VẤN: Con có vài điều thắc mắc về việc niệm chú đại bi và tụng kinh. Nhà con bàn thờ khá nhỏ vậy con có thể ngồi trước bàn thờ ông bà để niệm chú đại bi có sao không? Con có thể niệm chú đại bi để khai quang trì chú cho vòng phong thủy và các pháp bảo, linh vật thỉnh ở nhà được không? Trước khi bắt đầu vào việc trì niệm chú đại bi con nên đọc kinh gì trước? Đôi khi con cũng muốn tụng kinh nhưng nhà không có quyển kinh nào con có thể mở điện thoại, máy tính hay ipad cầm đọc theo được không? Con có thể vừa đọc chú đại bị vừa tụng kinh Bát Nhã Ba La Mật được không? Con xin cảm ơn Sư

ĐÁP

Ở câu hỏi nầy Bạn hỏi về việc tung niệm kinh chú, Bạn tự khai quang trì chú cho vòng phong thủy (xâu chuỗi), các pháp bảo, linh vật pháp khí Phật pháp. Nghi thức tụng kinh niệm chú...

Trước nhất, nói về việc tụng kinh, niệm Phật, tụng chú Đại bi hay các thần chú liên quan đến Phật tử tụng niệm. Thật ra, làm Phật tử mà không có người hướng dẫn, không có học Phật pháp thật không biết làm sao làm Phật tử, thậm chí làm Phật tử thây cốt tương Phật thì sợ không biết đó là gì, hay nhứt nhứt cái gì cũng sợ tội, sợ mắc tội với Phật.

Đi với Đức Phật, làm Phật tử thì có phước, không có gì phải tội. Nếu biết phước mà làm tội mới có tội, không biết chẳng có gì phải tội. Chỉ có chúng ta giác ngộ và sửa đổi từ xấu đến tốt, từ cõi ác đi đến cõi thánh thiện là đủ rồi các Bạn ạ! Bạn thực tập tụng kinh niệm Phật, niệm chú từ chỗ chưa biết đến biết, không có gì phải tội, xin tội rửa tội...

I .Niệm Phật

Trước nhất giảng về Niệm Phật, theo sách “Niệm Phật Thập Yếu của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, xuất bản năm 1971 - PL 2515 thì pháp tu Tịnh Độ Niệm Phật có bốn môn tu chính là:

Một là Tịnh độ Thiền Tịnh, tức là tu Tịnh Độ có tu Thiền, pháp Tiền không ngài pháp Tịnh và Tịnh cũng không ngại Thiền, Thiền Tịnh dung thông làm cho hành giả dễ tu dễ chứng, không đấu tránh Thiền Tịnh cao thấp, hay dỡ.

Hai là Tịnh Độ Luật Tịnh, tức là tu Tịnh Độ có tu thêm Luật, giữ giới luật Phật tinh nghiêm. Niệm Phật giúp cho tam nghiệp thanh tịnh, tam nghiệp thanh tịnh, thì giữ giới, giữ giới tức là hoằg giới, làm cho chánh pháp tồn tại luôn được tuyên lưu trong đời, chánh pháp ngày càng vững mạnh, ma vương không xen tạp. Thật ra thì thời mạt pháp, nhà tu Phật phá giới, ma vương xem thấy mừng lắm, vì có phá giới, sẽ làm cho Đạo Phật suy yếu, không phát triển Tăng Đoàn, Tăng Đoàn không phát triển thì Phật pháp không phát huy, không còn ai chính niệm tu cho chính chắn vì vậy ma vương mừng rỡ.

Ba là Tịnh Độ Mật Tịnh, tức là tu Tịnh độ niệm Phật, có tu Mật tông, niệm chú, giúp cho thân khẩu ý thanh tịnh, khẩu ý công phu niệm chú miên mật thì chánh niệm, các pháp ác không sanh, pháp thiện phát triển. Người tu niệm Phật, có tu Mật, tức là niệm chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, Thập chú, Ngũ Bộ Chú, gồm có bài Án Lam, Án Xỉ Lam, Ám Bộ Lam, Án Chiếc Lệ, Chủ lệ Chuẩn đề ta bà ha, Án Ma Ni Bát Di Hồng.

Bốn là Tịnh Độ Thuần Tịnh, tức là hành giả tinh chuyên niệm Phật, không xen tạp niệm khác, không tu tạp pháp, hoặc là niệm Cao Thinh Trì, niệm Kim Cang Trì, hay Mặc Trì, đứng niệm Phật, đi kinh hành niệm Phật, quỳ niệm Phật, ngồi niệm Phật, không nên nằm niệm Phật, vì nằm niệm Phật, máu sẽ dồn hết về não làm cho tổn hại não tiến độ rất lớn. Chư sư cận đại, như ngài Ấn Quang đại sự, Hoằng Nhứt đại sư thường khuyên niệm pháp “Thập Niệm Ký số”, tức là mỗi buổi sáng trước khi đi làm việc, hành giả Tịnh Độ đền trước bàn Phật, niệm mười câu danh hiệu Phật, sau khi niệm xong xá ba xá và đi ra lên xe đi vào công sở. Phép “Thập niệm ký số” tức là hành già chỉ niệm mười câu danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, niệm một câu là niệm một hơi, mỗi hơi có khoảng mười đến mười lăm câu niệm Phật. Hành giả niệm mười hơi tức là niệm mười câu danh hiệu Phật A Di Đà. Phép niệm nầy rất thông dụng cho các nhà làm việc ở nhiệm sở, học sinh, sinh viên cũng tu được, mua gánh bán bưng, nam nữ trẻ già đều niệm, ai cũng niệm được...

Theo sách “Niệm Phật Thập Yếu” đã dẫn giải trên thì hành giả tu niệm Phật Tịnh Độ cũng tụng niệm chú không bị trở ngại hay bị gọi là tạp tu. Chẳng hạn như các Bạn niệm chú Lăng Nghiêm, chú Chuẩn Đề Phật Mẫu, chúa Đại Bi, Thập Chú là những chú lực có tầm ảnh hưởng nhiều đến chúng sanh trong cõi ta bà, những ai tu Tịnh Độ Niệm Phật thêm hành trì thần chú Đại Bi thì chính là sự gia hạnh giúp cho hành giả thêm lực tinh tấn trong quá trình hành pháp, đồng thời cũng đánh động vùng tâm thức si mê của chúng sanh.

Cách thức niệm Phật

Niệm Phật có nhiều cách, xưa nay chư vị Đại sư có vị niệm trầm, có vị niệm bỗng, có vị niệm nhanh, vị niệm chậm, vị niệm lớn tiếng, vị niệm thầm. Diệu Không đại sư tức Giang Đô Trịnh Vi Am có sáng tác sách hướng dẫn 48 phép niệm Phật...nội dung niệm Phật phải tịnh thân khẩu ý, niệm Phật phái tư lương...Sách Phật học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa giảng về Tịnh Độ tông, trong đó có dạy bốn pháp Niệm Phật:

Một là Trì Danh Niệm Phật: niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật

Hai là Quán tượng niệm Phật: nhìn thánh tượng Phật A Di Đà hay Tây phương Tam Thánh, niệm Nam mô A Di Đà Phật

Ba là Quán tưởng niệm Phật, nghĩ nhớ hình bóng Phật A Di Đà, Tây phương Tam Thánh, niệm Nam mô A Di Đà Phật

Bốn là Thật tướng niệm Phật, lúc nào cũng niệm Phật, niệm Phật không có chỗ khởi niệm, nên không có chỗ dừng niệm.. lúc nào cũng giữ chánh niệm.

Sách Niệm Phật Thập Yếu của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm cô đọng ba phép niệm Phật chính là:

Cao Thinh Trì: miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật, cao giọng lúc trầm lúc bỗng, phá tan các tư tưởng vông niệm.

Kim Cang Trị: niệm nhép miệng, không thành tiếng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, làm cho các vọng niệm không sanh khởi

Mặc trì: niệm bằng ý, không nhép miệng, không thành tiếng, ý niệm Nam mô A Đ Đà Phật, lúc nào cũng miên mật niệm Phật giữ gìn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân cho trong sạch không cho các vọng tưởng sanh khởi.

Tụng kinh, niệm chú

Tụng kinh chú gồm thu trong hai thời công phu tu tập của hành giả tu Tịnh Độ, đó là hai thời tu theo khóa lễ hằng ngày hằng đêm ở tại chùa do Quốc sư Quán Nguyệt minh định sáng tác dành cho chư Tăng Ni xuất gia, có hành trì hai thời công phu đó mới thấy được giá trị của Sa Môn, dù cách Phật, Tổ sư đã xa, dù hành giả là Hòa Thượng, Đại Hòa Thượng hay Đại Lão Hòa Thượng cũng phải quán chiếu công phu miên mật không nhàm trễ. Cộng đồng tu sĩ Tăng Ni không thể thiếu sót các thời khóa niệm Phật tụng kinh, tụng kinh là bổn phận, tụng kinh là trách nhiệm, do vậy trong chốn thiền lâm, non núi Đức Tôn sư Thiện Phước- Nhựt Ý thường dạy: “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, bất tu bất đắc”. Phật trời không vị tình ai, cũng không ngồi trông chờ ai cúng kiếng cho nhiều mâm nhiều quả mới được đánh giá cân phân cho về Tây Phương.

Việc tụng kinh niệm chú rất quan trọng trong đời người tu sĩ, từ Vua đến Quan đến hàng thứ dân tu hành không dám sai sót. Vua Thánh Tổ nhà Thanh hiệu Khang Hy (1662-1772) ra sắc lệnh mời Hòa Thượng Ngọc Lâm Song Tú (1614-1675), hiệu Quán Nguyệt (Ngọc Lâm Quốc Sư) cùng một số Hòa Thượng hợp tác biên sọan “Nhị Thời Khóa Tụng”, đồng thời buộc chư Tăng Ni các chùa ở Trung Quốc trong thời kỳ nầy phải ứng dụng tu theo, buộc ai vào chùa đều bị bắt buộc phải thuộc hai thời khóa tụng gọi là hai thời công phu. Với hai thời khóa tụng công phu tối gồm Kinh Di Đà, Hồng Danh và công phu khuya là thời khóa Lăng Nghiêm (dẫn theo lời tựa Nhị Khóa Hiệp Giải - trích trong sách Tại Sao Tôi Phải Chủ Trương Khôi Phục Phật Giáo Thời Trần - HT Thích Thanh Từ)

II .Việc tu hành của Tăng Ni thời chúa Nguyễn

Tại Việt Nam các Vua nhà Lý, nhà Trần và các chúa Nguyễn có công mở rộng bờ cõi đất phương Nam, đất phương Nam thời nhà Lý đến nhà Nguyễn gồm có các Vương quốc Champa, Thủy Chân Lạp từng bị nước Đại Việt thôn tính và đồng hóa trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Đến thế kỷ XVIII sau khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, nhà Vua thống nhất sơn hà, đặt tên nước là Việt Nam. Đối với Phật giáo, nhà Vua có thiện ý và ủng hộ đáng kể đối với sinh họat trong cộng đồng đạo Phật, giúp cho Đạo Phật có điều kiện phục hồi tông phong pháp phái sau chiến tranh giữa các chúa Nguyễn với nhà Tây Sơn., các nhà Sư có điều kiện tu chỉnh đạo hạnh, hành trì kinh kệ có vẻ nghiêm túc hơn. Các vị vua Nguyễn đều có những hoạt động hỗ trợ đạo Phật như xây dựng mới hoặc trùng tu các chùa chiền bị hư hại nhiều nhất bởi chiến sự, dựng tháp, đúc chuông, cấp độ điệp, sắc lập chùa công (quan tự), bổ dụng Tăng cang, Trú trì để lãnh đạo tăng chúng, chuẩn cấp lương bỗng, cấp ruộng cho các chùa để cung ứng lương thực kinh tế sinh hoạt chùa chiền... Vua cho triệu tập Cao tăng ở các tỉnh về kinh để Bộ Lễ xem xét các Sư tu hành có chân chánh không rồi mới cấp giới đao độ điệp (trích Bài Phật giáo dưới triều Nguyễn - Web Ban HD Phân ban GĐPT tỉnh Bình Thuận).

Vào thời Vua Minh Mạng, sự quan tâm của Vua đối với Phật giáo không chỉ dừng lại ở công việc xây dựng chùa chiền hay tổ chức trai đàn, cúng tế, mà nhà vua còn chú ý cải tổ và chấn chỉnh lại tổ chức và hoạt động tu hành của người Phật giáo. Minh Mạng là vị vua đầu tiên tổ chức cho tất cả các chư Tăng trong nước tham dự cuộc thi sát hạch giới luật. Sau cuộc thi này nhà sư nào tinh thông về giới luật mới được cấp giới đạo, độ điệp để tiếp tục tu hành, được miễn hoàn toàn thuế, lao dịch, cử làm trụ trì trong nước và được kính trọng. Còn ai không được phải hoàn tục, phải tự làm ăn và chịu sưu dịch như bình thường. Trong cuộc thi năm 1830, tại chùa Bảo Quốc đã có 53 sư Tăng trong cả nước về kinh dự lễ sát hạch, trong đó có 50 sư Tăng được cấp giới đạo, độ điệp. Khâm định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ có chép lại sự việc này (trích Bài Chính sách của Vua Minh Mạng đối với Phật giáo - Tổ chức cuộc thi sát hạch giới luật)

Qua việc hỗ trợ cho Phật giáo về tinh thần lẫn vật chất của các Vua nhà Nguyễn cho chúng ta thấy ở chùa mà không tụng kinh niệm Phật là thuộc diện ẩn dương nương Phật. Ở chùa mà không tuân thủ nội quy nhà chùa thì thà hoàn tục còn hơn, đở tốn cơm gạo của tín thí đàn na. Theo ngài Quy Sơn người Tăng ở chùa mà tu hành không siêng năng, không đắc đạo thì khi thác làm thân trâu ngựa đền bồi của tín thí đàn na, làm ngựa thì kéo xe, chủ lầy tiên, trâu thì kéo cày, chủ thu họach lúa, bò thì kéo xe cho đến chết, muôn lần sống muôn lần chết, muốn chết cũng không chết được phải sống để kéo xe cho chủ, và chết bị xẻ thịt phân thây bán cho thiên hạ ăn thịt.

Tu hành trong chốn thiền lâm, không tụng kinh không có một chút nào thể hiện lòng từ với bá tánh chúng sanh, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni thọ nhận sự cúng dường của đàn na mà không tụng kinh niệm Phật, thật chẳng khác nào chúng sanh si mê, không có đường hướng giải thoát theo lý tưởng của chính mình trước khi phát nguyện vào chùa, làm sao có cơ sở độ sanh, cứu vớt bá tánh bá gia.

Tụng kinh ở non núi

Bản thân Sư là người tu ở non núi, có lúc tụng kinh trong hang đá, hang được đặt tên lại gọi là điện thờ Phật. Điện có không gian rộng độ chừng năm người an trú tụng kinh trong mỗi thời khóa. Quý Sư dùng tọa cụ bằng chiếu, đệm, có nơi dùng cỏ mịn dồn vào túi vải lót ngồi cho êm, hoặc có khi dùng vải thô, vải bố may thành mảnh vải lớn theo kích thước của Phật, bề dài 1,8 mét, bề ngang 0,7 mét, xếp lại thành ba khi ngồi thiền tụng, hành giả xếp lại làm ba, khi nằm kéo mảnh vải dài ra thành 1,8 mét để nằm gọi là ngọa cụ dùng để ngọa thiền. Ngọa thiền vẫn theo thời gian nhất định trong thời gian từ 30 phút đến 45 phút và sau đó thì xả thiền. Ở non núi khi ngồi thiền niệm trong thất bề ngang 2,0 mét, bề dài 3,0 mét, nơi tụng niệm không lớn, so với nơi tụng niệm ở chùa thì chẳng là bao, nhỏ như thế mà chư Tăng vẫn ngồi an nhiên tụng niệm tự không có gì trở ngại.

Tụng kinh là việc người tu

Không tụng không niệm diêm phù gọi tên

Tụng kinh niệm Phật đáp đền

Ơn cha nghĩa mẹ làm nên đạo đời

Thờ phượng và tụng kinh tại gia

Ở tại gia có nơi thờ Phật, đặt bàn thờ trên trang cao, khi dâng hương phải bắt thang, đến khi lớn tuổi thì rung rẩy sợ té, trẻ thì lười biếng không muốn trèo cao. Bắt ghế leo lên trang thờ dâng hương thật là nguy hiểm, như ở thành thị, nhà ở chen chút, nội thất không rộng, có khi thờ Phật chỗ thấp và nhỏ cho nên rất trở ngại trong việc tụng niệm. Thêm vào đó ngày nay đa số gia đình Phật tử phát tâm thờ phượng sao cho gọn gàng, Do đó, sắm bàn thờ Phật, thờ chung với bàn thờ gia tiên và nếu có tụng niệm thì tụng trước bàn thờ gia tiên (ông bà). Tuy nhiên đây là phương tiện nhất thời, khi nào các Bạn có phương tiện tạo bàn thờ Phật riêng cao hơn (một tấc), bàn thờ ông bà bên cạnh bàn Phật và thấp hơn (một tấc), nhằm để tỏ lòng tôn kính ngôi Tam Bảo và cũng thuận lợi trong việc tụng niệm tại gia.

Thờ Phật trên trang cao theo xưa, thờ Phật co cụm bên góc nhà như ở thành thị hiện nay, thờ Phật chung với bàn gia tiên (đa số ở miền Bắc), thờ Phật ở giữa nhà, thờ ông bà bên cạnh đối với Phật tử thuần túy, có nơi thờ chung Phật và Ông Bà, có nơi thờ riêng... mỗi nơi có cách thờ khác nhau, nhưng chung quy cũng là thờ Phật. Mỗi nơi thờ phượng có khác, nhưng đều tụng kinh niệm chú không gặp trở ngại. Ví dụ thờ Phật trên cao, lúc bây giờ ta chưa phải là Phật tử thuần túy chưa biết tụng kinh, hôm nay biết tụng kinh niệm Phật, niệm chú, các Bạn vẫn sắm bàn tụng kinh có ghế tô-nê ngồi trước bàn thờ Phật, dù cách xa bàn Phật, nhưng vẫn khai kinh tụng niệm rất thuận lợi và trang nghiêm.

Mặc khác, người Phật tử miền Trung, miền Bắc thường là thờ Phật, chung một bàn thờ gia tiên. Thờ gia tiên ở phía trước và thấp hơn nơi thờ Phật chừng 0,5 tấc, đây có phải là do thợ đóng sẵn giúp cho người thờ cúng tiện lợi theo tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, khi tụng niệm các Bạn vẫn khai khóa lễ trước bàn thờ chung đó cho tiện lợi. Nếu cần sửa chữa bàn thờ, chờ khi nào sửa nhà các Bạn sẽ tách rời bàn thờ Phật và bàn gia tiên, thờ Phật theo thờ Phật, thờ gia tiên theo thờ gia tiên cho trang nghiêm cửa nhà.

Thờ cho đúng

Đối với người Phật tử việc thờ phượng gọi là thờ ngôi Tam Bảo (Phật Pháp Tăng) ba ngôi quý báu của nhà Phật mà các Bạn đã quy y. Thờ ngôi Tam Bảo cho đúng là thờ ở giữa nhà, không thờ ở phòng khách, cũng không thờ ở gần phòng nghỉ, không ở nơi phòng ăn, nhà sau; không nên bày biện pháp khí nhiều, làm ra dáng vẽ quá huy hoàng rực rỡ. Bàn thờ có một hoặc hai cấp, nếu là hai cấp thì cấp trên tính từ sàng nhà cao độ 1,4 mét, cấp thứ hai thứ hai cao 1,10 mét, ngang từ 1, 2 mét đến 1,6 mét tùy theo không gian nhà rộng hay hẹp , bàn thờ ông bà gia tiên ở bên cạnh nhỏ hơn 6/10 bàn thờ Phật. Ngoài ra, còn lại các phương tiện thờ ngôi Tam Bảo khác, hoặc có nơi không có phương tiện thờ phượng, không có nơi tụng kinh, Phật tử phải vào phòng khách, đến thư phòng tụng niệm...vẫn không có gì trở ngại, miễn sao có siêng năng tụng niệm và có cơ sở tĩnh tâm là tốt

Thờ Phật là việc báo ân

Khai quang là việc nên cần hiểu thông

Điểm nhãn cho mắt sáng ngần

Khai quang điểm nhãn mới gần Phật tiên

III .Khai quang điểm nhãn

Khai quang điểm nhãn là mở tri tuệ chúng sanh cho thông suốt và có suy nghĩ chính chắn về cốt tượng đó là cốt tượng Phật hay Bồ tát. Theo quan niệm tâm linh tránh tình trạng khi linh tượng được thờ lâu xảy ra nhiều ý niệm khác như có chánh thần, tà thần nhập vào cốt tượng, cũng nhằm để tẩy những nhiễm ô về tâm linh giúp cho người Phật tử có ý nghĩ chơn chánh, thông suốt những đường đi nước bước của Phật thánh đã ban truyền. Khai ở đây không phái là khai mở, mở mắt cho Đức Phật, mà khai mở cho tượng cốt không còn nhiễm ô, khai mở pháp lành cho người muốn thờ phượng tránh xa các đường ác, hướng về Phật, làm các việc lành. Khai mở cho đôi mắt thế nhân giác ngộ tìm đường về với Phật đà.

Từ ngữ “Khai quang” nói cho đủ là “khai quang điểm nhãn” hay là “khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng”, đây là một thuật ngữ Phật học của phái Mật Tông, dành cho người niệm Mật chú sử dụng pháp tu nầy chú nguyện vào cốt tượng. Người Phật tử muốn thờ Phật tại gia, đem tượng đến chùa xin Thầy Trụ trì khai quang điểm nhãn. Lúc bấy giờ Thầy niệm chú hoặc niệm Phật vào tượng Phật, giúp cho Phật tử tin tưởng và đem về tại gia đặt lên bàn thờ đã sắm sẵn, dâng cúng hương, đăng, hoa, trà, quả lễ lạy với niềm tin tưởng vào sự khai quang điểm nhãn của Thầy. Có người thỉnh chuỗi trường 108 hột, chuỗi trau bằng đá thạch anh, thủy tinh cao cấp, đá kim sa, chuỗi bồ đề nhựt nguyệt tinh, chuỗi gỗ trầm hương, chuỗi gỗ mun, xưa có chuỗi ngọc trai, chuỗi kim cang 18 hột...đem đến Thầy Bổn sư hay Trụ trì chú nguyện, niệm Phật, niệm chú vào xâu chuỗi, giúp cho Phật tử đeo và lần tràng niệm Phật. Trẻ con khóc đêm, bà mẹ đến chùa xin thỉnh chuỗi hột bằng cây “dâu tằm ăn” đem về đeo cho trẻ làm cho hết bệnh khóc đêm. Trẻ con mới sanh khó nuôi cha mẹ đem con cho Phật, sau đó xin lại để nuôi, trẻ con không bị bệnh tà ma, có khi cha mẹ là Phật tử đem con đến chùa xin Thầy đặt pháp danh, xin Phật độ cho con không khóc đêm, trong giấc mơ không bị ông bà quở phạt, ít bệnh và chóng lớn...

Tất cả những sự tin tưởng như trên cũng đều nằm trong diện niệm Phật, chú nguyện...cầu Phật gia bị dành cho trẻ con...

Cách khai quang cho cốt tượng

Trong chốn thiền lâm có nhiều tu sĩ quan niệm Đức Phật, các Bồ tát có đầy đủ trí tuệ rồi, trong khi chúng ta là phàm phu làm gì người phàm mắt thịt khai quang điểm nhãn cho Đức Phật. Đệ tử đi khai sáng mở mắt cho Thầy hay sao?

Tuy nhiên người xưa cũng có pháp tắc “khai quang điểm nhãn”. Vậy thế nào gọi là pháp “khai quang điểm nhãn”, sau đây xin trích bài kệ được lưu xuất từ vần thất ngôn tứ cú:

"Đại khai trí kính minh như nhật

Thước phá vi trần thế giới trung

Nhất niệm liễu nhiên siêu bách ức

Thiên sai vạn biệt tổng giai không.

Nam mô khai bảo kính Bồ-tát ma-ha-tát".

Tạm dịch:

Khai quang là tu tập để đạt được

Cái gương trí tuệ sáng rỡ như ánh mặt trời,

Soi rõ mọi thứ nhỏ nhoi nhất trong thế gian này.

Chỉ cần một niệm ngộ được cái gương trí tuệ này thì tự nhiên

vượt lên tất cả mà nhận ra rằng mọi thứ đúng sai trong đời đều là

không thật

Con xin cúi đầu đảnh lễ vị đại Bồ-tát đã đạt được chiếc gương trí

tuệ quý giá".

Vị Thầy viết chữ Án trên “gương mặt” tượng Phật, Bồ-tát, đồng thời niệm: "Phụng cung thỉnh Như Lai điểm khai nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn...".

Ý nghĩa: Chúng sanh nương vào các pháp môn của Phật dạy mà tu hành và có thể khai mở được ngũ nhãn... Đây là “điểm nhãn” tượng Phật, Bồ tát....(trích trong kiến thức net - Quần Anh - Nghi thức điểm nhãn theo dân gian)

Với nghi thức “khai quang điểm nhãn” trên và qua bài chú “khai quang điểm nhãn” cho chúng ta thấy Phật tử không thể khai quang cho vòng phong thủy (xâu chuỗi đá quý), các linh vật hay pháp khí thờ phượng tại gia. Nhìn chung Phật tử phải thỉnh Thầy “khai quang điểm nhãn” mới linh nghiệm. Cũng ví như từ tượng bằng đá, cement, gỗ bình thường trở thành tượng linh động, tăng giá trị tâm linh từ tay của Bổn sư hay Thầy Trụ trì hoặc của quý Thầy đem sự bình yên đến cho Phật tử.

Khai quang là việc của người

Tu cho chính chắn đất trời hộ cho

Đừng để tâm như tơ vò

Khai chẳng thêm ích trí mờ huệ lu.

Tụng thần chú Đại bi

Theo nghi thức tụng niệm thiền môn, kinh Tam Bảo, Nhị thời nhựt khóa, Tam thời nhựt khóa, Tứ thời nhựt khóa, kinh Nhựt tụng, là những kinh tụng của tu sĩ xuất gia và Cư sĩ, cũng như những ai phát tâm tụng kinh Phật. Kinh Tam Bảo, kinh Nhựt tụng là kinh Phổ Thông trong đó có nhiều khóa lễ, như khóa lễ công phu khuya tụng kinh Lăng Nghiêm, khóa lễ Tịnh Độ tối, tụng kinh A Di Đà, khóa lễ Sám hối tụng Hồng danh Bửu sám, khóa lễ Cầu an, tung kinh Phổ Môn, khóa lễ báo hiếu, tụng Vu Lan, khóa lễ tung kinh Kim Cang Bát Nhã. Trong các khóa lễ đều có tụng thần chú Đại bi ở nhiều vị trí khác nhau, như khóa lễ Lăng Nghiêm thì tụng thần chú Đại bi sau chú Lăng Nghiêm, khóa lễ tụng kinh A Di Đà, Hồng Danh bửu sám, kinh Vu Lan, kinh Kim Cang thì trước khi vào khai kinh thì tụng thần chú Đại bi.

Khai khóa lễ tụng thần chú Đại bi thường là do các Nhà Sư tu Tịnh Độ kiết thất khai khóa lễ Đại bi, trì tụng có hạn định 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày...khi tụng xong thì xả thất. Trong quá trình tu hành Nhà Sư tu Tịnh Độ cũng thường niệm chú hay có những tu sĩ chuyên lần tràng niệm chú Đại bi, mỗi ngày niệm từ 10 đến 100 chuỗi tràng thần chú. Từ khoảng thập niên 1970 - 1980 các chùa tu Tịnh độ, Phật tử thường được hướng dẫn khai khóa lễ tụng thần chú Đại bi tại Đạo tràng do chùa tổ chức...hay tụng niệm tại gia.

Ngày 19 tháng giêng âl. niên Canh Tuất (1970) Quan Âm tu viện tổ chức lễ khánh thành an vị tượng Bồ Tát Quan Âm, đặt danh hiệu tháp là “Thánh Tháp Huyền Diệu Quan Thế Âm”, nơi đây có khai khóa lễ tụng thần chú Đại bi Hóa quý Hòa Thượng Thích Thiện Thành, Hòa Thượng Thích Giác Quang dẫn chúng tụng niệm cho đến ngày hòa bình 30/4/1975 thì ngưng. Vì sau ngày nầy chư Tăng Ni tại tu viện tuy đông nhưng vì bận việc lao động tăng gia sản xuất tự túc kinh tế nhà chùa, nên đại chúng tạm nghỉ một thời gian. Đến năm 1980 tiếp tục khai khóa lễ tụng niệm trở lại mỗi ngày tụng 21 biến Đại bi và tụng kinh Phổ Môn vào lúc 14 giờ. Năm 2012 Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác, Trưởng tông phong hướng dẫn quý vị Trụ trì, chư Tăng Ni khai khóa lễ tụng chú Đại bi từ ngày mùng 7 âl đến ngày 14 âl luân phiên tụng niệm ngày đêm tại Quan Âm tu viện, Bửu Hoa ni viện, Tổ đình Linh Sơn, Long Cốc thượng tự, Huỳnh Mai tịnh viện, tịnh xá Bửu Châu..v.v., mỗi lần khai khóa có hằng trăm Tăng Ni, Phật tử tham dự tu hành.

Về nghi thức tụng chú Đại bi, đều thống nhất tụng một nghi thức. Tuy nhiên mỗi nơi có thêm bài kinh của hệ phái, hay giảm một vài bài kệ, nhưng tất cả đều tụng chung một bài thần chù Đại bi, các bước chuẩn bị và nghi thứa như sau: - Mặc áo tràng, Dâng hương, cúng nước - khai chuông mỏ - tụng chú Tịnh pháp giới chơn ngôn - Tịnh khẩu nghiệp chơn ngôn - Tịnh thân nhiệp chơn ngôn, tịnh tam nghiệp chơn ngôn - Án thổ địa chơn ngôn - nguyện hương, tán Phật - đãnh lễ Tam Bảo - vào chuông mõ - tụng bài Dương Chi tịnh thủy - tụng bào kinh Phổ Đà - tụng chú Đại bi - khai kinh kệ - niệm bài tán dương bài chú Đại bi - tụng Đại bi (tùy theo sức khỏe có thể tụng 49 biến, 108 biến - tụng Ma ha Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh - niệm Phật, niệm tứ thánh - tụng bài sám Thập giả kỉnh - Hồi hướng - tự quy y - nguyện hồi hướng công đức.

Những nơi không có phát hành kinh chú, các Bạn có thể chép lại từ nghi thức tụng kinh chú Đại bi ở chùa hoặc ở những nơi khác. Người Phật tử có thể nhận kinh chú từ trên mạng đem về tụng cũng không có lỗi, miễn sao các Bạn có kinh để tụng niệm và tinh tấn là tốt. (muốn biết rõ hơn xin đến chùa gặp Trụ trì, chư Tăng, Ni các chùa để được hướng dẫn cụ thể, hoặc đến chùa tụng chú Đại bi, hoặc thỉnh quyển nghi thức tụng chú Đại bi để tự tụng theo hướng dẫn của kinh, không phải tốn tiền)

Đại bi ích lợi vô ngần

Một trăm năm ấy ân cần tụng kinh

Trước tượng Bồ tát cúi xin

Phát nguyện tụng mãi tâm minh sáng ngời

HT Thích Giác Quang



Có 2 phản hồi đến “Có Được Ngồi Trước Bàn Thờ Ông Bà Trì Chú Đại Bi Không? Có Thể Trì Chú Để Khai Quang Vòng Phong Thủy?”

  1. Dạ thì bạn rải đi rồi thay hủ mới thôi ạ. Gia đình Phật tử chỉ nên thờ Phật là tốt nhất bạn nhé. Bạn đọc bài viết sau để rõ hơn. Xin cảm ơn bạn http://linhsonphatgiao.com/20/11/2014/phat-tu-co-nen-cung-do-man-va-tho-quan-cong-tho-dia-than-tai.html

  2. Xin chào sư thầy Sư thầy cho con hỏi , trên ban thờ thổ công thổ địa nhà con hũ gạo bị ẩm mốc nên con muốn thay hũ gạo khác thì làm thế nào ạ ? Con xin cảm ơn sư thầy

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com