Ðến đây có người hỏi: "Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ là Bồ-tát chứ chưa thành Phật mà sao có thể hiện thân Phật để nói pháp được! Ðó chẳng phải mạo xưng là Phật sao?"

-Không phải đâu! Nhân vì Bồ Tát Quán Thế Âm trong vô lượng kiếp về quá khứ đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh. Sau khi thành Phật, Ngài vì không quên chúng sanh nên mới trở lại thế giới này, ẩạn giấu thân Phật mà hiện thân Bồ-tát để cứu giúp chúng sanh. Ðó gọi là "ẩn lớn hiện nhỏ." La-hán là "hồi Tiểu hướng Ðại;" Bồ Tát Quán Thế Âm là "hồi Ðại hướng Tiểu." Ngài từ thân Phật lại "quay ngược thuyền Từ," cũng như người ta nói: "Quay xe trở lại," mục đích là để cứu vớt chúng ta là những chúng sanh đau khổ.

Cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm tuy bề ngoài hiện thân Bồ-tát, kỳ thật bên trong ngầm chứa Phật hạnh. Ẩn bên trong là hạnh nguyện của chư Phật, hành vi của chư Phật. Ðó là lý do tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hóa hiện thân Phật để thuyết pháp cho chúng sanh, chớ không phải mạo xưng là Phật để dối gạt chúng sanh.

Tiếp đó Ðức Phật lại bảo: "Ðáng dùng thân Bích-chi Phật để được độ thoát, liền hiện thân Bích-chi Phật để nói pháp độ họ."

Bích-chi Phật là tiếng Phạn (Pratyekabuddha), nói đủ là "Bích-chi-ca-la," dịch là Duyên-giác. Duyên-giác lại có hai thứ: Những vị sanh vào thời có Phật ra đời thì gọi là Duyên-giác; những vị sanh vào thời không có Phật gọi là Ðộc giác. Khi có Phật ra đời, do tu Thập Nhị Nhân Duyên mà ngộ đạo. Vị ấy quan sát tại sao có Vô minh? Vô minh tại sao lại có Hành? Tại sao có Thức? Có Danh sắc? Có Lục nhập? Làm sao lại có Xúc? Rồi có Thọ? Sau Thọ lại có Ái? Có Ái lại có Thủ? Nhân vì có Hữu cũng lại có Sanh? Có Sanh rồi lại có Lão, Tử? Cả ngày quán sát tới lui mười hai nhân duyên như vậy, biết rằng tất cả đều là Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, nên tất cả đều buông bỏ, và do đó mà khai ngộ. Do quán mười hai nhân duyên mà ngộ đạo nên gọi là Duyên-giác. Vào thời không có Phật, vị ấy cũng tu mười hai nhân duyên này; mùa Xuân quán thấy trăm hoa đua nở, mùa Thu vạn vật héo tàn, quán xét các trạng thái biến hóa tự nhiên nên giác ngộ được Sanh, Trụ, Dị, Diệt, Thành, Trụ, Hoại, Không; các thứ hình sắc thảy đều là vô thường, cũng nhân đó mà được giác ngộ, gọi là Ðộc-giác. Do vì sanh ra vào thời có Phật hay không Phật mà gọi là Duyên-giác hay Ðộc-giác mà thôi.

Bồ Tát Quán Thế Âm nhờ có Thiên nhãn chiếu thấy, Thiên nhĩ nghe xa, biết được chúng sanh nào đáng dùng thân Bích-chi Phật để được độ thoát thì hiện ra thân Bích-chi Phật để nói pháp Thập Nhị Nhân Duyên cho họ nghe, như là: "Anh có biết Vô minh là từ đâu mà có không? Chính là từ chỗ một niệm bất giác của anh mà có. Do một niệm bất giác, cho nên trong Như Lai Tạng Tánh của anh phát sanh ra Vô minh. Ðã có Vô minh thì sanh tiếp ra Hành, ..." Ðối với chúng sanh như thế, Ngài dùng thân Bích-chi Phật để nói pháp độ họ thì khiến cho họ khai ngộ giác đạo. Sau đó mới dạy họ phát tâm Bồ-đề, hồi Tiểu hướng Ðại.

Ðáng dùng thân Thanh-văn để được độ thoát, liền hiện thân Thanh-văn nói pháp độ họ. Thế nào gọi là Thanh-văn? Thanh-văn cũng là một vị La-hán, Duyên-giác cũng là một vị La-hán, thuộc về hàng Nhị thừa. Thanh-văn, thì "Thanh" là tiếng tăm, "Văn" là nghe thấy, có nghĩa là nghe thấy lời Phật nói mà ngộ đạo. Phật nói những lời gì? Nói pháp Tứ đế, do nghe những lời này mà ngộ đạo, nên gọi là Thanh-văn.

Tứ đế là gì? Là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Ðức Phật Thích-ca đầu tiên ba lần chuyển pháp luân Tứ đế cho năm vị Tỳ-kheo nghe. Bấy giờ các vị Kiều Trần Như, hãy còn chưa xuất gia, sau khi được Phật nói pháp cho nghe, mới xuất gia làm Tỳ-kheo. Tại vườn Nai Phật nói với họ: "Ðây là Khổ có tánh bức bách, đây là Tập có tánh chiêu cảm, đây là Diệt có tánh khả chứng, đây là Ðạo có tánh khả tu."

-Ðây là Khổ có tánh bức bách: Là nói Khổ này có tính bức bách mạnh mẽ, khiến người chịu không nổi. Khổ có Khổ khổ, Hoại khổ, Hành khổ. Lại có tám thứ: Sanh khổ, Lão khổ, Bịnh khổ, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm xí thạnh khổ. Những thứ khổ ấy bức bách con người xoay chuyển không nổi, thở không ra hơi, suốt ngày bực bội. Tấùt cả vấn đề đó đều do khổ sanh ra, cho nên nói Khổ có tánh bức bách.

-Ðây là Tập có tánh chiêu cảm: Tập là chứa nhóm tích tụ. Cái gì tích tụ với nhau? Phiền não tích tụ với nhau. Tại sao có phiền não? Tại vì có "Khổ." Trước hết có khổ, khi bị khổ áp bức chịu không nổi mới sanh ra phiền não, phát sinh ra giận dữ. Vì thế nói phiền não này có tánh chiêu cảm, là do chứa nhóm mà thành. Ðó cũng là từ Khổ mà có Tập.

-Ðây là Diệt có tánh khả chứng: Diệt là tịch diệt, tịch diệt cả vô minh phiền não. Thứ an lạc của tịch diệt này là diệu quả của Niết-bàn, là thứ có thể chứng đắc được.

-Ðây là Ðạo có tánh khả tu: Thứ Ðạo này mọi người đều có thể tu, không một ai nói là không thể tu được. Bất cứ người nào cũng đều có thể tu đạo, bất cứ người nào cũng đều có thể chứng được lý thể Niết-bàn. Ðó là lần Chuyển pháp luân thứ nhất.

Ðức Phật chỉ là hiện thân thuyết pháp giảng nói pháp Tứ đế cho năm vị Tỳ-kheo ấy nghe, tiếp theo Phật lại chuyển pháp luân lần thứ hai: "Ðây là Khổ các ông nên biết, đây là Tập các ông nên đoạn, đây là Diệt các ông nên chứng, đây là Ðạo các ông nên tu." Nói rằng "Khổ này không phải chỉ riêng ta thành Phật mới biết, mà các ông cũng phải biết nó là Khổ. Các ông cũng phải dứt trừ Tập đế, phải nên cầu chứng diệu quả Niết-bàn, cũng phải nên tu hành thứ Bồ-đề giác đạo này."

Ðức Phật chuyển pháp luân lần thứ ba: "Ðây là Khổ ta đã biết, đây là Tập ta đã đoạn, đây là Diệt ta đã chứng, đây là Ðạo ta đã tu." Những Khổ này ta đã biết, Tập này ta đã dứt trừ. Ta đã biết Khổ này nên không bị Khổ làm mê. Ta đã dứt hết phiền não, cũng không còn Tập đế nữa. Diệt này ta đã chứng đắc rồi, ta đã được niềm vui tịch diệt chân chánh. Ðạo này ta đã tu xong."

Năm vị Tỳ-kheo ấy nghe Phật diễn nói ba lần chuyển pháp luân Tứ đế xong, tức thì được khai ngộ. Nhân nghe tiếng Phật thuyết pháp mà ngộ đạo nên gọi là Thanh-văn. Thanh-văn và Duyên-giác gọi là Nhị-thừa, cũng gọi là Tiểu-thừa. Có Tiểu thừa cũng có Ðại-thừa. Sao gọi là Ðại, sao gọi là Tiểu? Thật ra không có Ðại mà cũng không có Tiểu, chỉ vì tâm chúng sanh có Ðại có Tiểu mà thôi. Xưa nay tâm lượng rộng lớn khắp hư không pháp giới, nhưng phàm phu chúng ta không biết dùng Như Lai Tạng Tánh sẵn có của chính mình. Có người chỉ dùng một phần nhỏ, có người dùng được phần lớn, có người dùng cả toàn bộ. Chư Phật thì có thể dùng được toàn bộ, vì đã phản bổn hoàn nguyên rồi. Bồ-tát có thể dùng được một phần lớn, vì các ngài có trí huệ rộng lớn nên có thể dùng được số nhiều của báu trong gia tài Như Lai Tạng Tánh sẵn có của chính mình. Sự hiểu biết của hàng Tiểu thừa rất ít cho nên dùng được ít. Vì thế nên Bồ Tát Quán Thế Âm gặp được cơ duyên người đáng dùng thân Thanh-văn để được độ thoát, thì hiện ra thân Thanh văn đến nói pháp Tứ đế cho họ nghe.

Ðáng dùng thân Phạm vương để được độ thoát, liền hiện thân Phạm vương đến nói pháp độ họ.

Phạm vương chính là Ðại Phạm Thiên Vương, Hoàng đế của trời Ðại Phạm. Phạm có nghĩa là thanh tịnh. Vị ấy làm vua trên trời cảm thấy rất tự tại. Bồ Tát Quán Thế Âm cũng hiện thân Ðại Phạm Thiên Vương đến để nói pháp cho nghe.

Ðáng dùng thân Ðế Thích để được độ thoát thì hiện thân Ðế Thích đến nói pháp độ họ.

Ðế Thích (Shakra), mà trong Kinh Di Ðà gọi là Thích-đề-hoàn-nhơn (Shakra Devanam Indrah), trong Ðạo giáo gọi là Ngọc Hoàng Ðại Ðế. Vị Ðế Thích này không phải chỉ có một mà có rất nhiều. Chúng ta biết rằng có một cõi trời tên là Tam thập tam (hay Ðao Lợi). Ðế Thích của cõi trời Tam thập tam cũng chính là Thiên chúa (God) của một số người tín ngưỡng.

Trong chú Lăng Nghiêm có câu: "Nam mô Nhân-đà-ra-da." Nhân-đà-ra-da cũng là tên gọi của Thiên chúa. Những sự việc ở trên trời đều do vị Ðế Thích này thống lãnh và quản lý, vì thế năng lực của vị này rộng lớn phi thường, quyền lực và thần thông cũng to lớn; nhưng vị này chỉ có thể ở trên trời, mà mạng sống của trời rồi có lúc cũng chấm dứt. Bồ Tát Quán Thế Âm thấy có vị Ðế Thích nào cơ duyên đã thành thục, bấy giờ Ngài mới hóa hiện thân Ðế Thích đến nói pháp cho họ nghe. Tại sao phải hóa làm thân Ðế Thích để nói pháp cho họ nghe? Vì là đồng loại sẽ dễ dàng tiếp nhận sự khuyến hóa hơn. Cũng giống như nhân loại chúng ta vậy, bất luận là người ở giai cấp nào thì đối với giai cấp đó dễ dàng kết thân hơn. Người buôn bán thì kết thân với người buôn bán, người đi học thì kiếm người đi học mà kết thân, người học Phật thì kết thân với người học Phật, người cờ bạc thì kết thân với người cờ bạc, kẻ cướp thì kết thân với kẻ cướp. Ấy gọi là:

-"Vật cùng loại dễ hợp, người cùng việc dễ quen."

Vì những quan hệ ấy nên Bồ Tát Quán Thế Âm thường hiện ra thân đồng loại với chúng sanh, thị hiện các phương tiện khiến cho các chúng sanh ấy dễ dàng được hóa độ. Nhưng Bồ Tát Quán Thế Âm không những chỉ dùng thần thông biến hóa để hiện thân thuyết pháp và không nhất định theo tiếng kêu cứu mới ứng hóa, mà thậm chí còn phân thân đến cõi này để làm người, cũng tu học Phật pháp rồi mới giáo hóa vô lượng vô biên chúng sanh. Ví như đối với hạng học sĩ, Bồ Tát Quán Thế Âm hóa thân làm một vị giáo sư diễn nói Phật-pháp cho họ nghe, từ từ dẫn dụ khiến cho một số học giả lần lần có cảm tình hướng đến Phật-pháp, bỏ nghi thêm tin, rồi phát tâm quy y, thọ trì một giới, hai giới, năm giới, cho đến mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh của Bồ-tát. Sau đó họ lại nương theo pháp môn của Bồ Tát Quán Thế Âm để tu hành, biến thành một Bồ Tát Quán Thế Âm, thế là Bồ Tát Quán Thế Âm lại có thêm một Hóa thân nữa.

Làm sao lại có được ngàn trăm ức Hóa thân? Ðó chính là quý vị mô phỏng theo Ngài, học tập theo Ngài, thì sẽ biến thành Hóa thân của Ngài đó. Cũng như nói "Pháp không định pháp," là pháp không nhất định, không nên chấp trước. Nếu quý vị chấp trước là nhất định, thử hỏi chính quý vị có nhất định là mình có thể không chết không? Nếu quý vị có thể nhất định không chết thì mọi sự việc đều có thể nhất định rồi.

Nếu quý vị nói: "Không thể được, tôi chắc chắn là phải chết!"

Thế thì không có pháp nhất định rồi. Cho nên Phật-pháp cũng là pháp không nhất định. Vì thế, lý lẽ "Thiên bá ức hóa thân" không phải là khó hiểu, chỉ cần quý vị có hằng tâm, nghị lực để học tập theo Bồ Tát Quán Thế Âm, hoằng dương Phật-pháp, cứu độ chúng sanh thì quý vị cũng là Hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Có một trăm người học theo Ngài thì có một trăm Hóa thân, có một ngàn người học theo Ngài thì có một ngàn Hóa thân. Chừng nào có số người chịu bắt chước theo Ngài hoằng dương Phật-pháp thì chừng ấy cũng sẽ có vô lượng vô biên Hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðó là nói theo sự, còn nói theo lý thì khi quý vị thành Phật rồi cũng thực sự có đầy đủ ngàn trăm ức Hóa thân.

Ðáng dùng thân Tự Tại Thiên để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Tự Tại Thiên nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân Ðại Tự Tại Thiên để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Ðại Tự Tại Thiên nói pháp độ họ.

Tự Tại Thiên là gì? Là thiên ma ngoại đạo. Tôi ngày thường nói với quý vị Tự Tại Thiên chính là Thiên chúa của Thiên Chúa giáo và Cơ Ðốc giáo. Ðại Tự Tại Thiên Vương cũng thuộc về loại tôn giáo này. Sự cống cao ngã mạn của họ thật không thể nghĩ bàn, họ nói không có Phật, không có Pháp, không có Tăng, phỉ báng Tam Bảo. Tự Tại Thiên tự cho mình là tối cao vô thượng bậc nhất trên đời. Tại sao lại như thế? Vì y quá tự tại, quá khoái lạc! Nhưng Bồ Tát Quán Thế Âm không lạ gì với hạng chúng sanh này, khi cơ duyên của họ thành thục thì Bồ-tát cũng đến giảng giải Phật-pháp, khiến họ chuyển mê thành ngộ, phản bổn hoàn nguyên.

Ðáng dùng thân Thiên Ðại Tướng Quân để được độ thoát thì hiện thân Thiên Ðại Tướng Quân đến nói pháp độ họ.

Thiên Ðại Tướng Quân đây có hai nghĩa, một nghĩa là làm Ðại Tướng Quân ở nhân gian, còn có một nghĩa nữa là vị thiên thần trên trời. Vị ấy đã hưởng hết phước trời và chuyển xuống nhân gian làm vị Ðại Tướng Quân. Bồ Tát Quán Thế Âm biết nhân duyên của họ đáng được hóa độ thì hiện thân Tướng quân nói pháp cho họ để phá trừ bến mê, giác ngộ vô thường, bỏ hết tất cả lạc thú của thế gian, phát tâm tu hành, cầu chứng được sự an lạc chân chánh vô thượng.

Ðáng dùng thân Tỳ-sa-môn để được độ thoát thì hiện thân Tỳ-sa-môn đến nói pháp độ họ.

Tỳ-sa-môn là tên của một vị trong Tứ Ðại Thiên Vương, cũng chính là vị Thiên vương ở Bắc Câu Lô châu tại phương Bắc. Mỗi đại bộ châu đều có một vị Ðại Thiên Vương, tức là Ðông Thiên Vương, Tây Thiên Vương, Nam Thiên Vương và Bắc Thiên Vương. Ðáng dùng thân Tỳ-sa-môn để dùng Phật-pháp hóa độ thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Thiên Vương để thuyết pháp cho họ nghe.

Ðáng dùng thân Tiểu Vương để được độ thoát thì hiện thân Tiểu Vương đến nói pháp độ họ.

Tiểu Vương là chỉ cho vị vua quản lý một nước, vị này chỉ xưng vương một nước mà thôi. Ðáng dùng thân Tiểu Vương để được độ thoát thì lúc ấy Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân Tiểu Vương đến để nói pháp cho họ nghe.

Ðáng dùng thân Trưởng giả để được độ thoát thì hiện thân Trưởng giả nói pháp độ họ.

Sao gọi là Trưởng giả? Kinh Lăng Nghiêm nói: "Phàm người có đạo đức, có trí huệ, có danh vọng, giòng họ cao sang, tuổi tác lớn, những người lớn tuổi đều ưa thích vị ấy, những người trẻ tuổi đều cung kính vị ấy." Tại sao vị ấy được mọi người đối xử tốt như vậy? Vì vị ấy có tâm từ bi, bình đẳng, đối xử với ai cũng đều một mực nhân từ, nhiệt tâm giúp đỡ, cho nên được mọi người công nhận là "Trưởng giả." Nếu như có người đáng dùng thân Trưởng giả để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Trưởng giả đại trượng phu thật giàu sang đến nói pháp cho họ nghe. Trong chú Ðại Bi, Bồ Tát Quán Thế Âm hiện ra tướng đại trượng phu có râu tóc dài mấy thước, dáng ngồi thẳng ngay, oai phong lẫm lẫm, đó chính là tướng đại phú trưởng giả.

Ðáng dùng thân cư sĩ để được độ thoát thì hiện thân cư sĩ nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân cư sĩ để được độ thoát thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện ra thân một vị cư sĩ đến nói pháp cho vị ấy nghe. Cư sĩ tức là những người còn ở nhà, cũng chính là những người tại gia tin theo Phật giữ gìn năm giới, phụng hành thập thiện. Năm giới là gì? Ðó là năm thứ đại giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Sao gọi là thập thiện? Thập thiện là trái ngược với thập ác. Thập ác tức là thân có ba ác: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Ý có ba ác là Tham, sân, si. Miệng có bốn ác: Vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt.

"Vọng ngôn" chính là nói dối. "Ỷ ngữ" là nói những lời tà vạy không đúng đắn, chuyên môn nói chuyện nam nữ khiến người nghĩ đến việc bất chánh. "Ác khẩu" là cộc cằn mắng chửi người. "Lưỡng thiệt" là một người có hai cái lưỡi. Một người tại sao lại có hai lưỡi? - Thật ra không phải người ấy có hai lưỡi đâu, mà là một cái lưỡi lại nói hai lời không giống nhau. Ðến với người kia nói người này không tốt, đến với người này nói người kia không tốt, bươi móc việc xấu để ly gián hai bên, nên gọi là hai lưỡi. Bốn điều ác của miệng chiếm gần phân nửa, thân và ý mỗi thứ chỉ có ba ác nghiệp mà miệng lại có bốn thứ ác nghiệp. Thân có ba ác, ý có ba ác, miệng có bốn ác cộng chung là mườụi ác (thập ác). Trái ngược với thập ác là thập thiện. Thập thiện chính là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không tham, không sân, không si, không nói dối, không nói thêu dệt, không mắng chửi, không nói hai lưỡi. Không làm ác chính là làm thiện. Làm cư sĩ một mặt phụng trì ngũ giới thập thiện, một mặt phải hộ trì Tam Bảo, ủng hộ Phật-pháp, đề xướng Phật-giáo, khiến cho Phật-giáo mỗi ngày một hưng thịnh hơn. Ðó là trách nhiệm của mỗi vị cư sĩ. Trách nhiệm của người xuất gia chính là hoằng dương Phật pháp.

Ðáng dùng thân Tể Quan để được độ thoát thì hiện thân Tể Quan nói pháp độ họ.

"Tể Quan" tức là chức quan Tể tướng hoặc các chức vị cao khác. Nếu có những chúng sanh đáng dùng thân quan quyền để được độ thoát, thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Tể tướng hoặc người có quyền cao chức trọng đến nói pháp cho họ nghe.

Ðáng dùng thân Bà-la-môn để được độ thoát thì hiện thân Bà-la-môn nói pháp độ họ.

Ðáng dùng thân Bà-la-môn (Bà-la-môn là một đạo ở Ấn Ðộ, chuyên tu phạm hạnh thanh tịnh), để được độ thoát, thì Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ hiện thân Bà-la-môn ngoại đạo đến nói pháp cho chúng sanh ấy nghe, khiến cho họ hiểu biết Phật pháp, y giáo phụng hành, tương lai sẽ thành Phật.

Ðáng dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để được độ thoát thì hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nói pháp độ họ.

Tỳ-kheo là tiếng Phạn, Trung Quốc dịch ra ba nghĩa là:

1. Bố ma: Hễ có người xuất gia tu hành, thọ giới Cụ túc thì quyến thuộc ma ít dần, vì thế khiến ma lo sợ.

2. Khất sĩ: Vị tăng xuất gia, trên xin pháp của chư Phật để nuôi Pháp thân, dưới xin cơm của chúng sanh để nuôi sắc thân.

3. Phá phiền não: Xuất gia tu hành, y lời Phật dạy tu hành có thể phá trừ vô minh phiền não, kiến tánh thành Phật.

Tỳ-kheo-ni là nữ giới xuất gia thọ giới Cụ túc.

Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di là tiếng Phạn, dịch là Cận sự nam và Cận sự nữ. Cận sự là gần gũi phụng sự. Những cư sĩ nam nữ này thường thường gần gũi Tam Bảo, thường đến chùa lễ Phật, tụng kinh, quét dọn, cúng dường phụng sự Tam Bảo, làm các công đức để cầu phước báo. Những thiện nam tín nữ này gọi là Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn thấy những chúng sanh nào có cơ duyên đáng dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để được độ thoát, Bồ-tát liền hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đến thuyết pháp cho chúng sanh ấy nghe.

Ðáng dùng thân phụ nữ của trưởng giả, cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn để được độ thoát liền hiện thân phụ nữ nói pháp độ họ.

Trưởng giả cũng gồm có vợ của trưởng giả; cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn cũng có vợ của họ. Trưởng giả cũng có nữ trưởng giả, cư sĩ cũng có nữ cư sĩ, Tể quan cũng có nữ Tể quan, Bà-la-môn cũng có người nữ Bà-la-môn. Nếu có người đáng dùng các thân phụ nữ để được độ thoát, Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân phụ nữ của trưởng giả, cư sĩ, Tể quan, Bà-la-môn đến nói pháp cho họ nghe.

Ðáng dùng thân đồng nam, đồng nữ để được độ thoát thì hiện thân đồng nam, đồng nữ nói pháp độ họ.

Ðáng dùng tức là "nên," hoặc "cần phải;" do đó ở đây ý nói: "Cơ duyên của người ấy là cần phải hiểu rõ Phật-pháp từ thời niên thiếu." Như Bồ-tát Vi-đà khi xưa phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm thân đồng nam. Lại như Bồ-tát Long Nữ trong đời quá khứ cũng phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm thân đồng nữ, chứ không muốn kết hôn. Ðồng nam, đồng nữ, là những người mà về mặt sinh lý, thân thể không bị phá hoại. Một khi nam nữ khác phái tiếp xúc nhau thì thân thể không còn hoàn chỉnh nữa. Văn pháp Trung Quốc gọi là "Phá thân," tức là thân thể bị xâm phạm, phá hoại. Nếu không có qua hành vi "phá thân" thì thân thể hoàn chỉnh. Ở Trung Quốc có một thứ công phu quyền cước gọi là "Ðồng tử công." Ðồng tử công này muốn luyện được tất phải là thân thể hoàn chỉnh, chưa bị phá hoại. Thứ công phu này một khi luyện thành thì gươm đao chém không đứt, thương đâm không thủng. Tại sao gươm đao đâm chém không thủng? Vì họ "trong luyện một loại khí," tức là họ nương vào một luồng chánh khí trong cơ thể chưa hề bị phá hoại; đồng thời "ngoài luyện gân cốt da," rèn luyện gân cốt và bắp thịt, do đó mà có thể sinh ra tác dụng to lớn như thế.

Trong Phật-pháp, thân đồng nam đồng nữ là thân thể rất thanh tịnh, không bị ô nhiễm; nếu tu đạo hoặc tham thiền thì mau đạt đến kết quả, mau được khai ngộ, chứng được Thiên nhãn thông. Vì thế đồng chơn nhập đạo rất là quý báu. Ðồng nam thuộc về Càn, mà Càn là thuần dương. Ðồng nữ thuộc về Khôn, mà Khôn là thuần âm. Một đàng là thuần dương, một đàng là thuần âm; nói theo Ðạo giáo là thân thể rất thanh tịnh. Bồ Tát Quán Thế Âm quán nhân duyên của người nào đó nếu đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ để tu hành đắc đạo thì Bồ-tát liền hiện ra thân đồng nam, đồng nữ đến nói pháp cho họ nghe, khiến cho họ phát tâm Bồ-đề, mau chóng thành Phật đạo.

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Bồ Tát Quán Thế Âm Và Phẩm Phổ Môn - Vì Sao Bồ Tát Quán Thế Âm Chưa Thành Phật Mà Có Thể Hiện Thân Phật Nói Pháp?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com