VẤN: Theo con được biết thì giáo lý nhà Phật từ bi, không được sát hại chúng sinh và không nên nạo phá thai. Con đã có gia đình và hiện có hai con. Chúng con đang kế hoạch hóa gia đình để không sinh thêm con nữa. Tuy nhiên, thật sự con cũng cảm thấy phân vân trong việc chọn lựa phương pháp kế hoạch hóa gia đình. Con không thể uống thuốc phòng tránh thai nhằm để tinh trùng và trứng không gặp nhau. Bác sĩ khuyên nên đặt vòng, như thế thì nếu tổ hợp trứng và tinh trùng có thụ thai cũng không thể làm tổ ở dạ con. Nếu phá thai khi mình biết là có thai mang tội vậy việc phòng tránh thai với phương pháp đặt vòng như vậy có đúng không và có mang tội sát sanh không vì con nghe nói thần thức bắt đầu từ khi thụ thai lúc trứng và tinh trùng gặp nhau. Chỉ còn phương pháp cắt ống dẫn tinh hoặc vòi dẫn trứng nhưng chúng con lại không muốn vì phức tạp. Xin Sư cho con biết quan niệm của Phật Giáo trong vấn đề phòng tránh thai.

Xem thêm:

Nạo Phá Thai Và Nhân Quả – Nên Cầu Siêu Và Thờ Cúng Vong Nhi Như Thế Nào?

Làm Thế Nào Để Biết Vong Nhi Đã Được Siêu Độ? Ai Phải Chịu Nghiệp Báo Phá Thai?

ĐÁP:

I .

Việc sinh con đẻ cái là việc của gia đình, của đạo đức gia đình, có sự quan tâm đêm đến vấn đề nối dõi tông đường, hoặc sinh con để báo hiếu, sinh con để phụng sự.v.v..Bạn đã có hai con, việc muốn sinh thêm hay dừng đối với nhà Phật không quan tâm cho lắm, vì đó là đời sống của các Bạn, tùy hạnh phúc gia đình các Ban, nếu Bạn thấy đã có hạnh phúc, thì các Bạn nên tận hưởng với hạnh phúc đó, Bạn thấy chưa đủ thì kiến tạo thêm, tùy Ban!

Chỉ có một điều, nhà Phật khuyên các Bạn không làm việc sát sanh thai nhi, kể cả ngừa thai vi phạm đạo lý cổ truyền của người Việt Nam, vi phạm đạo đức gia đình. Gia đình Bạn khi đã làm việc sát sanh rồi thì không vui vẻ hạnh phúc gì đâu Bạn ơi?

Thứ đến với tư cách nhà Phật, Sư có một ít lời khuyên các Bạn, giúp đưa đến hạnh phúc gia đình, mà không phải khổ đau về việc sát sanh thai nhi!

Có vị Tổ dạy rất độc đáo:

“Thiên niên thiết thọ khai hoa dị,

“ Nhất thất nhân thân vạn kiếp nan”,

Nghĩa là:

“ Nghìn năm cây sắt nở hoa còn dễ hơn,

“ Mỗi khi chúng ta đánh mất thân người thì trăm nghìn muôn kiếp khó mà kiếm lại được.

Như chúng ta đã biết, có khi nào cây sắt nở hoa không?

Không bao giờ có chuyện đó, khó như vậy đó, được làm thân người còn khó hơn cây sắt nở hoa nữa. (Trích Tin Sâu Pháp Môn Tịnh Độ - Thích Tâm Hải - Đường Về Cõi Tịnh)

Với đoạn văn trên và được dùng làm đề tài giải đáp nói về bảo trọng sanh mạng của chúng sanh, cho con người không phân biệt lớn nhỏ, trẻ già, sanh ra hay chưa sanh ra...cho chúng ta thấy Đạo Phật rất tôn trọng mạng sống của chúng sanh, không phải riêng cho người lớn, mà kể cả trẻ con (thai nhi), thậm chí từ trong thần thức (theo khổng thánh là linh hồn) của con người. Triết thuyết đây mới chỉ nói đến mạng sống thôi đó, chưa nói đến trí tuệ của mạng sống đó còn quan trọng hơn nữa.

Tìm được mạng sống như tìm sắt nở hoa, tuy nhiên đã tạo thần mà làm cho mất thân thì rất uổng phí, mất thì rất khó tìm lại được cũng như tìm như sắt nở hoa, sắt nở hoa là việc không có, là việc khó khăn vô cùng; cũng như mạng người rất khó kiếm, kiếm được không phải là dễ, nên Nhà Phật khuyên khi được thân người cần phải bảo trọng nuôi nấng nó, đừng để bị đánh mất.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, có đoạn ghi: “Đức Phật lấy ít đất để lên móng tay, rồi bảo Ca Diếp Bồ Tát rằng:

– Đất ở mười phương thế giới nhiều hay đất ở móng tay ta nhiều?

– Bạch Thế Tôn, đất ở móng tay không thể nào sánh bằng đất ở mười phương thế giới.

– Đúng thế, này thiện nam tử! Có người đã chết trở lại được thân người, bỏ thân trong ba đường ác mà được thân người, căn thân đầy đủ, được sanh nơi trung quốc, có đủ chánh tín, có thể tu tập đạo hạnh, có thể tu tập chánh đạo, có thể được giải thoát, có thể nhập Niết bàn, được như trên đây thật là hy hữu, như số lượng đất trên móng tay”.

Tại sao Nhà Phật lại quý trọng mạng người như vậy?

Mạng người là một hành trình sanh tử, sanh là đến đây, đến để sống và phụng sự, thế nên trong cái sống của chúng sanh còn có trí tuệ, sự hiểu biết, trí khôn, nếu người được sanh ra và lớn lên được đào tạo thành một bác học, thì người đó có thể phụng sự cho đời sống của nhân lọai, ta không quý mang sống, cũng tức là ta không quý ta, cũng như xem thường mạng sống của nhân loại.

Đức Phật chủ xướng lên đạo giác ngộ và giải thoát, đưa tầm tri thức của con người tu sĩ cao hơn tri thức thế gian. Tri thức thế gian chỉ phục vụ cho thế gian, tri thức giải thoát phục vụ cho sự giải thoát sanh tử luân hồi của con người, vượt ra ngoài tầm sống chết khổ đau, nhưng không tách rời đời sống bình dị như mọi người đang sống ở thế gian.

Tri thức của con người có thể uyển chuyển đi từ sống đến chết và ngược lại. Tuy nhiên, do chúng sanh không làm chủ chính mình, nên phải dựa dẫm vào một thế giới bên ngoài, khiến phải chịu chi phối lao lý trong sanh tử: chi phối từ ái dục, chi phối từ đời sống vui hay khổ, chi phối từ tự ngã, muốn trốn tránh những chi phối thì không đủ lực, đi lêu nghêu vào con đường ái dục, ái dục thì sanh, mà sanh thì khổ, khổ nên hủy diệt...đây là những chuyện tính toán vô tiền khoáng hậu của con người. Từ đó có sự xem thường mạng sống, phá hủy mạng người. Rốt cuộc “mình (nam hay nữ) đi tìm và sống trong lạc thú, sự lạc thú đó làm cho chúng sanh (thai nhi) đau khổ”

II .

Vào một hôm, Đức Phật hỏi các vị Tỳ kheo rằng: “Mạng người sống trong bao lâu?”.

– Có vị trả lời là mạng sống con người trong khoảng vài ngày, bị Đức Phật chê trách, ông chưa hiểu đạo, ông chỉ hiểu cái da của Phật pháp.

– Có vị trả lời: Mạng sống con người trong khoảng bữa ăn, bị Đức Phật chê trách, ông mới hiểu được cái xương của Phật pháp.

– Có vị trả lời: Mạng sống con người trong một hơi thở. Vị này được Đức Phật ca ngợi và tán thán là ông đã hiểu tận xương tủy của Phật pháp.

Vì thế Đức Phật thường dạy: “Tất cả vạn vật hiện hữu trên vũ trụ này đều là giả tạm vô thường, không có gì là bền chắc đâu, chỉ có tu nhân tích đức mới là cái thật để cho chúng ta mang theo”.

Hơi thở ra không hít vào thì chấm dứt mạng sống. Các Bạn Phật tử khi nghe đoạn kinh nầy, các Bạn sẽ có những phần giác ngộ chỉ chăm sóc đời sống của thân, nhưng không trao chuốt, nặng lòng lắm về hình hài sinh lý sắc dục của mình trong cuộc sống, các Bạn không chú trọng đến thân sinh lý thì ái dục, sắc dục không làm chủ Bạn được! Từ đó Bạn ít quan tâm ái dục, không khao khát nhu cầu ái dục, tâm không sanh ái dục, ái dục ít đến hoặc không đến, làm cho Bạn thanh thản và trở thành tập tính tốt, chỉ lo phụng sự.

Công năng phụng sự có nhiều nghĩa, phụng sự gia đình, phụng sự xã hội, phụng sự cho bản thân, phụng sự cho tinh thần của bản thân...thì tình cảm ái dục ít khi kích động Bạn, không có nhu cầu ái dục nhiều tức là để dành năng lượng phụng sự bản thân, không sanh ái dục, không có khát vọng về ái dục, thì ít sanh sản do ít sanh sản không có vấn đề phá thai tràn lan, phức tạp như hiện nay. Không có phát thai thì không bàn đến vấn đê tội hay không tội. Vì Ban không tạo ác nên không tội, không còn sợ tội lỗi xâm lấn tâm linh Bạn nữa!

Chúng ta thường biết được thân này là vô thường, là giả tạm, không có cái gì là ta cả, nghĩ như thế chúng ta mới quên mình tu được, còn ngược lại chúng ta không hay không biết, cứ cho cái thân này là thường còn, cuộc đời này là đẹp đẽ, chấp cái ta này là thật có thì quý vị cứ mãi tham đắm vào ngũ dục giả tạm ở thế gian, suốt cả cuộc đời làm nô lệ cho cái giả, suốt cả cuộc đời làm nô lệ cho ăn, uống, ngủ nghỉ, mà không hay không biết, phục vụ cho khoái lạc, thật là khổ đau vô cùng.

Để đối trị lại những dục vọng tham muốn ở đời, Đức Phật đã chỉ dạy chúng ta trong “Tứ niệm xứ” là phải luôn quán thân này là bất tịnh, là hôi thối.

Kinh Trung Bộ I có đoạn ghi: “Này các vị Tỳ kheo, hãy quán thân này từ gót chân cho đến đỉnh đầu là một bọc da chứa đựng toàn là những đồ bất tịnh hôi thối như là: tóc, lông, móng, máu, mủ, đờm, nước miếng, nước tiểu, phân v.v…

Đây là giải pháp, giúp các Bạn thanh niên nam nữ Phật tử hành trình trên đà tiến hóa của nhân lọai: giảm sự sống xa hoa trên ngũ dục, giảm ngũ dục thì giảm khát ái, giảm khát ái, ái dục ít sanh và ái dục ít sanh không còn có vấn đề bàn đến chuyện ngừa hay sát sanh thai nhi.

III.

Đoạn âm không bằng đọan tâm

Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương 31 - Tâm Vắng Lặng, Dục Vọng Dứt

Ðức Phật dạy: "Có người lo lòng dâm dục chẳng dứt được, muốn tự đoạn âm. Phật bèn bảo rằng: 'Ðoạn âm không bằng đoạn tâm. Tâm như vị công-tào; nếu công-tào nghỉ, thì kẻ tòng sự đều nghỉ. Tà tâm chẳng dứt, đoạn âm ích gì?'"

Ðức Phật vì đó mới nói bài kệ:

"Dục sanh từ ý ông,

Ý do tư tưởng sanh.

Cả hai tâm vắng lặng,

Phi sắc cũng phi hành."

Ðức Phật dạy: "Bài kệ này là do Ðức Phật Ca-Diếp nói."

Như ở phần hai, đối với gia đình Bạn trình bày là đã có đã có hai con. Sư không biết việc sinh họat gia đình của các Bạn ra sao? Nhưng có điều cân nhắc các Bạn cần quan tâm đến đời sống gia đình và bản thân, mọi việc sẽ được tiết chế, lần lượt sẽ không còn khát vọng ái dục, ái dục không còn thì không phải làm việc sát sanh thai nhi, ngăn cản không cho phát sanh thai nhi.

Trên tinh thần cầu tiến và phụng sự: như ở các nước Âu Mỹ siêu cường hiện nay chỉ lo phụng sự cho xã hội và gia đình, ít quan tâm đến đời sống riêng tư, nên họ rất ít sanh con và không còn có cơ hội sanh con; hầu hết các thành viên trong gia đình chỉ lo lao động. Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện của người thế gian, theo chúng ta biết họ chỉ đọan âm chứ không có phương pháp đọan tâm.

Với bài pháp trên trong Kinh 42 chương, chúng ta thấy gì trong lời dạy: các Bạn (đã thọ tam quy ngũ giới) và gia đình tìm các cách để không khát ái, không có thai nhi, không có việc phái thai nhi, đặt vòng, nào là uống thuốc phá thai, nào là cắt ông dẫn tinh, cắt vòi dẫn trứng...

Các việc trên Bạn vừa kể, nhà Phật không xen vào gia đình riêng của các Bạn, tuy nhiên có lời khuyên không làm mất hạnh phúc gia đình, gia đình mất hạnh phúc thì đạo đức gia đình cũng không còn, vì tất cả việc làm của Bạn kể là việc làm bất thiện, không phải đệ tử của Phật. Đệ tử của Phật “Đọan tâm (không khát ái), chứ không đọan âm (cắt ống dẫn tinh, cắt vòi dẫn trứng)”

Tạo hóa xây nên một công trình

Công trình là huyết nhục chúng sinh

Không nên hủy hoại loài thai, noãn

Gây thành nhân quả nghiệp ngàn trùng.

Thai, noãn, thấp, hóa, cũng chúng sanh

Vũ trụ thiên nhiên kết tinh thành

Đừng làm vật cản phiền sanh chúng

Đọan tâm hơn cắt ống tinh trùng

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Tử Có Nên Sử Dụng Các Biện Pháp Tránh Thai Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com