Từ ngày 4 đến 7-11-1981, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, hội nghị thống nhất Phật giáo cả nước được tổ chức tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tại hội nghị, 2 vị cao tăng đại diện cho Phật giáo Đồng Nai là Hòa thượng Thích Huệ Thành được suy tôn làm Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh và Hòa thượng Thích Thiện Khải được suy tôn làm ủy viên Hội đồng. Sáng 16-10, Ban Trị sự Phật giáo Đồng Nai sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với sự nỗ lực của nhị vị Hòa thượng trong Hội đồng Chứng minh và các vị cao tăng trong tỉnh, ngày 28-10-1982, Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai được thành lập, quy tụ tất cả các tổ chức, hệ phái Phật giáo lúc bấy giờ vào ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

* Hành trình xây dựng ngôi nhà chung

Đến nay, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã trải qua 7 kỳ đại hội, chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ VIII. Hệ thống tổ chức, bộ máy điều hành Giáo hội từ Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, các ban, ngành chuyên môn của Tỉnh hội cho đến 11/11 ban trị sự cấp huyện ngày càng hoàn thiện cả tổ chức và hoạt động, có sức thu hút tăng ni, tự viện tham gia sinh hoạt. Đáng chú ý, Đồng Nai là địa phương đầu tiên xây dựng chùa Tỉnh hội - nơi làm việc của Thường trực và Văn phòng Ban Trị sự trong công tác hành chính đạo.

Trong khi phát huy vai trò của tổ chức Giáo hội thống nhất và duy nhất, Phật giáo Đồng Nai đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm là trung tâm điều hòa, đoàn kết, hòa hợp của 15 sơn môn, pháp phái đang có mặt trên địa bàn: Cổ truyền, Lâm tế Chánh tông, Lâm tế Nguyên Thiều, Lâm tế Liễu quán, Lâm tế Tây thiên, Lâm tế Tế thượng, Lâm tế Chúc thánh, Thiền Tông Trúc Lâm, Tịnh độ tông, Thiên Thai, Linh sơn nghiên cứu Phật học, Vĩnh Nghiêm, Nam Tông kinh, Nam Tông Khmer, Khất sĩ. Tất cả đã cùng nhau sinh hoạt hài hòa, vui vẻ, ngày càng gắn bó, hiểu biết nhau hơn. Có thể nói, những dị biệt về màu áo bên ngoài cũng như phương pháp tu học đã ngày càng được cởi bỏ để hòa hợp, cùng nhau xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam tại Đồng Nai ngày càng vững chắc.

Đồng Nai là một trong những địa bàn có số lượng tăng, ni và hàng giáo phẩm nhiều nhất ở Việt Nam với 5.177 tăng ni, 27 hòa thượng, 61 thượng tọa, 15 ni trưởng, 93 ni sư và khoảng 700 ngàn phật tử. Những hoạt động Phật sự của Phật giáo Đồng Nai ngày càng khởi sắc, nhất là chương trình an cư kiết hạ hàng năm, chẳng những giữ gìn truyền thống chánh pháp mà còn tạo cơ hội thuận lợi cho tăng ni thể nghiệm sự tu học theo tinh thần Lục hòa. Tại mỗi trường hạ, đại chúng đều thể hiện nếp sống an vui, hòa hợp, tăng trưởng giới đức, phạm hạnh, nuôi dưỡng tam vô lậu học: giới, định, tuệ. Đặc biệt, Trường trung cấp Phật học Đồng Nai là trường duy nhất tổ chức cho tăng, ni sinh tu học nội trú với 2 phân hiệu tăng, ni riêng biệt để đào tạo lớp tăng ni trẻ có tinh thần yêu nước, có trình độ Phật học, có tri thức khoa học, xứng đáng kế thừa việc truyền trì đạo mạch của Phật giáo Việt Nam.

Toàn tỉnh hiện có 659 tự, viện và khoảng 600 am cốc. Những năm qua, số lượng chùa, tu viện, thiền viện vừa tăng về số lượng vừa được xây dựng, sửa chữa mới khang trang, đáp ứng nhu cầu tu học của giới Phật giáo, một số nơi đã trở thành nơi hành hương thu hút phật tử của các tỉnh, thành.

* Góp phần tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân

Với tư cách là thành viên của hệ thống MTTQ tỉnh, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tập hợp tăng, ni, cư sĩ và phật tử trong tỉnh là cơ sở chính trị - xã hội của Nhà nước, với truyền thống “Hộ quốc - an dân” và lối ứng xử giữa con người với nhau trên tinh thần trí tuệ, bao dung, không bài bác tôn giáo khác, Phật giáo vừa góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội, vừa khuyến khích tín đồ tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích của dân tộc, giữ gìn ổn định chính trị, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn của một tỉnh đa tôn giáo như Đồng Nai.

Trong quá trình phát triển, nhiều vấn đề mới đang đặt ra cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Đồng Nai nói riêng. Có lúc, có nơi, có tu sĩ chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa sơn môn và Giáo hội, làm xuất hiện tình trạng cục bộ, cát cứ dẫn đến chia rẽ, phá vỡ sự đoàn kết hòa hợp, nguyên tắc đồng thuận để thống nhất ý chí và hành động, tổ chức và lãnh đạo của Giáo hội. Lối sống hưởng thụ của thế tục, nương nhờ Phật giáo không vì lợi lạc của chúng sinh đã và đang xuất hiện trong một số tu sĩ.

Tuy nhiên, xu hướng vận động chủ đạo của Phật giáo Đồng Nai là thực hiện tinh thần hòa hợp, điều hợp các hệ phái, tông môn, tăng trưởng tình đồng đạo, đồng bào, đoàn kết nội bộ Phật giáo, góp phần tăng cường khối đoàn kết toàn dân trong tỉnh. Trên cơ sở đó, phát huy truyền thống yêu nước trong tăng, ni, phật tử Đồng Nai luôn đặt sự tồn tại của đạo pháp trong sự tồn tại của dân tộc, rèn luyện tinh thần hộ quốc - an dân, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(Theo Báo Đồng Nai)



Có phản hồi đến “Hành Trình 35 Năm Phật Giáo Đồng Nai”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com