Thực hiện xong tâm nguyện hằng ấp ủ, tôi vô cùng sung sướng và ngày 12 tháng 1 năm 2003, cũng nhằm ngày Đức Phật Thành Đạo, chúng tôi tiến hành Lễ khánh thành “Việt Nam Phật Quốc Tự”, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Ấn Độ.
Điều vui mừng nhất là hầu hết những người từng đóng góp cho chùa đều có mặt trong dịp này. Nhiều người đã bật khóc vì sung sướng khi tận mắt chiêm ngưỡng thành quả mà chính quý vị đó đã thành tâm cúng dường công sức hoặc tiền của. Trong bao nhiêu năm trời những người này cũng đã cùng Việt Nam Phật Quốc Tự trải qua nhiều thời kỳ sóng gió, lắm lúc bị dao động trước các điều xuyên tạc, phá phách của những người không thiện ý.
Công việc chuẩn bị cho lễ khánh thành cũng khiến tôi hao tâm tổn trí. Bộ cửa gỗ lim cùng các bức tượng Tam Thế Phật được chuyển đi từ Việt Nam đến Kolkata vào cuối tháng 11 năm 2002. Ba tuần lễ sau chuyến tàu cập cảng Ấn Độ, nhưng cả tượng lẫn cửa đều nằm im tại bến do vướng phải bao nhiêu thủ tục nhiêu khê của con rùa hành chánh. Trước lễ khánh thành khoảng hai ba ngày, tôi hầu như ở ngoài đường suốt từ sáng đến tối. Đứng nhìn những container nằm bất động tại bến cảng mà lòng tôi bứt rứt không yên, tiếc rằng những tượng Phật đã vượt ngàn dặm đường xa đến đây rồi mà đành thúc thủ không thể đi tiếp thêm quãng đường mấy trăm cây số để kịp về an vị cho buổi lễ khánh thành. Trong khi đó mọi người tại chùa đều ra vô trông ngóng, tình cảnh lúc bấy giờ quả thật là căng thẳng.
Đến hôm khánh thành bộ cửa vẫn chưa về tới mà tượng cũng không. Vì vậy chúng tôi phải làm lễ với bức tượng Phật bằng đá cẩm thạch nhỏ của chùa Myanmar do Ngài U. Nyaneinda tặng cho tôi. (Hiện nay bức tượng vẫn được đặt tại chánh điện).
Một vấn đề khó khăn khác là khả năng chùa chỉ có thể đón tiếp tối đa 170 khách thập phương, thế mà dịp này có tới gần 300 người Việt Nam đến lưu lại chùa, vì vậy vấn đề chỗ ở rất gay go. Tuần lễ ấy lại đúng vào dịp ngài Đạt Lai Lạt Ma đến thuyết pháp tại Bồ Đề Đạo Tràng nên rất đông Phật tử Tây Tạng và các tông phái khác tập trung về đây. Hầu hết các khách sạn đều không còn chỗ trống. Cuối cùng mọi người chấp nhận ở chen chúc tuy khá chật chội nhưng vẫn vui vẻ thoải mái, nhiều người tự nguyện trải chiếu nằm dưới đất ngủ ngon lành khiến tôi rất xúc động.
Ngôi chùa Việt Nam được hình thành trong sự mầu nhiệm, đó là niềm vui của tất cả mọi người. Thế nhưng lại có một vài người không lấy thế làm vui. Đây cũng là chuyện thường tình, bởi vì trong xã hội bên cạnh nhiều người có tấm lòng tốt, trong sáng thì cũng không thiếu những người trong tâm luôn có ý khác biệt, ganh tỵ, tánh hay phá phách, tánh thích quậy phá người khác làm việc thiện.
Suốt quá trình gian nan xây dựng chùa những người này chưa bao giờ có mặt để tiếp tay việc gì dù nhỏ nhặt, thế nhưng khi mọi việc đã hoàn tất, sắp đến ngày khánh thành thì họ xuất hiện và muốn giành quyền sắp xếp mọi thứ để khẳng định vai trò. Điều đáng nói là họ lại đe dọa nếu không được như ý sẽ tìm cách gây khó dễ. Đây quả là một điều trớ trêu. Đối với những người yếu bóng vía và nhu nhược muốn được yên thân có lẽ sẽ tìm cách tranh thủ, nhượng bộ hoặc dàn xếp mọi cách cho êm thấm để khỏi gặp phiền hà rắc rối. Nhưng riêng tôi thì cũng quen với sự khó khăn nên không hề e ngại mà vững vàng và hoan hỷ chấp nhận khó khăn thử thách nếu chẳng may lại xảy đến. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần nếu mọi việc không êm xuôi tôi cũng sẵn sàng hủy bỏ cả buổi lễ khánh thành, bởi vì thật ra đó cũng chỉ là chuyện hình thức mà thôi. (May mắn vào giờ chót những người này bị nhiều trở ngại khiến cho họ không đến tham dự lễ khánh thành được.)
Những sự việc khá căng thẳng này gây ra nhiều phiền phức cho tôi trong tình cảnh tôi đã có quá nhiều việc để lo cho buổi lễ khánh thành. Chẳng hạn như giải quyết xong việc ở còn phải tính đến chuyện ăn cho khách đến dự lễ. Đầu tiên tôi mong muốn tổ chức nấu ăn theo Việt Nam nhưng trước tình hình rối ren như vậy tôi đã dự định đặt người Ấn đứng nấu và trả tiền theo đầu người. Thế rồi cuối cùng mọi việc tự nhiên được giải quyết một cách thuận lợi và tốt đẹp. Một số vị tăng ni sinh và sinh viên người Việt đang theo học tại New Delhi và các nơi ở Ấn Độ vừa mãn khóa học chuẩn bị về nước, nhưng khi nghe tin có buổi lễ khánh thành chùa bèn tự động dời ngày về rồi cùng nhau đến chùa tham gia nấu ăn và làm mọi việc hết sức chu đáo. Nhờ vậy phần phục vụ ăn uống cho buổi lễ rất thành công mà phần lớn do công lao của quý vị tăng ni sinh và các sinh viên cùng những Phật tử Việt Nam từ các nước về dự lễ đã làm việc tích cực bất kể ngày đêm. Đối với tôi đây chính là một điều mầu nhiệm khi cuối cùng mọi việc được tiến hành theo đúng như mơ ước ban đầu.
Thành phần khách tham dự cũng là một chuyện phải lo nghĩ. Một số thân hữu gồm những người danh tiếng ở các nước đều báo tin sẽ đến dự. Tôi vô cùng trân trọng sự quý mến và lưu tâm của chư vị ấy, nhưng có một khó khăn là tài chính của chùa rất hạn chế, nếu những nhân vật này đến phải lo chỗ ăn ở đàng hoàng nên sẽ tốn kém một khoản tiền lớn.
Chẳng hạn như trong số các vị khách quý có ngài Bulsim Doomon, vị tăng thống uy danh lớn lao của Phật giáo Hàn Quốc. Ngài gửi thư báo rằng sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm 20 người sang dự lễ. Nghe vậy tôi rất e ngại vì cả phái đoàn của Ngài đến thì riêng chi phí chỗ ăn ở thật chu đáo có thể tốn kém đến bảy tám ngàn Mỹ kim. Vì vậy tôi lập tức gửi điện xin lỗi và nói rằng chùa Việt Nam rất nhỏ mà số lượng Phật tử đến quá đông nên không biết phải sắp xếp như thế nào. Ông không trả lời nên tôi nghĩ rằng có lẽ ông đã hiểu được ý của tôi. Không ngờ giờ chót ông xuất hiện cùng với một phái đoàn đông đảo và cho biết cả đoàn ở tại khách sạn năm sao Ashok tại trung tâm thị trấn, khỏi phiền đến chùa phải lo. Tôi vô cùng xúc động trước cách xử sự của Ngài.
Ngoài ra một số nhân vật quan trọng trong chính phủ Ấn Độ cũng ngỏ ý muốn tham dự Lễ khánh thành. Điều trở ngại là họ đi đến đâu đều có lực lượng an ninh bảo vệ rầm rộ, như vậy buổi lễ sẽ không còn mang tính cách thân tình giản dị như ý tôi mong muốn.
Thâm tâm tôi mong muốn tổ chức buổi lễ khánh thành đúng theo truyền thống Việt Nam và trong không khí hoàn toàn thân mật y như một buổi lễ của ngôi chùa làng. Còn nếu như những vị chính khách nổi tiếng, các nhân vật quan trọng xuất hiện thì cuộc lễ buộc phải tiến hành theo đúng nghi thức xã giao. Nhưng tình cờ vài ngày trước thời điểm làm lễ, tại thủ phủ Patna của bang Bihar nơi chùa tọa lạc nổ ra cuộc biểu tình và xô xát. Do tình hình an ninh có phần bất ổn này nên giới chức trách đề nghị các quan chức cùng những nhân vật quan trọng không nên đến dự lễ.
Tóm lại, qua bao nhiêu khó khăn cực nhọc, cuối cùng tôi hết sức vui mừng khi Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật, đã hoàn thành tốt đẹp và hiện nay được liệt vào trong những chùa an lạc nhất tại Bồ Đề Đạo Tràng với khung cảnh hài hòa giữa thiên nhiên với rất nhiều cây xanh.
Ngày khánh thành xong, tôi dường như trẻ lại hai ba chục tuổi, vì từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ rằng có lẽ mình phải tái sanh hai ba đời mới hoàn thành xong ngôi chùa.
Hai ngày sau Lễ khánh thành các bức tượng Phật và bộ cửa mới về đến nơi. Và ngày 25 tháng 1 năm 2003 chúng tôi tiến hành Lễ an vị, buổi lễ diễn ra long trọng gồm mấy chục vị cao tăng đại diện các nước đến tham dự.
Tôi hy vọng đồng bào và Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước khi đến đây cũng chia sẻ cùng chúng tôi niềm tự hào về ngôi chùa mang tên đất nước thân yêu và tìm thấy sự an vui trong tâm hồn. Chúng ta nên tinh tấn tu tập và cùng nhau thành tâm cầu nguyện cho tình thương và lòng độ lượng ngày càng được phát triển mạnh để xoá tan mọi đau khổ, hận thù, nghi kỵ, để tất cả mọi người ở đất nước Việt Nam cũng như trên toàn thế giới được sống trong hoà bình, an vui.
HT Thích Huyền Diệu