Ali Dũng Kính tặng bài thơ đến Sư Thầy Quan Âm Tu Viện., Hòa Thượng Thích Giác Quang nhân sắp đến lễ Vu Lan, tháng bảy Phật lịch 2553 – Dương lịch 2009.

Ali Dũng là người dân tộc Chăm hiền hậu sinh sống tại phường Bửu Hòa, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai .

Dân tộc Chăm ở nước ta còn có tên gọi khác là Chàm. Chiêm Thành, Hời. Số dân hiện có khoảng 133.000 người , sống tập trung ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Một số nơi khác như An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh cũng có 1 phần dân cư người Chăm ; tây nam Bình Định và tây bắc Phú Yên có người Chăm thuộc nhóm Hroi.

Tiếng nói dân tộc Chăm thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo. Bên cạnh ngôn ngữ bản địa, người Chăm theo đạo Hồi và đạo Bà-la-môn .Đạo Hồi ở đây có 2 nhóm : Bà Ni ( Hồi giáo cũ) . Ixlam ( Hồi giáo mới ) .Đạo Bà-la-môn thu hút khoảng 3/5 dân số Chăm vùng Ninh Thuận và Bình Thuận.

Đồng bào Chăm sống ở đồng bằng , có truyền thống sản xuất lúa nước là chính. Kỹ thuật thâm canh lúa nước bằng các biện pháp bón phân , làm thủy lợi khá thành thạo. Một bộ phận người Chăm biết buôn bán . Hai nghề thủ công nổi tiếng là làm đồ gốm và dệt vải thổ cẩm sợi bông.

Trước kia, người Chăm không trồng cây trong làng . Đồng bào có tập quán bố trí cư trú theo dạng bàn cờ . Mỗi dòng họ , mỗi nhóm gia đình thân thuộc hay có khi chỉ 1 đại gia đình quây quần thành một khoảnh hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trong làng các khoảng như thế ngăn cách với nhau bởi những con đường nhỏ . Nhà ở của người Chăm quay mặt về phía Nam hoặc phía Tây. Phần lớn làng Chăm có dân số khoảng từ 1000 đến 2000 người.

Chế độ mẫu hệ vẫn tồn tại khá đậm nét ở người Chăm miền Trung . Tuy đàn ông thực tế đóng vai trò lớn trong cuộc sống nhưng chủ gia đình luôn là người đàn bà cao tuổi. Phong tục Chăm qui định con theo họ mẹ. Nhà gái cưới chồng cho con . Con trai ở rể nhà vợ . Chỉ con gái được thừa kế tài sản , đặc biệt người con gái út phải nuôi dưỡng cha mẹ gìa nên được phần chia tài sản lớn hơn các chị.

Nói đến nền văn hóa cổ kính và đạo đức, chúng ta nghỉ đến địa danh "phố biển hiền hòa", "miền thùy dương cát trắng", nằm cách Huế khoảng 624 cây số về phía nam và cách Sàigòn khoảng 442 cây số về phía bắc; không ai lại quên nhắc đến một thắng cảnh độc đáo và cũng là một thánh tích quan trọng, đó là Tháp Bà Nha Trang hay Tháp Po Nagar.

Văn hóa Chăm với Tháp Bà hiển nhiên là một kiến trúc tôn giáo đặc thù của người Chăm. Nhiều nét của văn hóa Chàm từ ngôn ngữ, trang phục, ca dao, truyện cổ, âm nhạc, ca vũ, vv... đã thấm nhập vào đời sống của dân tộc Việt.

Tháp Bà nằm ở phía bắc thành phố Nha trang khoảng 4, 5 cây số, trên một ngọn đồi cao cách mặt bể độ chừng 50 thước, được gọi là núi Cù Lao cạnh cửa sông lớn đổ ra biển Đông. Con sông này vốn mang khá nhiều tên theo thời gian là sông Cái, sông Ngọc Hội và cuối cùng là sông Nhatrang. Nhatrang mà thành phố biển này mang tên có nguồn gốc từ tiếng Chăm Eatran hay Yatran mà ra. "Ea" hay "Yja" hay "Ya": có nghĩa là nước là sông; còn "tran": là lau sậy, vì hai bên bờ sông toàn là lau sậy. (Có lẽ dân ta về sau biến chữ "tran" thành "trảng" như trảng bom, trảng bàng vv... chăng?) Như thế Eatran hay Nhatrang có nghĩa là "con sông sậy", thuộc vùng Kauthara của Chiêm thành mà tổ tiên ta tiếp thu vào năm 1653. Một điều đáng ghi nhận là hiện nay đồng bào thượng Rhadé hay Êđê vùng Ban Mê Thuột vẫn dùng nhiều từ ngữ gốc Chăm và vẫn gọi nước hay sông là Ea. Như thế cho thấy sự liên hệ của họ với người Chăm xưa cũng gần gũi lắm.

Dưới chân núi Cù Lao về phía đông, cạnh quốc lộ số 1 vốn là bến xe ngựa ở thời Pháp thuộc cho đến thời đệ nhất Cộng hòa, về sau theo sự tăng tiến kỹ thuật trong đời sống, xe ngựa được thay thế bằng xe lam rồi xe buýt Renault. Bên kia quốc lộ là Xóm Bóng hay Xóm Chài, vì xóm này nguyên được lập nên bởi những người chuyên làm nghề đồng bóng ở tháp Bà (tiếng Chàm gọi là patjao), và về sau ngư phủ người Việt tập trung sinh sống quanh đấy càng ngày càng đông. Vào thời cao điểm của cuộc chiến vào khoảng năm 1969, công binh quân đội Đại hàn làm một xa lộ mang tên là "Cải lộ tuyến" hay "xa lộ Đại hàn" đi tắt từ phía bắc đèo Rù Rì đến Thành, và từ đó các chuyến vận tải xuyên Việt không còn phải chạy cạnh chân Tháp Bà, qua cầu Xóm Bóng, cầu Hà Ra để vào .

Trong những năm cuối của thời Pháp thuộc, vùng phía bắc của Tháp Bà như Đồng Đế, Ba Làng vv.. vẫn còn hoang vu lắm. Việc đi thăm hay cắm trại ở Hòn chồng, bãi Dương là những dịp hãn hữu; còn việc lễ bái ở tháp thì chỉ náo nhiệt nhất là vào dịp tết âm lịch. Lý do dễ hiểu là thời ấy thành phố Nhatrang còn bé và việc đi lại còn lắm khó khăn, và chẳng ai có nhu cầu gì để phải đi xa như thế. Có lẽ nguồn giải trí lành mạnh của dân Nha thành vừa tiện lợi và ít tốn kém vẫn là bãi biển cát trắng và nước biển trong xanh bên cạnh.

Toàn bộ Tháp Bà được xây dựng khoảng từ đầu thế kỷ thứ 8, thời mà dân Việt vẫn còn bị Tàu đô hộ (dựa vào niên đại những bia ký dựng ở tháp) và tiếp tục được phát triển và trùng tu cho đến thế kỷ thứ 13. Thế kỷ thứ 8, cũng là thời kỳ vua Chàm ở phía bắc là Vikrantavarman II thôn tính vùng Kauthara (Khánh hòa) của các tiểu vương Chăm ở phía nam, nhưng vẫn chưa tiến chiếm hết vùng Panduranga (Ninh và Bình Thuận).

Mặt tiền của các tháp đều hướng ra biển Đông. Tổng thể kiến trúc gồm ba tầng, đi từ dưới lên trên. Tầng thấp ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa, nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 thước và cao hơn 3 thước. Ở hai bên các dãy cột lớn có 14 cột nhỏ và thấp hơn, và tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1 thước. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng, cũng là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang này từ lâu đã không hề được xử dụng. Bậc thang bằng đá ong mà ta thấy hiện nay ở phía nam tháp Bà rộng lớn hơn được xây vào thập niên 60 do nhu cầu du lịch gia tăng (Tháp Bà Nha Trang & Lịch sử Chiêm Thành của BS Trần văn Ký).

Là những người tu Phật, hiểu biết về văn hóa Chăm, tại Quan Âm Tu Viện có nhiều người Chăm đến làm Phật tử tu học, như gia đình chú Khánh Huy, chú Ali Dũng…là người Chăm, nhưng lại tín ngưỡng Phật Pháp rất sâu rộng, thường xuyên đến Tu Viện nghe thuyết pháp thọ Bát Quan Trai. Chú Ali Dũng rất tín tâm, tín ngưỡng về Mẹ, thường xuyên dẫn bạn bè đến gặp Ni Sư Kim Sơn để tìm hiểu Phật Pháp tu học, và rất tinh tiến niệm Phật.

Nay nhân sắp đến ngày Vu Lan tháng bảy, chú làm thơ gần như là lọai thơ khóan thủ, mộc mạc, chân quê với nhan đề “Vu Lan Nhớ Mẹ” tặng Hòa Thượng Giác Quang.

Tuy vận văn không sát hợp, không ăn khớp, nhưng với tấm lòng tưởng niệm ngày Vu Lan cao quý của chú Ali Dũng, Phổ Đà Sơn nhưng xin giới thiệu  đến các bạn:
Cùng nhau lễ hội Vu Lan
Đi cho đông đủ được ban pháp màu
Viếng thăm nơi ở Mẹ Trầu
Chùa xưa, cảnh cũ Mẹ đâu mất rồi
Quan ảnh Mẹ ở trong chòi (am)
Âm dư động lại con ngồi nhớ thương
Tu tâm sửa tánh đôi đường
Viện nay vắng Mẹ tỏ tường cùng ai
Đó gió xa thổi lá bay
Là tiếng ru của mẹ vào tai thỏ thẻ
Mấy đứa con còn rất trẻ
Đứa đen, đứa trắng rồi sẽ nên người
Con vẫn biết trong cuộc đời
Lai hai dòng máu, số trời định cho
Của Thiên, của Địa mẹ lo
Mẹ ôm, mẹ ấp thơm tho tấm lòng

Phổ Đà Sơn
Ngày 04.08.2009


Có phản hồi đến “Vu Lan Của Ali Dũng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com