VẤN: Con thường nghe giảng rằng thời mạt Pháp chỉ có pháp môn Tịnh Độ niệm Phật mới chính là cách tu tập dễ dàng và dễ chứng đắc nhất. Nhiều bậc tổ sư thiền tông cũng khuyến khích niệm Phật. Theo 48 lời đại nguyện của Đức Phật, nguyện thứ 18 nói rằng "Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác." Vậy có phải chỉ cần lúc lâm chung niệm 10 niệm là sẽ được vãng sanh không? Nếu như vậy thì có phải là quá dễ dàng để tu tập vậy cần gì phải ngày ngày niệm Phật? Nhiều bài giảng quý thầy cũng hay nói rằng niệm Phật là rất dễ dàng, mọi căn cơ tu hành đều niệm được, nhớ Phật Di Đà thì Ngài sẽ rước về Tịnh Độ nên nhiều người cũng nghi ngờ không thật. Tuy nhiên, con lại cũng nghe và đọc một số bài viết nói rằng pháp môn dễ tu nhưng rất khó chứng đắc, có người niệm cả ngày cả đời vẫn chưa chắc được vãng sanh, vẫn bị đọa lạc luân hồi như thường. Vậy tu niệm Phật là dễ hay khó? Làm thế nào để chắc chắn được vãng sanh hay nhớ tưởng niệm Phật khi lâm chung? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

I . Trong thời mạt pháp, pháp môn niệm Phật là pháp môn tối thắng, tối tôn, tối thượng. Tại sao chúng ta phải nói như vậy? Vì thời mạt pháp là thời kỳ “pháp nhược ma cương”, niềm tin về con đường tâm linh đối với chánh pháp rất hời hợt, ít có người phát tâm tu hành, ít có người nghĩ đến việc tu học đạo giải thoát, người không ủng hộ Phật pháp, không thú hướng đạo lý nhiệm mầu giải thoát sanh tử luân hồi. Nếu có người tu chỉ toàn là tu hình thức, sớm trống chiều chuông, xem chúng như là hiệu lịnh nhà thờ đến giờ phải đổ chuông cho có lệ, như một chương trình tu bắt buộc, như: "trâu mang ách, bò kéo xe”.

Ý nghĩa chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp
Theo sách Phật Học Tinh Yếu của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm xuất bản năm 1965, thì trong thời thuyết giáo của Đức Phật, giáo pháp của Ngài được chia thành ba thời kỳ gọi là “3 thời kỳ thuyết giáo”: thời Chánh Pháp, thời Tượng Pháp, và thời Mạt Pháp. Các thời kỳ Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ghi chép trong các kinh điển thì không đồng nhất, nhưng hầu hết các bậc Tổ sư, các bậc vãng bối truyền giáo nhận định về thời gian và hiện tượng giáo pháp Phật trụ thế như sau:
Thời gian

”Chánh Pháp là 500 năm, thời kỳ Tượng Pháp là 1.000 năm, và thời kỳ Mạt Pháp là 10.000 năm.

Hiện tượng

Thời kỳ Chánh Pháp, là thời kỳ Phật sanh tiền và sau khi Phật diệt độ, nhưng Pháp nghi vẫn không thay đổi, giáo pháp được tuyên lưu, có sự tinh tấn hành trì, và có người chứng đắc quả vị, gọi là thời Chánh Pháp. Thời kỳ chánh pháp còn được gọi là thời kỳ "Thiền Định kiến cố", chư Tăng tu hành chứng quả, đắc quả vị A la hán.

Thời kỳ Tượng Pháp tuy vẫn có giáo pháp, có sự hành trì, nhưng số người chứng đắc quả vị thì rất ít; thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ "chùa chiền kiên cố", xây dựng chùa chiền, phát triển kinh sách tuyên lưu giáo lý Phật.

Thời kỳ Mạt Pháp, Phật Pháp trở nên suy tàn, chỉ có giáo pháp chứ không có sự hành trì, và càng không có người chứng đắc quả vị. Thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ "đấu tranh kiên cố", tranh dành quyền bính, thu tóm cất giữ tiền tài vật chất.

Các kinh nói về mạt pháp

Theo câu hỏi ở đây Sư chỉ chú trọng và nói về “mạt pháp”. Nhận định về mạt pháp, khi sanh tiền Đức Phật đã xác định và nói với A-Nan: “Nay Chánh Pháp duy trụ năm trăm năm!” Điều này theo luật Phật giáo Nam truyền tiểu phẩm Ba Lợi Luật Tạng đệ thập Tỳ Kheo ni Kiền Độ chương Bát Kính Pháp. Theo Bắc truyền thì bộ luật Di Sa Tắc và Tiên Ngũ Phân Luật quyển nhị thập cửu, hoặc bộ Tứ Phân Luật quyển đệ tứ thập bát, chương Tỳ Kheo ni Kiền Độ đệ thập thất bộ Trung A Hàm quyển đệ nhị thập bát, phẩm Cù Đàm Sa Kinh đệ thập. Kinh Phật Thuyết Cù Đàm Sa Ký Quả Kinh, (thời Tống Tam Tạng Pháp sư Huệ Giản dịch) đều có ghi và xác định để lại cho hậu thế suy ngẫm.

Kinh Đại thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm, quyển lục bổn cũng nói:” Khi đến thời kỳ Phật giáo mạt Pháp “Giáo Pháp thùy thế, nhơn tuy hữu bẩm giáo, bất năng tu hành chứng quả, gọi là mạt pháp.” Mọi người tu Phật Pháp là vì cái gì ? Đó chẳng phải cần tu được chánh quả, cần chứng ngộ quả vị của bản thân chăng? Nhưng “bất năng tu hành chứng quả” Ý nói Phật giáo đã đến lúc phải độ người khó độ? Những lời xác định rõ ràng như vậy trong kinh. Nhưng người tín đồ Phật Giáo cố giả vờ nhìn không thấy, cứ không ngừng nói xằng nói bậy những lời dối nào là “Phật Thích Ca chưa từng nói qua, rồi cứ như thế mà phạm lỗi lầm làm cho giáo pháp Phật lu mờ như buổi chiều tàn mặt trời chìm trong quên lãng đêm đen...”

Hiện tượng người tu trong thời mạt pháp
Người tu trong thời mạt pháp mang trong mình nhiều chất liệu si ái, làm ô uế tâm linh, con người mãi mê trong giấc ngủ đêm dài vô tận. Lê lết tấm hình hài thật nặng nề đi trong cõi người ta hư vô, vô bờ bến, cho đến khi rời “hồn” rã “xác” ôi thôi thì trược uế bốc mùi, cùng nhau gớm ghê, nhăn mặt hít hà.

Thời mạt pháp con người không có sự bừng tỉnh trong cơn mê, việc tu hành trễ nải, hám danh vọng quyền thế lợi danh, đạo hạnh người tu xuống cấp trầm trọng bon chen chốn công đường, xem địa vị như đôi hài gấm tía. Thế mới biết mạt pháp là do chúng sanh và con người làm giáo pháp Phật tận mạt, chứ không phải do giáo pháp Phật tàn lụi theo năm tháng, như mọi người lầm tưởng! Một ít trong Kinh Phật còn tuyên lưu, cho chúng ta thấy chúng sanh tu Phật, hình thức giống Phật, nhưng tâm địa không còn là Phật (tượng pháp), hay cũng không muốn làm Phật, mà chỉ muốn làm kiếp chúng sanh tu Phật (mạt pháp), sống lây lất trong cửa thiền, chỉ vừa đủ trả nợ cơm áo đàn na.

Ngài Thiên Như Duy Tắc Thiền sư nói:” Mạt pháp chi hậu, chư kinh diệt tận, chỉ lưu A Di Đà Phật tứ tự cứu độ chúng sanh. Kỳ bất tín giả, ưng đọa địa ngục. - Thiên Như ký ngữ”. Nghĩa là vào thời mạt pháp, Phật pháp dần đi đến hủy diệt, tất cả Kinh điển dần biến mất. Vì sao vậy? Vì chúng sanh thiếu phước báu, tội nghiệp sâu nặng, không có nhân duyên để xem Kinh điển, chẳng cần nói đến tương lai, mà hiện bây giờ có số người không có mắt, tay và các bệnh tật, nên một chữ trong Kinh cũng không thấy, thật là nghiệp chướng làm cho trở ngại đường tu. Đây chính là mạt pháp, người có mắt mà không thấy để nhận định và không có tâm quyết để hiểu Phật pháp rõ ràng.

Vào thời mạt pháp các Kinh điển lần hủy diệt hết, đầu tiên là Kinh Lăng Nghiêm, sau đó đến các Kinh điển khác, cuối cùng là Kinh A Di Đà. Bộ Kinh A Di Đà này sẽ trụ ở đời hơn một trăm năm để độ tất cả chúng sanh. Đến hết thời gian đó, Kinh A Di Đà cũng diệt mất, chỉ còn câu hồng danh sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” trụ ở đời một trăm năm nữa để độ tất cả chúng sanh..........Cuối cùng câu “Nam mô A Di Đà Phật” cũng diệt mất luôn. Phật pháp đến lúc này có thể nói là mất hẳn bởi tham sân si khó vượt qua cổng rào chúng sanh"

Pháp môn niệm Phật là tối thắng

Đọan kinh trên nói về sự tận diệt của Phật pháp, tức là nói đến sự tu hành lơ là của chúng sanh, không còn năng lực trí tuệ quan tâm đến Phật pháp nữa nên gọi Phật pháp không còn. Phật pháp không còn từ tâm niệm của chúng sanh, chứ không phải Phật pháp mất từ miệng Phật.

Với sự nhận định thật là thấu đáo xuyên suốt của chư vị Tổ sư cận đại cho chúng ta thấy ở thời mạt pháp chúng sanh si mê, trí huệ lu mờ, khó học tập những giáo lý rốt ráo chỉ còn có pháp môn niệm Phật là duy nhất:” Cuối cùng các pháp môn tu giúp cho chúng sanh giải thoát chỉ còn tâm niệm mỗi người 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật, để kịp thời gian vãng sanh và giải thoát, nên gọi pháp môn niệm Phật là pháp tối thắng là vậy."

Pháp Phật cũng cho chúng ta thấy rằng, dù pháp cao siêu đến đâu mà không làm cho chúng sanh tiến hóa, giải thoát thì pháp đó không tồn tại trong lòng chúng sanh. Sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật tuy đơn giản, nhưng làm cho chúng sanh tiến hóa giải thoát thì pháp đó là đại thừa tối thắng.

Ngẫu Ích Đại Sư từng nói pháp ngữ: ”ngay đến thời chánh pháp hủy diệt, pháp nhược ma cường, Đức Phật cũng tiên liệu các Pháp tu chỉ còn tâm niệm 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nhưng 6 chữ ấy chính là sự “gói gọn” của Pháp giới vào một niệm Phật. "Niệm Nam Mô A Di Đà Phật đến thuần thục thì những giáo lý chí cực của Tam Tạng, mười hai bộ kinh, cũng đều nằm trong ấy cả. Một ngàn bảy trăm công án, mấu chốt hướng thượng cũng nằm trong ấy cả. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, Tam Tụ Tịnh Giới đều nằm trong ấy cả".

Pháp môn niệm Phật là pháp tối tôn

Kinh Chánh pháp và hạnh phúc nói: “Đạo Phật cần những cá nhân Phật tử biết suy tư, biết phân tích, biết tự tìm hiểu rồi xác nhận sự hiểu biết của mình, ngang qua sự hành trì, kinh nghiệm cá nhân. Đạo Phật không cần đến những đoàn người theo đạo Phật, theo một cách ồ ạt mù quáng, theo một cách thụ động nhắm mắt, hay tự mình bóp méo xuyên tạc đạo Phật theo tà kiến dục vọng của mình”; “đạo Phật là đạo đến để mà thấy, chứ không phải đạo đến để nhờ người thấy hộ, đạo của người có mắt, không phải đạo của người nhắm mắt, đạo của người thấy, của người biết, không phải là đạo của người không thấy, không biết” (HT Thích Minh Châu dịch)

Đạo Phật rất quan tâm đến người có trí huệ, người biết thừa hành lời Phật dạy, đó là người có trí huệ. Người có trí huệ thì làm việc gì cũng hiệu quả, làm việc gì cũng có sự khởi tâm, khởi sanh các pháp thiện. Người chuyên tâm niệm Phật thì thân tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh thì các pháp thiện sanh khởi, các pháp thiện sanh khởi thì tam tạng thánh điển đại thừa ảnh hiện trong bản tâm thanh tịnh của chúng sanh.

Người chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật, các pháp thiện luôn sanh khởi, pháp thiện sanh khởi, tức là năm thời tám giáo, các pháp môn đốn tiệm đều được tuyên lưu trong ba đời, pháp giới chúng sanh đều viên thành Phật quả, nên gọi tối tôn.

Pháp môn niệm Phật là pháp tối thượng

Trong hành trình hóa đạo thời cận đại, Đại sư Ấn Quang từng thuyết giảng:”Cửu giới chúng sanh rời pháp môn này thời chẳng thể viên thành Phật quả. Thập phương chư Phật bỏ pháp môn này quyết không thể độ khắp quần sanh. Chín giới chúng sanh là Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Trời, người, A tu la, Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh xa rời pháp môn niệm Phật mà tu hành thì không thể thành Phật. Mười phương chư Phật tức là sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Tứ Duy Thượng, Hạ rời pháp môn niệm Phật thì không thể rộng độ chúng sanh

Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật có lời huyền ký: “Thời mạt pháp, muôn ức người tu hành, khó có một người được giải thoát, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi”.Nhìn chung trong thời mạt pháp pháp môn niệm Phật là pháp dễ tu dễ chứng, không pháp nào cao viễn giúp chúng sanh thành Phật được, không pháp nào đơn giản mà lại vi diệu như pháp môn niệm Phật nên gọi pháp niệm Phật là pháp tối thượng.

Theo sách Đường về Cực Lạc, của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, thì con đường hoằng đạo của Liên tông chư tổ, các bậc Tổ sư thiền, các bậc Thiền sư tu đắc thiền vẫn chuyển tông hoằng truyền pháp môn niệm Phật. Dường như các Ngài đã thấy ở thời cận đại nhiều tư tưởng thế gian phát sanh, khoa học tiến bộ, vật chất lên cao, mọi người bận bịu phụng sự cho mớ nhu cầu vật chất, không rỗi rãnh học tập pháp môn, học kinh, nghiên cứu kinh luật, nên các ngài hệ thống hóa kinh sách Phật, giảm bớt tu hình thức, tinh chuyên niệm Phật, niệm một Phật, hướng về một Phật, gần một Phật, Thấy Phật ở hiện tiền và tương lai thành Phật.
Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư, triều đại nhà Tống từng giảng:
......
Không Thiền, có Tịnh Ðộ,
Vạn tu, vạn cùng sanh,
Nếu được thấy Di Ðà,
Lo gì chẳng khai ngộ.
......

Tại sao chư Tổ khuyến tu Tịnh độ niệm Phật?

Chúng sanh thời mạt pháp căn khí nông cạn, trí huệ lu mờ, độn căn thì nhiều lợi căn thì ít, chạy theo bả công danh, ngã ái vô bờ nên dù phát tâm tu pháp nào thật cao siêu cũng khó chứng đắc, thường sanh ra những nghi ngờ vội vàng so sánh pháp này cao pháp kia thấp, chê ngược lại pháp môn mình đang tu, chê pháp Phật hoằng truyền không đúng. Theo kinh nghiệm quá trình tu học, Sư nhận thấy có những điểm then chốt sau đây nói về pháp môn tu giúp cho chúng sanh trong cõi ta bà dễ tu dễ chứng đắc:

Một là, trong các kinh đại thừa phương quảng đều nói đến thế giới Tây phương Cực Lạc, dù chư vị Bồ tát đẳng giác làm Phật sự cao siêu đến đâu, ở phương trời nào, khi lâm chung cũng hồi hướng phát nguyện vãng sanh Cực Lạc Tây Phương (Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh Pháp Hoa)

Hai là, do nguyện lực của Phật A Di Đà kết duyên cùng chúng sanh trong cõi ta bà, ai tín ngưỡng Phật, niệm Phật, thì hiện tiền cũng như tương lai đều được thấy Phật, thành Phật (Kinh Vô Lượng Thọ - 48 lời nguyện Phật A Di Đà)

Ba là, Pháp môn niệm Phật dung thông cả ba căn thiện trí thức nghiệp dứt tình không, trung căn trí tuệ sáng ngời và chúng sanh độn căn trí năng ngu muội, phước mỏng nghiệp dày, sanh tiền chưa giác ngộ, làm nhiều điều tội đến khi lâm chung, tưởng niệm danh hiệu Phật A Di Đà cũng được đới nghiệp vãng sanh (Cửu Phẩm Liên Hoa - Kinh Thập Lục Quán)

Bốn là theo lời Phật dạy do chúng sanh ở thế giới ta bà có duyên với Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây phương Cực Lạc. Nhân đó Phật thường khuyên mọi người chuyên niệm danh hiệu của Ngài để được kết duyên giải thoát, tiến bước trên lộ trình vãng sanh. Ở vào thời đại này, lời dạy của Đại sư Vĩnh Minh thật phù hợp, nhằm khẳng định pháp môn tu niệm danh hiệu Phật A Di Đà không pháp nào cao hơn là vậy.

II . Niệm 10 niệm được vãng sanh

Theo Kinh Thập Lục Quán, chương Cửu Phẩm Liên Hoa nói về sự tu chứng có nhiều cung bậc, như: "người tu giỏi thì vãng sanh vào thế giới cao siêu “thượng phẩm thượng sanh”, người tu dỡ thì vãng sanh vào thế giới thấp “hạ phẩm hạ sanh”, hoặc người sanh tiền không tu hành chi cả, nhưng đến khi lâm chung do nghe tiếng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc tự niệm từ một đến mười lần hồng danh Phật A Di Đà đều được vãng sanh, gọi là “cứu vớt vãng sanh”

Lời nguyện thứ 18: Tất cả chúng sanh trong mười phương, nếu hết lòng tin tưởng, muốn vãng sanh về nước Ngài, chí thành niệm danh hiệu Ngài 10 niệm, đều được Ngài tiếp dẫn về; đây là lời nguyện trọng yếu nhất trong 48 lời nguyện của Ngài (kinh Vô Lượng Thọ)

Sách Long Thơ Tịnh Độ, phẩm thứ nhứt Tu Trì Pháp Môn, Cư sĩ Vương Nhựt Hưu, tự Hư Trung, người huyện Lư Châu, thời nhà Tống bên Trung Hoa biên sọan, Hòa Thượng Thích Hành Trụ dịch, cũng nói đến lời nguyện thứ 18: "Đức Phật A Di Đà, Ngài có phát 48 lời nguyện, cứu độ chúng sinh, trong đó có lời nguyện rằng Khi Ta thành Phật, chúng sinh trong mười phương, chí tâm tín chịu, muốn sinh về trong nước của Ta, thì phải niệm mười tiếng danh hiệu Ta, thời được sinh về trong nước của Ta. Nếu không được như thế, Ta thệ không làm Phật.”

Qua lời nguyện của Pháp Tạng Tỳ kheo trong kinh Vô Lượng Thọ trên, cho thấy pháp môn niệm Phật là pháp cao siêu tối thắng đến bậc nào? Người tu pháp niệm Phật chỉ cần có “niềm tin”, “phát nguyện” và có “tâm chí thành”.

Niềm tin là tin mình có năng lực tu hành thành tựu và tin lời Phật giảng nói không sai
Phát nguyện tin thì phát nguyện tu tập tinh tấn, bất thối chuyển đạo
Tâm chí thành (quyết tâm thực hành) phải có tâm quyết định một đời nên đạo hạnh chứng quả vị.
Dù hiện tiền hay khi lâm chung Bạn chỉ cần có đủ 3 yếu tố trên mà niệm 10 câu danh hiệu Phật A Di Đà liền được vãng sanh về nước Phật. Kinh cho chúng ta ý thức tu thì phải có niềm tin chính chắn, tu cho tinh tấn, hằng ngày tinh chuyên niệm Phật, không biếng trễ cho đến khi đắc thành Phật quả.

Sở dĩ nói chúng sanh niệm 10 niệm hồng danh Phật A Di Đà cũng được tiếp dẫn vãng sanh là để nói lên đạo Phật là đạo từ bi, không chỉ độ chúng sanh tín tâm Phật pháp, mà còn cứu vớt chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng, ít căn lành, ít tu. Phật pháp sẽ hướng dẫn những người chưa tin sẽ tin, người tin rồi phát huy ánh sáng Phật pháp được tỏ rạng thêm lên, như trong chốn thiền lâm có câu: "Phật thì độ chúng sanh, chứ Phật không độ Phật” là vậy .

Theo nguyện lực của Phật A Di Đà đối với người lúc lâm chung, cận tử nghiệp gần kề, miệng cứng, lưỡi thụt, thân đau đớn, tâm không an, không có ý thức khởi niệm ...mà phát tín tâm niệm được 10 câu hồng danh Phật là không dễ dàng. Niệm được 10 câu hồng danh Phật tức người đó còn một chút căn lành nên được hóa Phật A Di Đà, hóa Bồ tát Quan Âm, hóa Bồ tát Đại Thế Chí tiếp dẫn đới nghiệp vãng sanh

10 niệm Trong sách Ấn Quang gia ngôn lục, có hướng dẫn: "Pháp Thập Niệm Ký Số”, cũng là pháp tu đặt biệt dành cho chư vị liên hữu phát tâm tu hành, nhưng còn gần gũi thế gian, những người đang có trách nhiệm ở thế gian, những người làm kinh tế, sinh viên, học sinh... như sau:

Cách niệm 10 niệm

” Thập Niệm Ký Số" là chuyên chú giữ niệm hồng danh Phật từng chữ thật phân minh, từng niệm hồng danh Phật A Di Đà, gia hạn mỗi hơi là 10 câu hồng danh Phật không quá hạn định, niệm hết 10 câu rồi niệm trở lại 10 câu kế tiếp, cũng không niệm ít hơn 10 câu.

Chư liên hữu, mỗi buổi sáng, trước khi đi làm việc, đến trước bàn Phật niệm 10 câu danh hiệu Phật A Di Đà. Trong mỗi hơi, hành giả hạn cuộc 10 câu hồng danh Phật, trong 10 câu đó gộp chung lại thành 01 câu hồng danh Phật. Niệm 10 hơi như thế gọi là niệm 10 câu hồng danh Phật, khi niệm xong, hành giả xá Phật ba xá rồi lui ra, đi làm việc. Sự tín tâm tu tập pháp “Thập Niệm Ký Số” như thế không phải là dễ, nếu liên hữu nhiếp tâm một đời thì cũng đạt hiệu quả như ý nguyện, không phải bị đọa sa trầm luân khổ hải.

Đứng về mặt đốn pháp mà nói, thì 10 niệm đó xuất phát từ một khởi niệm tâm thanh tịnh, thanh tịnh là chánh niệm, đã là chánh niệm thì không còn vọng niệm sanh khởi nữa, tức thì đắc đại định niệm Phật đó Bạn ơi. Trong sách Xương Minh Tịnh Độ có câu:”
Một tiếng niệm Phật một tiếng tâm
Khải tín thâm tâm Phật lại thâm
Mắt mộng chưa khai tình kéo dẫn
Từ quang thường chiếu dạ trầm trầm

Chỉ niệm 10 câu hồng danh Phật là khó lắm rồi

Qua các lý giải trên, Bạn sẽ thấy pháp môn niệm 10 câu hồng danh Phật không phải là pháp tu dễ dàng như chúng ta tưởng. 10 niệm hồng danh Phật như lời nguyện của ngài Pháp Tạng Tỳ kheo đối với người sắp lâm chung là không dễ niệm. Đối với người còn chướng sâu tội nặng, nghiệp chướng dẫy đầy, mang một gánh danh lợi trên vai...làm sao rảnh tâm mà niệm đạt đến 10 câu hồng danh Phật. Có chăng chỉ niệm chừng năm ba câu lấy lệ, như người “lần tràng hạt” du hí mà chơi chứ có niệm câu Phật hiệu nào đâu? Niệm vài câu Phật là mất chánh niệm rồi, làm gì có khả năng giữ chánh niệm đến 10 câu . Nên niệm 10 câu Phật hiệu để được vãng sanh là khó lắm rồi và không ít đâu Bạn ơi!

Pháp niệm Phật dễ tu, nhưng khó chứng đắc

Dễ tu: Chỉ có niệm 6 chữ hồng danh Phật A Di Đà “Nam mô A Di Đà Phật”, nếu tinh chuyên thì được Phật A Di Đà tiếp dẫn. Như người qua sông dù biết lội hay không cũng nhờ thuyền đưa ta đến bến đến bờ, đến rồi bỏ thuyền lên bờ. Đấy là pháp môn tha lực của Phật trợ duyên cho liên hữu dễ tu, dễ chứng. Khi về Tây phương thì không thối chuyển, tiếp tục tu hành cho đền khi chứng quả. Dễ tu đối với người có đầy đủ nghị lực, niềm tin bền chắc, tinh tấn hành pháp.

Khó chứng đắc: Là do chúng sanh thời mạt pháp, tu hành giải đãi, hạnh lành phóng túng, nhiều tổ chức tâm linh dân gian, ngọai đạo vây quanh làm lọan bồ đề tâm, dục ái cấu nhiễm lòng người, không phân biệt chánh tà, nhiều tạp lọan lấn sâu tâm địa (Tịnh Độ Thập Nghi Luận), niệm Phật cho có, cho qua ngày theo năm tháng nên khó chứng đắc. Chứ không phải do niệm 10 niệm quá ít dẫn đến khó chứng đắc.

Lão tiều đắc đạo,

Lão tiều phu hằng ngày vào rừng đốn củi đem ra chợ bán nuôi thân, một ngày nọ khi nghĩ đến tấm “thân tàn ma dạy”, muốn tìm đường tu giải thoát. Lão tìm Thầy học đạo, gặp được Thầy chỉ dạy pháp niệm hồng danh Nam mô A Di Đà Phật. Tiếc thay do thân nghiệp dốt nát, nên học trước quên sau, học sau quên trước. Một ngày nọ Lão tiều niệm “Nam mô A...” rồi gì nữa không nhớ, đang ngồi trầm ngâm suy nghiệm, may thay Thầy đi đến, Lão tiều thưa Thầy: "Nam mô A...”...rồi gì nữa Thầy ạ, xin chỉ dạy cho con? Thầy không nói không rằng chi cả, mà cứ đi đi mãi đến tận mây xanh đứng nhìn Lão tiều. Lão tiều cũng đi theo Thầy, vừa đi vừa hỏi: "Nam mô A... rồi gì nữa Thầy? Và cứ như thề Lão tiều cũng theo Thầy lên đến tận mây xanh, cuối cùng đắc đạo.

Cho nên nói:” giữ chánh niệm trọn 10 câu hồng danh Phật mà được vãng sanh thì không ngoa chút nào!

Niệm Phật quyết định vãng sanh

Tu thì phải tu cho chính chắn, niền tin vững vàng, bình sanh lập hạnh lành kết duyên với sanh chúng, không nên thối chuyển đạo, tìm tu pháp môn khác. Chuyện xưa thì chư Tổ sư xả thân cầu đạo, nay Thầy nầy, mai Thầy khác, vân du tham học Phật pháp cho đến khi nào giác ngộ mới thôi. Nay thì khác, pháp nhược ma cường, giáo pháp Phật chuyển luân trong mọi tình huống, chuyển pháp thường xuyên để hóa độ chúng sanh. Người thiểu trí cho rằng người nay phát minh nhiều điều mới lạ, nhưng hình thức tu thì có, chất liệu tu thì không, không tu lấy gì chứng quả. Nếu tự xưng mình chứng thánh quả trở thành “Tăng thượng mạn”

Làm sao biết được kết quả chánh niệm vãng sanh?
- Bình thường tâm trí của liên hữu niệm Phật, hướng về Phật. Tâm hướng về Phật ví như “tấm tường xiêu bên nào, khi đổ sẽ đổ dồn về bên đó...”
- Sanh tiền liên hữu niệm Phật, tưởng Phật, nhớ Phật, khi lâm chung, giữ chánh niệm, chắc chắn người đó sẽ sanh về thế giới Phật...”

Niệm Phật không luận niệm nhiều hay ít, niệm 10 niệm, niệm ngày đêm hay niệm cả đời, miễn liên hữu giữ được chánh niệm thì vãng sanh. Người phát tâm tu hành phải có ý chí tự quyết, quyết định sự thành bại cho chính mình và cho tha nhân, đặt trọn niền tin yêu bất họai với lời nguyện hy hữu trong đời:"...nguyện tu pháp môn niệm Phật cho đến ngày vãng sanh bất thối chuyển, dù Phật có tái sanh bảo phải tu theo pháp của Ngài, liên hữu vẫn một lòng phát nguyện, con đã nguyện tu pháp niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, nên không thể tu theo pháp của Ngài được...”. Liên hữu có ý chí sắt đá và nghị lực như vậy nên dù chỉ niệm có 10 câu hồng danh Phật vẫn chứng quả.

Niệm Phật là pháp dễ tu
Với người tinh tấn công phu chuyên cần
Với người mê chấp tham sân
Mười niệm cũng khó huống gì ngày đêm
Thế nên chớ chấp ít nhiều
Giữ được chánh niệm mới siêu sanh về.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Pháp Môn Niệm Phật Tu Dễ Hay Khó? Có Phải Chỉ Cần Niệm 10 Câu Phật Hiệu Lúc Lâm Chung Sẽ Được Vãng Sanh?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com