Một năm sau Việt Nam Phật Quốc Tự lại hân hạnh đón tiếp thêm một nhân vật đặc biệt khác là cậu Lê Văn Lý ở tại Toronto (Canada). Tôi gặp cậu trong lần nói chuyện tại chùa Hoa Nghiêm của hòa Thượng Thích Thiện Nghị tại Toronto nhưng không có ấn tượng gì sâu đậm lắm. Rồi tôi về lại Ấn Độ. Một buổi trưa hè tháng Năm bỗng nhiên có tiếng kèn xe hơi inh ỏi trước cổng chùa. Tôi lấy làm lạ bước ra hành lang tầng hai nhìn xuống thì thấy một thanh niên khoảng ngoài 30 tuổi mặc bộ đồ veston màu trắng, mang đôi giày cũng trắng với túi xách trên vai. Tôi ngạc nhiên không hiểu ai đến cái xứ nghèo nàn này vào mùa nóng mà lại ăn diện sang trọng như vậy nên lên tiếng hỏi:
- Ai đó?
- Thưa thầy, con.
- Con là ai?
- Thưa thầy con là Lý.
- Lý nào?
- Dạ thưa thầy, Lý ở Toronto.
- À, vậy hả?
Tôi bèn xuống mở cửa nhưng vẫn chưa nhớ ra cậu là ai. Cậu cười vui vẻ:
- A! Thầy không nhớ con nhưng con nhớ thầy.
Tôi hướng dẫn cậu vào, chưa kịp ngỏ lời mời cậu đã tự nhiên quăng túi sang một bên rồi tự kéo ghế ngồi xuống:
- Mẹ nội! Thầy ở cái xứ gì mà nắng nôi cực khổ quá vậy? Con từ Canada phải mất hết năm ngày mới đến được đây, rủi ro đồ đạc mất hết chỉ còn vỏn vẹn cái túi này. Con mang theo hai va li trong đó có đủ thứ đồ đem cho thầy vậy mà bây giờ hành lý bị lạc rồi, may còn lại chiếc túi xách tay này, trong có chai nước tương và hai hũ chao. Thầy mạnh không?
Cảm giác đầu tiên của tôi là cậu này không được bình thường cho lắm. Cậu rùng mình:
- Thật hú vía, về tới đây con mới biết mình còn sống! Hồi sáng chiếc taxi chở con chạy bạt mạng khiến con sợ thất kinh hồn vía, chỉ còn biết nhắm mắt mà niệm Phật. Lúc xuống xe ở đây mồ hôi con tuôn đầm đìa.
Thấy tôi lặng thinh cậu nói tiếp:
- Qua đến đây mới thấy thương thầy, xứ gì mà khắc nghiệt quá. Thầy ngồi đây cho con thưa chuyện. Con định cư tại Canada được mười mấy năm rồi. Bây giờ con sang đây gửi biếu thầy ít tiền xài chơi. Còn đây là tiền con cúng chùa. Bây giờ con có nhiều chuyện muốn nói với thầy lắm, thầy có thì giờ không?
- À, thầy cũng không rảnh lắm. Thôi bây giờ con vô tắm rửa rồi mình vừa ăn cơm vừa nói chuyện.
Tắm rửa xong Lý nói:
- Thưa thầy đồ đạc của con mất hết rồi, chỉ còn lại bộ đồ đang mặc. Xin thầy cảm phiền cho con mượn áo quần để thay.
Tôi vào trong lấy bộ đồ nâu may kiểu Ấn Độ, cậu mặc vào đi tới đi lui ngắm nghía rồi lắc đầu chê:
- Mặc bộ quần áo Ấn Độ này khó coi quá, xấu hoắc à.
Rồi Lý kể chuyện rằng từ hồi nhỏ đã có ý muốn đi tu nhưng vì hoàn cảnh không thực hiện được. Lớn lên cậu vẫn ôm ấp hy vọng được đặt chân lên đất Phật, mãi cho đến nay mới thực hiện được ước mơ ấy. Rồi Lý nói:
- Bây giờ sang được đất Phật rồi, con xin thầy giúp cho mấy điều. Thứ nhất xin thầy cầu nguyện cho con khi trở về Canada làm việc thì thân mạng an toàn, cây cối đừng rớt xuống đầu con.
(Thì ra Lý đang làm về xây dựng, có mấy người bạn bị cây ngã đè chết nên có vẻ bị ám ảnh về chuyện này).
- Điều thứ hai là con đang dự tính học nghề châm cứu. Xin thầy cầu nguyện cho con học thành tài để cứu nhân độ thế. Điều thứ ba, con thú thật với thầy khi qua Canada tất cả bạn bè con đều làm ăn khấm khá, duy chỉ có mình con vẫn còn lận đận. Con chỉ mới mua được chiếc xe và căn nhà nhỏ, vì vậy sắp tới đây con tính đổi nghề. Con có mấy người bạn làm nghề câu tôm rất thành công, xin thầy cầu nguyện cho con câu được nhiều tôm.
Tôi bật cười:
- Hai chuyện trước thì còn được, riêng chuyện thứ ba sát sinh thầy không thể cầu cho con được.
Lý thất vọng ra mặt, ngồi buồn bã một hồi rồi chép miệng:
- Thôi thầy biểu dẹp thì con đành dẹp chứ biết sao bây giờ.
Tôi hỏi:
- Còn điều nào nữa không?
- Thưa thầy còn một điều nữa là xin thầy xuống tóc cho con.
Tôi đồng ý. Lúc đó thiền sư Thông Hải ở Hawai, đệ tử của hòa thượng Thanh Từ ở Việt Nam, hành hương sang Ấn Độ và đang ở tại chùa. Tôi bèn nhờ thầy Thông Hải xuống tóc cho Lý. Thầy vui vẻ nhận lời, có lẽ thầy nghĩ rằng bỗng nhiên nhân dịp đến đất Phật mà lại thu nhận được đệ tử cũng là một phước duyên. Không hiểu hai bên trao đổi thế nào mà thầy Thông Hải trở lên nói với tôi:
- Thưa thầy cậu Lý chỉ muốn xuống tóc chứ đâu có đi tu.
- Thì tôi cũng nói cậu ấy muốn xuống tóc chứ đâu có nói cậu định đi tu.
Sau đó thầy Thông Hải cạo đầu cho Lý. Lý đi tới đi lui sờ vào đầu có vẻ không hài lòng rồi lầm bầm nói:
- Cạo cái đầu trọc lóc coi xấu hoắc.
Tôi góp ý:
- Nếu thấy xấu thì cứ lấy nón đội lên chứ có gì đâu.
Trước đó mấy ngày có cháu Lan, một sinh viên ở tại Anh cũng sang chiêm bái đất Phật. Vừa mới gặp nhau Lý vui vẻ hỏi:
- Em tên gì vậy?
- Dạ em tên Lan.
- Ồ, anh chính là Điệp đây. Thật là hữu duyên sao mà Lan và Điệp gặp nhau nơi cảnh chùa.
Cậu ta đùa cho vui vậy thôi chứ thật ra cậu là người rất đứng đắn, dễ thương và có lòng. Lý nấu ăn rất ngon nên giành làm chuyện bếp núc, những ngày cậu lưu lại chùa mọi người được dịp thưởng thức những bữa cơm hết sức ngon miệng.
Mỗi tối tôi thường tụng kinh rất lâu. Lý quỳ phía sau lâu quá cũng mỏi nên cứ lấy tay đập thùm thụp vào lưng. Tôi quay lại nói:
- Thôi con về ngủ đi.
Nhưng Lý lắc đầu và tiếp tục ngồi lại. Lát sau cậu thì thầm:
- Thầy tụng nhanh nhanh chứ sao mà tụng lâu quá.
- Con cứ về phòng trước đi chứ ở đây làm gì?
- Con không muốn bỏ thầy ngồi một mình tội nghiệp!
Ban ngày tôi nhờ Lý soạn giúp tài liệu, hễ bữa nào công việc hơi nhiều cậu lại than thở:
- May là thầy nhờ con làm ở đây, chứ nếu ở Toronto thì con bắt thầy trả công làm ngoài giờ rồi.
Sau thời gian ngắn lưu lại chùa, Lý bịn rịn từ giã tôi trở về Canada. Sau đó có lần tôi đến Montreal, Lý chịu khó lái xe từ Toronto đến thăm và chở cho tôi 10 thùng táo. Hiện Lý đã có vợ và bốn đứa con. Thỉnh thoảng thầy trò hội ngộ, thấy tôi vất vả Lý lại trách:
- Mọi việc cũng do thầy mà ra.
- Con nói tại thầy là sao?
- Hồi con sang Ấn Độ phải chi thầy nói một tiếng thì con đã ở lại tu luôn rồi. Bây giờ vợ con đùm đề như vầy làm sao đi tu được nữa để mà đỡ đần cho thầy một tay!
Thôi thì tuy không giúp được nhưng một câu nói tình nghĩa cũng đủ làm cho tôi ấm lòng. Bởi vì cũng có một số ít người tuy chẳng làm gì cả nhưng đi đâu cũng vỗ ngực xưng tên rằng mình đã đóng góp hậu hĩ cho chùa. Một số người khác đến chùa lúc mọi việc đã hoàn tất, phòng ốc sẵn sàng, họ chỉ phụ làm một số việc lặt vặt mà đã vội cho mình là công thần. Tất nhiên đó chỉ là một số trường hợp cá biệt, còn đa phần chư vị đến chùa là những người có tâm, mọi việc họ làm đều xuất phát từ lòng thành và trí sáng. Nhờ vậy nên trong những lúc gian nan nhất tôi vẫn không chùn bước mà vững tâm vượt qua.
HT Thích Huyền Diệu