Tháng vừa rồi Ngọc Hằng có về Việt Nam và được đến Quan Âm Tu Viện Đồng Nai diện kiến thầy tổ. Là một người con Phật, luôn được thầy tổ chỉ dạy nên bố thí, làm phước cúng dường cho bá tánh thập phương trong khả năng có thể để phước đức được tràn đầy và tăng thêm tình yêu thương con người. Từ nào đến giờ dù chưa là Phật tử, Ngọc Hằng cũng đã từng thích làm những việc từ thiện trong khả năng giúp người. Tuy nhiên, tận mắt chứng kiến việc bố thí mà thầy tổ đã làm từ nhỏ đến lớn cho biết bao con người với tâm không phân biệt làm Ngọc Hằng vô cùng cảm động.

Có một buổi chiều đang ngồi trên ghế đá ở chùa chờ chú Phật tử chở đi thập tự, một người đàn ông đi xe máy tiến vào chùa. Người này nhìn trước nhìn sau điệu bộ rất khả nghi. Từ lúc bước chân về quê nhà, Ngọc Hằng đã được họ hàng bạn bè thuyết giảng bao nhiêu là phương cách phải cẩn thận kẻo bị lừa đảo, cướp bóc nên trong tâm luôn cảnh giác đề phòng. Người đàn ông ấy ngó nghiêng xong tiến đến Ngọc Hằng bảo xin tiền ăn cơm vì hết tiền. Hiển nhiên là Ngọc Hằng lắc đầu không cho, tâm buồn bực sao lại vào chùa lừa đảo, đi xe máy sang mà còn xin thiếu tiền. Ngọc Hằng bỏ vào trong gặp thầy tổ không ngoài ở ngoài nữa.

Đang ngồi dưới bóng cây bồ đề trước điện thờ ông Cố dưới chánh điện Ni trò chuyện với cô Hoa sau khi cúng dường trai tăng, một người thanh niên khá gầy, mắt lờ đờ như dân nghiện ngập tiến đến bảo xin tiền xe về thành phố. Ngọc Hằng muốn ra dấu bảo cô đừng đưa cho họ. Tuy nhiên, cô vẫn hỏi người đó là bao nhiêu tiền. Cô thuyết giảng bảo người đó đây là chùa, không được nói dối vì sẽ mang tội nghiệp, tới nói với cô lại tiếp với người khác lừa đảo là không nên. Sau khi thuyết cho một thời pháp ngắn về nhân quả, cô vẫn lấy tiền ra đưa cho người đó tượng trưng. Cô bảo mình dùng ít tiền để cho họ nghe một chút Phật pháp, để họ đừng làm điều sai quấy lừa đảo.

Lên cốc thầy, thượng tọa Thích Vạn Hùng, Ngọc Hằng nghe ồn ào ở trước. Chú Phật tử vào báo có một người đến chùa xin tiền, điệu bộ khả nghi. Thầy lấy ít tiền đưa chú ấy mang ra cho họ. Ngọc Hằng ngạc nhiên hỏi sao thầy lại đưa tiền cho người lừa đảo. Thầy cười bảo con phải học hạnh như ông Cố, cho họ tiền rồi chú nguyện để mai này họ không làm những việc như vậy nữa, đó mới là từ bi. Nghe xong, Ngọc Hằng chỉ biết cúi đầu im lặng, lòng cảm thấy xấu hổ và thầm kính phục tâm hạnh từ bi vô ngã, bình đẳng vị tha của thầy tổ mình. Nhân đây Ngọc Hằng xin kể cho các bạn nghe câu chuyện “Nhân Quả Của Sự Bố Thí”. A Di Đà Phật!

“Thuở Ðức Phật còn ở đời, giáo hóa chúng sanh, có một vị Trưởng giả rất giàu, kho tàng dẫy đầy, tôi tớ đông đảo, Trưởng giả ấy là em của Ngài Ðại Mục Kiền Liên.

Một hôm, Tôn giả Mục Liên đến nhà em, bảo rằng: “Tôi nghe chú không ưa bố thí, điều ấy rất không tốt.” Ðức Thế Tôn thường dạy: “Người nào hay bố thí, sẽ được hưởng phước báo không lường”. Nay chú được giàu sang như thế này, là do công đức huệ thí từ kiếp trước. Nếu chú cứ ôm lòng lẩn tiếc chẳng những hưởng phước không được bao lâu, mà đời sau do nghiệp bỏn xẻn sẽ mang thân ngạ quỷ, khốn khổ vô cùng.

Nghe lời anh dạy, Trưởng giả mở rộng kho tàng, cúng dường Tam bảo châu cấp cho kẻ nghèo thiếu. Trong khi ấy, ông lại cất thêm kho vựa mới, ý muốn thâu chứa, những của cải, mình sẽ được do phước bố thí, nhưng chưa được bao lâu thì tiền của tiêu mòn, kho cũ đã hết, mà kho mới cũng trống trơn, trưởng giả sanh lòng ảo não, đến thưa với Ngài Mục Liên rằng: Khi trước anh bảo: “Bố thí sẽ được nhiều phước báo” tôi không dám trái lời dạy, đem tất cả ra làm việc phước đức, nay kho tàng đã hết sạch, nhưng phước báo đâu không thấy, hay là tôi đã bị lầm lạc vì anh chăng?”

Tôn giả Mục Liên bảo: “Chú chớ nên nói lời ấy! Chớ nên gây tà kiến cho những kẻ ngu mê! Nếu phước đức đều có hình tướng, thì cảnh giới hư không, dung chứa vào đâu cho hết. Tuy nhiên, nếu chú muốn, tôi có thể chỉ cho thấy một phần ít quả báo của sự bố thí. Nói đoạn, ngài Mục Liên dùng sức thần thông đem em lên đến một phương vức ở cõi trời. Nơi đây, một bầu trời thế giới trân kỳ hiển hiện: Lầu các rộng rãi bao la, cảnh trí vui tươi sáng suốt, ao thất bảo gió thơm thanh khiết, hoa Mạn Ðà vẻ đẹp thần tiên! Trưởng giả mục kích sững sờ, ngơ ngẩn, nhìn đông quên tây, lại thấy từ trong cung điện lộng lẫy, chậm rãi đi ra một đoàn ngọc nữ. Trưởng giả liền hỏi anh rằng: “Ðây là cảnh nào mà phong cảnh xinh tươi như thế? Sao tôi chỉ thấy toàn là người nữ, không có nam nhơn? “Tôn giả Mục Liên bảo: “Chú hãy đến hỏi ngay mấy nàng kia, sẽ được biết rõ”. Trưởng giả đem những lời ấy hỏi, thiên nữ đáp: “Ðây là cung trời Ðao Lợi, chúng tôi ở chốn này đã lâu hưởng phước tự nhiên, những thức ăn mặc tùy niệm hiện ra, không cần phải nhọc sức tạo tác. Bao nhiêu cung điện và tất cả sự trang nghiêm tốt đẹp nơi đây, cho đến sắc thân thanh khiết xinh tươi của chúng tôi, đều là kết quả của sự bố thí. Ngài muốn biết ngài trượng phu của chúng tôi ư? Người ấy không ai xa lạ, chính là những vị nào siêng tu phước đức. Hiện nay, ở cõi nhân gian, về xứ Ca Tỳ La Vệ, Tôn giả Mục Liên vị đệ tử thần lực của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni có một người em ưa bố thí, người ấy không bao lâu mạng chung, sẽ thác sanh lên đây và sẽ là người chủ quản của chúng tôi sau này”.

Nghe thiên nữ nói, trưởng giả bỗng nhiên vui mừng khấp khởi, cảm phát lòng lành, liền trở về chỗ Ngài Mục Liên thuật lại mấy lời ấy. Tôn giả mỉm cười, hỏi gạn lại: “Thế nào? Sự bố thí có phước báo hay không? “Trưởng giả hổ thẹn, sám hối. Sau khi trở về nhân gian, ông lại càng bố thí nhiều hơn và khuyến khích người khác làm theo, không lúc nào biết chán nản.

Thuở xưa, ở thành Xá Vệ có Vị trưởng giả, một ông tên là Tối Thắng, một ông tên là Nan Hàng. Cả hai đều rất giàu có, bảy báu đầy đủ, voi, ngựa, xe cộ, tôi trai, tớ gái đông đúc, ruộng vườn sự sản vô cùng to tát. Nhưng, về tánh tham lam, bỏn xẻn của hai ông này, ở trong nước thật không ai hơn. Trưởng giả Tối Thắng cũng như Nan Hàng, mỗi ông đều xây tường thành cao, làm bảy lớp cửa, dặn gia nhân đừng cho kẻ ăn xin vào nhà. Chưa lấy thế làm đủ, hai ông còn sắm những tấm lưới sắt che giăng khắp trên sân, vì sợ loài chim bay xuống mổ lúa thóc. Cho đến các kho vựa, cũng đều làm bằng sắt, quyết không để loài chuột xoi khoét vào cắn phá đồ vật.

Nghe tiếng hai ông trưởng giả keo bẩn, năm vị đệ tử lớn của Ðức Phật tuần tự nhau dùng phép thần thông, phân thân đi đến mỗi nhà, từ dưới đất bay lên, thuyết pháp giáo hóa. Nhưng kết cuộc, hai ông trưởng giả chẳng nghe lời giảng dạy. Sau rốt, Ðức Phật cũng dùng phép phân thân đi đến, hiện thần lực, ngồi nằm giữa hư không, phóng ánh sáng rực rỡ soi khắp mọi nơi, nói ra pháp màu nhiệm, hai vị trưởng giả tai nghe, nhưng còn chưa hiểu thấu đều tự nghĩ rằng: “Nay Ðức Thế Tôn đã đến nhà, ta không nên để cho Ngài về không” nghĩ như thế, mỗi ông tự vào kho lấy vải để đem ra cúng Phật. Vì còn nặng lòng tham tiếc, hai ông định lựa vải xấu, nhưng lấy lầm phải thứ tốt, khi trở vào đổi, lại lấy thứ khác tốt hơn. Bây giờ, cả hai tâm ý phân vân, nửa muốn đem ra, nửa muốn cất vào, băn khoăn không nhất định.

Lúc ấy, Ðức Phật dùng thiên nhãn xem thấy chư thiên đang đánh với A Tu La, khi được hơn khi bị thua, kia là quả báo của tâm trạng hơn kém trong khi bố thí. Ðức Thế Tôn lại quán sát, đến tâm của hai vị trưởng giả, thì thấy lúc có tâm bố thí hơn, tâm bỏn xẻn thua, có lúc tâm bỏn xẻn hơn, tâm bố thí thua, Ngài liền nói bài kệ rằng:

“Bố thí như chiến tranh
Ðiều ấy Phật không khen
Khi thí là khi đánh
Hai việc ấy đồng nhau”.

Hai vị trưởng giả nghe xong, trong lòng hổ thẹn, cho rằng Ðức Phật đã nói ngay tâm trạng của mình, mỗi vị đều đem vải tốt ra dâng cúng Phật. Cúng dường xong, cả hai tâm trí sáng suốt, đều chứng được đạo quả.

“Làm gì có sự lũng đoạn về kinh tế, người bóc lột người, một khi nhân loại đã thật hành tài thí”.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Câu Chuyện Phật Giáo Số 22: Nhân Quả Của Sự Bố Thí”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com