Tháng Bảy (Âm lịch) hàng năm là mùa Vu Lan báo hiếu. Mỗi chúng ta đều nghĩ đến đấng sinh thành, mở lòng với đồng loại để thương yêu nhau nhiều hơn.
Đến chùa, sư thầy sẽ tặng cho bạn bông hoa cài áo. Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ - Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Vu Lan là dịp đặc biệt để chúng ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn.
Đó là những chia sẻ của Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) với PV Báo Thanh tra nhân dịp đại lễ Vu Lan.
Tối ngày 11/8, nhằm ngày 9/7 Âm lịch, GHPGVN sẽ tổ chức Lễ trao giải “Đạo hiếu và Dân tộc” tại Nhà hát lớn Hà Nội và tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình về lễ trao giải này. Cuộc thi trao giải cho những tác giả có bài viết hay, ý nghĩa về các tấm gương hiếu hạnh.
+ Bạch Hòa thượng! Đại lễ Vu Lan có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi người con đất Việt?
- Đại lễ Vu Lan rất có ý nghĩa, đăc biệt trong xã hội hiện đại. Đó là truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam cần phải được phát huy hơn nữa, việc đó kết hợp với lễ Vu Lan tạo thành một nét đẹp văn hoá, đề cao giá trị đạo đức cho người dân Việt Nam chúng ta trong báo ân, báo hiếu. Đây cũng là một trong tứ ân của nhà Phật.
+ Thưa Hòa thượng, nghi lễ tại các ngôi chùa dành cho lễ Vu Lan có được sự chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư GHPGVN không ạ?
- Lễ Vu Lan trong các ngôi chùa đã trở thành truyền thống của Phật giáo hàng thế kỷ nay rồi. Điều này đã được ghi chép lại trong các bộ kinh của nhà Phật. Tiểu biểu là Bộ kinh Vu Lan bồn, vì vậy, GHPGVN hướng dẫn các chùa tổ chức một cách trang trọng, tiết kiệm, không đốt vàng mã, tập trung giảng pháp cho các Phật tử hiểu về đạo hiếu đối với bố mẹ, từ đó giúp con người biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ với nhau hơn, nhất là các bạn trẻ.
+ Trong Đại lễ Vu Lan, GHPGVN có những hoạt động gì, thưa Hòa thượng?
- Tối ngày 11/8, nhằm ngày 9/7 Âm lịch, GHPGVN sẽ tổ chức Lễ trao giải “Đạo hiếu và Dân tộc” tại Nhà hát lớn Hà Nội và tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình về lễ trao giải này. Cuộc thi này, chúng tôi trao giải cho những tác giả có bài viết hay, ý nghĩa về các tấm gương hiếu hạnh. Từ đó khuyến khích, động viên, nhằm tôn vinh, những con người có hiếu với bố, mẹ, ông, bà, có tình yêu quê hương, đất nước, góp phần giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Những tác phẩm đạt giải, chúng tôi in thành sách phát miễn phí cho các trường học để các em học sinh học tập các tấm gương hiếu hạnh. Tôi cho rằng, đây là việc làm rất có ý nghĩa trong đời sống hiện nay góp phần hướng về cội nguồn, tri ân, báo hiếu.
Nhiều gia đình cho con nhỏ lên chùa để được nghe giáo lý nhà Phật về tứ ân
+ Thưa Hòa thượng, người ta thường nói, tháng Bảy là tháng cô hồn nên phải kiêng kỵ nhiều điều, rồi phải hóa vàng mã, cúng chúng sinh. Vậy, chúng ta phải hiểu thế nào cho đúng?
- Có người quan niệm tháng Bảy là tháng cô hồn, họ dựa vào Lễ xá tội vong nhân theo truyền thống tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo. Nhưng, trong Phật giáo không có tháng cô hồn, chỉ có tháng Vu Lan báo hiếu. Lễ Vu Lan khác với Lễ cô hồn. Bởi, cô hồn là chỉ những người mất đi không có người thân để cúng lễ thắp hương, cho nên tâm họ không được siêu thoát nên còn vấn vương với cõi trần. Người ta cho rằng, tháng Bảy là tháng cô hồn. Còn, lễ Vu Lan là báo ân, báo hiếu với ông bà tổ tiên, các anh hùng liệt sỹ có công với dân, với nước.
+ Xin cảm ơn Hòa thượng!
(Theo Thanh Tra)