VẤN: Thưa Sư, theo nhân quả thì người làm ác phải chịu quả ác còn làm thiện sẽ được thiện. Tuy nhiên, nếu những việc làm của những người trong cùng quốc gia có ảnh hưởng đến cả quốc gia và những người khác không? Con đọc lịch sử thấy nước Việt Nam của mình luôn bị ngoại xâm dòm ngó, nhất là Trung Hoa đô hộ đất nước mình, hiện nay làm rất nhiều việc xấu ác với dân mình, bỏ độc chất giết bao nhiêu người và lại muốn chiếm đất nước mình trở lại như ở Hoàng Sa và Trường Sa. Họ lại chiếm đóng Tây Tạng, đuổi các nhà Sư và trong thời cách mạng văn hóa còn phá hết chùa chiền. Nếu họ đã hành xử ác như vậy bao ngàn năm nay vậy là điều không đúng, vậy nhân quả của người dân và đất nước này là như thế nào? Có phải luật nhân quả ở đây là không đúng? Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP:
Nói về nhân quả trong nhà Phật hay ngoài thế gian nói hoài nói mãi không bao giờ hết được về chơn lý tuyệt vời nầy: “gieo nhân nào thì hái quả nấy”, gieo nhân hái quả, “gieo gió gặt bão”, “nhân nào quả nấy”. Có khi gieo nhân kiếp nầy gặt quả kiếp nầy, gieo nhân kiếp nầy kiếp sau mới gặt quả.
Trồng hột (nhân) mận thì có quả mận, trồng hột (nhân) đào thì có trái đào, có khi gieo nhân ít mà gặt lấy quả nhiều, như gieo lúa gặt lúa, trồng xoài được xoài, sát nhân thì đền tội. Như con người có ý ác, làm ác có khi sẽ gặp việc ác đến ngay kiếp nầy; có khi làm ác ở kiếp nầy nhiều kiếp sau mới gặp quả ác. Vì lý do việc ác quá lớn phải chờ đủ yếu tố thời gian tương lai dài, quả báo mới chín mùi quả báo ác mới đến và chắc chắn là “ác lai ác báo” thôi.
Trong Kinh Pháp Cú - phẩm Nhân Quả và Nghiệp Báo, Phật dạy:”Nhân thế nào thì quả thế ấy: Trong giới hữu hình, vật chất hay trong giới vô hình, tinh thần đều như vậy. Nếu muốn có quả cam thì ta phải ươm hạt giống cam; nếu muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Cho đến quả địa cầu cũng thuộc nhân quả, như các nhà khoa học nói những đám bụi xoáy lâu ngày kết tụ thành quả địa cầu, thế nên nhiều hạt bụi là nhân, trái đất là quả v.v... Gieo việc làm tốt tất sau này sẽ thu được kết quả tốt, như chăm học thời sẽ giỏi giang và thi đậu. Gieo việc làm xấu sẽ thu được kết quả xấu, như lười biếng thời sẽ dốt nát, trộm cắp sẽ bị tù tội v.v (Tâm Minh Ngô Tằng Giao - Tạng Thư Phật Học).
Người xưa, dân trí chưa cao, nên cứ mãi tin mọi việc do Phạm thiên định, trời định, khi đã tin vào một lý thuyết cố định như thế, thì con người đầu hàng số mệnh, chịu đau khổ, không có ý chí vươn lên tầm cao mới, nên lúc nào cũng an phận thủ thường, như: nghèo do trời định, đói do trời định, dốt do trời định...thế nên mới khổ.
Con người không tin lý nhân quả, không muốn tin giáo lý nhân quả, nên mới làm chuyện xằng bậy, nếu họ tin giáo lý nhân quả chắc chắn thế giới nầy không có cảnh chém giết lẫn nhau, ôm bom liều chết sát hại cộng đồng dân cư và đồng lọai, dùng bom đạn hủy diệt loài người, dân tộc nầy xâm lăng dân tộc nọ, quốc gia nầy chiếm đất quốc gia kia, làm tổn hại tổ quốc dân tộc, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô..chắc chắn những việc làm như thế bên cạnh đều có luật nhân quả, luật bù trừ không sai môt mảy lông “thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”
Luật nhân quả là chơn lý không bao giờ thay đổi; dù trải qua thời đại nào cũng không thay đổi. Sở dĩ chúng ta tôn vinh lời Phật dạy về nhân quả là chơn lý, là vì trong thế giớiTa Bà nầy là có nhân ắt có quả rồi, mà mọi người không thấy nên Đức Phật phải vạch lối chỉ đường cho chúng sanh thấy, nên gọi đó là chơn lý chắc thật, tức lẽ phải là sự thật, có thật không bao giờ thay đổi.
Các Bạn cũng không phả lo âu việc thế sự, theo giáo lý của nhà Phật với lòng quảng đại vô biên, từ bi hỷ xả vô tận của con nhà Phật, thì người Phật tử Việt Nam lúc nào cũng hướng về quê hương, hoặc cầu nguyện đất nước thanh bình trường cửu, hoặc ủng hộ vật chất cho đồng bào ruột thịt, hoặc góp phần phát triển kinh tế nước nhà, góp phần ổn định và phát triển tổ quốc thân yêu, ngày càng giàu đẹp, chắc chắn chúng ta không phải sợ ai xâm lăng Việt Nam.
II .
Người Phật tử Việt Nam chúng ta không một ai quên bài thơ “Nam quốc sơn hà” hiện còn khuyết danh tác giả, được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Đây là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Bài thơ được cho là bài thơ thần, do thần đọc giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077, bài Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trải năm 1428, bài Tuyên Ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945. Sư xin trích một vài đọan sách để quý vị đọc nghiên cứu:
1/. Nam quốc sơn hà:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Ngữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, Nam đế ở,
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
Năm 981 Lê Hoàn đã sai người ngâm bài thơ trên để hịch tướng sĩ và uy hiếp tinh thần quân Tống. Bằng những trận đánh quyết định ở sông Bạch Đằng, Tây Kết, Lê Hoàn chém được tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo, bắt sống Triệu Phụng Huân, quân Tống thua to chạy về nước.
Năm 1076 Lý Thường Kiệt muốn đánh thắng 30.000 quân Tống xâm lăng nước Đại Việt, Ông cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Đại Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giữ vững bờ cõi nước Đại Việt (trích Bách khoa toàn thư)
2/. Bình Ngô Đại Cáo là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt.
...
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
Triệu Tiết chí lớn phải vong thân;
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét.
Chứng cứ còn ghi.
...
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
(Bình Ngô Đại Cáo - Bách khoa toàn thư)
3/. Bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo, và đọc trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Đây được nhiều người xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba của lịch sử Việt Nam:
“...Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
“...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy...” (trích Tuyên Ngôn Độc Lập - Hồ Chí Minh - trong Bách khoa toàn thư)
Thật sự việc của Sư viết sách là để hướng dẫn Phật tử tu hành, học Phật pháp, không bàn việc chính sự vào đây. Phật tử chúng ta cầu nguyện đất nước thái bình thịnh trị thì được, nhưng chúng ta không nên bàn sâu vào chính sự, chúng ta chỉ có quyền nghiên cứu đọc những bài văn, thơ, bài hịch của các Cụ tiền bối lãnh đạo nhân dân chống ngọai xâm để học tập, giữ vững tinh thần yêu nước, truyền đạt lại cho con cháu mai sau không làm mất bản gốc dựng nước giữ nước của các bậc vãng bối.
Lưới trời thật tế mênh mông
Gieo nhân hái quả không không quả nào
Hỡi ai là bạn tâm giao
Không nên bàn chuyện ông Tàu, Ông Tây
Dùng ái ngữ mà dựng xây
Cầu cho non nước Nam nầy thăng hoa
Ma Ha Bát Nhã Mật Đa
Cầu nguyện tổ quốc an hòa ban ơi
HT Thích Giác Quang