Vậy là đã hai năm kể từ ngày con làm việc tại một phòng khám khá lớn ở bệnh viện dành cho những bệnh nhân bị bệnh về máu và ung thư rất nổi tiếng ở Florida, nơi tập trung rất nhiều bác sĩ rất giỏi có danh tiếng ở Mỹ cũng như thế giới. Nhiệm vụ của con vừa làm một thầy thuốc đồng thời cũng làm trợ lý cho rất nhiều những bác sĩ chuyên khoa khác để rèn luyện thêm tay nghề. Đặc biệt, con được vinh dự làm việc chung với hai chú bác sĩ người Việt rất giỏi có tiếng tăm ở Mỹ mà con và gia đình vô cùng ngưỡng mộ.

Xem thêm:

Hoa Nụ Cười Trong Sương Gió Mùa Thu

Con biết đến tên của hai chú khi hai chú vừa chuyển đến đây từ nơi khác và xuất hiện trên báo chí với tư cách là những bác sĩ chuyên khoa về ung thư rất giỏi lúc con còn chưa tốt nghiệp y tá. Quả thật lúc ấy, con chỉ mong có dịp được gặp hai chú, để xem hai chú là ai và có cơ hội bày tỏ sự ngưỡng mộ khâm phục là con vui lắm rồi.

Hai chú sang Mỹ khi mới hơn mười tuổi, xuất thân trong gia đình gia giáo và không biết bằng ý chí hay thiên phú bẩm sinh thông minh thế nào lại được vinh dự học ở trường đại học Harvard, đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ và thế giới và tốt nghiệp y khoa với bằng danh dự đứng đầu toàn trường. Vì thế, các chú toàn làm việc ở những trung tâm bệnh viện nổi tiếng của Mỹ và duyên đưa đẩy thế nào các chú lại về đây sinh sống làm việc ở bệnh viện của con.

From Gainesville Sun
 "Shands home to several pairs of sibling doctors"
http://www.gainesville.com/article/20131208/ARTICLES/131209674?tc=ar

Ngày đầu tiên đặt chân đến phòng khám, con khá bất ngờ khi biết sẽ làm việc chung với hai chú dù hai chú không phải là những bác sĩ hướng dẫn con trực tiếp vì con làm việc về các bệnh liên quan đến máu huyết trong khi các chú chuyên về bệnh ung thư. Phòng khám con có hơn 20 bác sĩ cùng rất nhiều sinh viên thực tập, sinh viên y khoa nội trú, bác sĩ thực tập chuyên khoa sau nội trú nên lúc nào cũng đông vui tấp nập.

Dù làm việc chung một phòng khám, gặp các chú cũng thường xuyên nhưng con rất ít khi tiếp xúc trò chuyện, đa phần chỉ là những câu xả giao thông thường, phần vì thấy các chú khá bận và phần cũng vì tính con không thích buôn chuyện tò mò về đời riêng tư của ai.Chuyện của thế giới giải trí thể thao, ăn uống, mua sắm chưa bao giờ thuộc về con nên đó cũng là điều mà con ngại tiếp xúc với người khác vì ngại phải trả lời những câu hỏi tại sao và tại sao. Đến những câu hỏi gia đình mọi người cũng hay kể chuyện vợ chồng con cái thì một đứa chẳng bao giờ quan tâm thích thú chuyện bồ bịch chồng con như con lại sẽ bị xét nhìn với một con mắt kỳ quặc khác. Vì thế, tốt hơn im lặng và giữ khoảng cách để bớt chuyện thị phi ồn ào.

Vả lại, kể từ ngày rời Cali và không phải tiếp xúc nhiều với người Việt, những người đã để lại cho con quá nhiều sự tổn thương khổ đau, kể cả họ hàng cho nên con luôn giữ một khoảng cách nhất định khi tiếp xúc với người ngoài, nhất là người Việt. Kể cả các bác sĩ làm việc cùng với con hay đồng nghiệp, con cũng rất ít khi nói về đời riêng tư của mình vì thấy chẳng có gì đáng để nói, dùng hết tâm trí thời gian để làm việc giúp bệnh nhân rồi về nhà với gia đình.

Tuy nhiên, hai chú không phải như những người Việt ở Mỹ mà con từng tiếp xúc. Hai chú vô cùng gần gũi, bình dị, vui tính và đơn giản vô cùng. Gặp các chú là gặp cả một khung trời của niềm vui, hạnh phúc trong những câu chuyện hài hước hay những hành động kỳ quặc làm cả phòng khám ai cũng vui tươi. Hai chú chẳng bao giờ ca ngợi về gia đình hay những việc mình đang làm nên vô cùng khiêm cung, từ bi và đức độ.

Chú anh là Đặng Hoàng Nam làm sếp rất lớn ở đây, làm giám đốc cả trung tâm nghiên cứu về bệnh ung thư thực nghiệm cũng như xét duyệt chỉnh sửa các dự án nghiên cứu đệ trình. Vì thế chú lúc nào cũng chạy như con thoi, trong đầu luôn có hàng trăm ngàn suy nghĩ, kế hoạch phải thực thi còn hơn cả tốc độ ánh sáng. Một trong những nghiên cứu của chú là về lá đu đủ chữa bệnh ung thư được báo chí nhắc đến rất nhiều.

Con từng hỏi chú nguyên nhân chú về đây, về một thành phố quá nhỏ khác với những thành phố rộng lớn nổi tiếng khác làm việc và tại sao chú lại chọn đề tài lá đu đủ làm nghiên cứu. Chú cho con biết chú muốn giúp đỡ xây dựng trung tâm ở đây lớn mạnh còn việc nghiên cứu lá đu đủ là do những bệnh nhân người Việt thường đề cập nên chú cũng muốn thực nghiệm xem như thế nào

Chú em là Đặng Hoàng Long, chuyên nghiên cứu về các bệnh ung thư liên quan đến não , thận, hệ tiết niệu. Nhìn chú là nhìn thấy cả một bầu trời đầy sao vui vẻ, lúc nào cũng vui cười từ sáng đến chiều, dù chú có mệt bao nhiêu nhưng nụ cười không bao giờ tắt trên môi chú. Có lẽ, chú là bác sĩ ở phòng khám cũng như khám bệnh nhiều nhất ở đây. Chưa bao giờ con thấy chú bày tỏ sự giận dữ, nói một lời không hay với ai, nói chuyện khiêm cung lịch sự vô cùng cứ như xem ai cũng giỏi cũng tốt hơn mình cả.

Tháng ngày trôi qua hai mùa lá rụng đầy vệ đường theo những cánh chim bay ngút ngàn giữa mùa bằng lăng mùa hè cùng những cơn mưa gió lạnh run cả người của mùa đông vút qua trong êm đềm. Con cũng chỉ biết đến hai chú có vậy và hai chú cũng chưa hề biết đến con cùng gia đình là như thế nào, chỉ bình thường như tất cả mọi người khác trong phòng khám dù có phần khép mình hơn vì những chuyện thế sự đời thường giải trí của các chú con luôn đứng ở bên ngoài.

Cho đến một ngày, em gái con được về đây thực tập y khoa năm cuối dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của hai chú cùng nhiều bác sĩ khác hai tháng về trước. Kể từ lúc ấy, con mới biết thêm một ít thông tin về gia thế sự nghiệp của hai chú qua em gái của mình. Em gái con rất vui tính, dễ thương, có duyên trò chuyện tiếp xúc cũng như hài lòng mọi người, có thể nói chuyện về mọi chủ đề đời thường nên ai cũng yêu quý. Vì thế cũng thật dễ dàng cho em con trò chuyện vừa để học tập vừa biết thêm về hai chú.

Như có một mối duyên nợ tiền kiếp, chú Long quý em gái con vô cùng, suốt ngày tận tình chỉ dẫn giúp đỡ, nghĩ đủ phương cách để em con được học tập tiến bộ nhanh. Chú hướng dẫn từng ly từng tý nên trình bày như thế nào, khám chữa bệnh ra sao, nên thực tập với ai, nộp đơn xin thực tập ở đâu, thư từ giấy tờ giới thiệu, các bài luận cá nhân của em chú đều đảm trách hết dù chú bận rộn biết bao nhiêu công việc có tên và không tên. Chú như một người điều phối quản lý “coordinator” của em gái con ở phòng khám chứ không phải con, suốt ngày khen ngợi giới thiệu em gái hết cho tất cả các bác sĩ ở đây làm con vừa vui cũng vừa lo vì sợ hai chị em không xứng đáng với sự tin yêu, mong đợi của chú.Đây quả là một ân huệ hiếm gặp vì không một bác sĩ nào làm việc tận tâm tận tình như thế với sinh viên của mình giống chú cả.

Dần dần, chú mới kể thêm cho con và em gái nghe về xuất thân của chú cùng gia đình. Hai chú sinh ra và lớn lên trong một gia đình có quyền uy giàu sang ở Việt Nam. Mẹ chú là dược sĩ còn ba chú là một giáo sư dạy toán, du học ở Pháp. Chú Nam luôn đứng đầu khi còn ở Việt Nam còn chú Long hay khiêm nhường bảo chú học rất tệ, gia đình còn lo lắng chú có vấn đề, chỉ là vì chú ít chú tâm và ham chơi. Biến loạn của đất nước đưa chú và gia đình sang Mỹ với đôi bàn tay trắng cùng bao nhiêu sự khổ nhọc đắng cay khi mất tất cả, rơi từ sự quyền uy xuống đến thấp nhất tận cùng.

Thời trung học ở Mỹ, hai chú nhà quá nghèo, áo quần không được mấy bộ lại được học ở trường dành cho những học sinh gia đình giàu sang bậc nhất nước Mỹ khi các chú được nhà thờ bảo lãnh. Sự kỳ thị xâm lấn khắc nghiệt đến với các chú nên những trận ẩu đả, đánh nhau diễn ra thường xuyên. Tức giận vì bị xem thường với sự nghèo khó, hai chú quyết tâm vượt khó học tập và ra trường với hạng nhất nhì ở trường trung học ấy. Ba các chú ban đầu phải làm nghề lau dọn rồi học trở lại cho đến khi nghỉ hưu đứng đầu ở trung tâm công nghệ thông tin bộ phận ở công ty. Mẹ chú học làm người giúp lo những giấy tờ hỗ trợ bệnh nhân với các chính sách phúc lợi xã hội. Gia đình họ hàng của chú có tất cả bảy người làm bác sĩ.

Vì yếu điểm môn tiếng Anh, chú đã bỏ ra cả một năm ở trung học để đọc những tác phẩm cổ ngữ khó nhất, tra từ điển đến mòn rèn luyện cho kỳ thi SAT thi vào đại học. Không uổng công khổ luyện, chú nhận được cả hai điểm tuyệt đối cho môn toán và tiếng Anh và nhận bằng danh dự quốc gia rất hiếm có để đường hoàng bước vào cánh cửa của trường đại học danh tiếng Harvard và cả trường y khoa Harvard. Tất cả những ai ở Mỹ đều biết để nhận vào được trường đại học Harvard là không hề dễ dàng còn bước vào trường y khoa ở đó lại khó gấp bội. Vậy mà hai chú lại hoàn thành tấm bằng tốt nghiệp đứng đầu ở đây từ trường y thì đó là sự kinh ngạc cũng như niềm vinh dự hiếm gặp không ngờ.

Để có thêm tiền trang trải học hành vì là những sinh viên nghèo so với những sinh viên giàu sang khác của Harvard, mỗi mùa học trôi qua, hai chú ở lại trường lau dọn ký túc xá cho tất cả các sinh viên thêm thu nhập. Có lẽ trải qua thời khổ luyện và từng sống trong cảnh khó khăn cùng với sự giáo dưỡng của gia đình mà hai chú luôn giữ sự bình dị, giản đơn kể cả khi thành đạt ở đỉnh cao như hiện tại. Càng nghe chú kể, con càng ngưỡng mộ khâm phục ước ao mình có được một chút nghị lực vượt khó phi thường như hai chú.

Thấy hai chú, nhất là chú Long, thương xót lo lắng, chỉ dạy cho em gái con không khác cha chăm con làm con xúc động không nói nên lời. Chú tốt bụng đến độ để cho em gái con và con cùng đứng chung vào những nghiên cứu của chú sẽ được đăng lên báo dù chúng con chẳng làm gì nhiều. Chú muốn giúp em gái có được điểm tốt tăng sự cạnh tranh khi nộp đơn xin nội trú và chẳng ai lại tốt đến vậy, chỉ mỗi chú là người đầu tiên con được biết đến. Con xúc động vô cùng nhưng không biết lấy gì đáp đền và không biết kể gì, đành chia sẻ cho chú bài báo về em gái con cùng gia đình cách đây mấy năm để chú hiểu thêm về gia cảnh của chúng con vì con chưa bao giờ kể chuyện gia đình cho chú nghe. Ở phòng khám cũng chẳng ai biết gì nhiều về con và gia đình cả.

Kể từ lúc ấy trở đi, chú càng nỗ lực dùng hết sức mình giúp đỡ em gái con và con mới có dịp trò chuyện cởi mở, chia sẻ thêm vài chuyện riêng tư với chú nhưng cũng chẳng đáng là bao. Nghĩ về chú luôn làm cho con xúc động vì không biết chư Phật mười phương đã thương xót chúng con mà đưa đường chỉ lối cho chúng con được gặp hai chú. Lá thư giới thiệu chú Nam viết cho em gái dưới sự trợ giúp của chú Long con không biết nói nên lời vì quá hay và tuyệt vời.

Bài luận cá nhân chú Long phải tốn không biết bao nhiêu công sức thời gian để viết để chỉnh sửa và trở thành một bài viết hoàn hảo, đầy xúc động, mạch văn ấm áp ngọt ngào như tiếng suối chảy mưa rơi. Chú ngày ngày còn gọi điện nhắn tin kiểm tra hỏi thăm em gái con và giúp đỡ, nhắc nhở, lo lắng cho em gái con từ những điều bình dị nhất cho đến những điều chúng con chưa bao giờ nghĩ tới. Con cứ thắc mắc hoài phước duyên tu tập từ đâu mà kiếp này chúng con được ân huệ vĩ đại đến thế. Em gái vẫn hay vui đùa chắc chú nợ em con tiền kiếp giờ chú phải quay lại trả nghiệp.

Con cảm ơn chú Long nhưng quả thật những từ ngữ của trần gian đời thường không đủ để con bày tỏ lòng mình vì chúng con chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ vĩ đại như thế, kể cả với họ hàng người thân. Chú từ bi tử tế đầy khiêm nhường bảo con đừng nghĩ vậy, chú chẳng giúp gì cả, họ hàng người thân chỉ là không biết giúp thế nào chứ nếu biết họ cũng sẽ giúp đỡ. Con đành gượng cười cảm ơn vì không muốn nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm đau buồn mà con bị đối xử từ những người mà con phải nhận là họ hàng cùng rất nhiều người Việt cho là đồng hương với nhau. Con sợ mình sẽ lại bậc khóc khi khơi gợi chuyện xưa vỡ vết thương lòng mà từ lâu đến với Phật giáo giúp con học hạnh buông xả, tha thứ. Âu đó cũng là những kinh nghiệm bài học giúp con trưởng thành, sống có ích và trách nhiệm hơn với bản thân cùng mọi người xung quanh.

Con vẫn thường xem chú là một vị Bồ Tát hóa hiện giữa đời thường dù chú không bao giờ nhận lấy. Chú vẫn nghĩ Bồ Tát là một danh từ vĩ đại hoàn hảo nào đấy mà chú chưa với được. Chú có biết đâu con học được biết bao nhiêu bài học từ chú như được tiếp xúc từ rất nhiều vị Bồ Tát vĩ đại của cuộc đời.


Trong chú luôn nở một nụ cười hoan hỷ, an lạc, đầy từ bi vui vẻ không khác Đức Phật Di Lặc ngày mùng một đầu xuân ở khắp các chùa. Sự khiêm cung tôn trọng luôn xem mọi người đều giỏi, đều hay hơn mình, không bao giờ khinh chê bất cứ ai của chú đó là hình ảnh của Thường Bất Khinh Bồ Tát “ta không dám khinh xuất các người vì nhân duyên trước sau các người sẽ thành Phật.” Tấm lòng từ bi, nhân ái, luôn giúp đỡ mọi người khi cần thiết với cả một tấm chân tình của chú khác nào hình ảnh một Quán Thế Âm Bồ Tát tầm thinh cứu khổ giữa cuộc đời đầy giông bão này. Đặc biệt, hạnh nguyện cứu người, khám chữa bệnh, giúp cho bệnh nhân hết bệnh cả thân và tâm, nhất là những bệnh ung thư, một bệnh của nghiệp thân tiền kiếp chú đang làm đó chính là hỉnh ảnh hóa hiện của Đức Phật Dược Sư giữa đời thường.

Chú Long ơi, chú giúp chúng con quá nhiều nhưng con không biết phải làm gì để cảm ơn chú cũng như bày tỏ lòng biết ơn của mình cho đúng nhất. Gặp được hai chú chúng con chẳng khác nào gặp được những bồ tát thực sự của cuộc đời. Điều này càng giúp con tin sâu hiểu sâu hơn Phật giáo vì mỗi lần con khổ đau, khó khăn, cần làm điều gì vì người khác thì luôn có người xuất hiện để giúp con được ân triêm trong những hoạt động Phật sự đời thường.

Mong chú nhận ở chúng con cả tấm lòng biết ơn sâu sắc nhất vì ở đó chứa đựng cả tấm chân tình quý báu mà chú dành tặng cho chúng con. Nợ tiền của thế gian chúng con dễ dàng đáp trả nhưng nợ bao nhiêu ân nghĩa tình thương biết bao nhiêu kiếp chúng con mới có thể đáp đền. Con xin cảm ơn chú đã học hạnh Bồ Tát đi vào đời đưa tay kéo chúng con lên khi chúng con đang ở trong vòng vô định không biết lối đi nào thích hợp nhất với mình. Xin chú nhận ở chúng con những hoa sen thanh khiết từ tâm dâng tặng cho một vị Bồ Tát bằng xương bằng thịt mà chúng con có phước duyên được gặp trong cuộc đời này.

Hoa sala đã nở từ hơn 2,500 năm trước đón một vị Phật ra đời. Hương của bất cứ loài hoa thơm nào cũng chỉ bay theo chiều gió nhưng hương của những người đức hạnh, ngập tràn yêu thương cùng trái tim nồng hậu sống vì mọi người trong mỗi bước chân an lạc của chú sẽ luôn ngược gió khắp tung bay. Nguyện mong chư Phật mười phương sẽ luôn trì từ gia hộ để chú có đầy đủ sức khỏe, duyên lành thù thắng tiếp tục làm việc giúp ích cho cuộc đời. Cầu mong chú sẽ luôn được hạnh phúc, lạc an để tiếp tục lan tỏa chút hương thơm từ bi của tình người  đến với những bệnh nhân có phước duyên gặp chú cũng như giúp chú sẽ được ân triêm tất cả những dự án, công việc đang làm vì sức khỏe và bình an của bao người quanh chú.

“Sen búp xin tặng người

Một vị Phật tương lai.”

Nam Mô Tịnh Lưu Ly Thế Giới - Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Phật!

Ngọc Hằng




Có 1 phản hồi đến “Đức Phật Dược Sư Trong Con Bên Phương Trời Y Khoa Ở Mỹ”

  1. Hải Tâm đã nói

    Wow, ngưỡng mộ hai chú quá. Gia đình các chú thật là có phước vì sinh ra toàn các vị Bồ Tát chữa bệnh cứu người. Các chú làm rạng danh người Việt Nam ở nước ngoài. Mình cũng là sinh viên y khoa. Ước gì mình có cơ hội được học tâp từ hai chú bác sĩ tài năng này nhỉ. Chúc hai chú thật nhiều sức khỏe và sẽ có nhiều công trình y khoa giúp ích cho cuộc đời.

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com