Em đã gặp tôi nhiều lần tại Thất Lắng Nghe, và em cũng đã nhiều lần gọi điện thoại đến tôi để nói về những nỗi băn khoăn của em đối với cuộc sống và em đã từng hỏi tôi rằng sống là gì? Nghe em hỏi, Tôi chỉ im lặng, mỉm cười, thở và bước đi, sau đó tôi lại bước về chỗ ngồi và cùng nói chuyện với em, tôi lại hỏi em rằng, theo em sống là gì?
Em buột miệng trả lời ngay với tôi rằng: "Sống là lo âu, là sợ hãi, là giành giựt, là đấu tranh, là dối trá, là mạnh được yếu thua, là lập phe, lập nhóm để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi cho nhau... sống như vậy, em chán ngấy rồi, em không muốn sống nữa, em muốn chết thôi, chết để cho nó khỏe, để khỏi thấy nhiều điều trái tai, gai mắt từ gia đình đến xã hội, Thầy ạ!"
Nghe em nói, tôi biết trong em có quá nhiều hạt giống bất mãn và khổ đau, và nhìn nét mặt của em, tôi biết em có quá nhiều đêm trằn trọc không ngủ và nhìn em cười, tôi biết trong em ấp ủ quá nhiều nỗi thương đau. Em nói, em không biết em là gì trong tương lai, và ngay cả gia đình cũng như xã hội, em cũng không biết tương lai của chúng sẽ là gì? Tôi biết trong cuộc sống, em đã có quá nhiều khó khăn và khổ đau. Nhưng thôi, em đừng thắc mắc và nghĩ ngợi nữa, em hãy tập ngồi yên năm, ba phút để thở có ý thức đi, rồi tôi sẽ nói chuyện cho em nghe!
Em ơi, những khó khăn và khổ đau mà em vừa nói, thì ở trong đời này ai mà không có, và ai mà không có một vài lần đã chạm trán như vậy!
Tuy nhiên, cuộc sống không phải chỉ toàn là những khó khăn và không phải chỉ toàn là những thất vọng và khổ đau như em nói, mà còn có mặt của những thuận lợi và của những hạnh phúc và an lạc nữa chứ!
Em cứ suy nghĩ đi, em đã có đôi mắt để tiếp xúc thường trực với ánh sáng, để thấy được những gì mà em cần muốn thấy, thấy được hình ảnh của các bậc thánh thiện, thấy được bàn thờ của tổ tiên, thấy được mặt cha và mẹ, thấy được mặt của anh chị em, bạn bè, người yêu, đồng loại và mọi loài, thấy được con đường để tự đi, thấy được núi cao, biển rộng và sông dài, thấy được chữ nghĩa để đọc những gì em cần muốn đọc, em có thể nhìn thấy trời xanh mây trắng, và nhìn xa hơn, em có thể thấy được trăng sao lấp lánh từ những cõi không gian vô cùng. Như vậy, những điều kiện thuận lợi để cảm nhận hạnh phúc, vốn đã có sẵn trong em một cách phong phú và kỳ diệu, sao em lại còn trách móc và khổ đau!
Em cứ suy nghĩ đi, em đã có đôi lỗ tai một cách toàn hảo, để em có thể lắng nghe và hiểu những gì mà những người thương yêu của em nói cho em nghe, em có thể nghe được tiếng thác đổ, tiếng suối reo, tiếng sóng vỗ từ biển khơi, tiếng gió thổi, tiếng rơi của mưa và lá, tiếng chim hót, tiếng của giun dế trong đêm khuya, tiếng nói từ những bậc đức hạnh và ngay cả tiếng vỗ một bàn tay của người chứng ngộ. Như vậy, sự có mặt của hai lỗ tai trong đời sống của em là những điều kiện thuận lợi để giúp em có hạnh phúc, vậy tại sao em lại sầu muộn và khổ đau!
Cũng như vậy, em cứ suy nghĩ đi, có phải mũi và miệng là những điều kiện giúp em có hạnh phúc không? Mũi đã giúp em thở, nếu em không thở làm sao em có thể sống, mũi giúp em thưởng thức được các hương thơm, nếu em không có mũi, làm sao em có thể ngửi được hương thơm của muôn vạn loài hoa và dược thảo, hương thơm của hương và trầm và nhất là hương thơm trong đời sống của những người đức hạnh! Miệng lưỡi đã giúp em nói, để tạo ra được những cảm thông giữa mình và người, giúp em hát và ca, giúp em biểu lộ được tiếng gọi quý báu và thân thương nhất là cha ơi, mẹ ơi, anh chị ơi, em ơi, thầy ơi, và ngay cả tiếng gọi cao quý nhất là Phật ơi nữa; Miệng lưỡi giúp em ăn, uống và nếm các mùi vị mỗi ngày, và như vậy, miệng lưỡi cũng như lỗ tai đã giúp em nhiều lắm, em có biết không?
Lại nữa, tôi muốn nói với em rằng, thân thể của em từ đầu mình cho đến tay chân, từ mái tóc cho đến làn da, từ não trạng cho đến các bộ phận trong cơ thể, từ những hạt mồ hôi cho đến những tế bào nhỏ nhặt, không có cái gì là không giúp cho em sống có hạnh phúc, và ngay cả những cái đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi đều là những động tác giúp em có hạnh phúc cả. Nên, em đi được, em đứng vững được, em ngồi vững chãi được, em nằm thảnh thơi được, em co và duỗi được, em thở được, em uống nước và ăn cơm được, em nói, cười và khóc được, cho đến em đi tiểu được, đi đại được, tất cả những cái được ấy, đều là những cái được của hạnh phúc đó em ạ! Những cái được ấy, hiện tại em đang được và được quá nhiều như vậy, nhưng tại sao em lại sống không có hạnh phúc?
Và em ơi, quan trọng hơn nữa, là trong thân thể của em lại có tâm hồn, nếu trong thân thể của em, mà không có tâm hồn, thì em trở thành gỗ đá và mọi sự có mặt của mắt tai mũi lưỡi và thân thể đều trở thành vô nghĩa, vì nó chẳng giúp được gì cho em bao nhiêu, đối với sự cảm nhận cuộc sống.
Nhưng em ơi, tâm hồn của em càng sâu lắng, thì hạnh phúc của em càng cao; tâm hồn của em càng rộng, thì hạnh phúc của em càng lớn; tâm hồn của em càng trong sáng, thì hạnh phúc của em càng xuyên suốt, tâm hồn của em càng bất động, thì hạnh phúc của em càng vững chãi, tâm hồn của em càng đơn giản, thì đời sống của em càng thảnh thơi và không hệ luỵ, và tâm hồn của em càng đi tới với sự toàn giác, thì hạnh phúc của em càng linh hoạt và sống động. Em hãy sử dụng sáu quan năng nhận thức của em với tâm hồn có những trạng thái như thế, và lẽ đương nhiên khi ấy, sáu quan năng nhận thức của em đều là những điều kiện của phép lạ, có khả năng biểu hiện để tạo ra và tiếp nhận muôn ngàn hạnh phúc cho em.
Như vậy, sống không phải như những gì em vừa trình bày và lên án, mà em hãy trở về lại với chính em đi, để em có thể cảm nhận được những gì mà tôi vừa nói với em, để em có thể tiếp nhận được gia tài quý báu của em vốn đã có từ nhiều đời, và từ những thiện căn phước đức nhân duyên, mà cha mẹ, cũng như dòng họ tổ tiên nội ngoại của em, cùng với đất trời đã chung nhau, làm nên hình hài, để hiến tặng cho em và đã cùng em hiện hữu!
Và hôm nay, em đang hiện hữu trong sự sống chết giữa cõi người ta, nên đứng trước sự sống và chết ấy, em không thể không khắc khoải và suy tư, vì sao? Vì đó là bi kịch, mà con người hết sức sợ hãi. Nhưng em ơi, em có biết không? Ðỉnh cao của sự sống là sự chết và tột cùng của sự chết là sự sống, sống và chết là hai mặt của một sự hiện hữu, chúng chưa bao giờ biệt ly nhau, dù chỉ là một khoảnh khắc em ạ!
Sống là thở, nếu không thở làm sao có sự sống; sống là cười, nếu không có cười, thì làm sao sự sống có thể đâm chồi, nẩy lộc và nở hoa; sống là bước đi, là hành động, là liên tục chuyển dịch, nếu không có bước đi, không có hành động và không có sự chuyển dịch, thì không có sự sống, và sống là thỉnh thoảng em phải ngồi yên lặng, với sự có mặt của ý thức trong sáng, để thở chậm và sâu, nhằm theo dõi các cảm giác, các tri giác, các ấn tượng và tưởng tượng, đang vận hành trong tâm thức, nhằm thanh lọc thân tâm và nhìn rõ lại chính mình em ạ!
Nhưng em ơi! Con người chuyển dịch liên hệ đến vô minh, thì họ sẽ sống trong vô minh. Sống trong vô minh là sống trong sự lo lắng, hận thù, đấu tranh và giành giựt nhau; sống trong vô minh là sống trong sự lập phe, lập nhóm để tranh giành đặc quyền, đặc lợi của nhau, những ai sống như vậy là họ đã sống trong sự lo lắng, khổ đau và chết ở trong sự bất mãn và sầu muộn.
Và nếu sự chuyển dịch của con người liên hệ đến “Minh”, thì con người sẽ đi và sống trong ánh sáng. Sống trong ánh sáng, thì con người không còn có sự lo lắng và nghi ngờ, con người không còn có sự giành giựt nhau, mà con người biết tìm cách bảo vệ hạnh phúc cho nhau và đưa nhau đi lên đời sống cao thượng, nên con người sống trong sự thảnh thơi và chết ở trong sự an toàn.
Em ơi, phép toán đầu tiên em học để tính, đó là phép toán cộng trừ, nhân chia em ạ! Em có biết không, không có cái cộng nào mà không đi theo với cái trừ và không có cái nhân nào mà không đi theo với cái chia, nghĩa là cộng bao nhiêu thì phải trừ bấy nhiêu, nhân bao nhiêu thì phải chia bấy nhiêu và lại nữa, trong bài toán trừ, nếu mượn mà không trả, đó là bài toán sai hỡi em!
Em hãy nhìn sâu vào bốn phép toán cộng trừ, nhân chia ấy, bằng đôi mắt Thiền quán, em sẽ khám phá ra chân nghĩa của sự sống và em sẽ biết ý nghĩa đích thực của sự sống là gì. Em ơi, sống là cộng và trừ, là nhân và chia đó em! Nghĩa là ta cộng bao nhiêu là ta phải trừ bấy nhiêu; ta nhân bao nhiêu là ta phải chia bấy nhiêu. Ta cộng thêm một ngày của sự sống, thì ta cũng trừ bớt đi một ngày của sự sống; ta nhân thêm bao nhiêu ngày của sự sống, thì ta cũng phải chia lại cho bấy nhiêu ngày của sự sống em ạ!
Em ơi, trong lứa tuổi của em, có khi nào em ngồi yên lặng để ngắm trăng chưa, nếu có, thì em đã thấy gì từ mặt trăng và em đã nghe mặt trăng nói gì với em trong mỗi đêm không? Nếu em không nghe, thì ta thay thế mặt trăng để nói cho em nghe nhé!
Trăng mỗi nửa tháng đầu, đều làm theo phép toán cộng, nghĩa là giữa không gian vô cùng, từ mồng một, trăng xuất hiện mơ hồ mà mắt thường ít ai thấy được, rồi mỗi ngày đi qua, đêm về trăng càng lúc càng hiện rõ, nghĩa là mỗi ngày đêm đi qua là mỗi ngày, mỗi đêm cộng vào đời sống của trăng, khiến trăng càng lúc càng sáng, cái tròn sáng của trăng một cách trọn vẹn xuất hiện giữa đêm rằm, và qua đêm mười sáu, bài toán cộng tròn và sáng của trăng đã tự chuyển đổi thành bài toán trừ, và mỗi ngày đêm đi qua, cái tròn và sáng của trăng tự giảm trừ dần, cho đến đêm ba mươi là dấu hiệu cũng như ánh sáng của trăng hoàn toàn tự triệt tiêu, và giữa không gian vô cùng của đêm ấy, ta chẳng tìm đâu ra dấu tích của trăng.
Như vậy, trăng đã cộng bao nhiêu ngày đêm để soi sáng cho đời, thì trăng cũng phải trừ bấy nhiêu ngày đêm, để trở về với nguyên thể của nó! Và em ơi, nếu trăng chỉ đi theo phép cộng mà không có phép trừ hay không trừ đúng với những gì chúng đã cộng, nghĩa là trăng mọc mà không lặn, trăng tròn mà không khuyết, thì mặt trăng đó là mặt trăng vẽ trên giấy hay đó là một mặt trăng bệnh hoạn giữa không gian và nó chẳng có tác dụng gì trong cuộc sống, hoặc nếu nó có tác dụng, thì nó sẽ gây ra tai họa cho trần gian em ạ!
Và tôi muốn nói tiếp với em rằng, trong đời sống hằng ngày, em thở vào là cộng, em thở ra là trừ. Bài toán cộng, trừ này chỉ đưa tới hạnh phúc và an lạc cho em, khi em biết thở vào bao nhiêu là em phải biết thở ra bấy nhiêu. Em biết không, khi em Thiền tập, em thở vào dài là em biết em thở vào dài, khi em thở ra dài là em biết em thở ra dài; khi em thở vào ngắn là em biết em thở vào ngắn, khi thở ra ngắn là em biết em thở ra ngắn; như vậy khi em thở vào dài, thì em phải thở ra dài, khi em thở vào ngắn, thì em phải thở ra ngắn, nếu em thở vào dài, mà em thở ra ngắn, thì em sẽ bị ứ hơi, và khi em thở vào ngắn mà thở ra dài, thì em sẽ bị hụt hơi. Mỗi khi em thở bị hụt hơi hay bị ứ hơi, đều dẫn em đến tình trạng khổ thọ và em sẽ không bao giờ có cảm giác hạnh phúc trong khi em thở. Em chỉ có cảm giác dễ chịu và hạnh phúc, khi nào em biết, em thở vào bao nhiêu, là em phải biết thở ra bấy nhiêu. Nếu em thở vào dài và thở ra dài; thở vào ngắn và thở ra ngắn là khiến cho hơi thở của em không bị ứ hay không bị hụt, bấy giờ em có sự hòa điệu giữa thân thể và hơi thở, cũng như sự hòa điệu giữa thân thể với tâm hồn, chính sự hòa điệu ấy, chúng tạo nên những cảm giác dễ chịu và hạnh phúc trong đời sống của em. Nếu em nắm vững được quy luật này, nghĩa là em nắm vững quy luật cộng và trừ, thì khi em đạt được bất cứ một cái gì trong cuộc sống, em sẽ không bị đánh mất bởi cái đạt được ấy; và khi em bị mất bởi bất cứ một cái gì trong cuộc sống, thì em sẽ không bị cái mất ấy, làm cho em bị khuynh đảo, thất vọng và khổ đau.
Bởi vậy, nếu em chỉ nắm vững nguyên tắc của một bài toán cộng trừ, thì em có thể giải mã được nhiều bài toán bí ẩn khác của cuộc sống! Em biết không, khi em sinh ra, em không nắm bất cứ một cái gì trong tay em để đến, và khi kết thúc cuộc sống, em cũng chẳng nắm được bất cứ cái gì nơi tay em để đi!
Như vậy, ở trong cuộc sống con người, em không những chỉ biết xây dựng đời sống của em bằng bài toán cọng, mà em còn phải biết xây dựng cho đời sống của em bằng bài toán trừ nữa chứ; em không những chỉ biết xây dựng cho đời sống của em bằng bài toán nhân, mà em còn phải biết xây dựng cho đời sống của em bằng bài toán chia nữa chứ!
Em biết không, Ngày xưa ở Ấn Ðộ có một trường phái triết học tên là Samkhyasastra (Số Luận), trường phái này họ nhận thức và đo lường thực tại bằng những con số, và qua những con số mà họ khám phá thực tại, thì nay em cũng vậy, em có thể sử dụng bốn phép toán học cộng trừ, nhân chia, để em khám phá đâu là chân nghĩa của sự sống, nhằm em có thể sử dụng sự sống mà không bị rơi vào bất cứ một sự sai lầm nào cả!
Và tôi muốn nói tiếp với em rằng, cuộc sống của em không phải chỉ có mặt bắt đầu từ khi cha mẹ của em sinh ra và không phải là kết thúc khi em buông bỏ hình hài này, mà cuộc sống của em là một dòng chảy tâm linh liên tục từ vô thỉ đến vô chung, nên không có cuộc sống nào gọi là cuộc sống bế tắc cả em ạ!
Em biết không, cha mẹ của em chỉ là những điều kiện giúp em biểu hiện sự sống mà không thể thay em để sống, sự sống phải chính là em. Và mỗi khi em hết những điều kiện để biểu hiện sự sống, cũng không có nghĩa là bế tắc và cũng không có nghĩa là em đã chết. Tôi muốn nói với em là em không bao giờ chết, vì không bao giờ có cái gọi là chết thiệt. Chết là em tiếp tục sống và tiếp tục biểu hiện trong dòng chảy liên tục của nhân duyên nội hàm, dưới hình thức này hoặc dưới hình thức khác, hoặc ở trong một không gian này hay ở trong một gian khác, mà mắt em quá phàm tục, trí em quá phàm trần, nên em không thấy và không biết đó thôi!
Cũng vậy, này em ơi, mặt trăng đang ẩn khuất ở bắc bán cầu, thì nó đang tỏa sáng ở nam bán cầu, chứ mặt trăng đâu có thực sự là lặn hay chết! Và mặt trời cũng vậy, mặt trời chưa bao giờ bế tắc, mặt trời ẩn khuất ở phương đông thì lại tiếp tục biểu hiện ở phương tây em ạ!
Như vậy, mặt trăng và mặt trời không bao giờ bế tắc, có nghĩa là chúng không bao giờ chết, thì tại sao em lại có chuyện bế tắc và có chuyện chết? Tôi muốn nói với em rằng, em không bao giờ bị bế tắc và em không bao giờ bị chết thiệt, vì em là một phần thân thể của mặt trăng và mặt trời, mà mặt trăng, mặt trời không bao giờ chết, thì cái chết chẳng bao giờ có thực với em. Sự sống và chết của em cũng giống như sự biểu hiện và ẩn tàng của mặt trăng và mặt trời giữa không gian vô cùng, điều đó em có nhận ra, để em vui cười với sự sống và sự chết của chính em trong từng khoảnh khắc không?
Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm với em rằng, thân thể của em chỉ là những sự biểu hiện từ nơi dòng tâm thức vô tận của em; thân thể của em hết điều kiện biểu hiện, thì chúng lại ẩn tàng, nghĩa là chúng trở về lại với dòng tâm thức của em, và khi có điều kiện, thì chúng lại tiếp tục biểu hiện, khi hết điều kiện để biểu hiện, thì nó lại ẩn tàng, cứ như vậy, mà thân thể em hết biểu hiện lại ẩn tàng và hết ẩn tàng lại biểu hiện. Thân thể của em ẩn tàng là ẩn tàng trong tâm thức, và biểu hiện là biểu hiện từ tâm thức, nhưng em ơi, tâm thức là không bao giờ chết, nó là một dòng chảy tương tác liên tục bởi những nhân duyên của chính nó. Bởi vậy, em hãy nhìn lại tâm em, để em có thể thấy rõ thân thể của em từng giây phút trong hiện tại là gì, và em cũng có thể thấy được thân thể của em trong tương lai là gì. Và em hãy nhìn lại tâm em, để em có thể trả lời được những câu hỏi, tại sao em lại thương người này, mà em lại không thương người kia; tại sao đối với người này thì em lại hành sử như thế này, mà đối với kia thì em lại hành sử như thế kia; tại sao em lại có mặt trong gia đình này, mà không có mặt trong gia đình kia; và tại sao em lại sinh ra trong thế giới này, mà em lại không sinh ra ở thế giới kia... tất cả những câu hỏi ấy, em có thể trả lời một cách minh bạch cho chính em, khi em biết nhìn lại tâm em trong sự yên lặng.
Em hãy trở về nhìn sâu vào tâm em bằng đôi mắt Thiền quán, với ý chí quyết liệt, với hướng đi cao khiết, với tấm lòng thanh bạch và mở rộng, thì chẳng có khó khăn nào cản được bước chân em, bấy giờ em không còn hờn ai và trách ai, mà tất cả đều giúp em vui sống và thành đạt.
Và lời sau cùng, tôi muốn nói với em rằng: Không ai thương yêu và tạo nên hạnh phúc cho em bằng chính tâm hồn an lạc của em, mà cũng không có ai ghét em và tạo ra khổ đau cho em bằng chính tâm tư sầu muộn của em! Nên, tôi mong em hãy quay về tìm lại hạnh phúc ở nơi chính tâm hồn của em, mà đừng bao giờ tìm kiếm hạnh phúc ở nơi bất cứ cái gì khác. Và em hãy nên nhớ rằng, không có sự hạnh phúc và an toàn nào được bảo chứng ở nơi chiếc thảm gấm, do người khác đem đến và trải đường cho em đi, và nếu em muốn đi trên chiếc thảm gấm, thì chính em phải tự dệt và tự chọn lấy con đường để trải! Vậy, hiện tại và tương lai của em là gì, em hãy nhìn sâu vào tâm tư của chính em để tự biết và tự chứng nghiệm lấy, đó là những gì mà tôi muốn tâm sự và chia sẻ với em hôm nay!
Thích Thái Hòa