Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ có thể ví như một Liên Hiệp Quốc Phật Tự vì đây là khu vực tập trung chùa của các nước trên thế giới. Do đó nước nào cũng cố ý biểu dương sức mạnh của mình bằng cách xây dựng ngôi chùa thật to lớn uy nghi. Riêng chúng tôi do điều kiện tài chính hạn chế nên xây dựng cơ sở không to lớn, nhưng ngược lại ngôi chùa Việt Nam được cất rất cao, đứng trên tầng ba có thể nhìn bao quát được cả một quần thể không gian chung quanh. Điều này được cái lợi là không bị chung quanh quấy rầy, ngoài ra còn có một ý nghĩa khác là “nhìn xa trông rộng”.
Tôi nhận ra một điều: các ngôi chùa cổ trong nước hầu hết đều xây thấp. Điều này cho thấy dân tộc ta trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ đã trở nên tự ti, tuy bên ngoài không thừa nhận nhưng thật ra trong lòng không khỏi có phần mặc cảm. Xưa kia và hiện nay trong mắt một số người Việt Nam thì các cường quốc là hay nhất, tuyệt hảo nhất, rồi cái gì cũng theo cũng bắt chước các cường quốc đó, cho đến sau này cũng hướng về tôn vinh các cường quốc đó như thần như thánh, rồi nặng mặc cảm tự ti nên coi nhẹ truyền thống tốt đẹp của cha ông chúng ta đã có từ ngàn đời. Vì vậy khi xây dựng ngôi chùa Việt Nam ở đất Phật tôi muốn có một sự đổi mới là ngôi chùa phải cao. Ngoài ra tất cả các đường nét từ mái chùa cho đến các chi tiết nhỏ đều mang đậm tính cách Việt Nam.
Chùa có những tượng Phật được tạc bằng gỗ mang từ trong nước sang như tượng Tam Thế Phật, tượng Địa Tạng, Thiên thủ Thiên nhãn…, thậm chí những bộ cửa, giá chuông giá trống cũng mang đậm bản sắc dân tộc. Tôi tin rằng đây là một sự sắp đặt của hồn thiêng sông núi Việt Nam.
Hiện nay chùa đã hoàn thành xong phần cơ bản, chỉ còn một số hạng mục nhỏ đang tiếp tục thực hiện. Những phần còn lại như Quan âm đài, ngôi tháp tri ân chín tầng và tháp chuông cũng vừa được hoàn tất sau nhiều gian nan thử thách. Nếu tôi làm không xong thì kính xin các vị kế tục sau tôi sẽ tiếp tục thực hiện.
Địa Lý Ngôi Chùa
Việt Nam Phật Quốc Tự tọa lạc trên một khu đất rộng trên 30 ngàn mét vuông, nằm giữa những đồng ruộng bao la cách Bồ Đề Đạo Tràng và khu vực thị tứ khoảng gần hai cây số về phía Tây Nam. Vì đất mua đến đâu chúng tôi cho xây dựng những công trình đến đó nên chu vi và những cấu trúc bị lệ thuộc theo không gian sẵn có của chùa, việc này nằm ngoài ý muốn của chúng tôi. Nhờ có diện tích rộng rãi nên chúng tôi đã sưu tập rất nhiều loại cây trái do Phật tử khắp nơi mang đến trong đó đa phần là từ Việt Nam. Tiện nghi của chùa còn khá khiêm tốn, bù lại chùa rất yên tĩnh, đầy bóng râm, lúc nào cũng rộn rã tiếng chim hữu ích cho việc tu tập và thiền định. Nhờ vậy khách thập phương đến chùa đều cảm nhận được phần nào về thiên nhiên Việt Nam trên mảnh đất trù phú của xứ Ấn Độ.
Cấu Trúc Ngôi Chùa
Chánh điện: Từ cổng chính đi vào chúng ta nhìn thấy ngôi chùa có hình vuông được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt sắt. Bốn mái chùa cong cong vừa nhu vừa cương theo đúng đặc điểm kiến trúc truyền thống, vươn cao ra khỏi những tàng cây như thể hiện tính cách bất khuất sẵn sàng hoan hỷ đương đầu với mọi khó khăn, đồng thời ban trải tình thương và lòng độ lượng theo truyền thống ngàn đời của cha ông.
Ngôi chánh điện Chùa có diện tích 256 mét vuông với chiều cao 24 mét và gồm có ba tầng. Tầng trệt là pháp xá đủ chỗ cho 30 vị khách tăng trú ngụ mỗi khi đến chiêm bái thánh địa. Tầng thứ hai dùng để trưng bày những di tích, kinh sách, pháp khí trong và ngoài nước. Tầng thứ ba là nơi thờ Tam Thế Phật cùng chư vị Bồ Tát. Việt Nam Phật Quốc Tự có điểm đặc biệt khác nữa là phía sau chánh điện có đặt bàn thờ anh linh Quốc Tổ, thờ chư liệt vị anh hùng và những người có công lao với đất nước qua các triều đại từ khi lập quốc đến nay.
Đối diện với bàn thờ Quốc Tổ là nơi thờ chư liệt vị Tổ sư Phật Giáo cả xứ Tây Trúc lẫn Việt Nam qua các thời đại. Theo suy nghĩ của tôi, đất nước và dân tộc chúng ta vững bền tới ngày hôm nay là nhờ các vị anh hùng, nhờ những người có nhiều tâm lành, giàu tình thương với lòng bao dung, đã có công dựng nước và ra sức giữ nước. Còn Phật giáo được tồn tại là do công lao các vị Thầy Tổ đã đưa đạo Phật từ Ấn Độ sang Việt Nam rồi phát triển cho đến nay. Do đó chúng tôi đặt thêm hai bàn thờ này để thực hiện đúng theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc là uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.
Tháp tri ân: Được trang trí phía trước bên trái của chánh điện với bán kính 12 mét và chiều cao 36 mét chia đều cho chín tầng, bên trong thờ Xá Lợi Phật, nhiều vị Phật, Bồ Tát cùng chư Tổ và các thánh tăng.
Quan Âm đài: Có thể nói đây là nét riêng của Việt Nam Phật Quốc Tự, cấu trúc hơi giống chùa Một Cột nhằm giới thiệu nét văn hóa của Phật giáo Việt Nam cho các nước bạn.
Tháp tôn trí đại hồng chung đã được xây xong và hiện nay chúng tôi đã có đại hồng chung nặng trên ba tấn, đường kính 3 mét và chiều cao là 2,5 mét; trống sấm có đường kính 2 mét và chiều dài là 1,5 mét, tất cả đều được làm trong nước mang đậm nét văn hóa đặc thù của dân tộc.
Pháp Xá
Hiện nay chùa đã đưa vào sử dụng hai dãy pháp xá, một được xây dựng dọc theo khu đất với chiều dài 49 mét, chiều ngang 9,3 mét, gồm ba tầng và 23 phòng, mỗi phòng có thể ở được ba người. Dãy Pháp xá thứ hai được cất dọc theo chiều ngang của khu đất với bề dài 49 mét, ngang 16 mét, gồm có tất cả 43 phòng, trong đó có một nhà ăn 8 x 12 mét.
Dự kiến dãy pháp xá này nếu thuận duyên sẽ được xây thêm hai tầng đồng thời trang bị nội thất một tầng hầm dành cho những phái đoàn đi chiêm bái vào mùa hè nghỉ ngơi để tránh cái nóng khắc nghiệt của xứ Ấn Độ.
Vườn Cây
Từ sự hỗ trợ của những tấm lòng son của chư liệt vị Tôn Đức Tăng Ni, quý Phật tử, quý anh chị em học trò và đệ tử , chúng tôi đã cố gắng hình thành vườn cây gồm nhiều loại cây trái tạo thêm cảnh thiên nhiên cho ngôi chùa, đồng thời cũng muốn góp phần gìn giữ môi sinh để cân bằng sinh thái.
Cây ăn trái: Dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn lượn trong khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự, chúng tôi trồng nhiều loại cây ăn trái vùng nhiệt đới và quen thuộc với người Việt như vải, mít, táo, cam, chanh, bưởi, xoài (gồm 30 loại khác nhau), ổi xá lị (có đến 12 loại) và nhiều loại cây trái khác đã và đang cho quả từ nhiều năm qua.
Hoa kiểng: Phía trước chánh điện và hai dãy phòng pháp xá, chúng tôi trồng nhiều loại hoa kiểng được mang giống từ quê nhà sang như đào, mai vàng, mai chiếu thủy, lan, sứ, thiên lý… và các loại cây như tùng, trắc bá diệp, sao, thông, tre, tầm vông, trúc, cau, phượng vĩ, điệp ta… Mặc dù cây kiểng và hoa quả đã được trồng khá nhiều trong khuôn viên, nhưng Phật tử các nơi mỗi lần sang chùa đều tiếp tục mang thêm nhiều loại khác để giúp cho hoa kiểng chùa càng thêm phong phú và thật sự mang vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam.
Những cây cỏ có sự liên hệ đến đời sống Đức Phật: Chúng tôi không chỉ mơ ước tạo cảnh thiên nhiên thuần túy cho chùa và môi sinh mà còn hướng đến sự duy trì lịch sử Phật giáo qua những cây cỏ có liên quan đến đời sống của Đức Phật ngày xưa. Chẳng hạn như cây Sê-sam mà Đức Phật đã hái nắm lá để thuyết cho hàng đệ tử về giáo pháp của Ngài: “Ý thậm thâm vi diệu của giáo pháp mà tôi đã chứng đắc nhiều như lá trong rừng còn những gì tôi đã giảng thuyết cho các thầy chỉ bằng nắm lá trong tay của tôi thôi”.
Chúng tôi cũng trồng cây long hoa (nagarsana) mà theo di chúc Đức Phật đã thọ ký cho Ngài Di Lặc ngồi dưới cội cây này thành đạo vô thượng chánh đẳng giác trong tương lai. Hiện nay tại Ấn Độ cây long hoa hầu như đã mất giống nên chúng tôi phải lặn lội sang tận Myanmar để mang về. Nhiều vị thầy tu theo truyền thống Theravada rất ngạc nhiên khi thấy tại vườn chùa Việt Nam lại có cây long hoa, nên có vị lại nói có lẽ sau này Đức Phật Di Lặc sẽ đắc đạo trong vườn Việt Nam Phật Quốc Tự. Chúng tôi khi nghe được như vậy rất lấy làm hoan hỷ, và cầu mong điều đó nếu được thành sự thật thì đó là đại phước duyên, thật là nhiệm mầu, thật là tuyệt vời, mặc dù đó chỉ là điều mơ ước.
Kế đến còn có loại cỏ cát tường mà ngày xưa Đức Phật nhận từ một đứa trẻ chăn bò cúng dường và dùng để trải dưới cội cây bồ đề nơi Ngài ngồi thiền định cũng được sưu tập trồng trong vườn chùa.
Ngoài ra còn có các cây diêm phù đề, vô ưu, sala, nimpa… cùng một số loại cây khác có liên quan đến đời sống Đức Phật, và nhiều cây thuốc luôn được chúng tôi chăm sóc cẩn thận như giữ gìn một di sản vô giá của Phật giáo.
Với sự hiện hữu của ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật, chúng tôi hy vọng đây là nơi thu hút hồn thiêng đất nước và sự linh hiển của thánh địa, để cho nếu một trăm người đến đây mà có được một vài người thành Phật, thành đạo hay thành nhân thì đó chính là một phần thưởng lớn lao cho chúng tôi.
Bản thân tôi cũng may mắn chứng kiến được điều này khi một số vị đến đây với tâm trạng bất an, đau khổ nhưng chỉ một thời gian ngắn thành tâm tu tập họ đã cảm nhận được sự an lạc, hạnh phúc và một số người đạt được thành công, hạnh phúc trong cuộc sống.
LỜI KẾT
Quý bạn vừa đọc xong phần một của quyển “Tình thương cùng lòng độ lượng: Sức mạnh và sự mầu nhiệm”. Cuốn sách nhỏ này không phải là hồi ký mà chỉ là sự tổng hợp những kinh nghiệm sống, những mật pháp và triết lý quí báu do Thầy Tổ cũng như song thân tôi truyền lại. Ngoài ra tôi cũng ghi lại nhiều điều do mình tự tìm tòi khám phá rồi đem áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau và thấy có kết quả tốt đẹp.
Cuộc đời này có biết bao điều khó khăn, nhiều cảnh ngang trái, bao nhiêu sự hận thù, ganh tỵ và bất công… do những người vô minh tạo nên. Đó là nguyên nhân của chiến tranh và hận thù triền miên, gây đau khổ, tang thương cho biết bao nhiêu người, là nỗi bất hạnh của nhiều dân tộc. Lịch sử nhân loại từ hàng ngàn năm nay đã cho thấy rõ rằng hận thù, bạo lực, gươm dao, súng đạn… không giải quyết được vấn đề mà có khi còn gây thêm rắc rối và đau khổ cho nhiều người khác, cho mọi chúng sanh.
Thế giới hiện đại có đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng cuộc sống ngày càng ít an vui, hạnh phúc, vì luôn xảy ra nhiều khủng hoảng, xung đột, thiên tai ở khắp nơi trên toàn cầu. Rất nhiều giải pháp đã được đề ra rồi áp dụng dưới nhiều cách thức khác nhau, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề mà đôi lúc còn làm rắc rối và phức tạp hơn!
Cuộc đời vốn vô thường, ngắn ngủi, có đó rồi mất đó. Xin hãy cùng nhau thực tập, phát triển mật pháp Tình thương cùng lòng độ lượng, chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được tất cả khó khăn trên đời.
Tôi viết cuốn sách nhỏ này với lòng chân thành, rút ra từ kinh nghiệm sống thực tiễn. Trong tận đáy lòng mình, tôi ước mong được thấy trái đất này mãi xanh và tươi đẹp, mọi người được sống an vui, khắp nơi trên thế giới được hòa bình, mọi người đối với nhau bằng tấm lòng yêu thương, cảm thông và chia sẻ.
Tôi mong mỏi và hy vọng có đủ sức khỏe cùng thời gian để tiếp tục viết thêm cho đầy đủ về tình thương cùng lòng độ lượng: sức mạnh và sự mầu nhiệm, để chúng ta cùng nhau cố gắng làm tốt cho cuộc đời và cho trái đất này. Thành tâm mơ ước và cầu nguyện cho tình thương cùng lòng độ lượng được phát triển và lan tỏa ngày một nhiều hơn, để mọi người, mọi sinh vật được cùng nhau sống trong an vui và có nhiều hạnh phúc ngay trong cuộc đời này.
Lâm Tỳ Ni, ngày trăng tròn tháng Chạp năm Ất Sửu - 2009
HUYỀN DIỆU