Trên một vùng đồi cao, vị Sư già bước đi dõng dạc, mắt đăm chiu về hướng khung trời cao tươi đẹp. Sư muốn kiến tạo vùng đất khô cằn sõi đá, thành những am tự làm từ thiện nhân đạo giúp đỡ mọi người. Theo sau là năm ba chú tiểu vui tươi ví von câu hát :
Cầu xin cho vùng đất thiêng mênh mông
Sỏi đá biến thành cơm gạo, nương khoai
Cho đồng bào con an cư lạc nghiệp
Cho xóm làng tươi thắm đượm hoa xinh
Đó là những gì các đây trên 30 năm ròng rã, những người của Tịnh xá Bửu Sơn chịu đững nhiều khổ nhọc, khó khăn. Trong đó có đủ mùi vị ngọt ngào cay đắng của cuộc đời, nhất là nơi vùng đất khô cằn sõi đá.
Sư Minh Dũng, cũng là Hữu Dũng, một Tu sĩ môn phong Tịnh độ non Bồng, thuộc thế hệ thứ tư trong môn phong pháp phái. Sư vốn là tu sĩ xuất gia lâu rồi, từ trước ngày hòa bình (30.04.1975), ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chí trai, trỗi gót tang bồng không làm cho Sư dừng chân bất cứ nơi nào trong trần thế. Khi thì Saigon, lúc thì Vũng Tàu Bà Rịa, lúc thì Biên Hòa Đồng Nai, khi thì Lâm Đồng Daklak…nhưng cuối cùng thì Sư đã ưng ý nơi nầy, theo ý nghĩ của Sư :”là nơi giải thóat mọi khổ đau phiền não, vì mình có thóat khỏi khổ đau phiền não mới giúp người ra khỏi khổ đau phiền não…”.
Vùng đất chỉ là đá đỏ, đá bazan, có ai mà nhảy vào đây tranh chấp dành giựt làm chi cái mãng đất không có môi trường sinh thái sống còn, không trồng được hoa mầu lương thực. Sư đến đây có ý định trồng rừng, trồng cây tràm bông vàng, cây khuynh diệp, những lọai cây dễ trồng, nhưng trồng đã 10 năm rồi mà bán kính thân cây chỉ tròn 10 cm, cỏ cũng không mọc được, làm sao mà sắn khoai sống được?
Sư nói :”vùng đất nầy ngòai việc trồng rừng, thì chỉ có làm công tác khác như làm khu nghĩa trang giúp cho người khốn khó cô độc qua đời, làm từ thiện, nuôi cô nhi, nhờ lòng hảo tâm của Phật Tử hỗ trợ hoặc đem tài sản của gia đình mà bồi đắp, mở phòng thuốc phước thiện, bốc thuốc nam, châm cứu…đem thuốc từ rừng núi về chữa bệnh cho bà con thì được…"Sự suy nghĩ táo bạo ấy lại là một động lực duy nhất giúp cho Sư thành tựu đạo nghiệp đến hôm nay.
Năm 1978, lúc bấy giờ đồng tiền Việt rất đắt giá, sau ngày hòa bình, Chính phủ đổi từ tiền chế độ cũ mệnh giá 500 đồng Việt Nam thành một đồng VN. Nhưng Quan Âm tu viện và Tăng Ni không ai có tiền để đổi, đừng nói chi đến việc mua vật thực…lúc bấy giờ ăn trong bữa ăn chỉ có mì ăn liền mà là mì nát, khoai mì, bo bo, bột…nhưng cũng chỉ của Phật Tử trích phần nhịn ăn mà cúng dường, bản thân người viết cũng chẳng có “xu nào trong túi”. Riêng Sư thì với ý niệm tốt lành như trên, Sư đã về Quan Âm tu viện đảnh lễ xin Thầy Tổ là Hòa Thượng tôn sư, Ni Trưởng Huệ Giác chứng minh và hỗ trợ cho Sư tác nghiệp Phật sự, được Ni Trưởng “ban cho phước huệ 10 đồng bạc VN”.
Mười đồng với Quan Âm tu viện lúc bấy giờ lớn lắm, sống trong tu viện cả 500, 600 người có ai biết đến tiền bạc là gì đâu các bạn ạ? Đời sống ăn, mặc, ở, bệnh thì đơn giản, lại có Phật Tử lo liệu, đời sống tinh thần thì có Tổ Thầy đỡ đần, khi bệnh thì có xe đưa đi bệnh viện lớn chữa trị. Lúc bấy giờ Bệnh viện Phước Kiến do Bác Sĩ Lương Phán làm Giám đốc có cúng dường cho Quan Âm Tu Viện cô nhi viện Phước Lộc Thọ một dãy phòng ở tầng lầu 2 dành cho chư Tăng Ni và các cháu cô nhi khi có bệnh đến đó được đưa vào nằm điều dưỡng miễn phí (cho đến khi Bác sĩ Trần Nghi làm Giám đốc và đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Trãi năm 1980 mới không còn chế độ nầy nữa) nên chư Tăng Ni cần gì nói chuyện tiền với bạc, mà cũng chẳng có ai cúng tiền cả ! (vì ai cũng phải đổi tiền).
Được tiền mới vào năm 1978, Sư rất vui rất mừng, xem như là Sư được duyên lành phước phần lớn lao trong đời ! niềm tin ấy, đã cho Sư Minh Dũng một nghị lực thật phi thuờng. Nhân đó mà Sư mỗi ngày mỗi ngày đi lao động, đôn đối lao động, thực hiện phương châm “nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực”. Còn có cả Thầy Huệ Thiện, cô Diệu Xin, An Quý, An Diệu, chư huynh đệ của Sư cũng đồng cam cộng khổ ăn khoai chuối, tương rau đạm bạc mà lao động phát hoang rừng tưa thành sỏi đá.
Tịnh xá Bửu Sơn trước đó còn có cô Diệu Hoa, người khỏe trẻ tu học tại Quan Âm Tu Viện, có an cư kiết hạ tại Tổ Dình Long Thiền năm 1983, thọ giới Sa di trong năm cũng tại đây do HT thượng Huệ hạ Thành chứng truyền. Ni cô cũng về đây giữ gìn rẩy bái. Thật tình mà nói, các vị cũng là người đồng môn đồng song trong môn phong của Thầy Bạch Y (đệ tử của Mẫu Trầu), các vị có cùng một tâm quyết kết đoàn nhường nhịn lẫn nhau để lo Phật Pháp.
Sau khi Đức Tôn Sư Mẫu Trầu viên tịch tại Quan Âm tu viện, lần lượt sau năm 1988 Thầy của Sư cũng quy tiên tại Tịnh xá Bạch Y, Bà Rịa Vũng Tàu, Sư cô Diệu Hoa về Lâm Hà lập riêng cơ ngơi tu hành.
Tịnh xá Bửu Sơn được phát huy từ đây, việc làm lành thì chư Thiên hộ trì. Sư đã vượt qua mọi khó khổ trong thời điểm giao thời quá độ, luôn gặp khó khăn, trở ngại trong tu hành cũng như công việc từ thiện. Giáo Hội thì không công nhận, vừa canh điền tác rẫy vừa chạy đôn chạy đáo mà lo giấy tờ cho hợp lệ bản thân. Hợp lệ để được tu thôi, vậy mà nếu ai yếu lực tu thì hòan tục mất rồi ! hòan tục thì không còn ai hiếp đáp nữa ! nhưng Thầy Trò của Sư thì không thối chuyển, kiên tâm trì chí vượt qua được những khó khắn chồng chất như núi Tu di, nghiêm chỉnh mà mỉm cười niệm A Di Đà Phật với cao xanh, hòan cảnh bấy giờ thấy mà rơi nước mắt !
Chính Sư Giác Quang là người làm việc tại Văn phòng Giáo Hội mà cũng đồng cảnh ngộ “mình lo mình chưa xong, có đâu mà giúp người khác được” Than ôi ! (Lúc bấy giờ năm 1988 TW Giáo Hội PGVN chỉ công nhận có 9 hệ phái được đứng trong Giáo Hội, còn bao nhiêu phải tự giải thể, không được công nhận là một thực thể trong Giáo Hội PGVN, muốn tham gia Giáo Hội phải làm đơn xin vào hệ phái khác, mới được đứng trong GHPGVN)
Phật Pháp không phụ lòng nhơn sanh, năm 1990, ở Biên Hòa, Ni Trưởng Huệ Giác, Sư Quang được HT Phó Pháp Chủ thượng Huệ hạ Thành mời ra làm việc cho Giáo Hội tại Long Thiền, Ni Truởng ủy nhiệm cho Sư Quang đứng ra làm công tác. Đầu tiên là thuyết giảng ở chùa Thanh Long, kế đến Long Thiền, giảng dạy tại Trường Trung cấp Phật Học, lớp giáo lý tại Tổ Đình Long Thiền, rồi lần lượt giao việc Văn phòng Tỉnh Hội, cử vào Ban Giám Hiệu Trường Trung Cấp Phật Học tỉnh, Ban Đại diện Phật Giáo Biên Hòa, Ban Trị Sự Tỉnh Hội…Chính đây là cơ sở tu bồi công đức cho môn phong Tịnh Độ Non Bồng và từ đó các chùa của Tịnh Độ tông thuộc của Quan Âm tu viện khắp các huyện, thành trong tỉnh đều “dễ thở”. Bấy giờ chúng tôi phát nguyện “nếu phải là nhơn duyên tu Phật, trường chay niệm Phật, nối lửa pháp phái môn phong, duy trì được pháp tu của Phật, thì xin chư Phật, chư Thiên, Hộ pháp cho chúng con vượt qua những cửa ải đầy truân chuyên, để cùng góp phần cùng GHPGVN nối thạnh giống Phật…”.
Lời nguyện có giá trị cho đến hôm nay. Hiện nay trong tòan tỉnh Đồng Nai có 500 Tự Viện, trong đó có 33 Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh thất, Am viện của tông phong Tịnh Độ đều là đơn vị cơ sở của Giáo Hội PGVN. Tính trên tòan quốc, thì tông phong Tịnh Độ No Bồng có 145 Tự Viện, không tính đến các Tự Viện của Tịnh Độ Tông VN (cụ Đòan Trung Còn) trước năm 1981.
Thế rồi từ đó đến nay, Sư vẫn giữ trọn vẹn một lòng trung hiếu với Tổ Thầy, với chư Sư chư huynh đệ tông môn dòng giống và rất kính cẩn quý Hòa Thượng trong tông môn.
Sư Minh Dũng làm công tác từ thiện có hiệu quả, như nuôi người già yếu cô độc neo đơn, nuôi cô nhi có cả trăm cháu, giúp đỡ chư Tăng Ni Phật tử không có người thân khi quy tây, không ai lo liệu, cho chôn cất trên những mảnh đất mà Sư từng ra công sức miệt mài lao động hiến cúng cho họ, phát nguyện không thu phí chôn cất.
Tịnh xá Bửu Sơn, xã Ngọc Định còn bảo trợ nhiều công tác xã hội, xây nhà tình thương, bồi lộ, cứu tế thiên tai lũ lụt khắp nơi khi có nhu cầu góp phần cùng Giáo Hội, mở phòng mạch miễn phí, chẩn trị cho bà con nghèo, hổ trợ cho huynh đệ tạo dựng sơn môn như chùa Bửu Pháp, chùa An Lạc, mở rộng khu vực làm kinh tế tự túc nhà chùa. Từ những hiệu quả trên, Tịnh xá Bửu Sơn được Nhà Nước tỉnh, huyện quyết định cho thành lập Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Hoa Sen Trắng do Sư làm Giám Đốc, dưới sự chứng minh về phần tinh thần của Tổ Thầy.
Ngòai việc từ thiện, Sư còn nuôi chúng tu học thế học và Phật học, có hai người đệ tử An Quý, An Diệu đều là Sư cô đã tốt nghiệp cử nhân Phật học. Sư cô An Quý, là thạc sĩ ngôn ngữ học, thuộc Đại học Quốc gia tại Tp.Hồ Chí Minh, cũng là nhà dịch giả, chuyên dịch sách cùng với nhà văn, nhà dịch giả, người làm nhạc Vũ Đức Sao Biển.
Sư Minh Dũng được tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng Tọa vào năm 2007. Ngòai các việc trên Sư cũng rất quan tâm đến việc tu học của nam nữ Phật tử, hằng tháng tổ chức khóa tu Bát Quan Trai, thỉnh HT Giác Quang đến thuyết giảng giúp Phật Tử tu học Phật Pháp.
Cả đời tu của Sư Minh Dũng tuy có khó khổ, nhưng một mực trung thành viới Giáo hội, hiếu đạo với Tổ Thầy, trọn nghĩa tình huynh đệ chốn sơn môn Non Bồng, nối thạnh giống Phật.
Ngày 12.12.2009
Sư Giác Quang