VẤN: Xin Sư cho con biết vào chùa con có nên thắp nhang không? Nếu thắp nhang thì con nên thắp ở đâu và bao nhiêu nén là đúng? Ở nhiều chùa nhất là các ngày lễ con thấy người ta đốt nhang cúng liên tục nên con không biết mình có nên đốt không và như vậy có lãng phí không? Con nên quỳ hoặc đứng ở đâu là đúng nhất khi thắp nhang và khấn nguyện? Vào chùa con nên đi cửa nào vào là đúng? Có bạn bảo là không được đi bằng cửa chính vì chỉ dành cho các thầy hay để cử hành lễ nhưng nếu chùa có một cửa thì phải làm sao? Bạn cũng bảo vô chánh điện thì cũng không được đứng ở giữa quỳ lạy thắp nhang nhưng nhiều khi đông quá con không biết làm thế nào? Con nên nguyện thầm hay nguyện ra tiếng? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

Sự thanh thản đến với người Phật tử dâng hương thắp nhang

Thắp nhang hay thắp hương theo lời nói người xưa, các cụ già cả thuộc tín đồ Phật tử thuần thành, có quy y Tam Bảo, tụng kinh niệm Phật tu tại gia. Hương là chữ nôm, cũng gọi là nhang vật liệu được làm từ mạt cưa, cưa gỗ dầu hay gỗ giáng hương, gổ trầm, nhất là gỗ trầm được tán nhuyển hòa với chất keo, xưa là cây “ô dước”, keo “ô dước” hòa với gỗ trầm được tán nhuyễn, trở thành một chất dẻo, người thợ thủ công dùng tay lăn tròn theo cây sống tre “chẻ nhỏ”, sau khi lăn xong thành cây nhang (hương) đem phơi thật khô, gói vào bao giấy kiếng, giấy chì rồi mới phát hành ra quảng đại quần chúng Phật tử đem dâng hương cúng Phật. Có một điều mà chúng ta cần biết, cây nhang dù được làm từ xưởng của người Tàu, người Việt hay ở Chùa nhưng nhất nhất đều phải phơi, để ở chỗ trong sạch, thật sạch cho đến khi cây nhang được dâng trên bàn Phật. Đó là lễ nghi khuôn thước không hình thức của người làm nhang, người Phật tử Tàu hay Việt xưa nay.

Mặc khác, người Phật tử rất trân trọng và thích cắm cây nhang, vì cây nhang làm cho con người hóa giải những căng thẳng hằng ngày, làm tăng thêm vẽ đẹp với chiếc áo tràng lam hay nâu. Khi cầm thẻ nhang hay 3 cây nhang đang cháy, bên trong người Phật tử có cảm giác như mình được gần gũi Đức Phật, lúc nào cũng được Đức Phật che chở, điều nào mình không biết, Phật làm cho biết, sự hiểu biết tuyệt vời khi đang cầm 3 cây nhang trên tay.

Thắp hương

Cũng gọi là dâng hương, dùng theo tiếng gọi ở chùa, thắp hương dùng theo tiếng nói của Phật tử tại gia, đốt nhang, đốt hương dùng theo tiếng nói chung của người có tín ngưỡng Phật ở vùng nông thôn, hay một số tôn giáo khác sử dụng, là tiếng nói của người Phật tử từ những năm 1930 trở về trước, Phật pháp còn lu mờ hoặc gần như tắt lịm ở những vùng nông thôn với từ ngữ “đốt nhang”, “đốt hương” lên Phật, lên Bồ Tát, lên thần hoàng thổ địa trở thành tiếng nói phổ thông.v..v... Dâng hương là chữ nôm được các tu sĩ trong chùa sử dụng, người Phật tử tín tâm dùng ngôn ngữ nầy để tỏ lòng tôn kính Tam Bảo, nhất là dâng hương cúng Phật, cúng Tổ sư, cúng Phật Thích ca, chư vị Bồ Tát, như Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Di Lặc, những vị Bồ Tát được nhiều người tín ngưỡng tôn kính, gần gũi nhiều nhất trong gia đình Phật tử.

Đến năm 1943 tục đốt nhang cúng Phật được phổ biến nhưng cũng không rộng rãi, nên họ chỉ “đốt nhang” khấn vái lâm râm, chứ chẳng hiểu việc dâng hương là biểu hiện lòng tôn kính Đức Phật, tôn kính ngôi tam bảo, ngược lại các vị thấy Phật còn sợ sệt tưởng là ông “Thần Phật” có thể làm hại mình hoặc làm có lợi cho mình, nếu mình biết dâng cúng cho ông “Thần Phật”! Đến năm 1950 tục “đốt nhang” cúng dường Đức Phật được phổ biến thành nghi lễ thật trang nghiêm thành kính.

Giới hương, định hương, giữ huệ hương

Giải thóat, giải thoát tri kiến hương

Quang minh vân đài biến pháp giới

Cúng dường thập phương tam bảo tiền

Nam mô Hương cúng dường Bồ Tát ma ha tát

Bài dâng hương bên Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, được Tổ sư dịch ra Việt Văn:

Khói hương xông thấu mấy từng xanh

Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành

Trên khói hương nầy xin Phật ngự

Chứng minh đệ tử tất lòng thành

Tìm hiểu tập tục dâng hương:

Trong sách Vân Ðài Loại Ngữ của Lê Quý Ðôn (trang 184), ta đọc một đoạn biên khảo rất kỹ về nguồn gốc của sự đốt hương. Ðại khái thì ta biết rằng thuở xa xưa, người Tàu lấy lửa đốt củi thui các con vật gọi là vật hy sinh, rồi sau thì bắt chước phong tục đốt hương từ xứ Tây Vức tức là Ấn Ðộ. Việt Nam là một nơi mà tục đốt hương có rất sớm với sự du nhập của Phật giáo. Lê Quý Ðôn viết:

Sách Vân Lộc Mạn sao chép: "Sách Lễ Ký nói: "...đời sau không đốt củi, lại đốt hương. Hương là do phương Tây Vức sản xuất. Nhà Phật khi hành lễ cũng đốt hương cho được thanh tịnh, nên khi làm phép thì đốt hương niệm chú. Các đạo sĩ cũng đốt hương tẩy uế. Nho giáo thì trái lại

Ðời Hán Vũ Ðế đánh vua nước Hung Nô đầu hàng, lấy được pho tượng bằng vàng ở cung Cam Tuyền, khi tế lễ đốt hương lễ bái, tục đốt hương bắt đầu từ đấy..(trích Bút khảo về Xuân của tác gia Lê Văn Lân).

Tại sao phải dâng 03 cây nhang

Có nhiều người thắc mắc tại sao thắp hương lại dùng những con số lẻ nén nhang 1,3,5...Thường thì 3 nén nhang và 2 bàn tay luôn luôn chắp lại và miệng thì lâm râm thầm khấn nguyện. Phải chăng số lẻ là con số tượng trưng cho sự linh thiêng, tượng trưng cho trời vì chiếu theo luật cơ ngẫu của dịch lý thì số lẻ thuộc Dương, số chẳng thuộc Âm. Dương tượng trưng cho trời, cho sự linh thiêng, cho vô hình, cho sự trong sạch thanh tịnh, cho sự sinh trưởng phát triển.

Con số 3 liên quan đến biểu tượng “ Lưỡng long triều nguyệt” nghĩa là đôi rồng chầu vào một mặt nguyệt ta thường được trang trí trên các bát nhang, lư hương lớn nhỏ ở các nơi thờ tự. Theo dịch lý đôi rồng là tượng trưng của dương, ứng với hai hào dương trong các quẻ kinh Dịch. Còn mặt nguyệt là tượng trưng của âm, ứng với hào âm trong các quẻ. Ở đây hào âm (mặt nguyệt) ở giữa, còn đôi rồng chầu hai phía. Lưỡng Long triều nguyệt cũng chính là biểu tượng của quẻ Ly.

Ngày xưa, Lý Thường Kiệt với lời tuyên ngôn: Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư đã từng “mượn” y linh của đền thờ Trương Hống, Trương Hát mà khích lệ ba quân tướng sĩ, Chính sử còn ghi lại những hiện “âm phù”, “báo mộng” của các thần linh đối với vua chúa đem quân đi chống giặc. Tín ngưỡng niềm tin ấy một khi được giải tỏa nó đã từng có những tác dụng không nhỏ trong cuộc sống của con người, nhiều khi có tác dụng làm lay động cả một cộng đồng (trích Tập san Pháp Luân số 19)

Người Phật tử đến chùa dâng hương (thắp nhang)

Như trên đã lý giải, việc dâng hương của người xưa vô cùng quan trọng, đầy lòng tôn kính, nhất là có những lý do chính đáng của người làm việc dâng hương.

Khi Phật tử vào chùa dâng hương lễ Phật, việc trước tiên Phật tử phải gặp vị trụ trì hay những người có trách nhiệm thay thế trụ trì, người có phận sự khác thì không được tiếp xúc Phật tử của chùa, của trụ trì; những vị có trách nhiệm khác chỉ có thể tiếp xúc Phật tử riêng nhưng không được đem vào phòng riêng để tiếp khách mà tiếp tại phòng khánh tiết của chùa. Phật tử sau khi nghỉ ngơi diện kiến trụ trì xong, tiếp nói chuyện xin lễ dâng hương dâng cúng tịnh tài tịnh vật cho ngôi tam bảo với trụ trì, được trụ trì tiến dẫn khách đến tổ đường, nơi thờ chư vị lịch đại Tổ sư, chư vị trụ trì đã viên tịch niệm hương, dâng hương cúng Tổ, dâng các lễ vật mà mình muốn cúng dường, vị trụ trì điểm chuông cho Phật tử lễ 3 lễ. Tiếp đến đăng lâm chánh điện, đi “hữu nhiễu”, hai lòng bàn tay vẫn chắp lại, đi từ từ bên phía trái thật trang nghiêm, tức là cánh tay phải của Phật tử lúc nào cũng ở về phía bàn thờ Tổ, thờ Phật là đúng, gọi là đi đúng đường lên chánh điện.

Vào chùa nên đi cửa nào là đúng:

Chùa ở thành thị: Bao giờ cửa chùa chính, hai cửa phụ cũng hướng về cổng chùa, lối kiến trúc bao giờ cũng tạo thuận lợi cho Phật tử đi chùa lễ Phật, cúng dường. Vào cổng chùa, Phật tử luôn theo sự hướng dẫn của các dòng chữ viết lên bản, vì dụ: “lễ Phật đi lối nầy” thì Phật tử đi theo sự hướng dẫn của chùa, tất nhiên người đi lễ Phật phải vào phòng tiếp khách rồi mới đến Tổ đường, nơi đó có ban lễ tân sẽ tiếp Phật tử ngồi nghỉ ngơi dùng trà nước, sau đó kiến thiết mâm lễ xin phép được cúng dường, vị Sư lễ tân sẽ tiến dẫn gặp trụ trì, Phật tử đảnh lễ trụ trì, tác bạch cúng dường, thầy trò trao đổi những sự việc cần thiết, xin quy y, tiến dẫn người quy y, xin hoc Phật pháp, xin lễ cầu an, cầu siêu.v.v..

Vị trụ trì hướng dẫn Phật tử lễ Tổ, lễ Phật.

Ở Quan Âm tu viện: Ngọai ô của Thành phố Biên Hòa (nửa thị nửa quê), một thành phố lớn có tầm cỡ, lại thêm vị trí ở giữa Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Thủ Dầu Một, Bình Dương, tỉnh Bà Rịa Vũng Tài, tỉnh Đồng Nai ...nên rất trù phú về đời sống cùa người dân, phong phú mọi mặt giao dịch trao đổi, mua bán, làm kinh tế lớn...do đó Phật tử liên tục vãng lai, xe cộ lúc nào cũng tấp nập. Quan Âm Tu Viện cửa chính xây đúng hướng Tây, nằm vắt ngang theo Quốc lộ IA, cũng là đường phố chính của Tp.Biên Hòa (đường Nguyễn Ái Quốc). Theo môi trường của tu viện, Đức Tôn Sư cho xây cổng chính theo hướng Tây Bắc, nên rất thịnh vượng, sung túc mọi mặt, đồng thời cũng tạo cho thiền môn nghiêm tịnh nơi lưu trú thuận lợi cho tập thể đông đảo chư Tăng Ni tu hành: Tăng cư trú theo Tăng viện - Ni lưu trú theo Ni viện.

Người Phật tử vào cổng Quan Âm Tu Viện theo cổng chính phía Tây Bắc, với một con đường rộng mát thênh thang, các nhân, gia đình hay đoàn Phật tử vào trung tâm Quan Âm Tu Viện như đi lên một ngọn đồi cao hơn mặt đường 1,2 mét. Khi vào, đoàn đi thẳng vào phòng khách, trực tiếp găp ban tiếp khách và ban tiếp lễ để được hướng dẫn dâng lễ cúng kiến; sau đó sẽ được giới thiệu diện kiến trụ trì hay phó trụ trì (tiếp khách chung của Tu Viện), hoặc gặp chư Tăng Ni là người thân (khách riêng) để được trao đổi Phật sự, hay xin học Phật pháp, hay trình bày lễ vật cúng dường tịnh tài tịnh vật lên ngôi Tam Bảo (đã ghi vào sổ tại bàn tiếp lễ). Quan Âm Tu Viện có 02 chánh điện, một của chư Tăng, một của chư Ni, quý Phật tử lễ Tổ, lễ Phật tại 02 chánh điện nầy và tham quan ngôi danh lam thắng cảnh.

Một số các thiền viện lớn, chùa lớn, chùa xưa đều có tổ chức tiếp khách, tiếp lễ do chư Tăng Ni, Phật tử đến thăm viếng tham quan, lễ Phật cúng dường.

Cổ tự ở nông thôn:

Thường là các chùa xưa, xưa thật xưa có từ 80 năm đến 100 năm trở lên, chánh điện hướng về nơi thanh tịnh trống vắng trang nghiêm nhất, không luận hướng nào mà phải tùy theo Tổ sư khai sơn xây dựng, do đó Phật tử lễ Phật cũng phải theo quy cách như trình bày trên, cũng “tiên bái trụ trì, hậu bái Thích Ca”. Tuy nhiên Phật tử chỉ có thể đi vào bên hông chùa theo bản hướng dẫn của bổn tự, tức là khoảng giữa “Tổ đường” và nhà “hậu đường”, khi vào nhìn về phía trái, tức là hướng về “hậu đường” tìm vị Sư trị sự. Được Sư tiếp nhận lễ Phật, tịnh tài tịnh vật được để vào mâm, tiếp đến Sư hướng dẫn gặp trụ trì, có khi cũng trực tiếp gặp trụ trì; gặp trụ trì để trao đổi về những điều Phật tử muốn cầu xin, cầu xin cúng dường, cầu xin tu học, cầu xin lễ cầu an cầu siêu...tiếp đến được trụ trì hay Sư trị sự hướng dẫn lễ Tổ lễ Phật, Phật tử có thể tự nhiên tham quan vãng cảnh không phải bị trở ngại!

Đặc biệt, Phật tử đi lễ chùa, có chùa cổ chùa tân. Chùa cổ thì tham quan trong chùa, không đi nhiều nơi, riêng ở các thiền viện, tu viện lớn như Thiền Viện Thường Chiếu, Quan Âm Tu Viện thì đi vãng cảnh, lễ những nơi thờ Phật, tham quan các huê viên thật thoáng mát...các Bạn có thể tham quan một buổi mới hết cảnh trí thờ phượng của Thiền Viện, Tu Viện. Sau đó Bạn được mời dùng cơm trưa tại chùa.

Ngoài các việc trên, Phật tử còn có thể được ở chùa, như tại Quan Âm Tu Viện mỗi nửa tháng có tổ chức truyền giới Bát Quan Trai, là giới luật của Phật ban truyền dành cho Phật tử đến tu viện lưu trú một ngày một đêm để tu tập thiền tụng, nghe thuyết pháp để tập tu, nghe giảng giáo lý Phật học để biết. Thực hiện những Phật sự như người xuất gia, do quý Sư hướng dẫn; thời gian khải giảng truyền 8 giới bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày chủ nhật, đến 6 giờ sáng thứ hai xả giới bế giảng khóa tu.

Đối với các chùa lớn khác, có khả năng nuôi chúng, khả năng giáo chúng thì tổ chức khóa tu tụng kinh bộ Pháp Hoa, khóa tu một ngày an lạc, khóa niệm Phật, khóa tu mùa hè...Phật tử đều có thể tham gia tu hành.

Lễ Tam Bảo đứng nép ở một bên chánh điện?

Lễ Tam Bảo là lễ Phật Pháp Tăng, gọi chung là đi chùa lễ Phật, đảnh lễ Đức Phật, lễ cũng tức là lễ nghi khuôn thức của con nhà Phật, dòng giống Phật, là một nghi lễ truyền thống ngàn đời của người con Phật. Ở Ấn độ thời Phật sanh tiền, chư tôn giả đệ tử muốn lễ Phật để cầu xin học Phật pháp, hay xin một điều gì quan trọng, xin một việc cho chúng sanh, hay cho tín đồ, dù chỉ có một mình nhưng vị đó cũng phải thật có lễ nghi khuôn phép, đứng dậy trịch áo (tức là chỉnh pháp phục pháp y thật trang nghiêm), bày vai hữu (trình bày những lẽ phải đến Đức Thế Tôn) đi hữu nhiễu ba vòng (con xin cung kinh, tôn vinh Đức Thế Tôn), đến vòng thứ ba mới dừng lại, gieo năm vóc (tức là gối hữu quỳ chấm đất, hay bàn tay chắp lại, khép kín đôi lòng bàn tay không kẻ hở), tiếp tục bạch Đức Thế Tôn (tức những điều nghi vần về lẽ phải, lời cầu xin pháp Phật) xin Ngài giảng dạy cho đệ tử được thông suốc giáo lý ba đời chư Phật để tu hành giải thoát.

Đối với tìn đồ Phật tử xưa nay cũng như thế, nhưng lời cầu xin được thay thế vào lời tâm nguyện xin việc khác...

Sự tôn kính, cung kính như thế đối với Đức Phật, các Phật tử chúng ta đối với Thấy cũng như Phật, vì Thầy thay thế Phật để giáo hóa chúng ta, Thầy trụ trì thay thế Phật để giữ gìn truyền trì mạng mạch Phật pháp, nên Phật tử tôn kính Thầy như tôn kính Phật. Do đó khi đến Tổ đường hay chánh điện lễ Tổ, lễ Phật phải nhường vị trí ở giữa cho Thầy trụ trì, hay Thầy bổn sư...Phật tử chỉ đứng hay quỳ, hoặc ngồi lễ Phật ở vị trí một bên. Tuy nhiên do Phật tử không được hướng dẫn nên ít hiểu biết vấn đề nầy, khi có vi phạm vẫn được hướng dẫn mà không phải bị lỗi lầm hay bị quở phạt chi cả. Có nhiều khi chư Tăng Ni, vị Sư trị sự cũng không chấp nê việc lễ Phật của Phật tử

Nên nguyện thầm hay nguyện ra tiếng?

“Khấn vái”, khấn là nguyện, nguyện thì thầm, niệm lâm râm, nhép miệng không ra tiếng, đôi khi cũng thành tiếng nhưng rất ít khi có tiếng, nhưng khi tụng kinh (tán, ca tụng, xưng niệm, tôn vinh Đức Phật, lời Phật dạy) niệm Phật mới có âm thanh thành tiếng. Vái là xá, xá 3 lần, mỗi khi khấn nguyện. “Khấn vái” là nguyện xin rồi xá ba xá, có khi Phật tử khấn nguyện điều gì đó mà mình muốn nói trước Phật, nói xong rồi mới xá ba xá. Đó là lòng thành tín của Phật tử trước Đức Phật, hoặc ngôi Tam bảo, hay trước Thầy bổn sư của mình.

Người Phật tử mới phát tâm quy y, hay quy y đã lâu dù nam hay nữ lúc nào cũng kín đáo, không muốn mọi người biết việc của mình muốn nói gì, không muốn ai biết việc nội gia của mình, không muốn ai biết những ý nghĩ của mình, chỉ trừ một người là Đức Phật, nên khi đứng trước ngôi tam bảo các vị khấn vái rất nhiều việc, khấn vái năm ba lần, nhưng mọi người xung quanh không ai biết họ khấn vái những gì trước Đức Phật...

Con xin nguyện làm người ngoan đạo

Trước Thế Tôn, Từ Phụ Thế Tôn

Biết bao phen sanh tử dập dồn

Nay xin nguyện “Đức Từ” cứu vớt

 HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Vào Chùa Nên Đi Lối Nào Và Đứng Ở Đâu Để Khấn Nguyện? Có Nên Thắp Nhang Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com