VẤN: Con nghe nói người nữ sanh ra rất khó tu, mang nhiều nghiệp nặng và không thể nào chứng quả như người nam. Người nữ không được cầm xá lợi, không được đứng cùng người nam trong những buổi lễ trọng đại. Đó là lý do mà chỉ có các vị thầy mới truyền giới cho các sư cô chứ không có ngược lại. Có một sư cô luôn nói với chúng con như vậy vì bảo rằng thân người nữ không được sạch. Nhưng theo con nghĩ sạch hay không do tâm người tu tại sao lại phân biệt nữ nam sanh chấp ngã. Con nghe nói người nữ nếu trì chú tụng kinh cũng khó mà linh nghiệm, nhất là vào những ngày hành kinh thì nên tránh xa chùa chiền bàn thờ không được đến gần. Nếu cầm xá lợi hay pháp khí trong tay sẽ là bất kính. Xin Sư cho con được biết như vậy có đúng không?
ĐÁP:
Nhận định thân nghiệp nam nữ
Nói về nghiệp báo chúng sanh nặng thì ai cũng nặng, có nghiệp báo mang thân nam và nữ là có nặng nề với ái dục, có nặng về ái dục thì thích vào bào thai, thọ nghiệp báo, trôi lăn trong sanh tử luân hồi.
Sở dĩ trong giáo lý Đạo Phật (kinh Đại Bát Niết Bàn) quan niệm nữ nhân có nhiều nghiệp chướng nặng nề là do thân nghiệp có phân chia nam và nữ, có nam và nữ có ái dục, không có nam và nữ không có ái dục, không có ái dục thì không bị đắm chìm trong bể ái sông mê sanh tử luân hồi. Vì thế đứng về gốc độ người đệ tử Đức Phật vì lý tưởng giải thoát mà quán chiếu thì thân nam thân nữ cũng đếu là thân ái dục, thân chướng duyên người đệ tử Đức Phật.
Thật ra, đối với đệ tử Đức Phật ai cũng phải tự cân nhắc mình cố gắng vượt qua ái dục, thì không còn nói thân nữ thân nam, ai nặng nề ai nhẹ nhàng
Ngày xưa chư tôn giả đi theo Phật, học đạo giải thoát muốn chấm dứt luân hồi sanh tử, Phật dạy thường xuyên đến nghĩa địa Thi Lâm, ngọai ô thành Xá Vệ để quán chiếu thấy chết của nam nữ, cho đến khi nào tâm địa không còn lưu luyến ái dục, không đam mê thân nữ giới, chứng tam quả, tứ quả A La Hán, người ấy không trở lại thế gian, chấm dứt sanh tử luân hồi.
Vị Tỳ kheo Ni thời Đức Phật
Thánh mẫu Ma ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di là em ruột của hoàng hậu Ma Ha Ma Da. Cả hai bà đều là em của của vua Thiện Giác trị vì vương quốc Câu Lị. Sau khi sinh thái tử Tất Đạt Đa được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Da băng hà, bà liền được vua Tịnh Phạn tuyển vào cung và đưa lên ngôi hoàng hậu, có trách nhiệm nuôi dạy thái tử. Bà đã thương yêu thái tử như chính con ruột của mình. Năm thái tử được mười bốn tuổi, bà sinh hoàng tử Nan Đà, và năm sau thì bà sinh công chúa Tôn Đà Lị Nan Đà. Thành mẫu là người đạo hạnh chánh nhân trong chốn hoàng cung cho đến khi theo Phật xuất gia.
Sau khi Đức Phật thành đạo đi giáo hóa khoảng 5 năm sau, tức là năm Đức Phật 40 tuổi, Thánh mẫu xin Phật cho xuất gia. Trải qua năm lần bảy lượt, Ngài A Nan xin cho Thánh mẫu và các cung tần dòng họ Thích xuất gia...Các vị được Đức Phật trực tiếp giảng dạy cho phép tắc tu học, và sau đó không lâu, các vị đã đắc quả A La Hán. (Mười vị đệ tử lớn của Phật - Cư sĩ Hạnh Cơ dịch).
Sự việc người nữ không được cầm xá lợi Phật, không được cùng người nam đứng chung trong những buổi lễ trọng đại trong cộng đồng của những người con Phật là do ai tự chế và tuyên bố như trên, theo giáo nghĩa đại thừa Bắc truyền thì không có cơ sở.
Phụ nữ trong kinh Pháp Hoa
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa, có nói: Long Nữ là cô bé 8 tuổi ở trong loài rồng, làm thế nào thành Phật được. Chỉ có trí tuệ của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Đức Phật mới thấy được Long Nữ đã là Phật.
Đức Phật cũng xác minh rằng Long Nữ đã đầy đủ đạo hạnh Bồ Tát hay có đủ tư cách, có khả năng tức thân thành Phật, có nghĩa là thành Phật ngay lập tức tại thân này. Lúc ấy, lìa được tướng nam nữ và tâm hoàn toàn trong sạch không nhiễm ô, sanh về thế giới Vô Cấu.
Tóm lại, sự việc Tỳ kheo ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề, các con gái dòng họ Thích, Long nữ ở trong cung rồng mới 8 tuổi xuất gia,tất cả đều đắc đạo nhanh, thuộc diện lợi căn, vẫn có căn lành đức tốt, căn khí đại thừa, phát chí đại thừa, hành Bồ Tát đạo...cho chúng ta thấy nữ giới xuất gia tu hành, kết quả không khác với nam giới., chỉ có việc trước khi cho người nữ xuất gia Đức Phật Thích Ca thận trọng sự chỉ trích của các tổ chức ngọai đạo Bà la môn “trọng nam khinh nữ”, “không tôn vinh người phụ nữ”; cũng như thời điểm đó mọi người quan niệm thân nghiệp nữ giới có nhiều chướng ngại cho Tăng đoàn, nên Đức Phật luôn cân nhắc và ra (tám) điều giới ban hành cho phụ nữ xin xuất gia đầu Phật và Thánh mẫu Kiều Đàm Di đại diện cho phái nữ chấp nhận phần giới luật Phật chế để được xuất gia và thành lập giáo đoàn Tỳ kheo ni là vậy.
Về giới luật của chư Tăng Ni, nhất là liên quan đến việc “truyền giới cho chư Ni trong bài giảng” nầy không thể phổ biến trong nam nữ Phật tử, mong quý vị thông cảm (lời của tác giả).
Phụ nữ “không sạch” đến bàn Phật tụng niệm được không?
Ngày xưa chư Tăng Ni, các nam nữ cư sĩ tu hành rất kỹ, đạo hạnh trang nghiêm, trong chốn liêu phòng, am thất riêng của mình. Đến ngày “không sạch” thì không đến ngôi Tam Bảo, không đi ngang qua bàn thờ Phật, các bàn thờ khác tại chánh điện, hậu điện, gần như các vị trốn lánh nơi thờ phượng, thậm chí tránh đến những người tu...đó là tính kỹ lưỡng, lòng tôn kính Phật trời, trên trước, tôn trọng người khác của người phụ nữ. Theo Sư thì không ai gợi ý bắt buộc gì cả, mà linh tánh người phụ nữ có trách nhiệm phải lánh xa nơi tôn nghiêm trong những ngày tháng “không sạch”. Lâu dần trở thành tập quán truyền đạt cho nhau mà né tránh nơi thờ phượng, trong giới Phật học, các nhà tu hành không ai chú trọng đến việc nầy!
Vả lại, trong luật Phật không có ngăn cấm. Bởi lẽ, “không sạch” là một hiện tượng sinh lý tự nhiên của người phụ nữ. Điều đó, không ai muốn như thế, đó là một định lý tự nhiên mà không người phụ nữ nào tránh khỏi. Đã thế, thì tại sao Phật tử lại lo sợ? Phật tử đừng có ái ngại lo sợ gì cả. Chỉ lo sợ là Phật tử giải đãi rồi viện cớ lý do mà bỏ ngang sự tu hành, thì đó mới là điều đáng trách và đáng nói. Ngoài ra, không có gì phải bận tâm lo lắng. (Đường về cõi tịnh)
Sách Phật “Lá thư Tịnh Độ” nói: Người nữ từ mười hai, mười ba tuổi đến bốn mươi tám, bốn mươi chín tuổi, đều có nguyệt kinh. Có kẻ bảo: trong lúc nguyệt kinh, chẳng nên lễ bái trì tụng. Lời này rất không hợp tình lý. Thời kỳ có kinh, mau thì hai ba ngày, lâu đến sáu bảy ngày mới dứt; người tu trì cần phải niệm Phật không xen hở, đâu nên vì một chút bệnh nhỏ thiên nhiên mà bỏ lãng thời tu niệm ư? Khi có nguyệt kinh chỉ nên lễ bái ít (lễ bái ít chớ chẳng phải tuyệt nhiên không lạy), còn sự tụng kinh niệm Phật đều chiếu theo lệ thường. Nên thường thay giặt vải dơ, phải rửa tay cho sạch sẽ, đừng dùng tay dơ mà lần chuỗi, lật kinh và đốt hương. Trong Phật Pháp, pháp pháp đều viên thông, hàng ngoại đạo chỉ chấp một bên lý, người đời phần nhiều lại ưa tin lời ngoại đạo, không rõ chánh lý Phật giáo, nên không được thấm nhuần pháp lợi. (Chương 10 - lời dạy của Ấn Quang Đại sư).
Nay khắp khuyên chư vị Phật tử nữ không nên nghi ngờ tự thân, không tự ty mặc cảm, quý Phật tử nam không tự ỷ tự hào về mình và không tin những lời nói không căn cứ vào đâu mà thối thất đạo tâm. Cố gắng tinh tiến trên đường tu niệm như thuở ban đầu quy y Tam Bảo, trì ngũ giới cấm.
Phật tử tu hành phải dứt nghi
Giáo pháp Như Lai bất tư nghì
Bao năm quanh quẩn nơi trần thế
Chuẩn bị hành trang khách nhớ về
HT Thích Giác Quang