, ghét thù nhau vì người có tài sản, người không!

Nhà trí thức, bác học thì lo cho lý tưởng của mình, ngày càng có xu thế muốn mọi người phải theo mình, mình là đúng là phải, là chơn lý. Nhà làm tôn giáo lo về phần tinh thần, đem đến sự an lạc cho con người trong cuộc sống. Nhà khoa học thì tìm tòi những mớ vật chất vàng bạc, ngọc ngà châu báu, được lấy ra từ trong lòng đất để phục vụ cho mọi người, cũng có khi là độc dược, khí uranium phục vụ cho một ít người bảo vệ quyền thế, trang giành ảnh hưởng quyền bính trong tay, đem bom đạn trút xuống nhân dân thề giới, những người không phục tùng lý tưởng của họ.. Nhà làm nông thì phát huy thế mạnh của mình trên mặt đất để làm ra lương thực, thực phẩm phục vụ cho đời sống vạn gia bá tánh.

Đến khi chết là quan trọng hơn cả, gia đình có bao nhiêu tiền, đem vóc hết hồ bao lo cho người chết, làm sao cho người đã qua được yên mồ yên mã muôn đời, có một số thầy địa lý xem phong thủy chôn cất, một số người lo mai táng. Nhà làm tôn giáo tiếp tục lo phần tâm linh cho người chết.

Việc sanh, lão, bệnh, tử là một bài bản “gối đầu giường” ngàn đời, luôn đi sát cánh cùng với đời sống con người, những lúc vui buồn, khổ đau, vui khỏe đều có sanh, lão, bệnh, tử...đó là chơn lý mà Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy để trành bớt, tức là con người cũng cần có đạo đức, cần có sự tín ngưỡng tâm linh để giảm stress, sự vội vã và sống vời tư duy nhiều hơn thụ hưởng, cho đến khi chết.

Theo sách Phật Học Tinh Yếu của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm thì con người sống trên thế giới ta bà có kiếp tăng kiếp giảm, kiếp tăng con người sống 84.000 tuồi, sống sung sướng, ở kiếp giảm thì tuổi thọ chỉ còn 10 tuổi là chết, cuộc sống chật vật nhiều khổ đau. Như vậy con người chúng ta hiện nay đang sống ở kiếp giảm, con người đang ở thời kỳ sống được 100 tuổi mới chết và cuộc sống giảm dần cho đến 90, 80, 70, 60 khi chỉ còn 10 tuổi là tuổi thọ, rồi tăng dần cho đến khi tuổi thọ là 84.000 tuổi lúc bấy giờ Đức Phật Di Lặc ra đời giáo hóa chúng sanh tại Pháp hội Long Hoa. Cho chúng ta thấy rằng sự sanh diệt trong thế gian, kiếp sanh tử luân hồi luôn rình rập, không bao giờ buông tha chúng ta đó, tức là có sanh ra và tất có chết. Trong dương gian thường nói dù sống lâu như ông Bành Tổ 800 tuổi thọ nay thời còn đâu?

Việc an táng cho người qua đời

Theo tập tục người Việt Nam thì người mới tắt hơi thở thì gọi là tắt thở, chết. Cho đến khi “mãn khó” thì gọi là đã qua đời, đã mất, từ trần, khuất, lâu nữa thì gọi là khuất bóng...Trong giới Phật giáo gọi là quy tây, quá vãng, tu sĩ gọi là viên tịch; đối với chư vị Tổ sư gọi là tịch, đối với Đức Phật gọi là thị tịch, niết bàn, bên hệ phái Khất sĩ gọi là Tổ sư vắng bóng.. Việc an táng cho người qua đời ở mỗi quốc gia, do môi trường, thời khí, nên phong tục tập quán có khác.

Các quốc gia Phật giáo Nam tông thì xây lò thiêu hỏa táng, nhập tháp.

Thiên Chúa Giáo, Tin lành an táng chôn cất

Hồi giáo, Chăm Bàni, Chăm Awat an táng thổ táng chôn cất, 2 năm sau đó cải táng đem chôn lại nơi khác.

Bà la môn giáo, Ma chay: người Chăm Bà la môn có hai hình thức đưa người chết về thế giới bên kia là thổ táng và hoả táng. Nhóm cư dân theo đạo Ba la môn thường hoả táng theo giáo luật, còn các nhóm cư dân khác thì thổ táng. Những người trong cùng một dòng họ thì được chôn cất cùng một nơi theo huyết hệ mẹ (Thư mục chuyên đề Văn Hóa Chăm - trang 5)

Ở Ấn độ có nhiều hình thức an táng, hoả táng thiêu đốt xác, thủy táng và đem hài cốt đã thiêu thả trôi trên dòng sông Hằng.

Đạo Parsi làm lễ không táng, tức là ở mỗi thôn xóm, tụ lạc, khu vực đông dân cư, có làm 3 đài không táng, mỗi đài cao 12 mét, khi có người qua đời, làm lễ xong, đội mai táng đưa thi hài người chết lên đài, nam đặt theo nam, nữ đặt theo nữ, trẻ con đặt theo trẻ con, nhân đó kên kên diều hâu đến ăn thịt người chết cho đến khi chỉ còn bộ xương (Á châu huyền bí - Đoàn Trung Còn)

Tây Tạng không có đất để chôn, không có củi để hỏa táng, do đó có tập tục làm lễ “điểu táng” cho người chết. Khi có người chết, sau khi làm lễ ma chay xong, đội mai táng đem người chết ra để giữa rừng, mổ tim, mổ gan, tỳ phế thận, phân ra từng bộ phận cho các chim lớn đến ăn trước. Sau đó người ta dùng dao bầm thịt người chết dành cho các loài chim nhỏ ăn cho đến khi hết phần thịt, chấm dứt lễ táng dành cho một người. (Á châu huyền bí - Đoàn Trung Còn)

Tai một ngôi làng có 10.000 dân, gần Thủ đô Manila, Philippines xây kim tỉnh dành cho người chết bằng bê tông cốt thép rất chắc chắn, có điều sau khi làm lễ an táng người chết xong, một số người “giữ mộ” đến moi xác chết ra khỏi kim tỉnh, rồi đem hài cốt phơi khô và phó thác cho trời đất ở một nơi ít ai thấy và nghĩ đến, như mái nhà, bãi biển, một cái hầm. Kế đến người ta sửa sang nhiều kim tỉnh nối nhau thành 1 căn nhà ở, sơn phết quét vôi sạch sẽ, cư trú vĩnh viễn sanh con đẻ cái nối nghiệp “giữ mộ” từ đời nầy sang đời khác (trích từ hình ảnh Yotube và bình luận Published on Apr 16, 2012)

Đất nước Lào, Campuchia, Srilanca, Myanmar người chết thì được hỏa táng. Ngày nay ở Nhật Bản tuy chưa phải là quốc gia quốc giáo Phật giáo, nhưng đối với người qua đời thì chính phủ chủ trương hỏa táng, đem tro cốt để vào một cái hộp và thờ ở một nghĩa trang lớn nào đó, đến ngày tưởng niệm, gia đình đền dâng hương, cúng bái tại nghĩa trang. Ở Vương quốc Lào khi có người chết, tang quyến làm lễ tang bằng cách đem người chết đặt giữa đồng ruộng, chất củi thật nhiều đủ đốt cháy thây chết thành tro. Sau đó tang chủ trở vào nhà sắm sanh rượu thịt đãi họ hàng thân quyến, ăn uống vui say 3 ngày; đến ngày thứ tư trở lại nơi người chết nằm châm lửa hỏa táng, thu hài cốt tro gởi vào chùa phụng thờ (Phật giáo Lào- Địa lý Việt Nam và thế giới Lớp 12-năm 1970)

II . Lễ cầu siêu, cấu an

Lễ cầu siêu cầu an và các lễ nghi cúng kiếng, các nguyên tắc tòng lâm quy chế cũng đã được Tổ sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814), nối thạnh dòng pháp Mã Tổ Đạo Nhất. Ngài có biên soan bộ Thanh quy Bách Trượng được lưu truyền cho đến ngày nay, khi làm Tăng Ni ai cũng phải học phải biết để thực hiện. Trong bản Thanh quy không nhắc đến từ ngữ cầu siêu cầu an, nhưng Tổ sư có dạy cách làm lễ Kỵ Tiên Thánh, cúng giỗ cha mẹ (cầu siêu) lễ cầu mưa, cầu dứt mưa, cầu cho sâu không ăn lúa, cầu tho phóng sanh (cần an)

Cầu siêu cầu an là sinh họat nghi lễ tín ngưỡng trong cộng đồng người con Phật, có sự pha trộn tín ngưỡng dân gian từ các triều đại nhà Lương, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Thanh bên Trung Hoa và các triều đại Việt Nam từ thời nhà Lý đến nhà Nguyễn. Do kết hợp nhu cầu tín ngưỡng dân gian và tôn giáo nên có các lễ cầu siêu cầu an trong nhà chùa hay tại gia đình Phật tử và hiện nay thuộc về nghi lễ chính thức phổ thông tại các chùa. Riêng lễ “ký an”, lễ cúng “cô hồn” vẩn còn được trong dân gian tổ chức cúng kiếng thật linh đình tại các Mtễu Bà, Đình làng, Miễu tiên sư , làng quê Việt Nam, nên có bài thơ:

Quê ta đó giờ đây bao kỷ niệm

Mái chùa xưa còn vẳng tiếng kệ kinh

Đình rêu phong nhưng gợi nhớ thâm tình

Bao kỷ niệm ôi bao điều mơ ước

(Giác Quang thi tập 2)

Tuy nhiên, trong thế giới Phật giáo về mặt giác ngộ tu chứng, theo sách “Đức Phật và Phật Pháp” của Đại Đức Narada biên sọan; sách Phật lý căn bản của Hòa Thượng Thích Huyền Vi biên soạn, trong đó có đọan nói về tôn giáo: "Đạo Phật không phải là một tôn giáo, vì tôn giáo là một tổ chức tín điều bắt buộc con người phải tin theo, tổ chức thờ phượng cúng kiếng linh đình, lập đi lập lại một bài kinh...”, trải suốt mấy ngàn năm vẫn đọc như thế mà không bao giờ có sự giác ngộ...Đạo lý nhà Phật là đạo giác ngộ giải thoát, sự siêu thoát phải xuất phát từ sự rèn luyện tâm tánh tu hành, đạt đến trí tuệ rốt ráo, chính đó mới là sự siêu thoát thật sự mà không qua các hình thức nghi lễ tụng kinh cầu nguyện.

Về mặt tín ngưỡng trên tinh thần hội nhập, Phật pháp bất ly thế gian pháp thì các nghi lễ cầu an xưa nay tuy mang nhiều sắc thái hình thức rườm rà, dù có hao tốn bao nhiêu nhưng hầu hết các gia đình không bao giờ chịu giảm bớt việc cúng kiếng, không giảm hình thức.

Việc các Bạn góp ý cho các lễ cúng, quý Thầy có chế tác cúng kiếng, dâng sớ điệp bằng điện tử giảm tốn kém vật chất, không phải sắm sanh nhiều lễ vật, giấy tiền vàng mã (hành vi mà Phật không cho phép) cúng xong rồi đốt quá tốn kém. Đứng về mặt hoằng truyền, Sư nhận thấy đàng nào cũng hao tiền tốn của không hơn không kém, thậm chí cúng kiếng bằng điện tử còn hao tốn và siêu hơn, mọi người không thấy biết đó thôi! Khắp khuyên, việc nào Đức Phật không cho phép thì không làm, không làm thì không tốn kém.

Cầu siêu

Theo Phật giáo Bắc tông, trong kinh Vu Lan xưa có nói: "Bồ tát Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Đức Phật, ngài là một người đệ tử có thần thông sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng thần thông để tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở. Quá thương cảm, xót xa Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng trong 3 tháng an cư kiết hạ. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cầu nguyện, mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ được siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Từ đó, người dân thường tổ chức lễ cầu siêu cho người thân đã khuất...”

Mẹ cha bệnh mà không tác lễ cầu an, người thân qua đời mà không làm lễ cầu siêu, đối với đời có cái gì đó mất mát trong cuộc sống của chúng ta và gia đình, mất dòng mất giống, có cái gì đó luôn gợi nhớ, ta mất đạo đức chăng?, mất cả cuộc đời, bất ổn xao xuyến phải không Bạn?

Tại xã Hóa An, Biên Hòa có Bà Mẹ tên...... sanh hai cháu, một trai tên......, một gái tên......, cháu trai 22 tuổi, cháu gái 20 tuổi, cả 3 đều là công nhân hãng giày Puchen Hóa An và ở nhà trọ. Một ngày mẹ bệnh, 2 cháu không kịp và không biết chạy lo thuốc thang. Mẹ qua đời, các con không có tiền làm ma chay. Anh Chị Em công nhân kẻ ít người nhiều góp công, góp sức ủng hộ 2 cháu mua áo quan làm lễ tang cho Mẹ và sau đó đem về thờ tại Quan Âm Tu Viện (phụng thờ miễn phí). Không có tiền nhiều để lo cúng kiếng cho Mẹ, nhưng mỗi lần cúng, các cháu gởi đến 500.000 đồng, Sư không nhận và hứa giúp đỡ các cháu cúng kiếng đến khi mãn tang Mẹ và các lễ giỗ chạp. Câu chuyện cho chúng ta thấy với tấm lòng hiếu đạo của người Việt, dù nghèo bao nhiêu, nhưng việc cúng kiếng cho người thân yêu qua đời vẫn không sợ tốn hao đó các Bạn.

Cầu an

Theo Phật giáo Nam tông thì từ thời Đức Phật sanh tiền không có lễ trai đàn cầu siêu cho người chết (Ngài Đạo An), không có lễ cầu an cho người bệnh họan. Trong Kinh Tạp A Hàm, kinh Sai Ma thứ 103 lúc bấy giờ có Tôn giả Sai Ma lâm bệnh, giáo đoàn không có tổ chức lễ cầu an, mà Phật sai Tôn giả Đà Sa có trách nhiệm về Y bệnh tới lui thăm viếng ủy lạo, an ủi, cho uống thuốc, thường xuyên chuyển lời của chư Tôn giả đến thăm Tôn giả Sai Ma, vấn an sức khỏe, giảm bệnh chưa, Tôn giả khỏe không? Mỗi ngày tới lui thăm viếng nhiều lần, thuyết giảng pháp vô thường, khổ, vô ngã cho Tôn giả Sai Ma nghe cho đến khi Tôn già hết bệnh (kinh Tạp A Hàm, quyển 5, HT Thích Minh Châu dịch, Tv Vạn Hạnh xuất bản, bản đánh máy năm 1978).

Vào những năm 1960 - 1967, khi còn ở tu chung với quý Sư bên giáo đoàn hệ phái Khất Sĩ Việt Nam. Quý Sư vẫn còn thực hiện công hạnh thăm bệnh như thời Đức Phật, bài chú thăm bệnh như sau:.

Âm:

Kiến tật bệnh nhơn

Đương nguyện chúng sinh

Tri thân không tịch

Ly oai tránh pháp

Nghĩa:

Thăm người bị bệnh khổ đau

Cầu cho tất cả chúng sanh

Hiểu thân tổ hợp vô ngã

Xa lìa các loại đấu tranh.

Lòng hiếu như là một đại lễ cầu an

Xưa có gia đình thật giàu có, sau do thân bằng quyến thuộc phá hại sang đọat hết tài sản, nên ông bà trở thành nghèo khó. Tuy nhiên do có gieo trồng phước đức nhiều đời nên đứa con trai xin theo Phật xuất gia trở thành vị Tỳ kheo. Tỳ kheo trẻ hiệu là Sàma tuy tu nhưng thấy cha mẹ khổ quá nên hằng ngày đi khất thực cháu cơn vừa nuôi thân mạng, vừa nuôi cha mẹ. Dân tình khắp phố phường thấy vậy ngày nào cũng lo cúng dường cho vị Tỳ kheo Sàma khất thực nuôi cha mẹ. Các Tỳ kheo khác khất thực thì quá ít người cúng dường, các vị bèn bạch lên Phật, Phật đã chẳng những không quở phạt mà còn tán thán công đức, cho phép vị Tỳ kheo Sàma làm việc hiếu dưỡng, phụng thờ cha mẹ, Ngài dạy:

”Những vị xuất gia ngày nay, vị nào muốn phụng dưỡng cha mẹ các nhu cầu vật chất tối thiểu cho cuộc sống như ăn, mặc, ở… thì cung thỉnh cha mẹ lên chùa và thành tâm chăm sóc, kính thờ “những vị Phật ở đời”. Mặc dù cốt tủy của tinh thần hiếu đạo, theo kinh Tăng Chi Bộ I, là: “Này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho mẹ và cha” nhưng phụng dưỡng cha mẹ về vật chất, việc dễ làm và thiết thực nhất, luôn được Thế Tôn tán thán, khích lệ. (Kể theo kinh Tiểu Bộ X - Chuyện hiếu tử Sàma)

Lòng hiếu thảo của Tỳ kheo Sàma đã chẳng những không phạm giới, mà còn được Phật tán thán, khuyến giáo cho phép khất thực nuôi cha mẹ, như tiền thân của Phật có một thời Ngài cũng làm như thế đó là một đại lễ cầu an thật sự bằng tấm lòng của chính người con trai hiếu đạo.

Ý kiến của các Bạn là phù họp và lợi ích thiết thực

Theo Phật giáo, đối với các quốc gia Phật giáo Nam tông thuộc quốc giáo và Nhật Bản thì không bàn, đã chẳng những không bàn mà còn tán thán công đức “dân tộc tiến bộ văn minh.” Các quốc gia theo Phật giáo Bắc tông thì không có chủ trương lập thành quốc giáo, chưa có sự thống nhất về việc chôn cất người chết, tất cả tùy thuận vào tập tục của con người quốc gia đó, như Trung Quốc, Việt Nam rất nặng về đạo hiếu, làm gì thì làm phải dành phần đất cho người chết, làm sao cho mồ yên mã đẹp, chôn cất người chết, nhất là thuộc về ông bà, cha mẹ để chứng tỏ làm con cháu có hiếu đạo, làm cho nở mặt nở mày mẹ cha dòng họ, ngược lại là bất hiếu, người đời dèm pha chê bay nặng nề.

Đành rằng cũng có những gia đình con cháu bất hiếu đào mồ mã ông bà cha mẹ đem gởi hài cốt vào chùa, sau đó “bán đất” để phung phí, mặc dù trước đó các gia đình nầy rất có hiếu đạo.

Theo ý tưởng của các Bạn về việc tang chay, cúng cầu siêu đơn giản, làm có khoa học nhẹ gọn, chủ yếu là ở tấm lòng, việc hỏa táng cũng rất phù hợp với Phật giáo và các tổ chức cộng đồng các dân tộc trên thế giới hiện nay đều có một quan điểm chung:

Một là giữ vệ sinh môi trường, không mang lại các bệnh thế kỷ, không còn có cảnh nhân sự tùng sự, bày biện yến tiệc nhậu nhẹt linh đình, hao tiền tốn của gia đình và xã hội.

Hai là tiết kiệm đất dành cho người sống cư trú, như Ấn độ, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Philipin, Anh quốc, các hải đảo...thuộc đất chật người đông

Ba là nếu thiêu hóa thì giảm bớt sự sợ sệt hồn ma bóng uế, sự khủng hoảng về tâm linh, người chết vẫn còn gần gũi nhưng không có sự sợ hãi âm dương cách trở.

Bốn là làm đẹp xã hội, nơi tập trung hài cốt còn là một cảnh quan du lịch làm giàu cho kinh tế địa phương.

Năm là không làm lạc loài lạc dòng họ trong việc cúng kiếng cho con cháu mai sau ...nên thường là đem hỏa thiêu người chết, gởi hài cốt vào chùa phụng thờ, hoặc không táng, thủy táng, một ít vẫn hỏa táng xây nhà mồ để hài cốt, vẫn còn có dịp để báo hiếu báo ân.

Báo ân báo hiếu hàng đầu

Vạn hạnh bồ tát dẫn đầu pháp môn

Trãi bao kiếp số không sờn

Nghĩa tình cha mẹ báo ân muôn đời

Hai vai gánh nặng biển trời

Non mòn biển cạn không vơi hiếu lòng

Ông cha ví tợ núi sông

Nghĩa me như một tấm lòng vô biên .

HT Thích Giác Quang


Có phản hồi đến “Có Nên Áp Dụng Công Nghệ Hiện Đại Trong Các Lễ Cúng Cầu An Cầu Siêu Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com