Tôi vốn xuất thân là nhà tu núi, núi non sơn lãnh là nơi tu tâm dưỡng tánh của người con Phật, an cư nhàn hạ thật là sung sướng vô cùng. Đối với Tăng Ni thì việc hành đạo chốn thâm sơn cùng cốc còn là hạnh lành của Đức Phật và các đệ tử từ xưa cho đến hôm nay. Sa môn Đức Phật luôn an trú nơi A Lan Nhã, Am Điện, Viện Chùa vừa tu hành vừa góp phần an sinh xã hội mang lại hạnh phúc cho con người, nhưng hầu hết là ở non cao núi thẳm. Nên núi non là môi trường đựơc quan niệm là hiền hậu, thanh khiết, thiêng liêng…

Nhưng than ôi, núi non ở xã Daknhoong, huyện Dakglei, tỉnh Kontum thì sao mà hung tợn quá ! Qua cơn bão lũ số 9, biển sâu thì sóng dậy, trời cao thì mưa bão, mưa chỉ hai ngày, hai đêm mà núi rừng lại giận dữ, làm cho núi lỡ, đất lỡ, cây đổ, thác lũ, nước cuốn trôi quét sạch, cướp đi nhiều sinh mạng của đồng bào nhiều kiểu cách…. Đây chính là sự giận dữ của núi rừng Tây nguyên, làm hư hại đường sá cầu cống, trong đó có đường mòn Hồ Chí Minh, cạnh vùng biên giới Việt-Lào.

Ngày 26 tháng 10 chúng tôi Ban Từ Thiện Xã Hội Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai, được sự ủy nhiệm của Ban Thường Trực Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Phó Ban Trị Sự Trưởng Ban Từ Thiện Xã Hội Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai, Phó Phân Ban Điều Hành Ni giới trực thuộc Ban Tăng Sự Trung Ương GHPGVN, đặc trách Từ Thiện Xã Hội. Hòa Thượng Thích Giác Quang, Ủy viên Ban Tăng Sự Trung Ương GHPGVN, Chánh Thư Ký Ban Trị Sự THPG Đồng Nai, Phó Ban Từ Thiện…, chư Tăng Ni, Phật Tử các chùa Quan Âm Tu Viện, Chùa Phước Hưng, Chùa Bửu Quang, Nhứt Nguyên Bửu Tự, Bửu hoa, Ni Viện, Chùa Tam Thiện, tất cả 15 người tải hơn 6 tấn hàng, khỏang 400 phần quà để đến với Tây nguyên tặng cho bà con vùng lũ. Hàng của chúng tôi gồm gạo, mì, nước tương, bột ngọt, đường, muối, quần áo cũ và phong bì (150.000 đồng), trị giá 350.000 đồng/phần. Một món quà tuy không nhiều thật giá trị với bà con người dân tộc địa phương Dakglei, thuộc tỉnh Kontum là nơi chịu nhiều thiệt hại bị cô lập, bị chia cắt điện cầu cống đường sá với thế giới bên ngòai.

Theo chúng tôi được biết thì Trung Ương, Chính phủ chỉ đạo bằng mọi giá phải thông đường sớm nhất để các đòan từ thiện đến tận nơi cứu trợ bà con. Và chính nơi đây cũng mới vừa thông cầu cống đường sá bằng các vật liệu sắt cầu, gổ, đất đá để được tiếp xúc với Chính quyền cấp trên, với mọi người, chúng tôi là đòan từ thiện đầu tiên đến ủy lạo cứu trợ.

Nửa tháng rồi, quý vị có biết họ ăn uống ra sao không ? chỉ là khoai sắn cầm chừng, rau rừng, chuối từng, những rau cỏ nào mà họ ăn được thì ăn để thế cơm gạo, mì…Nhưng cái ăn như thế cũng còn hạnh phúc đối với các gia đình mà người thân còn sống sót các bạn ạ.

Được Văn phòng Ủy ban Tiếp Nhận Hàng Cứu Đói Đồng Bào Bị Thiên Tai, Ông Trần Bình Trọng, Tỉnh Uy Viên, Chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Kontum thông báo ước tính thiệt hại về tài sản của đồng bào lên đến gần 4 ngàn tỷ đồng, không tính những thiệt hại của Nhà nước, như trụ điện, đường sá, cầu cống, nhà cửa cơ quan. Còn vị đại diện Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam huyện Dakglei thì nói :”…số người chết lên đến hàng trăm, nhưng tìm chưa ra xác, chủ yếu là ở đây (Daknhoong), còn lại ba Xã nữa nằm trên đỉnh núi chưa liên lạc được ! Những người chết trong đó có cả Thầy, Cô giáo đứng lớp ở vùng xa, có người chết đuối cả tuần lễ cũng chưa tìn ra xác, nhưng khi tìm ra được thì chỉ là “1 cánh tay”, hay “1 cái đầu, từng khúc chân” của người chết, thây rã rời trôi dạt vướng ở thành cầu, chà gổ…, có nơi chỉ còn tìm thấy những khúc xương người chết…! Thật đau đớn quá ! Chết mà cũng không tòan thân, cái chết mà không ai biết, không ai cứu được, đội cứu vớt không làm việc được, do nước chảy quá mạnh cuốn đi.

Cái chết mà không ai lường trước được, thật khổ thay !

Anh A Thảo người dân tộc, chuyên viên UBMTTQVN tỉnh Kontum, người hướng dẫn chúng tôi vào tận vùng biên giới Việt-Lào, cạnh Đồn biên phòng để cứu trợ bà con, nói :”…có hai ông bà và một đứa con đứng trên đồi cao trước ngôi nhà của mình, trước dòng nước cuồn cuộn thật mạnh…trải qua ba ngày đêm, chịu đựng trong cơn mưa bão, đứng đó giơ tay kêu cứu, cứu chúng tôi, cứu chúng tôi..mà vẫn không ai, không có đội cứu hộ nào vượt qua nổi dòng thác đổ để cứu hai vợ chồng và đứa con, cuối cùng cả ba đều bị đất lở, nước cuốn trôi đi theo dòng nước, chết đuối !"

Đau lòng quá các bạn ạ, chúng tôi không thấy cảnh chết ấy, nhưng chỉ nghe nói mà hình ảnh hiện lên như trước mặt mình, khó quên quá ! Tôi bồi hồi mà nguyện niệm Phật, niệm chú vãng sanh cầu cho các vị đã khuất một cách đau đớn, đừng thác sanh trở lại thế giới khổ đau nầy nữa ! Thấy sắp chết đó, mà không cứu sống được.

Nghĩ đến đây số quà 400 phần của chúng tôi chẳng thấm vào đâu, với cái chết, cái đói khổ, cuộc sống bị cách ly với thế giới bên ngòai, cuộc sống bị rình rập bởi cái chết đột ngột đến với bà con thật xúc động dâng trào. Phải chi chúng tôi có phép mầu để cứu bà con thóat khổ, thóat đói và có nhà cửa ở ngay và hiện bây giờ…

Vào lúc 4 giờ sáng tinh sương, đòan chúng tôi khởi hành từ Thành phố Kontum, phải trải qua đọan đường 130 km của các huyện Daktô, huyện Ngọc Hồi, rồi mới đến các đọan đường thuộc huyện Dakglei bị chia cắt, đến nơi thì đã là 10 giờ rồi. Đường ở Daktô, Ngọc hồi thì tốt quá, còn đường sá ở Dakghei là một đọan đường kinh hòang, nhiều đọan đường chúng tôi phải vượt qua mà hồn vía mọi người muốn lên mây mà ở ! Tôi thì phải chịu thôi, phải xuống xe đi bộ qua cầu, chứ không làm gan như các vị khác…do mưa bão tạo thành lũ quét làm cho núi lỡ, nước cuốn đất trôi đi tạo thành những vực sâu thẳm trên 30 mét, bên cạnh đường xe hơi đã bị sụp lỡ hết 1/3 mặt đường, mà xe chở hàng chúng tôi bắt buộc phải vượt qua ! kinh khủng quá ! Chỉ cần một phút giây đất sạt lở tiếp thì xe hơi sẽ lao xuống hố sâu !

10 giờ, chúng tôi được tiếp xúc với Ông Bí thư xã Daknhoong, Ông tỏ lời cảm ơn đòan Từ Thiện Phật Giáo Đồng Nai : “Ông nói đây là lần đầu tiên trong đời tôi, xã tôi nhận hàng quà cứu trợ cho dân tôi đang lầm than đói khổ”. Ông Phó Chủ Tịch xã A-Em cũng nói, đời tôi có biết nhận hàng quà cứu trợ của ai đâu, dân mình tuy khổ, nhưng tự lo được cái ăn cái mặc, không giàu nhưng mỗi năm đã được Nhà Nước cấp trên lo liệu “cứu đói giáp hạt” sẳn sàng rồi. Có ngờ đâu, mưa bão đã làm cho dân đói khổ ! Ông Phó Chủ Tịch xã dáng người vạm vỡ lắm, Ông rất tích cực cùng với chúng tôi, năng động giải quyết thật nhanh gọn, để giúp dân của Ông được nhận hàng quà tặng, Ông không cần nhân viên cấp dưới nữa, mà tự mình đứng ra điểm danh phát phiếu và hướng dẫn dân đến gần quý Thầy Cô nhận quà.

Ông A Em là người dân tộc, nhưng rất cương quyết trong việc làm, dân rất nghe lời, Ông làm việc thật hiệu quả, nên việc tặng quà của Đòan chúng tôi đến 12 giờ là giải quyết xong 400 phần quà tặng cho 400 gia đình bà con nạn nhân. Thêm vào đó còn có một đòan của Chùa Phật Quang, Bà Rịa Vũng Tàu tặng 200 phần quà, không có phong bì, khác với quà của chúng tôi, nhưng gạo có đến 20 cân, còn gạo của chúng tôi chỉ có 10 cân, nhưng có thêm phong bì tiền 150.000 đồng nữa.

Đứng trên đồi cao nhìn dòng sông Po-kô thơ mộng, nhưng nay Po-kô ơi sao mà giận dữ lắm thế, dòng sông đã lôi kéo biết bao sinh mạng đồng bào, thiệt hại tài sản, nhà cửa núi rừng Tây nguyên, còn dòng sông nhỏ Daknhoong ơi sao mà hung tợn quá vậy, sông thì không lớn là bao, lòng sông cạn, nhưng khi có mưa thì tạo thành lũ quét, lũ ống phá hại mùa màng, nhấn chìm sự an cư lạc nghiệp của bà con, cướp đi nhiều sinh mạng của đồng bào, không thương tiếc, ơi hỡi dòng sông Po-kô ơi !

Chúng tôi đã biết, mọi người biết, rồi chắc có lẽ có nhiều đòan cứu đói…đây là một việc làm mà người Việt Nam ai ai cũng không từ chối. Đòan xe chúng tôi tạm biệt Đồn biên phòng, Ủy Ban Nhân Dân xã Daknhoong, trên đường về “mùi tử khí” vẫn còn văng vẳng đâu đây… nhưng khi gần đến huyện Ngọc Hồi, huyện Daktô, chúng tôi thấy có khoảng 5 xe ôtô búyt thuộc đòan từ thiện của Phật Giáo Bà Rịa Vũng Tàu chở hàng đến ủy lạo, tôi vui mừng lắm, an lòng rồi, chắc có lẽ còn những người chưa được nhận quà, sẽ được nhận quà, sẽ được có cơm ăn áo mặc…

Còn biết bao nhiêu Gia đình Phật tử, tấm lòng nhân ái, các Nhà mạnh thường quân, Nhà hảo tâm, Nhà từ thiện hướng về Kontum, Dakglei, Dkatô, Ngọc Hồi và nhất là hiện ở Dakglei, còn 3 xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh, xã Xi Xếp bị cô lập, chưa liên lạc được với Chính quyền và các đòan thể cứu trợ từ bên ngòai. Không biết họ còn chịu đựng được bao nhiêu ngày nữa để được sống còn ! Cao xanh ơi, núi rừng ơi, thôi đừng giận dữ nữa ! Sông Po kô ơi xin hãy nhân từ và cứu lấy núi rừng Tây nguyên, con người Tây nguyên hiền hòa chất phát, lại quá khổ đau giữa cuộc đời !

Có bình đẳng không, khi mọi người đang vui tươi, đang được đi học, hưởng thụ vật chất đủ đầy…còn đồng bào, đồng lọai ở nơi đây, ở 3 xã còn lại của tổ quốc vẫn còn đang gánh lấy những đói khổ, không cơm ăn áo mặc, những nam nữ trẻ già, nhất là trẻ em đang bơ vơ lạc lõng giữa màn trời chiếu đất hàng ngày, hằng giờ…???

Ngày 30/10/2009
Phổ Đà Sơn


Có phản hồi đến “Một Ngày Đến Với Đồng Bào Huyện Daklei - Kontum - HT Thích Giác Quang”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com