(phỏng theo chuyện của một thiếu niên Phật tử)
Thanh Hải, một Phật tử sơ cơ, năm nay học lớp 8 của trường tỉnh ở miền Đông. Em giỏi Tóan, Lý Hóa, hằng ngày siêng năng chăm chỉ vào việc học và được xếp lên lớp 9, niên học 2009-2010.
Em là cháu của Dì Hoa, tuy hai gia đình ở xa, nhưng Dì rất quan tâm chăm sóc cháu như con ruột ở nhà.
Bãi trường, được Dì dắt đi chùa, đến rất nhiều tòng lâm thắng cảnh ở Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Biên Hòa để lễ Phật. Một ngày nọ được Dì đưa đến Quan Âm Tu Viện lễ Phật và tham dự nghe buổi thuyết pháp về pháp môn niệm Phật, Hải xin ở lại với Tu Viện một đêm, dự các khóa lễ tụng niệm, thích thú quá, sáng ngời quá, mặt mày tươi tắn như hoa. Em thích thú tụng kinh từ lâu rồi, mà không có dịp cùng quý Sư đọc tụng, nay được đọc tụng là chuyện lạ mà hay giỏi nhất trong đời, nhất là ở độ tuổi thiếu niên.
Có lần Dì Hoa hỏi :”trong các Chùa mà Dì Hoa dắt con đi, con thích ở Chùa nào, Dì Hoa sẽ xin Thầy Trụ trì để gởi con vào nơi đó học tập Phật Pháp trong ba tháng hè…?”
Hải nói :”cháu thích ở Quan Âm Tu Viện, vì nơi đây không khí êm đềm, xanh mát, có người tu ở đông, có dạy Phật Pháp, Phật Học và hướng dẫn tụng kinh niệm Phật…Tuy về ăn uống có đôi phần khắc khổ hơn các chùa khác, nhưng con thích ở Quan Âm Tu Viện...”
Nếu con thích thì Dì Hoa hướng dẫn đến xin Sư Bà Huệ Giác và Sư Quang cho con được ở để trưởng dưỡng thân tâm ?
– Dạ !
Thế là, kể từ ngày tạm xa mái trường và bạn bè thân yêu, Hải miệt mài vào những câu niệm Phật, sách Phật học vỡ lòng, lần tràng hạt của Sư Quang cho và đã chỉ dạy niệm Phật. Đêm đến Hải siêng năng theo quý Sư lớn tụng kinh. Tại Chính điện của Quan Âm Tu Viện lúc nào cũng có tiếng tụng kinh, tụng kinh tối, tụng kinh nữa đêm, tụng kinh khuya, tụng kinh sáng; nhất là về đêm có tịnh niệm Phật vào lúc 23 giờ.
Thật tình,Hải cũng muốn nhập chúng lắm, nhưng thức vào những thời khóa từ 00 giờ đến 03 giớ sáng thì chịu thôi, vì ngày mai còn phải ôn bài, chuẩn bị bước vào năm học mới và cũng không quen thức khuya như vậy. Hải rất thán phục các chú tiểu Đức thuần, Đức Hải, Thuận Đắc, nhiều chú lắm, khỏang 30 chú. Các chú biết vâng lời Ông Sư Quang. Ông Sư dạy chú Đức Thuần phải lo việc cúng cơm Phật, chú Đức Hải lo công phu chiều, mỗi mỗi chú đều luân phiên nhau cách khỏang thời gian 1 tháng .
Mỗi khi Ông Sư dạy hoặc phân công tụng niệm, các chú đứng chắp tay rất nghiệm nghị, Hải đã học được việc nầy ở các chú tiểu Quan Am Tu Viện, Hải rất vui mà học tập làm cho được, thật đẹp đẽ biết bao với những cử chỉ đáng yêu của các chú.
Đến giờ học Phật Pháp trong mùa an cư của chư Tăng Ni, Hải làm gì có đủ tiêu chuẩn để học giáo lý Phật Học, nhưng cũng có giờ học Phật Pháp dành cho các cháu thiếu nhi và cho cả người lớn mới vào tu, học được. Mỗi lần tập trung như vậy có khỏang 30 chú có độ tuổi như Hải, được học trong các giờ giảng của Sư Bà Huệ Giác, Ni sư Kim Sơn, Sư cô Hương Nhũ…
Riêng giờ của Sư Quang dạy về Na Tiên Tỳ Kheo kinh, tuy Sư Quang có bảo là các chú tiểu khỏi phải học, nhưng Hải xin được học, chủ yếu là muốn được học Phật Pháp, dù có biết rất ít đi nữa, nhưng Hải vẫn xin được học và cuối cùng Sư Quang cho Hải vào học chung với quý Sư Lớn.
Suốt 10 tuần qua, Hải đã sống và tiếp thu những kiến thức Phật pháp rất nhiều rồi, hội nhập nếp sống Tăng đòan rồi, nhưng hình tướng thì vẫn là mái tóc xoắn bẩm sinh thật đẹp “điển trai nhí” của Hải mà Bố Mẹ đã cho. Sư Quang thì rất thương Hải, nhưng sợ Hải biết mà lờn tánh, nên ít cho Hải biết, chỉ ở sau Hải mà giúp cho Hải vui tươi là đủ rồi.
Tại Quan Âm Tu Viện hiện nay có 70 Tăng (Tu sĩ Nam) và 140 Ni (Tu sĩ Nữ), trong đó có 144 Tăng ni tham dự an cư tại chỗ, tức là trong những tháng nầy thì quý Sư, quý Sư cô lập hạnh thật nghiêm túc hơn ngày thường, ít đi lại, tụng kinh nhiều, học Phật Pháp nhiều, tịnh niệm nhiều hơn ngày thường. Theo Sư Bà Huệ Giác dạy : “an cư tại chỗ” tức là chư Tăng hay Ni cư trú ở đâu đến ba tháng an cư từ ngày 16/04 âl đến 15/07 âl thì ở đó mà tu tập, thiền tụng trau dồi giới đức, tiến tu tam vô lậu học. Thường thì Giáo hội tổ chức an cư nội thiền, chư Tăng ni tập trung tu học tại Tổ Đình Long Thiền, Chùa Hòang Ân, Chùa Đại Giác, Chùa Giác Minh. Nhưng ưu tiên cho những Tu viện, Thiền viện có đông Tăng Ni được tổ chức an cư tại chổ, như ở Biên Hòa thì có chùa Phước Viên, Quan Âm Tu Viện, ở Long Thành có Thiền viện Thường Chiếu và 14 tụ điểm an cư tại chỗ; vì vậy hằng năm tại Đồng Nai có đến 2700 Tăng Ni tham dự an cư, trong số 4011 Tăng Ni cư trú trong tỉnh.
Nay là ngày thứ Hai, ngày 01/06 Kỷ sửu, chỉ còn một tháng và mười một ngày nữa là mãn hạ. Thường thì những nơi tổ chức an cư làm lễ mãn hạ, tạ pháp rất lớn, quy tụ rất đông Phật tử. Lễ mãn hạ có lễ tự tứ và tạ pháp là quan trọng vì Tăng Ni sẽ được tập trung kiểm điểm những hành vi cử chỉ tánh hạnh của mình mà sám hối lỗi lầm trong 3 tháng an cư, được đảnh lễ và niệm ân chư Tôn giáo phẩm chứng minh, Ban chức sự, Ban tổ chức, Ban giáo thọ (Giảng sư), chư Tăng Ni, Phật tử các Tự Viện và tại trú xứ an cư, cũng như tạ ơn chính quyền đã dành mọi sự dễ dàng cho các chùa tổ chức An cư .
Hải rất thích được tu xuất gia như chư Tăng Ni, Sư Bà Huệ Giác và Sư Quang cho phép, nhưng dạy phải học tập cho đến khi tốt nghiệp tú tài rồi mới vào tu. Lý do thời điểm của Hải đi tu thì phải có tiêu chuẩn như vậy. Đối với Đạo Phật, thường thì nam nữ trẻ già, học vấn ít hay nhiều đều tu được dễ dàng và thành tựu đạo nghiệp. Người con Phật thì yêu chuộng cả “tài” lẫn “đức”, tài năng không thì chưa đủ để dẫn người tu đi đến chổ “chí đạo”. Một ít người (ít thôi) có học vị tài năng hiện nay, ít có thể hiện hạnh lành giới đức nghiêm minh, ít có người thật sự khiêm tốn để “dẫn đạo”, nên rất khó gần gũi người để “dẫn người tu” (làm cho Phật tử phải nghĩ suy). Người tu sĩ Đạo Phật có “đức độ lẫn tài năng” như thời điểm hiện nay thì có thể dẫn đạo cho người tu đạt hiệu quả cao. Nhưng ở trong Đạo Phật với nhãn quan người con Phật, thường thì người Phật Tử quý chuộng người có “đức độ” hơn là tài năng vì rất dễ gần gũi, nên họ có phương tiện học Phật Pháp…
Tuy nhiên, hiện nay đối với người cao tuổi từ 30 tuổi trở lên phát tâm tu hành thì Giáo Hội và các Chùa không đòi hỏi nhu cầu bằng cấp học vị. Từ 30 tuổi trở xuống thì phải có học tập Văn hóa, ít nhất là học sinh từ cấp II trở lên, thì xuất gia đầu Phật tiện lợi hơn, nhưng khi vào chùa phải tiếp tục học Văn hóa và học Phật học.
Nhu cầu nầy đúng, vì trình độ dân trí Việt Nam càng ngày càng cao, mà người tu sĩ Phật giáo học quá ít thì khó mà đối đầu với ngọai đạo, xã hội muôn mặt, hoặc đứng trước quần chúng Phật tử thuyết giảng.
Hải chấp nhận điều kiện nầy và hứa nghe lời Sư Bà, Sư Quang và sẽ trở về nhà đi học sau khi mãn ba tháng an cư của Tu Viện.
Đã 15 giờ rồi, đến giờ của Sư Bà Huệ Giác…thuyết giảng, Hải theo quý Sư vào lớp học Phật Pháp …
Tích Thiện