Xứ sở Nepal, Ấn Độ đầy huyền bí với dãy Hy Mã Lạp Sơn, nóc nhà của thế giới luôn là một điểm đến đầy bí ẩn, thú vị và hấp dẫn đối với du khách nước ngòai . Đó còn là nơi hội tụ của biết bao nền văn minh nhân loại, bao sắc tộc, màu da, giai cấp và đặc biệt là sự đa dạng cũng như phức tạp của tôn giáo . Nơi đó còn là một miền đất thánh tích làm lôi cuốn, hòai cảm của hàng trăm triệu phật tử trên khắp năm châu vì nơi ấy đã sản sinh ra một con người vĩ đại của cả hòan cầu: Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Cũng như bao phật tử khác, từ ngày biết được ánh sáng Phật pháp, lòng tôi luôn khắc khoải, ao ước một ngày mình cũng sẽ được hành hương về miền đất Phật ấy . Thông qua một ít tài liệu, lịch sử về Phật giáo cũng như được xem một số băng video hay đọc báo, tôi cũng được biết một số về các thánh địa Phật tích gắn liền với cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni . Để rồi một ngày, tôi được theo chân đi hành hương trên các miền đất Phật cổ tích cũng như khám phá những điều kỳ thú ở những nơi này, không phải bằng thực địa mà thông qua các thước phim của bộ phim tài liệu :”Huyền bí sông Hằng.” Mỗi hình ảnh, mỗi lời nói, âm thanh trên đoạn phim để lại trong tôi một cảm xúc dạt dào, khó tả, vui buồn lẫn lộn cũng như tăng thêm niềm ao ước sẽ có ngày tôi được đặt chân thật sự về đây .

Đối với người Ấn Độ, cuộc sống của họ gắn liền với con sống Hằng đầy linh thiêng và huyền bí cũng giống như con sông Nin của người Ai Cập cổ xưa . Sông Hằng chính là nguồn sống, là người mẹ, là vị thần che chở, hộ mệnh, quyết định cuộc đời của họ từ lúc sinh ra cho đến lúc lìa đời . Có ai ngờ được một Ấn Độ với các nhà khoa học nổi tiếng, với biết bao đóng góp cho văn minh nhân loại, bao tỉ phú giàu có, bao thành tựu bậc nhất với sở hữu trí tuệ của nền công nghệ thông tin hiện đại cùng một nền kinh tế năng động, phát triển cao lại đang xen vào đó là cuộc sống của quá nhiều người dân nghèo cứ như thời tiền sử . Cuộc sống của họ ở các miền quê nghèo khó gắn liền với mảnh đất, miếng vườn, điều kiện canh tác vô cùng thô sơ, lạc hậu cứ như thời xa xưa cổ đại. Tuy nhiên, họ lại có một đời sống tâm linh vô cùng phong phú và giàu đẹp với người mẹ là sông Hằng linh thiêng, huyền diệu . Nhìn hình ảnh người dân nghèo chất phát, lam lũ, tôi chợt nhớ về con sông Cữu Long của quê nhà, nhớ đến nhưng câu thơ của nhà thơ Tế Hanh:

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp lóa.
Chẳng biết nước có chở ngày chở tháng
Chở bao nhiêu kỷ niệm của dòng trôi
Hỡi con sông tắm mát cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam, nước Việt thân yêu.”

Phải, con sông Hằng chính là mạch sống tắm mát cả cuộc đời của những người dân Ấn Độ . Dù ở đây có hàng trăm tôn giáo, hàng ngàn loại sắc tộc đa dạng phức tạp nhưng tất cả đều có điểm chung là người mẹ hiền sông Hằng dang tay che chở, ôm ấp cuộc sống của họ . Giờ đây, tôi mới chợt hiểu ít nhiều tại sao Đức Phật lại chọn nơi này để đản sinh và thành đạo vì chỉ trong tình hình tôn giáo, sắc tộc phức tạp như vậy mới thấy được giá trị của Đạo Phật . Với chân lý từ bi, bát ái, khoang dung, rộng mở, công bằng độ lượng để hướng con người tiến đến bờ giải thoát, Đạo Phật là điểm dừng chân phù hợp với việc xoa dịu, giảm sự phân biệt, kỳ thị đẳng cấp không như các tôn giáo khác . Đây là tôn giáo tiến bộ và khoa học nhất, đưa con người lên làm nhân vật trung tâm quyết định số mệnh của mình chứ không phải do một đấng thần linh hay quyền năng tối cao hay do số mệnh của đẳng cấp, màu da quyết định . Đạo Phật ra đời trong bối cảnh như vậy giúp cứu nguy cho biết bao người dân nghèo để họ tự tin với cuộc sống của mình vì tất cả, dưới con mắt nhà Phật đều bình đẳng như nhau.

Đạo Phật văn minh là vậy, khoa học là vậy, tiến bộ là vậy, hòa bình bát ái là vậy, đang là tôn giáo được quan tâm, chú ý, học hỏi của rất nhiều người phương Tây là vậy nhưng tôi cảm thấy xót xa, bùi ngùi khi biết nơi quê hương của Đức Phật, số lượng người theo đạo Phật chưa đến 1% . Ngòai ra, những thánh tích Phật giáo, đặc biệt là tứ động tâm như: Lâm Tỳ Ni- nơi Đức Phật Đản Sinh, Bồ Đề Đạo Tràng- nơi Đức Phật Thành Đạo, Vườn Lộc Uyển- nơi Đức Phật chuyển pháp luân và Câu Thi Na- nơi Đức Phật nhập Niết Bàn lại hoang tàn đến vậy . Dẫu biết rằng cái gì có hình tướng đều là không thật như lời Phật dạy nhưng tôi cảm thấy buồn buồn khi chứng kiến sự đổ nát của những nơi linh thiêng này cũng như những pho tượng Phật nổi tiếng, lớn nhất của thế giới bị phiến quân Taliban đập phá ở Afghanistan.

“Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nên cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Hơn 25 thế kỷ đã đi qua, những thánh tích giờ đây, với sự giúp đỡ của Phật tử quốc tế cũng như liên hiệp quốc đang được dần dần phục hồi . Nhiều chùa chiền của các nước đang hiện diện ở đây và biết bao đòan hành hương ngày ngày đến đây chiêm bái mang sự trở lại của Phật giáo về nơi quê hương của Ngài . Sừng sững giữa những miền thánh địa là trụ đá của vua A Dục, vị vua có công rất lớn trong việc truyền bá đạo Phật đi khắp năm châu cùng hình ảnh của cây Bồ Đề chứng kiến bao sự thăng trầm của năm tháng và lịch sử . Thông thường, tôn giáo thường gắn liền với các câu chuyện huyền bí, thần thoại, giữa mộng và thực đan xen lẫn nhau nhưng với Phật giáo, những gì được nhắc đến trong kinh điển, những gì gắn liền với cuộc đời của Đức Phật đều có thể tìm thấy ở đây với những bằng chứng di khảo sống động, hùng hồn . Thế mới biết đạo Phật là đạo như thật .

Thánh địa giờ đây chỉ đa phần là những móng đá cổ xưa cùng tường thành bao bọc trừ khu vực nguy nga, tráng lệ ở Bồ Đề Đạo Tràng . Bao thế kỷ qua đi, những nền móng cổ xưa nay vẫn an nhiên tĩnh lặng tồn tại phủ lớp bụi rêu phong của lịch sử nhưng vẫn để lại trong lòng người viễn phương xa xôi bao niềm hòai cảm, nghẹn ngào như đâu đây vẫn hiện diện hình bóng của người xưa:

“Đá vẫn trơ gan cùng tế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường.”

Nơi phương Đông huyền bí hay phương Tây văn minh, với ánh sáng của Phật gíáo mang đến, chùa chiền rộng khắp, trải dài và nhiều quốc gia lấy Phật giáo là quốc giáo . Thế nhưng, làm sao không cảm thấy đau buồn khi nơi quê hương Đức Phật lại điêu tàn, hoang vu đến vậy . Dù mọi vật đều phải thuận theo lẽ vô thường, có sinh tức có diệt nhưng cảm giác day dứt, khôn nguôi của khách hành hương khi ra về vẫn đeo đẳng và thôi thúc phải làm gì để mang ánh sáng Phật giáo, tinh hoa của nhân loại trở về đây . Thật là kỳ lạ, mấy ngàn năm rồi, những tinh hoa, giá trị của Đạo Phật vẫn hiện đại, vẫn có giá trị trong mọi hòan cảnh sống và niềm tôn kính với Ngài, dù Ngài còn thị hiện hay đã về với hư ảo vẫn như xưa . Ngày xưa, Ông Cấp Cô Độc vì tôn kính Đức Phật đã sẵn sàng bỏ hết tài sản, tiền của lót vàng cả khu vườn Kỳ Viên Tịnh Xá để mua được mảnh đất này từ Thái Tử Kỳ Đà dâng cúng lên cho Đức Phật . Ngày nay, những người con của Phật từ khắp nơi, dù xa xôi khó khăn đến mấy vẫn tìm về đây chiêm bái, khôi phục thánh địa hoang tàn . Hy vọng một ngày nào đó Phật giáo sẽ thực sự hồi sinh ở nơi đây.

Bình minh đang lên, ánh mặt trời đỏ rực soi bóng nước sông Hằng cuộn trôi cùng bao con người tập trung về đây nguyện cầu khấn lễ . Xa xa về phía dãy Hy Mã Lạp Sơn, bao ngọn núi tuyết vẫn sừng sững với thời gian lưu truyền bao điều huyền bí trong những câu chuyện của “Hành trình về phương đông” đang tỏa xuống đồng bằng như các giải ngân hà ôm ấp đất trời . Theo dòng cuộn trôi đưa đến một bến sông xa vắng, hình ảnh sông Ni Liên Thuyền hoang sơ cùng bãi cát vàng tinh khôi xao xuyến lòng người . Nơi đây ngày xưa, Đức Phật đã nhận bát sữa cúng dường của nàng Sujata, hòa minh vào bến sông trần tẩy trước khi ngồi dưới cội bồ đề thiền định trong 49 ngày đắc quả giá ngộ . Cũng chính tại nơi đây, Ngài đã mang lại ánh sáng cho nhân loại, mang đến cho vũ trụ một bậc chánh đẳng chánh giác được gọi là Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Thật may mắn, sung sướng và hạnh phúc biết bao khi chúng con được làm thân người, được thấy hào quang của Phật pháp soi rọi vào mình vì “làm thân người đã khó, gặp được Phật pháp lại càng khó hơn.” Thật đúng như vậy, nơi quê hương của Ngài, hơn 1, 2 tỷ người hiện nay, đất nước có số dân đông bậc nhất thế giới nhưng có bao người là đệ tử của Người ,hiểu và hành trì theo lời dạy của Người . May mắn cho con cũng như hàng trăm triệu Phật tử khác trên khắp thế giới vì là đệ tử của Người, nguyện xin đời đời kiếp kiếp đi theo con đường mà Người đã chỉ dạy, con đường của từ bi, trí tuệ, hiểu biết, sống tốt mình đẹp đời để mang đến một tương lai tươi sáng cho nhân loại . Hy vọng tương lai không xa con cũng sẽ có đầy đủ phước duyên hành hương về bên những thánh địa này, được đặt chân mình trên những nền đá rêu phong hay nhặt một chiếc lá bồ đề nơi quê Người để cảm thấy được gần gũi Người hơn và để thấm nhuần hơn giáo pháp của Người . Nơi phương trời châu Mỹ xa xôi này, con xin chắp tay quỳ lạy Người và cũng xin:

“Nguyện một ngày nguyện xin gần mãi
Theo chân Người muôn kiếp Thế Tôn ơi.”

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Về Miền Đất Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com