Trước khi nghiên cứu phần kinh văn, chúng ta hãy tìm hiểu về danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi tin rằng Quán Thế Âm Bồ Tát rất quen thuộc đối với tất cả quý vị, bởi Ngài là một vị Bồ-tát đại từ đại bi và rất có nhân duyên với chúng sanh chúng ta.
Xem thêm:
Bồ Tát Quán Thế Âm Và Phẩm Phổ Môn - Mười Nhân Duyên Nói Phẩm Phổ Môn
Quán là "năng quán chi trí"- trí huệ năng quán, trí huệ dùng để quán xét. Thế Âm là cảnh giới sở quán-các âm thanh của thế gian chính là cảnh giới được quán xét.
Bất luận âm thanh nào của thế gian, Quán Thế Âm Bồ Tát cũng đều nghe biết cả. Ngài biết rõ từng âm thanh một của mỗi chúng sanh; vì sao? Vì Ngài không ngừng quán sát các âm thanh đó. Suốt ngày, Ngài hết xem xét nơi này lại xem xét nơi khác, tìm xem có âm thanh gì hay không.
Âm thanh vốn phải lắng nghe mới phải, vì sao ở đây lại nói là "xem?" Âm thanh mà có thể "xem," có thể "thấy" được ư? Chúng ta thì không thể, song Quán Thế Âm Bồ Tát thì có thể "thấy" được âm thanh. Ngài nhìn thấy âm thanh như thể chúng được ghi nhận trên màn ra-đa, và mỗi chúng sanh được ký hiệu bằng một ánh chớp nhỏ (blip) trên màn ảnh ra-đa. Ngài có thể theo dõi từng âm thanh của quý vị. Ðó là một cách giải thích.
Lại có thể giải thích rằng: Quán Thế Âm Bồ Tát có khả năng nghe bằng mắt và thấy bằng tai! Mặc dầu chúng ta nói là Ngài quán sát các âm thanh của thế gian, Ngài cũng có thể nghe bằng mắt được! Ngài không chỉ dùng mắt để nhìn mà còn có thể dùng mắt để nghe nữa. Vì sao ư? Bởi vì Ngài có thần thông Lục căn Hỗ dụng. Những người tu hành theo Kinh Pháp Hoa, đạt được cảnh giới Pháp Hoa Tam Muội, hoặc Lục căn Thanh tịnh, đều có được khả năng Lục căn Hỗ dụng; huống hồ là Quán Thế Âm Bồ Tát!
Cho nên, tai của Quán Thế Âm Bồ Tát có thể nói chuyện, có thể ăn uống; mắt của Ngài có thể nghe và cũng có thể suy nghĩ được nữa. Ðó là cảnh giới Lục căn Hỗ dụng mà Quán Thế Âm Bồ Tát đã chứng được từ lâu xa về trước; và nhờ vậy, Ngài có thể quán xét âm thanh của thế gian.
Có lẽ có người thắc mắc: "Tại sao Quán Thế Âm Bồ Tát lại đa sự, muốn ôm đồm nhiều việc quá vậy? Từ sáng đến tối nhọc lòng quán xét âm thanh? Ðể làm gì kia chứ?"
Quán Thế Âm Bồ Tát làm như thế là vì Ngài không thể bỏ mặc chúng sanh như quý vị, tôi, và bao người khác nữa. Ngài xem tất cả chúng sanh như con vậy. Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng khác nào một người mẹ luôn quan tâm đến con cái Ứ luôn để ý xem đứa này có khóc không, đứa kia có đói không, đứa nọ có lạnh khôngẨ, suốt ngày Ngài bận rộn trông nom chúng sanh chúng ta.
Có người thắc mắc: "Như thế thì Ngài giống như baby-sitter sao?"
Ðúng, cũng gần như là vậy. Có điều là Ngài không được trả lương! Ðó là điều thiệt thòi nhất cho Quán Thế Âm Bồ Tát! Chính vì không thể bỏ mặc chúng sanh, nên Ngài muốn quán xét các âm thanh của thế gian, để xem có chúng sanh nào đang chịu khổ sở thì Ngài giải trừ sự thống khổ cho chúng sanh đó, hoặc có loài chúng sanh nào gặp nạn thì Ngài giải trừ tai nạn cho loài chúng sanh đó.
Quán Thế Âm Bồ Tát "tầm thanh cứu khổ"Ứ Ngài lắng nghe tiếng kêu của chúng sanh mà đến cứu họ thoát khỏi khổ nạn. Nếu quý vị đang chịu khổ sở, thì chỉ cần niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, tất quý vị sẽ được "gặp rủi hóa may," và mọi sự được thuận lợi đúng như quý vị mong muốn. Ða số người đời không biết đến diệu pháp này, cho nên khi gặp chuyện nguy hiểm, bất trắc, họ không biết niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nếu lúc gặp hiểm nguy mà quý vị có thể nhớ niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, quý vị sẽ được bình yên vô sự. Nếu quý vị ở trong đám cháy, lửa sẽ không thiêu đốt quý vị. Nếu quý vị té xuống chỗ nước sâu, nước không nhận chìm quý vị. Nếu quý vị không biết bơi, quý vị sẽ thấy mình tự nhiên được tấp vào chỗ cạn. Ðó là do sức cảm ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Lúc nguy cấp, chỉ cần quý vị có thể niệm danh hiệu của Ngài, chắc chắn sẽ được sự cảm ứng và được cứu thoát. Tuy nhiên, quý vị cần phải thật sự có lòng tin; không thể lưỡng lự, bán tín bán nghi được.
Giả sử quý vị bị ở trong đám cháy và vừa niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát vừa hoài nghi: "Có thật là Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ đến cứu mình không? Không có đâu! Làm gì có chuyện mầu nhiệm linh thiêng như thế được!" Vì một niệm nghi ngờ đó, Ngài không thể đến giải nguy cho quý vị được. Tại sao vậy? Bởi vì quý vị không tin, không có tín tâm đối với Ngài! Quý vị cần phải một lòng một dạ thiết tha tin tưởng: "Mình niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài chắc chắn sẽ đến cứu mình!" Hoặc nếu sắp bị cọp dữ vồ bắt ăn thịt, quý vị liền nhắm nghiền hai mắt và niệm "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát..."; bỗng nhiên cọp sẽ không thể hả miệng ra được nữa. Ðó chính là nhờ thần lực của Quán Thế Âm Bồ Tát vậy.
Bồ-tát là "giác hữu tình," kẻ đi giác ngộ chúng hữu tình, giúp họ trở nên giác ngộ. Các ngài cũng là "hữu tình giác," những chúng hữu tình đã giác ngộ. Bồ-tát cũng còn được gọi là "Ðại Ðạo tâm chúng sanh, Khai sĩ, hoăc Hữu thượng sĩ. "
Lúc bấy giờ ngài Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, chắp tay hướng về Ðức Phật mà thưa rằng: "Thế Tôn! Bồ Tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?"
Lúc bấy giờ chính là đương lúc ấy. Ðương lúc ấy là lúc nào? Chính là lúc Bồ Tát Vô Tận Ý ở trên hội Pháp Hoa hỏi về nhân duyên có tên gọi Quán Thế Âm Bồ Tát; cũng chính là lúc này, khi nói xong phẩm Diệu Âm Bồ Tát Bổn Sự, giờ đây là lúc nói Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn. Có vị Vô Tận Ý Bồ Tát. Sao gọi là Vô Tận Ý? Nói chung, có ba thứ vô tận:
1. Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu: Thế giới thì vô lượng vô biên, chúng ta không nên cho rằng thế giới này là cái mà chúng ta mắt thấy tai nghe được, đó là một thứ giới hạn của thế giới thôi. Không phải thế đâu! Thế giới này nhiều đến vô lượng vô biên, có thế giới này, thế giới khác,vô lượng thế giới; cõi nước này, cõi nước khác, vô lượng cõi nước, vô cùng vô tận, cho nên gọi là Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu.
Sao gọi là nhiễu nhiễu? Nhiễu là nhiễu loạn; nhiễu loạn là bất định; bất định cũng có nghĩa là động. Trần có nghĩa là không thanh tịnh, trên thế giới có rất nhiều vi trần. Thử nhìn khi mặt trời mới mọc, trong ánh dương quang thấy vô số vi trần đang lên lên xuống xuống trong không trung, lăng xăng lay động, chợt cao chợt thấp. Những vi trần này từ đâu đến? Bao nhiêu đất bụi ở thế giới này từ đâu có? Xét tận cội nguồn, truy cứu căn nguyên của vi trần này là vấn đề thật quan trọng. Tất cả vi trần này đều từ trong tâm của mỗi chúng sanh hiện ra. Tại sao? Vì trong tâm chúng sanh quá nhiều vọng tưởng. Vọng tưởng giống như vi trần lăng xăng không an, luôn luôn biến động. Chúng ta thử quan sát vọng tưởng nhiều vô số, chúng nhiều đến nỗi không thể tính đếm được. Có đếm cũng không biết là bao nhiêu! Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: "Trong một niệm có chín mươi sát-na." Sát-na là một khoảng thời gian rất ngắn, mà trong một sát-na lại có chín trăm lần sanh diệt, cho nên nói là "Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu."
2. Chúng sanh vô tận nghiệp mang mang: Thế giới là vô biên, nhân vì có thế giới cho nên cũng có chúng sanh. Chúng sanh là do các duyên hòa hợp mà sanh ra. Có rất nhiều thứ do nhân duyên hòa hợp mà sanh, đại khái có bốn thứ: Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh. Tại sao có thai sanh? Thai nhân nơi tình mà có, thai sanh là vì có ái tình, nhân đó mà có ra sanh mạng mới. Noãn nhân tưởng mà sanh, đó là do tưởng mà thành hình. Thấp sanh là nương nơi ẩm ướt mà sanh, ở nơi chỗ có khí ẩm ướt cũng có thể sanh ra. Hóa sanh tức là biến hóa mà sanh ra, đó là sanh mạng tự nhiên biến hóa mà sanh ra chứ không nương vào duyên của cha mẹ. Nói kỹ hơn, có mười hai loại chúng sanh không ngoài tám thứ: Có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có sắc, chẳng phải không sắc, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng. Chúng sanh nhiều như vậy, cứu cánh là từ đâu mà có? Chúng sanh là từ Phật tánh mà ra. Vì thế mới nói: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật." Nhưng chẳng phải là nói chúng sanh chính là Phật, không cần tu hành cũng thành Phật. Nhưng nhất định phải dụng công tu hành tham thiền, học Phật-pháp... thì mới có thể phản bổn hoàn nguyên mới thành Phật được; không phải là nói chúng sanh hiện tại chính là Phật mà chẳng cần phải tu hành. Hiểu một cách đơn giản như thế chính là thứ tà tri tà kiến! Mà là cần phải tu học Phật-pháp, y giáo phụng hành mới có thể thành Phật được.
3. Ái hà vô để lãng thao thao: Ái hà là chỉ tình yêu nam nữ; chẳng những ở nhân loại nói yêu, mà ở dị loại như súc sanh cũng chấp mê không ngộ vì chữ "yêu" này, nhất là súc sanh lại càng không rõ lý hơn, cho nên tâm dâm dục của chúng nặng phi thường. Chúng nó từng giờ từng khắc đều nghĩ tưởng đến việc dâm dục. Nếu có thể sanh tâm quả dục, tự trong sạch tâm mình, cắt bỏ ái dục thì cách việc thành Phật không xa. "Ái hà" này thật không có đáy, càng chìm càng sâu, càng sâu càng chìm xuống nữa, nên là "vô để" (không có đáy). "Lãng thao thao" là thứ sóng dập dồn liên miên không dứt cũng như sóng nước vậy. Tại sao trong nước biển lại có sóng? Bởi vì trong tâm chúng sanh có sóng. Trong tâm chúng sanh có sóng là vì ái hà có sóng. Tâm ái này muốn bứt cũng bứt không đứt. Lại dùng dao bén muốn chặt đứt tình ái cũng không dễ gì. Nhưng nếu quý vị có trí huệ chân chánh thì giải quyết vấn đề này không khó, ấy gọi là "Gươm trí huệ dứt dây tình ái." Người không có trí huệ thì rớt trong biển ái, càng quậy càng sâu. Phải quậy đến bao giờ? Ðó là vì nó không có đáy, càng quậy càng sâu, càng sâu càng quậy, càng quậy càng chìm.
Do ba lý do nói trên nên Bồ Tát Vô Tận Ý muốn biến vô lượng thế giới này thành thế giới Cực Lạc, muốn giáo hóa vô tận chúng sanh đều được thành Phật, lại muốn lấp ái hà không đáy kia thành bằng phẳng. Cho nên Bồ-tát này gọi là Vô Tận Ý.
Bồ-tát là tiếng Phạn nói gọn, nói đủ là Bồ-đề Tát-đỏa. Theo nghĩa Trung Quốc thì "Bồ' là giác, "Tát" là tình. Bồ-đề là giác đạo, Tát-đỏa là hữu tình. Bồ-tát dùng đạo lý giác ngộ để giác ngộ tất cả hữu tình. Ðó là chính mình được khai ngộ, rồi muốn tìm cách dạy bảo mọi người cùng khai ngộ, ấy gọi là tự giác, giác tha. Những vị Bồ-tát này từ đâu đến? Bồ-tát là từ chúng sanh mà đến. Bồ-tát trước kia cũng là chúng sanh, cũng đủ tất cả tánh chúng sanh như chúng ta hiện nay, không có gì khác cả. Nhưng các ngài là người giác ngộ trong chúng sanh, là bậc giác ngộ trong chúng hữu tình, còn chúng ta đây lại là kẻ mê muội trong chúng sanh, hãy còn chưa giác ngộ. Nếu như hôm nay quý vị giác ngộ thì hôm nay là Bồ-tát, ngày mai quý vị giác ngộ thì ngày mai là Bồ-tát. Mà giác ngộ cái gì? Giác ngộ cái vô minh. Nếu quý vị biết vô minh từ đâu đến thì có thể phá trừ nó được ngay, đó là "giác" đấy. Nếu không phá được vô minh thì là "bất giác." Phá được vô minh thì Pháp tánh tự hiện bày, ái hà cũng khô cạn; ái hà khô cạn thì trí huệ hiện tiền. Ðó là giác ngộ đấy. Bồ-tát là giác ngộ hữu tình, mà cũng là hữu tình giác ngộ. Bồ-tát còn gọi là chúng sanh "đại đạo tâm," vì đạo tâm của các ngài rất lớn; còn gọi là Khai sĩ, vì các ngài có thể khai mở tâm ngu si của chúng sanh để hiển bày Phật tánh sẵn có.
Liền từ chỗ ngồi đứng dậy. Ở trên hội Pháp Hoa, Vô Tận Ý Bồ Tát nghe Phật nói Phẩm Diệu Âm Bồ Tát Bổn Sự đã xong, liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi của mình. Tại sao phải đứng dậy? Bất luận ở trong một hội trường lớn nào, khi quý vị muốn nói cần phải đứng dậy trước đã, chớ không thể ngồi tại chỗ rồi đưa tay lên hỏi. Như vậy là quá tùy tiện! Lúc ấy ngài Vô Tận Ý Bồ Tát muốn nói, Ngài chẳng những là đứng dậy mà còn trịch áo bày vai phải nữa. Tại sao phải để lộ vai phải? Ðó là để biểu lộ sự cung kính.
Chắp tay hướng về Ðức Phật. Tiếp theo, ngài Vô Tận Ý chắp hai tay lại mà thưa rằng:
Từ đoạn Lúc bấy giờ Bồ-tát Vô Tận Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, chắp tay hướng về Phật mà thưa thưa rằng là do Tôn giả A Nan khi kiết tập kinh điển viết ra. Ðoạn này dùng để miêu tả nhân duyên của pháp hội này. Bắt đầu từ "Thế Tôn" là lời của Bồ Tát Vô Tận Ý nói.
Thế Tôn! Thế Tôn là bậc tôn quý của thế gian và xuất thế gian. Thế gian và xuất thế gian đều tôn kính Ngài.
Bồ Tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm? Bồ Tát Vô Tận Ý sau khi bạch Thế Tôn, rồi nói: "Bồ Tát Quán Thế Âm có sức oai thần to lớn như thế, có nguyện lực từ bi to lớn như thế - Ngài có thể cứu được bảy nạn, giải ba độc, ứng hai thứ cầu, có mười bốân vô úy, mười chín lần thuyết pháp, thị hiện ba mươi hai ứng thân - do nhân duyên gì mà Ngài được gọi là Quán Thế Âm?" Do nhân duyên gì, cũng chính là hỏi rằng Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong quá khứ đã tu pháp môn gì mà tên của Ngài là Quán Thế Âm?
Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: "Này thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Bồ Tát Quán Thế Âm này nhất tâm xưng danh. Quán Thế Âm tức thời quán xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát."
Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Câu này là Tôn giả A Nan khi kiết tập kinh tạng y chiếu theo văn nghĩa mà viết ra. Thiện nam tử là tiếng Phật Thích-ca xưng gọi Bồ Tát Vô Tận Ý. Phật bảo: "Này Thiện-nam-tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sanh." "Nếu có," là lời giả thiết, là sẽ có mà chưa có, hiện nay chưa có, tương lai có thể sẽ có. Tương lai hoặc là có trăm ngàn vạn ức chúng sanh. Những chúng sanh này gồm có mười hai loại chúng sanh: noãn, thai, thấp, hóa, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng.
Thọ chư khổ não. "Thọ" là gặp phải, thọ chịu. Chữ "chư," nếu hiểu như một trợ động từ, có nghĩa là nhiều và cũng để chỉ các thứ khổ não mà họ phải thọ. Nếu không coi như là một ngữ trợ từ, thì có nghĩa là mỗi một chúng sanh thọ lấy thứ khổ não nào đó.
Những "khổ não" này có nhiều hay ít? Ðại khái có bốn loại:
1. Một người thọ một khổ: Như là câm, người ấy có khổ thì chính người ấy biết, cũng không thể nói cho người khác biết; đó gọi là "người câm nhai hoàng liên" (một loại cây thuốc rất đắng).
2. Một người thọ nhiều khổ: Ví như một người đi đến bất cứ chỗ nào cũng đều gặp phải khổ não, nếu chẳng thiên tai thì cũng nhân họa, nếu chẳng bị giặc cướp thì lại bị hỏa tai. Tất cả những khổ não ở thế gian, người ấy đều gặp phải, đó gọi là "một người thọ nhiều khổ."
3. Nhiều người thọ một khổ: Giống như Việt Nam bây giờ (1968) hiện đang chiến tranh, khi tác chiến, phi cơ oanh tạc, đạn pháo rầm trời, sanh linh đồ thán, thương vong vô số kể, thật là kinh khủng. Nhiều người trong một quốc gia thọ nhận một thứ khổ, đó gọi là "nhiều người thọ khổ." Lại có một thứ nữa, như bịnh dịch lan tràn, rất nhiều người bị thứ bịnh truyền nhiễm ấy uy hiếp làm chết đi sống lại. Thứ khổ não ấy dù chưa phải chết, nhưng mắc phải tật bịnh thì đau khổ phi thường. Ðó cũng là "nhiều người thọ một khổ."
4. Nhiều người thọ nhiều khổ: Ngoài ra lại còn có rất nhiều thứ khổ não khác, nói mãi cũng không hết. Thế giới này là thế giới khổ não, chúng sanh cũng nhiều, khổ não cũng không kém, vậy thì có bao nhiêu thứ khổ não? Thật ra, không thể nào tính đếm được, nói chung là có tám vạn bốn ngàn thứ.
Thế thì khi thọ khổ phải làm sao? Ai cũng có khổ não hết. Ðương lúc chúng ta thọ khổ, luôn luôn phải nhớ kỹ, đừng nên quên Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðương lúc chúng ta thọ khổ, nghe Bồ Tát Quán Thế Âm này thì phải nên nhất tâm xưng danh.
Nghe tức là xưa nay mình vốn không biết. Như tại Mỹ đây, cứu cánh là có bao nhiêu người nghe qua danh hiệu của Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm? Tìm thử xem? Tôi tin rằng toàn cả nước không có đến 1%! Quý vị nghĩ xem, có biết bao nhiêu người không được nghe danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, mà quý vị hiện tại được nghe. "Nghe" cũng có nghĩa là minh bạch hay biết được. Như biết được Quán Thế Âm Bồ Tát với Nhĩ căn viên thông, có ba mươi hai Ứng thân... thần lực tự tại như thế.
Nhất tâm xưng danh: Quan trọng là ở chỗ nhất tâm. Quý vị chớ nhị tâm, tam tâm và lại càng không nên tứ tâm. Quý vị càng nhiều tâm, nhưng không giống với làm việc công đức đâu, càng nhiều càng tốt. Tâm càng nhiều lại càng không tốt. Tại sao? Vì tâm một khi nhiều tức sẽ tán loạn, tán loạn tức là không chuyên nhất, không chuyên nhất thì bất linh, không có công hiệu. Nếu quý vị nhị tâm xưng danh thì không linh ứng, mà tam tâm xưng niệm lại càng không có tác dụng.
Bồ Tát Quán Thế Âm. "Quán" là quán thấy, "Thế" là thế gian, "Âm" là âm thanh. Ðó là vị Bồ-tát quán thấy tất cả âm thanh của thế gian. Tức thời quán xét tiếng tăm kia. Tức khắc quán xét âm thanh của chúng sanh ấy. Ðều đặng giải thoát. Bao nhiêu khổ não đều được giải thoát. Giải thoát có nghĩa là không còn nữa. Không còn khổ não nữa thì thế nào? Thì được an vui. Sự giải thoát này cũng là đạt đến tự do thực sự, không còn bị bó buộc, vô quái vô ngại.
HT Tuyên Hóa